90 năm sau, “Tình già” chỉ còn mang ý nghĩa kiểu “lịch sử của vấn đề”, mang giá trị thiên về “văn học sử”. Và đương nhiên, nó đã thuộc về lịch sử, thuộc về ngày hôm qua.


 

TÌNH GIÀ

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:

– “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;

Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”

– “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?

Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!

Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung”

Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;

Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi!

                                                  1932

 

     Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh cho rằng: Nếu coi Tản Đà là người gặp gỡ giữa thơ cũ và thơ mới, thì bằng “Tình già”, Phan Khôi được coi là người mở màn cho “Thơ mới” (1932 - 1941). Có lẽ thời điểm bắt đầu  của “Thơ mới” được tính từ năm 1932 do “Tình già” đăng lần đầu trên Phụ NTân Văn vào ngày 10/3/1932. 

     Theo tôi, nói “thơ cũ” và “thơ mới”, phân biệt “thơ cũ” và “thơ mới” trong giai đoạn này, chủ yếu là để định danh hơn là định tính. Vì thơ, nói cho cùng, một khi đã hay, thì không còn là “thơ cũ” hay “thơ mới” nữa. Cũng như ta cần phải phân biệt giữa thơ hiện đại và thơ viết của người đang sống ở thời hiện đại. Thơ hay lúc nào cũng mới và hiện đại, cho dù nhà thơ sinh ra cách nay đã lâu hoặc rất lâu. Còn thơ của những người đang sống ở thời hiện đại, có khi lại dở, cũ, bất cập và không hiện đại chút nào.

    Tôi đã từng đọc một tuyển thơ lục bát cách đây đã lâu do Nguyễn Bùi Vợi chủ biên, được ấn hành qua Nhà xuất bản Giáo dục. Đọc xong, chỉ nhớ “Vịnh cây thông” của Nguyễn Công Trứ với: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” và “Sông lấp” của Trần Tế Xương với: “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”.

Nói cách khác: Chỉ hai bài thơ này có tác động nhiều đến tôi, làm tôi không khỏi giật mình. Một người sinh năm 1778 mất năm 1858 (cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19), một người sinh năm 1870 mất năm 1907 (cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20), vậy mà có ảnh hưởng đến độc giả hơn nhiều nhà thơ sinh sau hoặc đang còn sống ở thế kỷ 20, 21.

    Chán kiếp làm người đến như thế và thương nhớ quá khứ đến như thế, thì hỏi có mấy người đã diễn đạt và biểu lộ mạnh mẽ trong thơ như Nguyễn Công Trứ, như Trần Tế Xương? Đây là hai áng thơ giản dị mà sâu sắc, giản dị mà khó làm. Giản dị mà sâu sắc, đã là thách đố. Giản dị mà khó làm, còn là thách đố lớn hơn nhiều. Chúng cũng như hai tiếng thở dài trong thơ không dứt trong cái cõi người nhiều bi kịch mang nghĩa phổ quát. Đây cũng là hai áng thơ đầy tâm cảm, đầy tâm sự, đầy nỗi niềm, lại hàm chứa.



    Trở lại với “Tình già”. Đây là một bài thơ nặng chất tự sự, chính xác hơn là nặng về kể lể. Có một câu chuyện kể về hai người yêu nhau và không muốn “tới bến”, vì “tình thương nhau thì vẫn nặng” nhưng “lấy nhau hẳn là không đặng”. Sớm ngăn ngừa “để đến nỗi tình trước phụ sau”, họ nói với nhau “chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau”.

Lý do họ đổ thừa là bởi “ông trời bắt đôi ta phải vậy” và “ta chỉ là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thuỷ chung”. Câu chuyện bắt đầu từ “hai mươi bốn năm xưa” và kết thúc vào “hai mươi bốn năm sau”. Chuyện chấm dứt cốt để “ôn lại chuyện cũ mà thôi” và còn gửi lại chút tình tứ, chút luyến tiếc cho có vẻ có hậu một: “Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt có đuôi”.

    Ý thơ không mới. Hầu như không có câu nào đáng gọi là thơ và hay. Bài thơ được triển khai bằng hình thức văn xuôi hoá, không vần điệu, được coi là “thơ tự do”. Bài thơ bình thường, thậm chí rất bình thường. 90 năm sau, đọc lại, vẫn không có gì phải đáng bàn lắm. Đấy là đối với những người làm thơ và đã có tuổi hoặc cao tuổi, còn với những người không làm thơ, lại còn trẻ, chắc hẳn sẽ quên tiệt?

   Cũng trong Thơ Mới, việc này, được Hồ Dzếnh (1916 - 1991) giải quyết rất nhanh trong hai câu thơ trong “Ngập ngừng”: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp khi còn dang dở”. Hay dở bàn sau, nhưng hai câu này nếu rút gọn thành một câu: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, chắc sẽ dồn nén hơn, gọn ghẽ hơn và chuẩn hơn. “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” - chính là nói đến vẻ đẹp của tình yêu trong hành trình tới đích. Không phải “tới đích” mà “hành trình tới đích” mới làm nên vẻ đẹp khác thường và hấp dẫn của tình yêu.

   Chín mươi năm sau, “Tình già” chỉ còn mang ý nghĩa kiểu “lịch sử của vấn đề”, mang giá trị thiên về “văn học sử”. Và đương nhiên, nó đã thuộc về lịch sử, thuộc về ngày hôm qua. Và lý do tôi viết bài này không phải vì “Tình già”, mà vì nhân kỷ niệm 90 năm Thơ Mới và trong lúc có nhiều người nói và bàn lại về thơ mới.

                                           ĐẶNG HUY GIANG