Thơ Trần
Chấn Uy mạnh mẽ, hừng hực, say cháy đến hết lòng. Thơ ông nặng về tâm cảm. Nếu
nói theo cách nói của Blok - nhà thơ lớn người Nga thì thơ ông “như khói phải bốc
lên”.
THƠ LÀ NGƯỜI
(Đọc “Người về từ nẻo cỏ may” của Trần Chấn Uy, NXB Hội Nhà văn 2022)
ĐẶNG
HUY GIANG
“Dẫu
bao nhiêu lâu, kỷ niệm vẫn không già” - điều ấy một lần nữa, lại được thực chứng
qua phần đầu của “Người về từ nẻo cỏ may” - tên tập thơ mới của nhà thơ Trần Chấn
Uy. Những “kỷ niệm không già” ấy là cái đã qua không bao giờ trở lại, là ký ức
cố hương, cụ thể hơn là ký ức làng của riêng một người.
Đây là những câu thơ thật đẹp, thật nên
thơ, rất gợi, rất giàu sức sống, phản ánh đời sống của làng, về làng và đương
nhiên là không dễ viết: “Thả cọng rơm vào ống tre đầu hồi nhà/ Đôi chim sẻ cùng
nhau xây tổ ấm/ Có những buổi chiều đi rất chậm/ Trong tiếng chim bìm bịp từ một
cánh rừng xa” (“Tản mạn với hồn quê”); “Làng ngái ngủ, con chích choè dậy sớm/
Mặt ao chuôm lũ gọng vó chèo thuyền/ Chuyến tàu sớm, tiếng còi chọc tiết lợn/ Mặt
trời tung chăn, ửng đỏ phía hừng đông” (“Hồn quê”); “Đồng xa lúa chửa, đòng ngậm
sữa/ Hứa hẹn chân chiêm ruộng giát vàng/ Bãi vắng, ma trơi vừa nhóm lửa/ Cua đồng
cởi yếm lả lơi trăng (“Đêm ở làng”).
Đây cũng là những bức tranh quê sống động,
giàu màu sắc, hình khối, lại rất đặc trưng, mà người vẽ ra chúng là người ưa
quan sát, thích phát hiện, vừa có tài, vừa có tình.
Nói như B. Brecht - nhà thơ lớn người Đức
thì chỉ có ai nghĩ rằng: “Không nơi đâu thánh hiện/ Bằng chính quê hương mình”
mới vẽ được những bức tranh như thế! Cho nên, trong con người Trần Chấn Uy lúc
nào cũng ngân vang một tiếng gọi từ trong sâu thẳm và thường trực: “Cố hương
ơi! Người luôn gọi tôi về” (“Tản mạn với hồn quê”). Nỗi vắng xa hay là nỗi xa
cách đau đớn đến mức: “Đến cỏ dại cũng một màu tê buốt/ Ngõ nhà người dấu guốc
đã rêu xanh” (“Chùa Am”) và “Chiều cố
hương, hoàng hôn như máu đỏ/ Tôi một mình thảng thốt dọc bờ sông” (“Về thăm
sông La”). Càng thánh thiện hơn khi nơi ấy còn có mẹ.
Với Trần
Chấn Uy, không có gì có thể thay thế vai trò của mẹ. Và mẹ lớn trong ông đến mức:
“Mẹ đi rồi trái đất bỗng vắng tanh” (“Tết này chúng con vắng mẹ”). Với Trần Chấn
Uy, làng quê cũng như con sông quê, luôn đợi ông trở về: “Sông vẫn đợi một người
xa biền biệt/ Đã nhiều năm chưa về tết cố hương” (“Nhớ quê”). Lại là người xa
quê biền biệt nên có nhớ quê cũng là điều
tất yếu. Rồi ở nơi xa ấy và từ nơi xa ấy, nỗi nhớ quê của Trần Chấn Uy vừa mãnh
liệt, vừa xa xót đến cùng kiệt: “Thương nhớ đến tận cùng gan ruột/ Ngọn gió nào
thổi lạnh kiếp ly hương” (“Quê nghèo”). Trong nỗi nhớ như vô cùng, vô tận ấy, tất
nhiên không thể thiếu một người. Đây là những câu thơ được viết thật hay về người
ấy trong “Bài thơ về Tùng Ảnh”:
Lâu lắm
người xưa không về giặt áo
Bến Tam
Soa in bóng những con đò
Bờ sông
gió, còng lưng cây hoa gạo
Áo thanh
xuân bạc trắng ngày về
Với tôi, “Người về” là một tứ thơ trọng vẹn,
mang “chất” Trần Chấn Uy rõ rệt nhất, đậm nét nhất. Bài thơ như một thân phận
trong một thân phận, như một số phận trong một số phận người:
Người về từ
nẻo cỏ may
Con chuồn
chuồn ớt làm cay mắt chiều
Gần tàn một
kiếp rong chơi
Buôn mưa,
bán gió, bao nhiêu lỡ làng
Con đò ghếch
mũi sang ngang
Cô đơn lèn
chặt một khoang nắng đầy.
Cho nên, không phải vô cớ mà câu đầu của
bài thơ này: “Người về từ nẻo heo may” trở thành tên của tập thơ.
Thơ yêu trong “Người về từ nẻo cỏ may” cũng
không thiếu. Mà đây có phải “vùng cấm” đâu nhỉ? Ở đời, yêu có lắm khi cũng cần
thiết như ăn, như uống, như thở...vậy thôi! “Chuyện ấy” đã từng được nữ sĩ Hồ
Xuân Hương - “Bà chúa thơ nôm” biến tục thành thanh và lặp đi lặp lại nhiều lần
trong thơ như một sở trường độc đáo có một không hai. Riêng Trần Chấn Uy tỏ ra
tinh tế trong những câu thơ hay một cách kín đáo mà vẫn gợi cảm, tình tứ.
Đây là 4 câu thơ được trích từ “Yêu 1”:
Lơ thơ cồn
vắng miên man cỏ
Sóng đẩy
triều dâng hổn hển bờ
Hừng hực
ngựa anh trèo eo gió
Nhễ nhại
thuyền em nhấp nhổm gò...
Đây là 4 câu thơ được trích từ “Thơ tình
mùa đông”:
Đáy của địa
ngục và đỉnh của thiên đường
Em trôi
dài như sông
Trắng trắng
và trắng
Anh chìm
chìm và chìm...
Cập nhật với thời cuộc, Trần Chấn Uy cũng
phát hiện ra sự vô cảm đáng sợ trong tình yêu: “Những mối tình chẳng cần gặp mặt/
Những cuộc chia ly không nước mắt” (“Tình yêu thời Internet”). Có lẽ, cũng chưa
có ai viết về cách ly trong đại dịch Covid 19 giỏi, đúng và trúng như Trần Chấn
Uy bằng hai câu ngỡ ngắn gọn không thể ngắn gọn hơn, ngỡ giản dị không thể giản
dị hơn trong “Đại dịch”: “Tôi cất tôi trong phòng vắng” và “Tôi cất tôi vào
phòng vắng”. Gọi tên sự vật với đúng tên gọi của nó, như thế, cũng đáng gọi là
tài.
Đáng mừng là trong “Người về từ nẻo cỏ may”,
Trần Chấn Uy sở hữu nhiều câu thơ tài hoa, lại sâu sắc, ấn tượng, ít nhiều có
tâm trạng, đọc lên là nhớ, thậm chí nhớ dai dẳng. Có thể tạm thống kê: “Vớt
bóng thuyền quyên chìm đáy nước/ Ta tìm hư ảo tháng ngày xanh” (“Bóng giai
nhân”); “Đành dứt áo phù vân phiêu bạt/ Lạt dẫu mềm không buộc nổi hư vô” (“Lạt
dẫu mềm không buộc nổi hư vô”); “Cà phê cũng vô thường/ Như nụ cười răng khểnh/
Ta khuấy trời vào biển/ Tiễn nhau về hư không” (“Cà phê răng khểnh”); “Ta về luỵ
gió qua sông/ Giọt mưa bay trắng cánh đồng phù du” (“Giật mình thiên hạ đã sang
thu”); “Sông Lam chảy đôi bờ sương khói/ Bến phù du đưa tiễn kiếp người” (“Tết”);
“Người ấy hững hờ bờ đê gió/ Rỗng cả chiều đông đôi mắt đen” (“Kiếp sau nếu có,
thôi đừng đến”)...
Thơ Trần Chấn Uy mạnh mẽ, hừng hực, say
cháy đến hết lòng. Thơ ông nặng về tâm cảm. Nếu nói theo cách nói của Blok -
nhà thơ lớn người Nga thì thơ ông “như khói phải bốc lên”. Và nói theo cách nói
của dân nhà võ thì có lúc, ông đã lấy vô chiêu để “ra” những độc chiêu trong
thơ.
Sinh thời, học giả Phan Kế Bính từng dạy (đại ý): Thơ, nói cho cùng là tính tình, tư tưởng và khả năng trau dồi ngôn ngữ. Trong đó, tính tình được xếp đầu tiên. Tính tình chính là cá tính, nói đầy đủ hơn là cá tính sáng tạo của nhà thơ. Từ tính tình mà sinh ra tạng người, tạng thơ. Bởi thế cho nên, khi đọc “Người về từ nẻo heo may” của Trần Chấn Uy, nếu có nói “thơ là người”, thiết tưởng không có gì là quá đáng.