Trong chiến tranh, có lúc mỗi con người chỉ là một ký
hiệu trên sa bàn, một con số trên mật mã, một mật danh, một bí số thay đổi theo
nhiệm vụ, theo thời gian..., nơi đến nơi đi có thể là một ngọn đồi không tên, một
con tàu không số, không tung tích, không dấu vết, số phận mỗi con người chìm lấp
sau vận mệnh của đất nước, của nhân dân.
CẢM XÚC VÔ DANH TRONG THƠ
ANH NGỌC
Trong dòng chảy của lịch sử, có những con người (và cả
những vùng đất), do vai trò đặc biệt của mình và thường khi cùng với sự hỗ trợ
của hoàn cảnh, nên tên tuổi được lưu truyền rộng rãi và lâu dài trong không
gian và thời gian.
Đó là những con người, những vùng đất hữu danh tồn tại
cùng chính sử, và dĩ nhiên cũng là đối tượng tái hiện và tôn vinh của văn học
nghệ thuật. Nhưng, nói như thơ Tố Hữu:
Núi cao bởi có đất bồi
núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu.
Những con sóng thần chỉ xuất hiện hiếm hoi cùng với những
cơn địa chấn, còn làm nên biển cả bát ngát là triệu triệu con sóng vô danh,
cũng như thế:
Lịch sử sẽ không thành lịch sử
nếu thiếu những con người những vùng đất không tên.
(Điệp khúc vô danh - Anh Ngọc).
Sự đóng góp to lớn và sự hy sinh thầm lặng của những
con người vô danh là cách tồn tại phổ biến mang đặc thù của số đông nhân loại
mà ta thường gọi là "thập loại chúng sinh", và số phận của nó luôn gợi
lên những cảm xúc nhân sinh mạnh mẽ, sâu sắc và trở thành chất liệu quan trọng
hàng đầu cho mọi sáng tạo nghệ thuật. Ta có thể dễ dàng tìm thấy rất, rất nhiều
những tác phẩm lấy cảm xúc vô danh làm chất liệu thuộc mọi bộ môn nghệ thuật.
Chỉ xin dẫn ra đây một vài ví dụ:
Trong nghệ thuật tạo hình, bên cạnh những tượng đài
các anh hùng và tập thể anh hùng có tên tuổi cụ thể, luôn tồn tại những tượng
đài có tính tượng trưng, tiêu biểu là Tượng đài liệt sĩ vô danh, nơi thăm viếng
thường xuyên từ quảng đại nhân dân đến các vị nguyên thủ quốc gia, các đoàn đại
biểu quốc tế, nơi có biểu tượng của Nấm mộ vô danh và Ngọn lửa vô danh như những
địa chỉ lưu giữ hồn thiêng dân tộc.
Trong âm nhạc, bên những ca khúc như “Bế Văn Đàn sống
mãi”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” v.v..., nếu
để ý chúng ta sẽ thấy, chẳng hạn, không có dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ
nào mà ta không nghe vang lên giai điệu và lời ca hào sảng của ca khúc “Người
chiến sĩ ấy” của nhạc sĩ Hoàng Vân, một tác phẩm mà ngay cái tên gọi cũng cho
ta biết nó được viết từ cảm hứng về những người chiến sĩ vô danh.
Gần đây, ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến và
nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cũng có chung đề tài và cảm hứng như vậy. Đó là những
tác phẩm rất tiêu biểu cho cách phản ánh cuộc sống bằng đặc thù của nghệ thuật,
mà ở đây là tính khái quát hóa thông qua hình tượng con người vô danh. Bởi vì
điển hình trong nghệ thuật luôn là tính chung nhất có trong mọi con người, mọi
không gian và thời gian, và đó cũng chẳng có gì khác hơn là bản chất của khái
niệm vô danh.
Đặc biệt, trong Thơ, cảm xúc vô danh được đề cập đến rất
nhiều và rất thành công. Tố Hữu, nhà thơ lớn của cách mạng, cũng là người tâm
huyết với cảm xúc này. Hai câu thơ quen thuộc của ông:
Những hồn Trần Phú vô danh
Sóng xanh biển cả, cây xanh núi ngàn.
Đã làm cái việc tôn vinh những phẩm chất và cống hiến
vô danh bằng cách giản dị và hữu hiệu nhất là đặt nó bên cạnh cái hữu danh, tức
là hữu danh hóa nó. Khi chúng ta dùng những cụm từ tôn vinh kiểu như “Con cháu
Bà Trưng, Bà Triệu”, “Con Lạc, cháu Hồng”... thì ít nhiều đều dùng đến thủ pháp
hữu danh hóa như vậy.
Nhà thơ Chính Hữu cũng rất thành công trong những khám
phá thế giới vô danh. Trong bài thơ “Duyệt binh”, ông đã sáng tạo một tứ thơ có
thể nói là tuyệt vời: Để hiểu được tâm hồn của những bàn chân oai hùng đang rầm
rập duyệt binh trên quảng trường trong ngày lễ lớn của dân tộc, nhà thơ lại hướng
cái nhìn vào một đồng chí thương binh cụt chân đang lặng lẽ trên đôi nạng gỗ, ẩn
mình trong đám đông vô danh bạt ngàn, để nghe ra cái điều mà có lẽ chỉ có các
nhà thơ và người trong cuộc mới nghe được:
Đồng chí thương binh
tưởng nghe tiếng bước chân mình
tiếng bước của bàn chân đã mất...
Và nhờ có giác quan kỳ diệu của trái tim ấy, nhà thơ
đã giúp chúng ta:
hiểu được
vì sao những lá cờ bay
theo nhịp bước
vì sao những chân đi làm rơi nước mắt.
Trong bài thơ trực diện mang nhan đề “Vô danh”, nhà
thơ Chính Hữu đã làm một cuộc tìm kiếm mải miết tên những con người chiến sĩ vô
danh, đã cất tiếng hỏi sông, hỏi núi, hỏi từng viên đá gốc cây, những “đỉnh núi
Khâu Luông đêm đêm gió thổi”, những “hun hút rừng Lào đi giữa nắng mưa...”. Và
nhà thơ đã tìm ra câu trả lời không thể xác đáng hơn:
Tôi thấy tên anh
Trong màu cỏ mùa xuân đã mọc
Một ngôi sao xa long lanh nước mắt
Một nụ cười em nhỏ mới sinh
Trong hạnh phúc
Những con người anh không biết mặt
Trong tên làng tên xóm mông mênh
Tôi thấy tên anh trong tên đất nước
Cuộc sống bây giờ chính là khúc hát
Tên anh.
Trong chiến tranh, có lúc mỗi con người chỉ là một ký
hiệu trên sa bàn, một con số trên mật mã, một mật danh, một bí số thay đổi theo
nhiệm vụ, theo thời gian..., nơi đến nơi đi có thể là một ngọn đồi không tên, một
con tàu không số, không tung tích, không dấu vết, số phận mỗi con người chìm lấp
sau vận mệnh của đất nước, của nhân dân. Sự hy sinh cái quyền được tồn tại như
một cá thể độc lập rất có thể là sự hy sinh cao nhất trong chiến tranh.
Chính người viết những dòng này cũng đã thấm thía với
sự hy sinh vô bờ ấy của những người lính vô danh để hơn một lần đề cập đến nó
trong thơ, đặc biệt với trường ca “Điệp khúc vô danh”. Dở hay là điều không dám
bàn tới, nhưng thực sự, với người viết, cảm xúc vô danh như một món nợ dai dẳng
đã theo suốt bản trường ca từ câu đề từ đầu tiên đến câu cuối cùng, bởi đó
chính là tâm niệm giản dị và thành thực:
Suối sâu nối với sông dài
Tôi vô danh nối với người vô danh!.
Nguồn: Văn Nghệ Công An