Nhà văn Lại Văn Long với tác phẩm ‘Hồ sơ lửa’ được xác lập kỷ lục bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập dày nhất Việt Nam, tổng cộng 2400 trang in.


Nhà văn Lại Văn Long bắt đầu được công chúng biết đến với truyện ngắn “Kẻ sát nhân lương thiện” đoạt giải nhất cuộc thi trên báo Văn Nghệ năm 1991, khi đang làm chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Từ năm 1992 đến nay, nhà văn Lại Văn Long công tác tại báo Công An TP.HCM, nhưng vẫn nuôi dưỡng đam mê sáng tạo. Sau các tiểu thuyết “Thạch Đế”, “Đứa con thời hậu chiến”, “Người khổng lồ đội mồ kể chuyện”... nhà văn Lại Văn Long hoàn thành và ra mắt bộ tiểu thuyết hình sự “Hồ sơ lửa” được Nhà xuất bản Công An Nhân Dân và Sbooks in thành 6 tập với tổng cộng 2400 trang.

“Hồ sơ lửa” được xác lập kỷ lục là bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập dày nhất Việt Nam. “Hồ sơ lửa” bổ sung vào bộ sưu tập những tác phẩm văn chương nhiều tập của Việt Nam, kế tiếp bộ tiểu thuyết “Cửa biển” của nhà văn Nguyên Hồng, bộ tiểu thuyết “Ván bài lật ngửa” của Nguyễn Trương Thiên Lý, bộ tiểu thuyết liên hoàn “Đất miền Đông” của Nam Hà, bộ tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành...

“Hồ sơ lửa” khai thác tư liệu từ những vụ án từng chấn động dư luận tại TP.HCM từ năm 1975 đến giai đoạn hội nhập quốc tế, nêu bật chiến công lẫn buồn vui của lực lượng cảnh sát hình sự thuộc công an TP.HCM trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tiểu thuyết hình sự “Hồ sơ lửa” bao gồm 7 phần: “Mật danh Đ9”, “Oán thù trớ trêu”, “Gia tộc tướng cướp”, “Phát súng chính nghĩa” “Lật án tử hình”, “Vỏ bọc thần thánh” “Hồng nhan sương khói”. Cùng với những nhân vật trong đội ngũ cảnh sát hình sự như đại tá Minh, thượng tá Lợi, trung tá Lâm, thiếu tá Thanh, đại úy Định, đại úy Hoa, thượng úy Thu... là những nhân vật thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội như ông trùm Chín Tàu Bay, nữ tướng cướp Hai Nếp, tướng cướp Đinh Toàn, tướng cướp Chín Nắng, tử tù Sơn Cụt, nhà báo Thái Trung, nghệ sĩ Đan Thi, vũ nữ Saly, luật sư Kim Kiều, quan chức gian trá Điểu Phi...

“Hồ sơ lửa” chứng minh sự đam mê và sự tận tụy của nhà văn Lại Văn Long. Với cách kể hấp dẫn, “Hồ sơ lửa” giúp công chúng hiểu thêm nhiều góc khuất đời sống, thông qua hoạt động nghiệp vụ của các chiến sĩ cảnh Tuy nhiên, tiểu thuyết hình sự “Hồ sơ lửa” vẫn tồn tại một số hạn chế về mặt kỹ thuật. Nếu đã chọn lựa hình thức truyền tải của tiểu thuyết chương hồi, thì các phần phải phân chia rành mạch. Phần “Oán thù trớ trêu” và “Vỏ bọc thần thánh” không đặt tên cho từng chương, còn phần “Lật án tử hình” không tách chương, tạo cảm giác xộc xệch so với bốn phần còn lại của bộ tiểu thuyết.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng trong tiểu thuyết thì tên gọi nhân vật là một hệ thống tín hiệu thẩm mỹ đồng bộ và bất biến. Không thể sử dụng đầy đủ hoặc rút ngắn tên gọi nhân vật một cách tùy hứng, nhữ Kim Kiều – Kiều, Hai Nếp – Nếp, Đan Thi – Thi... Bởi lẽ, điều ấy tạo cho người đọc sự phân vân đoán định không cần thiết và làm loãng mạch văn chung của tác phẩm.   

Với tiểu thuyết “Hồ sơ lửa”, nhà văn Lại Văn Long tự tin ghi tên mình vào danh sách những nhà văn sở trường viết về ngành công an, tiếp nối các bậc tiền bối như Lê Tri Kỷ (với tiểu thuyết “Câu lạc bộ chính khách”) Ngôn Vĩnh (với tiểu thuyết “Bên kia cổng trời”) Tôn Ái Nhân với tiểu thuyết “Hành quyết không pháp trường”) Văn Phan (với tiểu thuyết “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D'Inville)...

                                          TUY HÒA