Đến với tập thơ Nỗi Niềm của Phạm Hữu Lý người đọc bị cuốn hút và đồng cảm với tác giả qua nhiều câu thơ tài hoa. Đó là nỗi niềm đầy trăn trở về nhân sinh. Hoặc đó là nỗi niềm trong tình yêu quê hương đất nước và thiên nhiên.


Nỗi Niềm của nhịp điệu và mầu sắc

VƯƠNG TÂM

Nỗi Niềm là tập thơ thứ tư (NXB Hội Nhà văn-2022) của nhà thơ Phạm Hữu Lý đến với bạn đọc đậm dấu ấn nghệ thuật lãng mạn cùng với sự ảo diệu trong mỗi thi phẩm. Một trăm bài thơ của tác giả nặng trĩu tâm tư, tình cảm và nỗi xúc động dâng trào. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp sự bất ngờ của nhà thơ ở mỗi tứ thơ độc đáo cùng với cấu trúc chặt chẽ cô đọng. Đó cũng là những Nỗi Niềm sâu sắc về cuộc đời về gia đình và tình yêu. Ở mỗi đề tài quen thuộc Phạm Hữu Lý luôn để lại những câu thơ hay và những từ ngữ gợi cảm phiêu linh. Đúng như cố thi sĩ Lê Đạt đã từng nói “Chữ bầu lên nhà thơ”. Nỗi Niềm đã thể hiện được điều đó trong sự khám phá tìm tòi mới lạ qua mỗi đề tài mà tác giả thể hiện. 

Tập thơ có sự tập trung khá đa dạng ở những mảng đề tài như Mẹ và Quê hương, Tình yêu hay những Triết lý nhân sinh; Hoặc những cảm nhận về Thời gian, Thiên nhiên và Âm nhạc. Những cảm xúc của nhà thơ dồi dào và quấn quýt hòa tan với những suy tưởng bất ngờ. Điều đó tạo nên những nốt lặng trong bản nhạc của cuộc đời mà ai cũng đã từng trải nghiệm.

 Đặc biệt hình tượng người mẹ luôn gây chấn động tâm hồn nhà thơ với những biểu tượng cao cả như đất nước, tổ quốc linh thiêng. Đó là cầu nối liên tưởng khái quát mang âm vang của hùng ca nhưng lại được thể hiện qua hình ảnh thấm đẫm nỗi đau về mẹ: “Chỉ khóc thầm đứt ruột tiền chồng con đi đánh giặc/ Hy sinh! Cho làng quê mình sống hạnh phúc yên bình” (Mẹ ta). Hay như cũng trong bài thơ đã làm day dứt người đọc ở hình ảnh: “Gia tài mẹ là tấm thân gầy gò, liêu xiêu, bé tý/ Đôi chân trần, sần, sẹo, chênh vênh…”, Vậy mà “Những người mẹ Việt Nam” ấy đã chắt chiu từng đồng bạc lẻ hay từng đấu thóc “Để nuôi lớn những anh hùng, vĩ nhân!..”. Hình ảnh người mẹ còn được đậm sâu trong hình ảnh “ngủ ngồi ru con” trong bài thơ “Lời con ru mẹ”, hoặc những cảm xúc trẻ thơ ùa về trong “Chiều thu nhớ mẹ” và “Hóng mẹ” rằng:

“Nơi tha hương nhớ mẹ

 Đẫm một chiều thu mưa”.

Đó chính là câu thơ hay và gây ấn tượng khó quên với bạn đọc. Hình ảnh “Đẫm một chiều thu mưa” cùng hình ảnh chiếc bánh đa như “Miếng trăng giòn rụm thơm tho” thật gợi cảm lắng sâu về tấm lòng người con khi nhớ mẹ da diết. Dường như hình ảnh về người mẹ luôn hiện về và hòa nhập với cảm xúc mỗi khi nhà thơ nhớ tới quê hương. Trong bài thơ “Dông bão chiều thu” tác giả đã để lại những câu thơ thật tài hoa:

“Chênh vênh từ phía cô liêu

 Thèm nghe tiếng Mẹ ru yêu vỗ về

 Tóc tiêu sương muối cận kề

 Mà dông bão vẫn bốn bề quanh tôi”.  

Chùm thơ về mẹ tác giả còn những bài thơ khác với nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi như: “Nơi khởi nguồn mùa xuân”, “Tim con đỏ một nén nhang”, “Những ngôi chùa của mẹ”…Đó chính là một mảng thơ sâu đậm nặng trĩu tâm tư của tác giả đồng thời cũng thể hiện nguồn cảm hứng thi ca giầu năng lượng của thi sĩ với những trải nghiệm trong đường đời.

Đáng chú ý tập thơ đã truyền cảm hứng cho bạn đọc ở mảng thơ tình khá thú vị ở những cung bậc cảm xúc đằm thắm và giầu chất âm nhạc. Giai điệu của thơ luôn vang lên qua hình ảnh như: “Võng này xưa Mẹ ru Anh/ Nay ru Em giấc mơ làng giữa quê/ Trời xanh mơ gió trưa hè/ Biển xanh sóng vỗ mơ về cố hương” (Em về nơi ấy), hay đây thơ mộng và ẩn dấu tâm trạng: “Dẫu chiều thu lạnh rơi sương/ Vẫn yêu vẫn khát mùi hương xuân về” (Chỉ thương sợi tóc); hoặc da diết trong tâm hồn thi nhân:

 “Anh muốn cùng em nhâm nhi chén nắng cuối hè

 Kẻo mai mốt thu sang lại ươm vàng nỗi nhớ

 Lại khát khao như cơn mưa rào thác đổ

Lại thèm thuồng lửa đốt trái tim yêu”

(Nỗi niềm tháng bảy).

Thơ tình của Phạm Hữu Lý đầy ẩn ý và tìm ra được những tứ mới. Anh đã vượt qua những liên tưởng xưa cũ và tìm được cách thể hiện riêng của mình. Đó là dấu lặng trong âm nhạc. Cái sắc sắc không không ấy mang dấu ấn của thiền tự vô ngôn trong thi ca. Hình ảnh của thi sĩ tự nó ẩn giấu những ám ảnh hàm súc:

“Bản giao hưởng đời Anh mỗi đêm là nốt lặng

 Nốt lặng kia Anh bỗng nhận ra Em

 Có trái tim yêu trăm năm còn cháy đỏ”

(Có một bài thơ).

 Thơ của Phạm Hữu Lý không chỉ bay bổng trong âm thanh mà còn hòa tan trong những cảm nhận của màu sắc và hương vị đồng nội. Người đọc đồng cảm với tác giả ở những liên tưởng độc đáo: “Bạc đầu thảng thốt cơn mê/ Hôn bờ mặn một lời thề sắt son/ Muốn ôm hôn nữa hôn thêm/ Thương bờ nước mắt ngày đêm biển đầy” (Lời của sóng). Riêng nụ hôn lên bàn tay người thương tác giả cũng có những điều ẩn dấu tâm tư thầm kín khi thốt lên: “Lạ lùng lắm đấy em ơi/ Lòng anh mãi nghẹn ở nơi tay mình” (Nhớ bàn tay em).

 Tình yêu của nhà thơ còn hòa tan với thiên nhiên trải qua bốn mùa luôn bất ngờ: “Chao ôi!/ Em đốt anh đến héo/ Rực suốt trăm năm nắng trưa hè” (Hè); Đáng chú ý nhà thơ Phạm Hữu Lý luôn lấy lấy điểm tựa là thiên nhiên để bày tỏ tình cảm và mỗi hình ảnh luôn dịu dàng chảy trong tiết điệu âm nhạc trong câu từ. Do vậy nhà thơ có những mạch nguồn rất nhuần nhuyễn với sự tìm tòi có giá trị:

 “Sợi gió mong manh giăng tơ lụa

 Bện se bao nỗi chiều thu sang

 Hong khô năm tháng đời chua ngọt

Bứt lá vàng rơi mục thời gian”

 (Sợi gió heo may).

  Phải nói câu thơ “Bứt lá vàng rơi mục thời gian” thực sự đắt giá và đem lại cảm xúc mới lạ cho người đọc.

 Những câu thơ hay của Phạm Hữu Lý đều có dấu ấn của thi pháp tượng trưng luôn hòa đồng giữa nhịp điệu thanh âm và sắc màu kỳ thú. Thông qua những tứ thơ khá dị biệt của nhà thơ người đọc đã đón nhận những câu thơ có những liên tưởng mới lạ. Tác giả đã dẫn người đọc hòa đồng với những bến bờ thi ca qua những bài thơ như: “Nhớ bàn tay em”, “Có một bài thơ”, “Thoắt cái”, “Mót tuổi”, “Hương mùi”; Hoặc bạn đọc còn nhớ tới “Nỗi sợ của anh”, “Tim tôi”, “Nỗi niềm tháng bảy”, “Giọt lửa thơm”, “Đón trăng”…Ở những bài thơ này Phạm Hữu Lý thể hiện sự tài hoa của mình qua những hình ảnh đẹp và gợi cảm. Đó là những góc cạnh của Nỗi Niềm với nhiều góc khuất của tâm hồn. Người đọc rất xúc động với thi phẩm “Nỗi niềm mùa đông” với những câu thơ nhói lòng:

 “Ta run rảy xuýt xoa đếm tựng giọt gianh đêm đông rơi uể oải

Khắc khoải gậm nhấm nỗi cô đơn tiếc nuối

Tính tuổi còn lại của đời mình bằng những chiếc lá bàng úa đỏ

Nghe tuổi già liêu xiêu chạm ngõ…”.

 Với những nỗi cô đơn tiếc nuối trong đường đời nhưng tác giả vẫn chan chứa những hy vọng và nỗi niềm nhân sinh qua những câu thơ: “Dù Bản Giao Hưởng Nhân Sinh đan chéo những bè trầm/ Ta vẫn muốn làm tiếng vĩ cẩm như tiếng sơn ca hót chào Mùa Xuân mới”. Đây là bài thơ đậm chất tự sự chan chứa nỗi niềm rét buốt nhưng vẫn thấm đẫm tình yêu thương.

“Chữ bầu lên nhà thơ” quả nhiên đúng với sự trải nghiệm du ca lãng mạn cùng những biểu tượng đầy khao khát của Phạm Hữu Lý. Đây đó ta luôn tràn ngập hứng thú với anh ở những câu thơ mộng mị tâm hồn. Đó là hình ảnh “Những giọt nhạc gầy” trong bài (Tiếng đàn khuya); hoặc “Để em vò võ chờ nhau trắng bờ” của bài (Lời bờ cát); hay đâu đó là “Nỗi nhớ mi ai đánh rơi trên ngọn cỏ” thuộc về giai điệu (Hát về ngọn cỏ); và đây nữa “Thoắt cái Thu vàng ngập sân/ Thoắt cái Đông đầy sương tuyết/ Thoắt cái bạc đầu chồn chân” trong bản nhạc bốn mùa mà nhà thơ đã cất lời (Thoắt cái). Sự tìm tòi trong bài thơ “Mót tuổi” của nhà thơ cũng gây bất ngờ với những khổ thơ hay:

“Lom khom tôi cố

 Lượm từng phút giây

Xếp vào trong bị

 Mong sao thật đầy

 

 Khát khao được gánh

 Trĩu đôi vay gầy

 Có thêm ngày mới

 Ngắm trời mây bay”.

 Hoặc trong bài “Hà Nội sang thu” cũng xuất hiện những câu thơ tài hoa để bạn đọc nhớ ngay khi mới đọc lần đầu. Bạn đọc hẳn sẽ yêu “Tiếng ve thôi nức nở giọng khô gầy”; thêm nữa sẽ là “Một nửa giọt mưa tiễn mùa hạ đi hoang/ Nửa còn lại nghiêng sang thu nhè nhẹ”; và còn nữa hình ảnh “Phổ cổ buông rèm ngập lá vàng bay”. Đó là bước sang thu đầy mê ly của những nhịp điệu và mầu sắc của tác giả tạo nên bức tranh huyền ảo như bức họa “Mùa thu vàng” của Lê Vi Tan (Nga) vậy. Phải nói những bài thơ về mùa thu là sự thành công rất ấn tượng của nhà thơ Phạm Hữu Lý.

 Đến với tập thơ Nỗi Niềm của Phạm Hữu Lý người đọc bị cuốn hút và đồng cảm với tác giả qua nhiều câu thơ tài hoa. Đó là nỗi niềm đầy trăn trở về nhân sinh. Hoặc đó là nỗi niềm trong tình yêu quê hương đất nước và thiên nhiên. Và còn đó là nỗi niềm về tình yêu trong sáng thủy chung phải vượt qua những thử thách gian nan. Thơ của Phạm Hữu Lý tổng hòa được nghệ thuật hiện đại và lãng mạn qua những câu thơ ngắn gọn súc tích.

Nhà thơ thể hiện phong cách nghệ thuật qua những câu thơ tài hoa. Chúng hòa tan sự tương ứng các giác quan trong thi ca hiện đại. Đặc biệt trong Nỗi niềm nổi bật về cá tính âm nhạc và hội họa. Những câu thơ của Phạm Hữu Lý đan xen nhiều tầng cảm xúc và thực sự đem lại cho thơ những cảm nhận mới lạ. Bên cạnh đó với cấu trúc ngắn gọn và thăm thẳm nỗi niềm thơ Phạm Hữu Lý còn phần nào có sự hiện diện của màu sắc của “Thiền thi”. Bởi thơ anh đã “Ngộ” được những khoảnh khắc và sự cay đắng của cuộc đời. Nhà thơ nhanh chóng tạo hình sinh động qua những trạng huống mà anh đã giác ngộ, bừng vỡ và sáng tỏ chân lý. Đó chính là sự thành công đáng kể của nhà thơ Phạm Hữu Lý. Hy vọng những Nỗi niềm nhân sinh sẽ tìm được sự chia sẻ đồng điệu sâu rộng trong tâm trí bạn đọc.