Dịch văn học Việt ra nước ngoài phải được thực hiện bài bản, vì không chỉ gửi gắm mơ ước của giới cầm bút mà còn mang theo kỳ vọng của công chúng.


Dịch văn học Việt ra nước ngoài là một cách quảng bá cần thiết. Dịch văn học Việt ra nước ngoài, lâu nay dù là nhu cầu nóng bỏng nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu. Hầu hết các tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh... đều nhờ cơ duyên quen biết nào đó, chứ không phải nằm trong một dự án giao lưu văn hóa cấp quốc gia.

Mỗi người tự dò dường để dịch văn học Việt ra nước ngoài, nên nảy sinh không ít câu chuyện dở khóc dở mếu. Mới đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một trong những tác giả có trình độ ngoại ngữ điêu luyện đã hốt hoảng kêu lên về một bản dịch tiếng Anh là “hãi hùng”.

Với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Tôi nhận được một bạn đọc gửi cho bìa sách của một tác giả thơ Việt Nam được dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở nước ngoài. Xem nội dung bìa sách thì tập thơ này có thể được in ở Mỹ hoặc Canada. Nhưng đó là một thứ tiếng Anh hãi hùng.

Mới ít chữ trên bìa sách mà quá nhiều lỗi sai cả về chính tả lẫn văn phạm. Dịch như thế này thì đã trực tiếp giết chết tác phẩm cho dù tác phẩm đó hay đến thế nào trong bản tiếng Việt. Đấy là chưa kể đến nếu những tác phẩm được chọn dịch lại trung bình hoặc yếu kém.

Tôi không thể tin lại có một nhà xuất bản hay một tạp chí nước ngoài lại có thể tệ hại đến như thế. Vậy nhà xuất bản hay tạp chí như thế có tồn tại thật không, và ở đâu? Cho dù người dịch và giới thiệu tập thơ mà tôi vừa đề cập có thiện chí như thế nào thì cũng đã làm tổn thương nghiêm trọng nền văn học Việt Nam”.

Dịch văn học không khéo sẽ thành diệt văn học. Theo quan điểm của Nghiêm Phục (1853-1921) mà nhiều người tâm đắc, thì dịch văn học phải tuân thủ ba yếu tố “tín, đạt, nhã”.

Tín là tiêu chuẩn cho rằng dịch thuật chuẩn là quan trọng nhất. Người dịch cần tôn trọng và trung thành với nguyên tác. Yêu cầu về mặt nghĩa của văn bản đích cần có độ chính xác rất cao, không quá sai khác so với văn bản nguồn.

Đạt là tiêu chuẩn phải đảm bảo tính mạch lạc, dễ hiểu. Một văn bản dịch phải khiến người đọc lĩnh hội được thì mới gọi là thành công.

Nhã là tiêu chuẩn thẩm mỹ. Một bản dịch chuẩn, dễ cảm nhưng cũng phải uyển chuyển và mang vẻ đẹp ngôn từ.

Thế nhưng, thực trạng dịch văn học ở nước ta đang xuất hiện tình trạng “làm dịch vụ”, như một nhà văn tiết lộ: “Nhiều người rủ rê tôi in sách, in bài lên các trang nước ngoài. Ban đầu, tôi cứ tưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau này tôi thấy nghi ngờ vì sao Hội Nhà văn Việt Nam lại làm đơn giản vậy? Một bài được dịch và in nước ngoài phải có thời gian, đằng này đưa bài cho họ hôm trước, hôm sau đã lên mạng rồi”.

Bảng giá “làm dịch vụ” như sau, chi phí dịch một truyện ngắn là 1,5 triệu đồng, một tập truyện ngắn hơn 200 trang phải mất số tiền 80 triệu đồng. Còn thơ thì chi phí dịch một bài là 200 ngàn đồng, một tập thơ song ngữ khoảng 45 bài phải mất số tiền 30 triệu đồng.

Phía “làm dịch vụ” tuyên bố tác phẩm dịch ra nước ngoài được phát hành toàn thế giới. Nghe có vẻ to tát, nhưng thực ra rao bán trên mạng chính là phát hành toàn thế giới đấy. Quan trọng là có ai chú ý không, có ai mua không, có ai đọc không...

Ở các nước phương Tây, xuất bản là một ngành công nghiệp, không có kiểm duyệt gì cả. Cứ trả tiền thì họ in, hay dở mặc kệ. Cho nên, các tác giả ảo tưởng dịch văn học ra nước ngoài sẽ có giá trị gì đó thì hơi ngây thơ.

Nhà văn Trần Đức Tiến ngao ngán trước hiện tượng bát nháo dịch văn học ra nước ngoài kiểu dịch vụ kiếm ăn, và bày tỏ: Tôi vẫn nghĩ viết văn bằng tiếng Việt, thì trước hết là để cho người Việt đọc. Anh có tài không, văn anh có hay không, có thể nhận biết qua cái “thang giá trị”: tác phẩm trước hết có được các báo, các nhà xuất bản sử dụng hay không; sau đó là phản hồi từ bạn đọc về tác phẩm; rồi sách được in nhiều hay ít, bán đắt như tôm tươi hay ế thiu ế chảy…

Tình hình “khả quan” đến một mức nào đó, có lẽ mới nên nghĩ đến chuyện xuất ngoại, mở rộng “thị phần” người đọc, khẳng định vị thế, khuếch trương ảnh hưởng... Chứ in trong nước, vài ba trăm bản, giỏi lắm nghìn rưỡi, hai nghìn còn chẳng mấy ai để mắt, thì dịch ra Tây, ma nó đọc. Hay lại nghĩ Tây nó thông minh hơn mình, nó hiểu người Việt tiếng Việt hơn mình, thẩm văn giỏi hơn mình?

Hiện đã có cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ quảng bá văn học Việt ra thế giới. Mình nghĩ, nếu làm việc một cách đàng hoàng, bài bản, có trách nhiệm, thì cơ quan, tổ chức đó phải tìm cách giới thiệu được ra nước ngoài những tác phẩm, tác giả tiêu biểu trước tiên. Xác định những tác giả, tác phẩm đó bằng cách nào để thuyết phục được công chúng, là việc không quá khó.

Chi phí thực hiện có thể từ nguồn kinh phí nhà nước (nếu nhà nước thấy cần phải làm), và cũng có thể từ các nguồn tài trợ, xã hội hóa… khác. Thậm chí, nhà văn được chọn (trong danh sách tác giả, tác phẩm tiêu biểu được thông báo công khai), cũng có thể bỏ tiền túi ra, nếu có nhu cầu quảng bá cho mình, tương tự như bỏ tiền in sách. Lúc ấy chắc sẽ chẳng có điều ong tiếng ve gì. Và lúc ấy, việc quảng bá mới ít nhiều có ý nghĩa tích cực.

 Tư nhân cũng có quyền làm công việc quảng bá văn học, miễn không vi phạm pháp luật, và hoàn toàn có thể làm tốt. Rất hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu chỉ mượn cái chiêu bài quảng bá, vin cớ “thuận mua vừa bán”, tệ hơn nữa mang danh cơ quan, tổ chức, để trục lợi cá nhân; của ngon vật lạ lờ đi, đem cỏ rả ra đãi thiên hạ, thì tội to chứ công cán gì?”.

                                        NNVN