Trong những sáng tác, Nguyễn Một dành khá nhiều trang
viết về tình yêu. Tình yêu trong tác phẩm của Nguyễn Một vừa trần trụi vừa lý
tưởng và có nguyên tắc riêng. Anh thường khai thác chủ đề mất mát trong tình
yêu.
NGUYỄN MỘT – MỘT TẤM CHÂN TÌNH
ĐẶNG TRUNG KIÊN
Tôi chơi khá thân với Nguyễn Một như những người bạn ở
mức có thể xuề xòa, không giữ kẽ, đến mức khi nói vấn đề gì đó mà còn ngắc ngứ,
anh có thể văng tục dân dã mà không ngại. Thân là thế, nhưng thú thực, gần đây
tôi mới đọc anh, và bị hút ngay.
Nguyễn Một quê gốc Duy Xuyên, Quảng Nam, một vùng quê
mà từ thế kỷ 17-18 là đất lành của những nhóm người, dòng tộc từ Nghệ An vào
khai hoang mở đất trồng trọt, sinh sống, mở lớp dạy học, lan tỏa truyền thống
hiếu học, văn chương, tạo nên tính cách khí khái rất Quảng, rất riêng. Nhưng
Nguyễn Một lại không được thừa hưởng trọn vẹn những giá trị từ không gian truyền
thống ấy. Anh sinh ra, lớn lên trong gia cảnh đói nghèo, loạn lạc, nhiều biến cố.
Cha mất khi anh còn trong bụng mẹ. Khi cậu bé Một vừa 3 tuổi, mẹ anh bị một
viên đạn xuyên qua đầu khi vẫn còn đang choàng ôm ru con ngủ.
Sự bàng hoàng, tỉnh thức của cậu bé về đau thương ấy
như một sự ám ảnh đằng đẵng những tháng ngày tha hương nơi miền đất mới sau
này. Được cậu ruột nuôi dưỡng trong gia đình "chắp vá" bởi hậu quả của
chiến tranh gồm hai đứa con mất mẹ và đứa cháu mồ côi cùng cha mẹ già, hoàn cảnh
ấy đã ám vào Nguyễn Một một nỗi buồn khắc khoải. Trong bài thơ "Sinh nhật"
của anh có những câu quặn thắt: "Em đừng băn khoăn khi tôi không trả lời/
Anh sinh vào ngày nào/ Nhà quê như tôi có sinh nhật bao giờ.../ Những đứa trẻ
như tôi mang nơm ra đồng bắt cá/ Những đứa trẻ như tôi sáng chăn trâu chiều về
đến lớp…/ Chính mẹ tôi còn không nhớ nổi thì làm sao tôi trả lời em".
Nguyễn Một không thể trả lời. Nhưng Nguyễn Một trả lời
rồi đấy. Sinh nhật không chỉ là của riêng mỗi người, nó còn là ở thời điểm, gắn
với thời cuộc, gắn với tháng năm tuổi thơ nghèo đói lầm lụi ruộng đồng, gia cảnh
chạy ăn từng bữa. Với Nguyễn Một, ngày sinh nhật không quan trọng bằng ký ức tuổi
thơ. Ký ức ấy ngọt ngào, sống động đến đâu để một ngày nào đó mình nhớ lại mà
yêu, tiếc nuối, hoài niệm, kiếm tìm...
Nguyễn Một bước vào nghiệp văn từ các tập truyện dành
cho thiếu nhi, làm thổn thức bao thế hệ học trò như: "Long lanh giọt nắng
" (2003), "Hoa dủ dẻ" (1997), "Màu của đất" (2002), "Năm đứa trẻ xóm đồi" (1999), "Màu hoa trắng" (2001)… rồi mới bắt đầu đều đặn với nhiều
truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết dành cho người lớn tạo được dấu ấn, nhận
được những giải thưởng văn học, được dịch và phát hành ở nước ngoài như
"Ngược mặt trời", "Đất trời vần vũ"…
Đọc một cách hệ thống tác phẩm của Nguyễn Một sẽ nhận
ra, văn chương của anh gắn rất chặt với hành trình lưu lạc của tác giả. Sau năm
1975, lúc 12 tuổi, Nguyễn Một cùng cậu ruột vào Nam, sống những ngày tháng cơ cực,
nghèo khó ở Đồng Nai với những trảng đất rộng thoải trải dài theo các triền
sông, rừng cao su bạt ngàn có từ thời Pháp thuộc, những ao hồ, nhà cửa hoang
tàn bởi chiến tranh. Sau buổi học trên lớp, Nguyễn Một phụ cậu chặt củi đốt
than mang ra chợ bán.
Hết trung học, Nguyễn Một thi đậu vào Trường Trung cấp
sư phạm ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tốt nghiệp xung phong về dạy học ở vùng quê nghèo
huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Anh lầm lụi trong năm tháng đầy khó khăn, nhưng hứng
khởi, yêu miền đất ấy đến sâu hút trong mình với nghề thầy giáo bình dị cùng
bao lứa học trò nghèo. Miền Đông trở thành quê hương thứ 2 của anh. Miền đất ấy
không chỉ nuôi dưỡng cưu mang mà còn mang đến cho Nguyễn Một những chất liệu,
trải nghiệm quý giá làm nên những tác phẩm văn chương rất riêng, rất Nguyễn Một,
hồ hởi, dung dị và sáng trong.
Sau những năm tháng đứng trên bục giảng, Nguyễn Một rẽ
ngang về Sài Gòn làm phóng viên Báo Tiền phong ngót chục năm rồi chuyển qua làm
truyền thông cho một doanh nghiệp lớn. Với vốn sống dày và nguồn cảm hứng lớn,
Nguyễn Một viết được khá nhiều đề tài. Đọc những cuốn tiểu thuyết "Ngược mặt
trời", "Đất trời vần vũ" tập bút ký "Dòng sông độ lượng",
tập truyện ngắn "Miền Đông" và bản thảo tiểu thuyết "Bên lở dòng
sông" sắp xuất bản tôi cảm nhận thế giới cảm xúc của Nguyễn Một thật bề bộn.
Anh đề cập đến nhiều vấn đề, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo, chiến tranh, thương
trường… bằng một giọng văn trĩu nặng, vừa ma mị, vừa ám ảnh, nhức nhối.
Trong những sáng tác, Nguyễn Một dành khá nhiều trang
viết về tình yêu. Tình yêu trong tác phẩm của Nguyễn Một vừa trần trụi vừa lý
tưởng và có nguyên tắc riêng. Anh thường khai thác chủ đề mất mát trong tình
yêu. Anh như hóa thân vào nhân vật để cố níu giữ tình yêu trong sáng, níu giữ lời
hẹn thề chung thủy trước nghịch cảnh và cám dỗ. Nhưng sự cố gắng đã thất bại.
Cái thất bại tạm thời của cái đẹp trước cái tầm thường. Tuy thất bại, nhưng
không thù hằn, mà thay vào đó là sự tha thứ, bao dung.
"Người đã phạm sai lầm rất lớn, đúng hơn là một tội
ác, người không được xúc phạm phụ nữ, không dành cho họ lòng hận thù, bởi vì phụ
nữ sản sinh ra những giấc mơ và các vị thần" - trong tiểu thuyết "Đất
trời vần vũ", Nguyễn Một đã viết như thế. Đó cũng là lối nghĩ, lối ứng xử
thường thấy ở anh trong đời thường: Nhã nhặn, trân trọng, lịch thiệp và hào sảng,
đặc biệt với phụ nữ.
Đọc Nguyễn Một, tôi thấy chủ đề mà anh dành nhiều tâm
huyết nhất đó là hoài cố hương. Một cố hương không theo nghĩa đen địa lí, mà là
một cố hương văn hóa với bao giá trị đã mất đi. Có lẽ vì thế mà ngoài đời nhiều
lúc tôi bắt gặp Nguyễn Một ngồi cô độc, với nét mặt biểu cảm, thể hiện một nội
tâm đang hoang mang, day dứt, chênh vênh, tựa như nhân vật Chạc trong tiểu thuyết
"Ngược mặt trời" người luôn luôn dằn vặt, thao thức đi tìm ký ức, đi
tìm cái làng Chạc Chìu một thời hiển hiện thân thương, bỗng nhiên bị biến mất
tăm tích khỏi núi rừng mà không tài nào lý giải được.
Nguyễn Một là nhà văn giỏi nghề. Là người sống ở nhiều
vùng miền nên vốn từ vựng của anh đủ giàu có để phục vụ cho các thủ pháp văn
chương, từ bút pháp hiện thực cho tới tượng trưng, huyền ảo, tâm linh... Mỗi
tác phẩm, tùy vào tính chất câu chuyện anh chọn và vận dụng linh hoạt một hình
thức diễn ngôn phù hợp. Nhờ vậy, đọc cả chục tập sách của anh, độc giả sẽ không
bị nhàm bởi sự lặp lại cả nội dung lẫn hình thức.
Lao động sáng tạo của Nguyễn Một không ào ạt. Lúc đầu
tôi nghĩ, như bao nhà văn khác, anh cũng phải cặm cụi, lọ mọ đêm khuya, trằn trọc,
trải mình trên trang giấy. Nhưng không. Nguyễn Một thường ngủ rất sớm. Anh viết
vào lúc bình minh, khi gà cất tiếng gáy, khi trời đất chuyển mình từ đêm sang
ngày. Trong thời khắc ấy, Nguyễn Một thú nhận, mình viết rất sướng, rất nhanh,
rất mượt và gần như không sửa chữa.
Trước kia tôi quý Nguyễn Một thuần túy là tình cảm bạn
bè. Nhưng khi đọc kĩ những tác phẩm của anh thì tôi quý thêm bởi phẩm cách văn
chương. Là người sống qua hai chế độ, cuộc đời trải dài từ thời chiến tranh
sang bao cấp rồi kinh tế thị trường, nếm đủ đau thương mất mát, vất vả nhọc nhằn,
nhưng thế giới quan và nhân sinh quan trong văn chương của anh không thiên lệch.
Với tinh thần hòa ái xuất phát tự tâm, anh luôn ứng xử với cả quá khứ lẫn hiện
tại bằng trái tim của một nhà văn với cái nhìn bác ái, chan hòa, thấu hiểu, sẻ
chia.
Người xưa có câu "Văn là người". Nguyễn Một là người quảng giao và chân tình. Ít ai biết Nguyễn Một viết thư pháp rất đẹp. Anh thường viết chữ tặng bạn bè vào ngày Tết ở ngay trong vườn nhà đầy hoa lan khoe sắc. Những người được anh tặng chữ đều hiểu, ẩn trong nét chữ tài hoa của anh là một tấm lòng.
Nguồn: Văn Nghệ Công An