Người có chức sắc thì tham lam và trơ trẽn. Kẻ không có nghề lại duyệt nghề. Người không có đạo đức lại rao giảng đạo đức thì hỏi làm sao không rơi tuột xuống đáy?


Điện ảnh Việt Nam vì đâu nên nỗi?

PHÙNG VĂN KHAI

Điện ảnh Việt Nam bây giờ đang ở đâu? Nhiều người đã cho rằng điện ảnh Việt Nam đã rơi đến đáy. Những người có trách nhiệm đều làm ngơ hoặc quay lưng. Quan chức ngành văn hóa đều làm ngơ hoặc buông bỏ. Họ chỉ chăm chú vào các công trình xây dựng như nhà văn hóa thôn, bản, xóm, làng chẳng hạn để kiếm miếng ăn nóng sốt. Còn như những ý tưởng tâm huyết, hay ho của người có lương tâm ngành điện ảnh trình lên đều bị lãng quên.

Họ sợ cái gì? Đã dốt đến mức không làm nổi phim cỡ “mì ăn liền”, bèn “liền ăn mì”, tức là cứ bốc bột mì sống cho thẳng vào mồm giống như nhận định của nhà văn - nhà phê bình Tô Hoàng trong bài báo “Một nền điện ảnh đang chết lâm sàng” chăng? Đến bao giờ nền điện ảnh của chúng ta gượng dậy được khi trong người nó mang đủ thứ bệnh tật mà căn bệnh lớn nhất chính là sự vô cảm của những người có trách nhiệm cao, càng cao càng vô cảm. Đến như ngân quỹ của ngành còn có những kẻ tự tiện đem đi mất. Rồi khởi tố. Rồi án tù, mọi người cũng xem như xem phim đuổi bắt ở nước ngoài. Nền văn hóa phong phú đặc sắc của chúng ta, truyền thống lịch sử hào hùng và lẫm liệt của chúng ta có lẽ nào không thể đưa vào điện ảnh?

Ngày xửa ngày xưa, khi mới lập ngành đã có ngay Chung một dòng sông; Vợ chồng A Phủ; Lửa trung tuyến (1961). Tiếp đó là Chim vành khuyên (1962); Chị Tư Hậu (1963); Nổi gió (1966); Cô gái trên sông (1980); Thị xã trong tầm tay (1982); Bao giờ cho đến tháng Mười (1984)... rồi thì tút hút chìm đáy một mạch đến bây giờ năm nào cũng Liên hoan, Giải thưởng bay như bươm bướm mà điện ảnh nước nhà đã tút hút suốt mấy chục năm.

Càng kinh hãi là không một ai chịu trách nhiệm.

Tôi vốn mê lịch sử, đã một mạch gần hai mươi năm viết các truyện ngắn, tiểu thuyết đề tài lịch sử và khao khát lắm một dòng phim, chí ít cũng một vài phim điện ảnh về lịch sử mà như đáy bể mò kim. Ngày tôi mới ra đời lẫm chẫm biết xem phim về lịch sử, quanh đi quẩn lại vẫn là Đêm hội Long Trì; Thăng Long đệ nhất kiếm. Bây giờ tôi đã già, đã chờ đợi gần năm mươi năm và chắc chắn còn phải chờ không biết tới bao giờ Việt Nam ta mới có phim điện ảnh về lịch sử đúng nghĩa. Ngày trước, khi Trung Quốc làm phim lịch sử với những Tam Quốc; Thủy Hử; Hồng lâu mộng phiên bản những năm 80, 90 cũng ấm ớ hội tề mà các phiên bản sau của những phim đó đã là thượng hạng, đã thu về cho ngành công nghiệp không khói hàng chục, hàng trăm triệu đô, thậm chí có phim cả tỷ đô.

Và đương nhiên, chúng ta mở mắt ra là tìm đến các phim Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... để nói theo, ăn theo, mặc theo, sống theo... nghĩa là đã tự nguyện nô dịch về đời sống văn hóa tinh thần từ rất lâu rồi.

Điều này, ai cũng biết và cũng đương nhiên không một ai chịu trách nhiệm.

Chúng ta từng có người, không ít đâu, phê phán nền điện ảnh cách mạng, cho rằng phim nhà nước chỉ để “cúng cụ” còn phim hay, hợp thời trang, hút khách tới rạp phải là tư nhân uốn éo, góp vốn chung thuyền, mua mua nhập nhập. Mọi người một mực cho rằng chỉ có điện ảnh thị trường hút người xem đông đảo mới làm ra được điện ảnh còn điện ảnh cách mạng từng lấy đông đảo quần chúng nhân dân làm đối tượng phục vụ thì hãy vứt quách đi.

Hãi hùng là một số quan chức, người có trách nhiệm ngành điện ảnh cũng đã từng nghĩ thế. Thế là buông bỏ mặc kệ, sống chết mặc bay, đến đất đai Hãng phim cũng bán bừa mãi không trôi đã phải nhè ra tốn biết bao giấy mực mà quên mất điện ảnh phát triển được, nhất là với thể chế của chúng ta, nhất định phải được Nhà nước đầu tư lớn, chọn người có tài, có tâm huyết, có đạo đức dày công vun đắp lắm may mới trở về cái thuở ban đầu những năm 1960.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà văn Tô Hoàng rằng: “Nhiều người thường nghĩ chỉ điện ảnh thị trường mới quan tâm đến số lượng đông đảo người xem; mới làm ra những bộ phim hút khán giả tới rạp. Theo tôi, chính nền điện ảnh cách mạng đã biết lấy đông đảo quần chúng làm đối tượng phục vụ của mình. Ai mang phim ảnh ra khỏi các phòng chiếu sang trọng ở thành phố để đưa phim về nông thôn, lên miền núi? Ai chiếu cho bà con nông dân ở các làng xóm xem miễn phí? Ai mang phim vào chiếu cho bộ đội tại các chiến trường? Tôi còn nhớ rành rõ, ở Hà Nội vào những năm sau khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô có 5 bãi chiếu bóng là Lương Yên, Khương Thượng, Cầu Giấy, Yên Phụ, Đống Đa, mỗi đêm mỗi bãi hút cả vạn người xem, với vé vào cửa rẻ hơn giá một que kem. Bọn trẻ chúng tôi cứ mê man lang thang hết tữ bãi này qua bãi khác.

Tôi cho đây không chỉ là ưu điểm đầu tiên mà còn là thế mạnh của điện ảnh cách mạng. Đáng tiếc là những năm gần đây tinh thần phục vụ như thế bị xem nhẹ hoặc bị bỏ quên. Điểm mạnh thứ hai, phim ảnh thời đó là món ăn không hề có độc tố. Tôi còn nhớ rõ cha mẹ chúng tôi thường khuyến khích con cái đi xem phim. Đưa con tới rạp họ không nơm nớp lo sọ bị tiêm nhiễm bạo lực hay sex, bị vẩn đục tâm hồn. Điện ảnh cách mạng một thời được xem là lớp học, là nơi giáo dục tinh thần, lý tưởng của người xem. Sao nào, chả lẽ đây là điều đáng kêu ca, phê phán ư?

Thế mạnh thứ ba, phim ảnh thời đó thấm đượm tính nhân văn, mang thiên chức xã hội sâu sắc. Phim ảnh biết lấy người lao động với khát vọng và vui buồn của họ làm đối tượng miêu tả chủ yếu. Cùng với các lĩnh vực văn hóa khác, phim ảnh đã góp phần khích lệ lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, ngợi ca chiến công, lòng dũng cảm - những điều đã tạo nên chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ”.

Những ý kiến tâm huyết, tha thiết, thấu tình đạt lý như vậy mà sao rất ít người lắng nghe.

Tôi đã nhiều lần trò chuyện với một quan chức ngành điện ảnh, rất thẳng thắn, rất đớn đau và nhất là lực bất tòng tâm. Ai cũng biết một ngành điện ảnh tụt dốc không phanh, suy thoái trầm trọng, đến mức kiếm miếng cơm ăn còn khó khăn và luôn than tiếc “thời oanh liệt nay còn đâu” và càng không biết phải vực dậy như thế nào. Người có chức sắc thì tham lam và trơ trẽn. Kẻ không có nghề lại duyệt nghề. Người không có đạo đức lại rao giảng đạo đức thì hỏi làm sao không rơi tuột xuống đáy?

Đơn cử việc mua bán sai trái Hãng phim truyện Việt Nam ở Thụy Khuê lình xình đã bốn, năm năm chưa đến hồi kết mà những người có tâm huyết đã và đang công tác ở đó kêu cứu khắp nơi cũng bị buông bỏ một cách khó hiểu. Chẳng nhẽ chờ một nền điện ảnh thực sự xứng tầm vóc với đất nước Việt Nam hôm nay lại phải chờ sang tận đời con, đời cháu? Và cũng vừa bi ai vừa tuyệt vọng trong sự chờ đợi dằng dặc đã mấy chục năm.

Chúng ta đã từng trên nửa thế kỷ mới sực nhớ ra để tổ chức Đại hội Văn hóa lần thứ hai, mới nhận thấy những cấp thiết của nó. Với ngành điện ảnh, một bộ phận cấu thành nền văn hóa, văn học nghệ thuật, có lẽ nào lại phải chờ trên nửa thế kỷ mới giật mình cứu chữa. Nền điện ảnh đã chết lâm sàng ngót nửa thế kỷ, đã qua quãng “mì ăn liền” và bây giờ phải mở miệng “liền ăn mì” một quãng thời gian là bao lâu nữa? Ba mươi năm? Bốn mươi năm? Hay là lâu hơn tuyệt không một ai trả lời.

Có lẽ nào đời ta, đời con cháu ta cứ phải dùng sản phẩm điện ảnh của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc mà quên mất tổ tiên mình ăn mặc như thế nào, ăn nói ra sao, giành độc lập dân tộc ra sao, khát vọng hòa bình ra sao, đánh giặc giữ nước ra sao... mà không gì tốt hơn cách thức thể hiện bằng điện ảnh. Một điều đau đớn mãi thành quen, khổ mãi rồi sướng không chịu được chăng cũng chỉ là miệng nói tai nghe liền đấy, còn những người được giao lắm trọng trách ngay đến “mì ăn liền” cũng không cung cấp cho quần chúng nhân dân, còn bảo, đấy, bột sống đấy, hãy ăn đi là tốt lắm rồi.

Điện ảnh của chúng ta, ở những khúc đầu tiên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, được nhân dân đón đợi và đích thực là món ăn tinh thần quý giá. Vậy mà hôm nay, nhất là trong lúc này, một nền điện ảnh đã hoàn toàn chạm đáy, ngắc ngoải, dường như quá đỗi loay hoay không biết phải làm gì. Đội ngũ người có tài năng và tâm huyết trong ngành điện ảnh mỗi khi nghĩ tới, chứng kiến về chính ngành nghề mình đều lắc đầu ngao ngán, đều thở dài và nổi giận cũng là bất lực chỉ biết thầm than trách trong lòng.

Điện ảnh Việt Nam, vì đâu nên nỗi? Đây có phải là câu hỏi không có câu trả lời. Chúng tôi, những người yêu điện ảnh tha thiết mong câu trả lời lắm lắm.