Nghệ sĩ có sinh quyển tốt hơn, người đầu tư sẽ sẵn lòng chi trả nhiều hơn. Và vấn đề nên được chú tâm giải quyết chính là phát triển sinh quyển cho những nghệ sĩ hàn lâm chứ không phải chăm chăm chê trách sự bất công vốn dĩ không phải do nghệ sĩ giải trí tạo ra.


SINH QUYỂN CHO NGHỆ SĨ

VĂN ĐOÀN

Chỉ trong vài ngày vừa rồi, tôi đối diện 2 câu chuyện liên quan tới 2 đồng nghiệp của mình trong lĩnh vực âm nhạc. Và 2 câu chuyện đó, với sợi dây kết nối mong manh, lại khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.

Cô bạn thân sẽ cưới chồng vào tháng 12 tới, và cô muốn có 1 đám cưới ấm cúng, sang trọng, nhưng nhỏ gọn với ít khách mời. Cô nhờ tôi tìm giùm nhạc công chơi nhạc thính phòng ở cả hai phần: đón khách và nhập tiệc. Người nhạc công nhận lời vốn làm việc trong Dàn Nhạc giao hưởng TP. Hồ Chí Minh và mức thù lao anh yêu cầu rất khiêm tốn: chỉ vài triệu. Khi tôi báo lại chi phí, chính người bạn thân cũng ngạc nhiên thốt lên “sao thương vậy” vì cô không nghĩ là chi phí chỉ từng ấy cho 2 phần biểu diễn kéo dài 90 phút.

Sau đó vài hôm, tôi nhìn thấy người nhạc công kia ngồi trong biên chế của Dàn nhạc chơi cho dự án “Đông vui Harmony” của nam rapper Đen Vâu. Toàn bộ các bản ghi âm trong dự án này được phối khí bởi nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Và Đen Vâu đã có một bước đi xuất sắc khi kết hợp cùng Dàn nhạc giao hưởng. Nhìn vào biên chế nhạc công và những tên tuổi gắn với dự án như Giám đốc âm nhạc hay chỉ huy dàn nhạc, chắc chắn sơ sơ Đen Vâu cũng phải chi tiền tỷ cho dự án khủng này. Nhưng tiền tỷ ấy chẳng là gì so với mức cátsê của Đen Vâu hoặc những người ở ngang tầm tên tuổi anh.

Nghe nói, để Đen Vâu xuất hiện ở một sự kiện tại miền Trung, hát khoảng 3 bài rap, nhà sản xuất chương trình đã phải trả chi phí thù lao 800 triệu đồng. Đó là còn chưa kể chi phí ăn ở, đi lại và các yêu cầu kỹ thuật khác nữa. Con số ấy sẽ khiến nhiều người vã mồ hôi, nhưng quả thực nó phản ánh đúng quy luật cung - cầu. Một ca sĩ chục triệu views sẽ xứng đáng với mức thù lao khủng như vậy. Nghệ sĩ có ép ai phải trả tiền cho mình đâu? Tất cả đều là tự nguyện, thuận mua vừa bán mà.

Song, người trong nghề ắt sẽ chạnh lòng. Về tên tuổi, sự nổi danh, tầm ảnh hưởng xã hội thì rõ ràng một nhạc công không thể bằng một ca sĩ. Nhưng về năng lực âm nhạc thì không chắc. Và giữa cái giá vài triệu với gần 1 tỷ bạc, cho khoảng thời gian trình diễn tương quan là 90 phút và 20 phút, đủ để cho thấy sức chênh lệch lớn quá mức. Và dù vẫn hiểu rằng những người như Đen Vâu chẳng có lỗi gì trong việc một nhạc công kinh nghiệm, tài năng của Dàn nhạc giao hưởng chỉ được nhận vài triệu thù lao đi nữa, ta vẫn nên đặt ra câu hỏi “tại sao?”.

Nghệ sĩ thực ra cần “sinh quyển” cho mình. Sinh quyển ấy chính là khán giả, những người có thể không trực tiếp trả tiền cho nghệ sĩ nhưng lại tạo môi trường để nhãn hàng và nhà sản xuất trả tiền cho nghệ sĩ. Sinh quyển của nghệ sĩ giải trí như Đen Vâu rộng lớn hơn sinh quyển của người nhạc công cổ điển kia. Câu hỏi “vì sao?” nên được trả lời như vậy.

Nghệ sĩ có sinh quyển tốt hơn, người đầu tư sẽ sẵn lòng chi trả nhiều hơn. Và vấn đề nên được chú tâm giải quyết chính là phát triển sinh quyển cho những nghệ sĩ hàn lâm chứ không phải chăm chăm chê trách sự bất công vốn dĩ không phải do nghệ sĩ giải trí tạo ra. Những khán giả yêu âm nhạc hàn lâm phải được mở rộng hơn, phải giàu có hơn. Có vậy, họ mới tạo ra sinh quyển tốt hơn cho nghệ sĩ hàn lâm. Và muốn vậy, phải có những vận động tiến bộ ở nhiều ngành, từ kinh tế đến giáo dục.

Đó là con đường rất dài. Còn trước mắt, đi chơi nhạc phục vụ các dự án to to như của Đen Vâu cũng là một phần sinh quyển của nghệ sĩ hàn lâm rồi. Có hỏi, chỉ nên hỏi rằng “Đen Vâu, hay đồng nghiệp của anh, đã trả thù lao cho các đồng nghiệp khác xứng tầm tài năng của họ hay chưa?”.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An