Thắc mắc của một cô giáo dạy Văn: Tham khảo nhiều công trình nghiên cứu, bài viết về Nguyễn Du & Truyện Kiều, nhưng chưa tìm thấy chỗ nào nói về việc Nguyễn Du đã đọc sách ra sao để trở thành Đại thi hào dân tộc...


ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU ĐÃ ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?

Vào đầu năm học mới, một học trò cũ của tôi đang dạy văn ở PTTH gửi thư điện tử hỏi: “Tham khảo nhiều công trình nghiên cứu, bài viết về Nguyễn Du & Truyện Kiều, song cả tổ văn của em chưa tìm thấy chỗ nào nói về việc Nguyễn Du đã đọc sách ra sao để trở thành Đại thi hào dân tộc, thầy có thể gợi ý giúp chúng em không ạ?”

Tôi nhớ tới tới một bài viết cũ, dưới dạng thư gửi một hội viên Hội Nhà văn đang tham dự Đại hội Hội Nhà văn VN nhiệm kỳ X, và gửi đến các thầy cô giáo trẻ dạy văn học nọ:

***

Kính gửi anh X…

Qua một người bạn cũ, em biết là anh đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn mấy năm nay, và đang tham dự Đại hội HNV nhiệm kỳ X…

Đầu tiên là em xin được nhiệt liệt chúc mừng anh! Hồi ở khoa, anh là cán bộ đi học, là Bí thư chi bộ lớp, chắc chỉ quan tâm tới những bạn nào đang là cảm tình Đảng mà anh cần chăm sóc, chứ còn với những kẻ suốt ngày chỉ ôm sách rồi mê mẩn chép những thứ thơ văn không có trong chương trình chính quy thì anh thấy thương hại - như lời anh tuyên bố trước một nhóm người thường xúm quanh anh. Còn em thì chẳng thể trách anh được điều gì, kể cả việc anh thương hại, rồi coi thường những thằng được gọi là “cá biệt” như em.

Nhưng có một cuộc tranh luận nhỏ ngoài giờ học mà anh khơi mào khiến em băn khoăn, như một cái gai nhiều năm, giờ đây xin được cùng anh giải tỏa sự băn khoăn ấy…

Hôm đó, sau mấy buổi học về tác giả Nguyễn Du, là người chủ trì cuộc tranh luận nhỏ (và vô hại), anh đã tuyên bố hùng hồn: “Tài năng của Nguyễn Du là do kế thừa truyền thống gia đình, và ông có những tác phẩm bất hủ là nhờ ở tài năng bẩm sinh và kế thừa ấy, đặc biệt khi lăn lộn trong đời sống cần lao của người lao động! Nguyễn Du làm gì có thời gian nào, tâm trí nào mà đọc sách, hở các bạn, khi gia đình tan tác, phải lang thang đầu sông cuối bãi, nghèo đói để người ta phải thương…”

Lúc đó em không tranh luận với anh, vì thương anh, biết rằng anh đã khéo léo tự  chữa thẹn cho một lần giáo sư hỏi về một tác phẩm văn học bắt buộc phải đọc, anh ú ớ nói đã đọc rồi… Nhưng khi GS. hỏi: “Thế cuốn sách đó có bìa như thế nào? Của nhà xuất bản nào?” Thì anh đành thú thực là anh mới chỉ biết tác phẩm đó qua giáo trình và những ghi chép cá nhân… GS. buồn lắm, ông nói với cả lớp: “Là giáo viên dạy văn tương lai, mà các anh chị không chịu đọc những tác phẩm kinh điển như thế này thì không hiểu sau sẽ dạy học sinh ra sao? Tôi cứ nghĩ rằng: cái thủ thuật hỏi về bìa sách sẽ chỉ là chuyện vui, là giai thoại về sinh viên, ngờ đâu tôi vẫn còn phải dùng đến nó, thì bản thân tôi phải thấy xấu hổ với các tác giả lớn kia…”

Thưa anh, Nguyễn Du nếu không đọc sách như anh nói, cụ đã không thể trở thành nhà văn - nghệ sĩ lớn, một trong “An Nam ngũ tuyệt” một thời và trở thành Đại thi hào mà thế giới cũng phải nghiêng mình kính phục.

Trong cả ba tập thơ chữ Hán để lại, Nguyễn Du đã có hàng chục lần nói tới Sách và đọc sách, lần nào cũng đầy cảm xúc, như nguồn nuôi dưỡng chủ yếu của tâm hồn ông, như người bạn thân thiết, nguồn an ủi lúc cô đơn bần hàn, thậm chí như một thứ định mệnh gắn với đời mình. Có lần Nguyễn Du thoáng mơ ước được như Ông già thôn quê ngồi trong nhà trông thanh thản an nhàn quá. Được như thế, chắc chỉ vì bình sinh không đọc sách (Toạ gia thôn tẩu đa nhàn sự/ Chỉ vị bình sinh bất độc thư. Lạng Sơn đạo trung)… Nhưng mơ ước như thế để ông càng đắm đuối với sách vở mà thôi!

Quả là Nguyễn Du nhiều lần nói về sách vở, về lòng ham đọc sách và ham viết, về tình yêu thiên nhiên như cái trụ đỡ chắc chắn giúp tâm hồn ông vượt qua nghịch cảnh. Ông thấm thía: cuộc vui buồn trăm năm bao giờ mới hết? Sách vở đầy bốn vách, bao nhiêu cũng vừa (Bách niên ai lạc hà thời liễu? Tứ bích đồ thư bất yếm đa. Tạp ngâm1), rồi tự động viên mình: Được nghe đạo lý rồi chết cũng cam, Ham mê sách còn hơn đắm đuối vì hoa (Văn đạo dã ưng cam nhất tử, Dâm thư do thắng vị hoa mang. Điệp tử thư trung). Trong cảnh ngộ nào ông cũng mê mải đọc sách: Thì giờ đi trên đường gió bụi, một nửa là dành đọc sách (Khách lộ trần ai bán độc thư). Với ông, đọc sách, mà đọc rộng hiểu sâu (bác quan, chữ của Lưu Hiệp) là cánh cửa dẫn đến tự do nội tâm, tới chiều sâu bề rộng của văn chương mà nhà thơ ấp ủ từ thủa hoa niên.

Sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với nàng Tiểu Thanh chính là xuất phát từ điểm này: cần phải trả cái món nợ của “án phong lưu”, cái nợ “Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”, và nếu ít đọc sách, làm sao ông có được mối đồng cảm lạ lùng kia? Có đọc sách, Nguyễn Du mới hiểu thêm: sự long đong vất vưởng của ông trên mọi nẻo đường, cũng là một cách để “tinh thần rong chơi nơi tám cõi, tâm hồn bay bổng chốn vạn tầng”, để khi cầm bút sẽ có chất liệu cho “trí tưởng tượng trôi nổi, có lúc thanh thản bồng bềnh, có khi ngụp lặn tắm táp nơi đáy suối… trong giây lát có thể quán thông kim cổ, trong chớp mắt có thể bốn biển rong chơi” như một tác gia cổ Trung Hoa từng nói. Dù chỉ là hơi tàn, còn văn chương thì mảnh như sợi tơ (Văn chương tàn tức nhược như ty. Chu hành tức sự), dù sống trong cảnh phải dựa tấm thân bệnh tật lên chồng sách vở, nghĩ về những đứa con “xanh tựa rau”, ông vẫn không ngừng suy xét sự đời, chất vấn mình, vẫn tỉnh táo minh bạch, và vẫn đọc sách để phân biệt thứ văn chương xu thời, làm dáng phù phiếm, với thứ văn chương Nghìn thuở nơi chín suối vẫn có mùi hương (Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương).

Sách, và đọc sách, với Nguyễn Du là sự giao cảm giữa “người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa” (Mộng Liên đường, Bài tựa Đoạn trường tân thanh). Sách, vốn là biểu tượng của tri thức và sự minh triết, còn là biểu tượng của vũ trụ, với cuốn Sách Đời, Cây Đời trong sách Khải huyền (của Kinh thánh) mang những thông điệp của Chúa Trời. Trong sách Khải huyền, Thiên sứ tay cầm cuốn sách nhỏ đưa cho người đời ăn, ngọt như mật nhưng rồi bụng lại đắng, bởi vì đọc sách rồi cần phải “nói lời tiên tri về nhiều dân tộc, nhiều nước, nhiều thứ tiếng nữa…” Bằng đọc sách và cuộc đời lao động nghệ thuật, Nguyễn Du đã minh chứng hùng hồn cho Biểu tượng của sự Minh triết kia...

Thưa anh, cuộc tranh luận cũ của chúng ta giờ đây tuy có muộn mằn, nhưng em nghĩ là cần thiết - nhất là đối với một nhà văn, một Hội viên nhà văn như anh. Hội Nhà văn, em nghĩ đó là một tổ chức cao quý, nơi biết bao những nhà văn  lớn VN tiền bối đã từng xây dựng nên, dù có bị mang tiếng ít nhiều bởi một số người háo danh tìm cách chạy vào, song đó vẫn là một tổ chức xứng đáng với những người cầm bút có lương tâm. Và ngoài lương tâm ra, em nghĩ rằng: nhà văn chúng ta hôm nay cần phải học bậc thầy Nguyễn Du về việc đọc sách và thái độ ứng xử với sách.

Chào anh! Mong anh giờ đây đã yêu sách, chịu khó đọc sách để ít nhất những đồng nghiệp cũ chúng em khi nhìn thấy tên cuốn sách mới của “Nhà văn X” sẽ hào hứng tìm đọc, với lòng tin cậy, bởi đó là sách của một nhà văn có đọc sách và biết đọc sách!

Kính chúc anh may mắn, sức khỏe.

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN