Họa sĩ Bửu Chỉ đã rời xa dương gian 20 năm, tác phẩm của ông được giới mộ điệu góp lại thành triển lãm ‘Tay níu thời gian’ khai mạc chiều 11/12 tại TP.HCM.


Họa sĩ Bửu Chỉ (8/10/1948 - 14/12/2002) là một trong những gương mặt mỹ thuật cố đô tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng nửa sau thế kỷ 20. Họa sĩ Bửu Chỉ từng là Tổng Thư ký Hội sinh viên Sáng tác Huế trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhiều lần bị giam cầm ở các nhà tù chế độ cũ.

Những tác phẩm mang tinh thần tranh đấu nổi tiếng của họa sĩ Bửu Chỉ có thể kể đến “Tiếng thét từ lòng đất”, “Khát vọng hòa bình, Ta phải thấy mặt trời, Một tuổi thơ chưa kịp lớn”, “Bầy quạ chiến tranh, Người nữ tù, Phá xiềng xích”...

Sau ngày non sông thống nhất, họa sĩ Bửu Chỉ tiếp tục vẽ và có không ít tác phẩm rất được yêu thích. Họa sĩ Bửu Chỉ đột ngột ra đi ở tuổi 54, khiến đồng nghiệp và công chúng tiếc nuối. Đúng 20 năm họa sĩ Bửu Chỉ vắng bóng trên dương gian, giới mộ điệu đã gom góp hơn 30 tác phẩm của ông để tổ chức triển lãm “Tay níu thời gian” tại REI Artspace (371/4 Hai Bà Trưng, Quận 3, TP.HCM) từ ngày 11/12/2022 đến ngày 04/1/2023.

Nhà sưu tập Đỗ Viết Tuấn cho biết: “Chúng tôi là những hậu bối, bước vào làng mỹ thuật khi Bửu Chỉ đã rời xa nhân thế từ lâu, nên triển lãm Tay níu thời gian được thực hiện với lòng ngưỡng vọng một tài năng, một cá tính riêng. Những vụng về, thiếu sót trong việc thực hiện chắc chắn sẽ có, nhưng hãy vì tình yêu mến dành cho Bửu Chỉ mà chỉ bảo, lượng thứ cho chúng tôi. Điều tuyệt vời nhất của Tay níu thời gian là toàn bộ tác phẩm đã có một hành trình minh bạch, từng thuộc sở hữu của những bộ sưu tập uy tín, nên sẽ là dịp để công chúng chiêm ngưỡng”.   

Những tác phẩm quy tụ trong triển lãm “Tay níu thời gian” được họa sĩ Bửu Chỉ sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu trên giấy, canvas, vải bố, bột giấy trên vóc… Ngoài các tác phẩm và câu chuyện hội họa của họa sĩ Bửu Chỉ, triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng cuốn sách nghệ thuật cùng tên Tay níu thời gian, phiên bản giới hạn, gồm tiểu sử của Bửu Chỉ, các tác phẩm và các bài viết về ông. Cuốn sách một phần nào đó giúp cho độc giả trẻ bước sâu hơn vào cuộc đời, các mối quan hệ cũng như là phong cách, nguồn cảm hứng sáng tác của ông



Sinh thời, họa sĩ Bửu Chỉ quan niệm: “Sáng tạo nghệ thuật là nỗ lực tạo lập thế cân bằng tâm linh cho con người khi cuộc sống vốn ngắn ngủi và chông chênh”. Vì vậy, xem triển lãm “Tay nói thời gian”, người yêu tranh cảm nhận được những tiếng thở dài của số phận biểu hiện qua đường nét và sắc màu.

Một người đồng hành sáng tạo khá gần gũi với họa sĩ Bửu Chỉ là họa sĩ Đinh Cường (1939-2016) từng có những đánh giá thấu đáo rằng, tiềm năng và tiềm tính trong tranh sơn dầu Bửu Chỉ càng thăng hoa, ông đã đi bước đi ngàn dặm. Tranh ông mang tính triết lý và thơ mộng, thường dùng bố cục có suy tính (composition raisonnée), chú trọng cách xếp đặt, về những đường lực thế nào cho nhịp nhàng, mạnh mẽ và tạo dáng bằng những đường viền chắc chắn, không gian tranh được đắp dày rất kỹ.

Ồng cũng sử dụng ánh sáng như một phương tiện diễn đạt tư tưởng, cảm xúc, có thể quan niệm như lối chói sáng trên sân khấu, và thường chú tâm đến khối thể, cũng vì thế tranh của Bửu Chỉ rất gần với điêu khắc.

Họa sĩ Bửu Chỉ, bằng nghệ thuật suy ngẫm, khám phá cho công chúng thấy rằng, từ những nụ hoa hải đường hồng tía đến những cây đèn dầu thô sơ, những bình vôi, ly cà phê đổ, que diêm tắt, từ chim bồ câu cho đến chân dung Chúa, Phật… đều hiện xuống tác phẩm của ông đầy quyến rũ.

Họa sĩ Bửu Chỉ đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

                                         T.H