Tạp chí điện tử Nông
Thôn & Phát Triển trực thuộc Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam có
bài viết đặt ra nghi ấn đạo văn đối với cuốn sách “Giọng điệu trong thơ trữ tình”
của PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học. Thế nhưng, vẫn chưa thấy
tác giả “Giọng điệu trong thơ trữ tình” có phản hồi gì.
Có hay không chuyện vi phạm bản quyền
trong tác phẩm “Giọng điệu trong thơ trữ tình”!?
THANH TÂM
Thời gian gần đây, Viện Văn học bỗng được dư luận chú
ý trở lại sau khi một tiến sĩ trẻ đang là Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại
đặt vấn đề công khai trên facebook rằng, công trình của 1 tác giả trẻ khác cũng
ở cơ quan này vi phạm bản quyền.
Đối với nhiều người, điều đó không có gì bất ngờ, bởi
“nhà dột từ nóc” - cách đây không lâu, trong lúc trà dư tửu hậu, chúng tôi đã
chia sẻ với nhau một nghi vấn rằng, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu này đã có
dấu hiệu lấy tri thức của người khác?
Cuốn sách mà chúng tôi đề cập ở bài viết này là Giọng
điệu trong thơ trữ tình (Qua một số nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới) của
PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2002.
Dưới dây, chúng ta lần lượt đọc lại cuốn sách này để
hiểu thêm về những tin đồn đó có thực không.
Tác giả cuốn “Giọng điệu trong thơ trữ tình” ở trang 35 viết: “Giọng điệu là
sự thể hiện lập trường xã hội, thái độ, tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ, sở trường
ngôn ngữ của tác giả”. Trước đó, cuốn Từ điển thuật ngữ văn học do
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, Nxb. Giáo dục ấn hành
năm 1992, tái bản 1997, ở trang 112 viết rằng: “Giọng điệu phản ánh lập
trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả có vai trò
rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn…
Đọc 4 trang tiếp theo, chúng tôi nhận thấy cuốn “Giọng điệu trong thơ trữ tình” viết như sau: “Giọng điệu vừa
mang tính “trời phú” vừa phải mang nội dung khái quát nghệ thuật
và phải phù hợp với đối tượng mà nó thể hiện.” (trang 39). Còn ở trang 112 cuốn Từ
điển thuật ngữ văn học (1997) viết: “Giọng điệu trong tác phẩm gắn với
cái giọng ‘trời phú’ của mỗi tác giả nhưng mang nội dung khái quát nghệ
thuật, phù hợp với đối tượng thể hiện”.
Từ hai ví dụ trên, chúng ta thấy, nghi vấn đạo văn của
cuốn “Giọng
điệu trong thơ trữ tình” hoàn
toàn có cơ sở? Từ sự trùng lặp tri thức và lời văn vừa dẫn, có thể nghĩ đến ba
khả năng: một là nhóm Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đạo
văn của Nguyễn Đăng Điệp, hai là ngược lại, Nguyễn Đăng Điệp đạo văn
của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, ba là Nguyễn
Đăng Điệp là đồng tác giả của cuốn Từ điển thuật ngữ văn học. Theo điều
tra của chúng tôi, Nguyên Đăng Điệp khi viết Giọng điệu trong thơ trữ tình là
nghiên cứu sinh, là học trò, có học hỏi đọc tham khảo Từ điển thuật ngữ
văn học, không phải là đồng tác giả với nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử,
Nguyễn Khắc Phi, vậy loại bỏ trường hợp thứ ba. Trường hợp nhóm Lê Bá Hán, Trần
Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đạo văn thì sao? Có thể loại bỏ, vì cuốn sách này được
biên soạn, xuất bản trước cả khi ông Nguyễn Đăng Điệp làm nghiên cứu, xuất bản
cuốn Giọng điệu trong thơ trữ tình.
Xin cung cấp bạn đọc trường hợp nghi vấn khác.
Trang 40 cuốn “Giọng điệu trong thơ trữ tình” viết như sau: “Giọng điệu khác với
ngữ điệu. Việc đồng nhất hai khái niệm này là không hợp lý. Ngữ điệu là một
phạm trù của ngôn ngữ học còn giọng điệu là một phạm trù của thi pháp học”.
Trong khi đó, từ năm 1988 Lê Ngọc Trà đã viết bài “Một số vấn đề thi pháp học”,
sau đó bài này được in trong cuốn Lí luận và văn học do Nhà xuất bản
Trẻ xuất bản 1990, ở trang 153 Lê Ngọc Trà viết: “Giọng văn (thơ) có quan hệ với
giọng điệu, ngữ điệu của lời nói, nhưng hai cái không phải là một. Giọng
văn (thơ) là một phạm trù của thi pháp học, còn ngữ điệu là một phạm trù của
ngôn ngữ học.”
Đọc kĩ hơn sẽ thấy, cuốn Giọng điệu trong thơ trữ
tình có dấu hiệu đạo văn đến gần 1 trang của Lê Ngọc Trà. Cụ thể như sau:
Ở các trang 152 và 153, 154 của cuốn Lí luận và
văn học viết: “Giọng của tác phẩm thường bao gồm giọng chính, và những
giọng khác”; “Có nhiều hình thức phân chia giọng văn (thơ) theo loại hình.
Có cách xác định giọng theo sắc thái tình cảm. Theo cách này có thể gọi giọng
của tác phẩm là trang trọng hay thân mật, thong thả hay vội vàng, bình thản
hay gay gắt, mạnh mẽ hay yếu ớt, có sức hay không có sức. Cách thứ
hai phân chia giọng điệu theo loại tình cảm. Ở đây sẽ có giọng bi, hài, trữ
tình hay châm biếm, lãng mạn, anh hùng ca hay dằn xé, xung đột… Cũng
có có cách xác định giọng căn cứ vào khuynh hướng tình cảm theo đó giọng
của tác phẩm có thể là thông cảm hay lên án, phê phán hay khẳng định, yêu
thương hay cay độc. Ngoài ra có thể phân ra giọng tường thuật, giọng
nghi vấn, giọng mệnh lệnh hoặc giọng kể, giọng hát, giọng ngâm…”
Còn ở trang 38 cuốn “Giọng điệu trong thơ trữ tình” của Nguyễn Đăng Điệp diễn đạt như
sau: “Việc phân chia loại hình giọng điệu cũng khác nhau, xuất phát từ
những tiêu chí khác nhau. Đứng về mặt cấu trúc mà nói, người ta có thể chia
thành giọng chính và giọng phụ… Nếu căn cứ vào sắc thái tình cảm, có
thể nói đến giọng gay gắt hay bình thản, trang trọng hay suồng sã, mạnh hay yếu,
kính cẩn hay châm biếm. Nếu căn cứ vào dạng thức tình cảm sẽ có giọng
bi, giọng hài, giọng anh hùng ca… Còn nếu chú ý đến khuynh hướng tư
tưởng thì có thể nói đến các loại giọng: thông cảm hay lên án, yêu
thương hay tố cáo, khẳng định hay phủ định… Cũng có khi, từ cái nhìn ngôn ngữ học,
người ta chia thành giọng trần thuật, giọng nghi vấn, giọng cảm thán”..
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về sự liêm chính học thuật của
ông Nguyễn Đăng Điệp chúng tôi xin dẫn ra một ví dụ khác:
Trang 200 cuốn Từ điển thuật ngữ văn học (1997) viết: nhịp điệu là “một phương tiện quan trọng để cấu tạo hình thức nghệ thuật trong văn học, dựa trên sự lặp lại có tính chất chu kỳ, cách quãng hoặc luân phiên của các yếu tố có quan hệ tương đồng trong thời gian hay quá trình nhằm chia tách và kết hợp các ấn tượng. Trong văn học, nhịp điệu là sự lặp lại cách quãng đều đặn và có thay đổi của các hiện tượng ngôn ngữ, hình ảnh, motif… nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mỹ về thế giới, tạo ra cảm giác vận động của sự sống, chống lại sự đơn điệu, đơn nhất của văn bản nghệ thuật”. Trong khi trang 42 cuốn “Giọng điệu trong thơ trữ tình” của Nguyễn Đăng Điệp viết như sau: “Nhìn một cách tổng quát, nhịp điệu là sự lặp lại có tính chất chu kì, cách quãng hoặc luân phiên theo thời gian của các hiện tượng ngôn ngữ nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mĩ về thế giới trong sự vận động của nó”.
Cũng ở trang 200, cuốn Từ điển thuật ngữ văn học (1997)
viết: “Tất cả các cấp độ trong cấu trúc của một tác phẩm văn học đều có những yếu
tố lặp lại, luân phiên tạo thành nhịp điệu nghệ thuật…. ở cấp độ tổ
chức văn bản, đơn vị cơ bản của sự lặp lại trong thơ là dòng thơ (cũng được
gọi là câu thơ) với độ dài của nó gồm số tiếng (v.d: 4 tiếng, 5 tiếng, 6
tiếng, 7 tiếng, 8 tiếng) và vần như là điểm ngắt của nó. Vì vậy mỗi
thể thơ có một nhịp điệu riêng. Dòng thơ lại có kiểu ngắt nhịp của luật
thơ… Nhịp điệu của thể thơ và luật thơ tạo thành cái nền nhịp điệu trên đó nhà
thơ tạo dựng nên nhịp điệu riêng cho thơ mình, gắn với các phương tiện ngữ
nghĩa. Trong văn xuôi, nhịp điệu của tổ chức lời văn được hình thành
trên cơ sở sự phân tách văn bản thành chương, hồi, đoạn. Câu văn dài ngắn,
khúc khuỷnh được lặp lại cũng tạo nên nhịp điệu cảm nhận đời sống”.
Trong khi cuốn “Giọng điệu trong thơ trữ tình” viết như sau: “Nhịp điệu tồn tại ở mọi
cấp độ của tác phẩm văn học. Ở cấp độ tổ chức văn bản thơ chẳng hạn, đơn vị cơ bản
của sự lặp lại là các dòng thơ (cụ thể là qua số tiếng: thơ 5 tiếng,
thơ 7 tiếng...). Trong mỗi dòng thơ lại có kiểu ngắt nhịp của luật
thơ... Từ nhịp điệu của thể thơ và luật thơ, nghệ sĩ sẽ xây dựng nhịp điệu của
riêng mình. Còn trong văn xuôi, nhịp điệu thể hiện qua cách phân chia
chương, hồi, sự lặp lại các đơn vị câu và ngắt nhịp trong bộ phận câu” (trang
43).
Vậy là chỉ cần đọc qua công trình này, bạn đọc đã rõ
chất lượng của Giọng điệu trong thơ trữ tình - một trong bốn công
trình của ông Nguyễn Đăng Điệp đang được đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước này
ra sao.
Nguồn: Tạp chí điện tử Nông
Thôn & Phát Triển