Văn hóa đọc ở ta phụ thuộc vào chất lượng đời sống nói
chung, cả vật chất lẫn tinh thần. Độc giả thời nay có điều kiện giao tiếp đây
đó, tiếp cận với nhiều nền văn hoá, nhiều phong cách sáng tạo...
Về những ngã rẽ văn hoá đọc
HÀ QUẢNG
Ngày nghỉ, dăm bảy anh em ngồi uống trà bàn về văn hóa
đọc. Chợt nhớ câu thơ “Vạn ban giai hạ phẩm, Duy hữu độc thư cao”. Có ý kiến
cho rằng vấn đề đọc sách chỉ là câu chuyện của giới “tinh hoa”. Đọc sách là một
việc làm cao quí, có một tầm văn hóa nhất định mới có nhu cầu đọc sách còn
trong thời kinh tế thị trường này Chủ nghĩa thực dụng chi phối bao trùm cuộc sống,
người muốn đọc sách không nhiều! Thời buổi công nghệ số đọc sách mạng có tốt
hơn đọc sách viết?
1.
Phải chăng người có học vấn cao mới có nhu cầu đọc
sách? Khảo sát về số giờ đọc sách trung bình của
mỗi người tại các quốc gia: Ấn Độ 10,4 giờ/tuần; Thái Lan 9,24 giờ/tuần; Mỹ
5,42 giờ/tuần, còn Việt Nam 1,2 quyển sách/ năm (Theo Hội thảo về xây dựng
văn hóa đọc - Đà Nẵng 29-30/06/2020). Phải nói là Việt Nam người đọc sách còn rất
khiêm tốn so với các nước.
Khảo sát đó rất sát với tình hình đọc sách ở nước ta,
nó cũng bộc lộ một điều khá tương phản là: theo thống kê thì nước ta số người
văn hóa/bằng cấp cao ở các chuyên ngành, các lĩnh vực khoa học tự nhiên
cũng như xã hội khá đông trên đầu dân số 100 triệu người (Có nơi từng có kế
hoạch đăng ký với nhà nước một quí đào tạo 20.000 tiến sĩ). Các đầu sách ở ta một
lần in chỉ mon men ngàn cuốn (không kể loại sách giáo khoa hoặc sách dùng tham
khảo trong nhà trường của NXB Giáo Dục). Họa hoằn mới có một vài cuốn in lên
con số vạn hoặc tái bản nhiều lần. Điều đó nói lên một điều là còn rất nhiều
người có học vấn, có chức nghiệp lại ít có nhu cầu đọc sách! Số sách in ra ít ỏi
đó đến tay người đọc số đông là độc giả bình thường: công chức, bộ đội, học
sinh, sinh viên, thầy giáo, thương nhân… Đó là các tầng lớp mua và đọc sách nhiều,
đủ các thể loại.
Giới độc giả bình thường họ khao khát đọc sách đủ nhiều
thể loại, nhiều hạng mục và là những người yêu ghét, khen chê công bằng và chân
thực nhất. Những tác phẩm được nhiều người đón nhận thuờng là tác
phẩm thoả mãn đuợc thị hiếu, nhu cầu tinh thần của họ. Quần chúng bây
giờ có những nhu cầu tinh thần mới mà trước đây còn xa lạ hoặc chưa
cho phép, có những vấn đề mà người ta quan tâm muốn khám phá mà
trước đây chưa có điều kiện để thực hiện. Công chúng muốn được nhìn cuộc
sống bằng con mắt đương đại. Những quyển sách cấp tiến họ đón nhận hồ hởi,
bán rất chạy, các nhà sách hiểu rất rõ điều này. Loại sách tư liệu, hồi ký danh
nhân, truyện thế sự, sách khởi nghiệp trong, ngoài nước… và sách các tác giả
trẻ tiêu thụ khá nhanh là do vậy.
Điều đầu tiên chúng ta cần phải nói đến chính là sách
giúp cho mỗi người lĩnh hội nguồn kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại, từ
kiến thức về văn hóa, khoa học cho đến các lĩnh vực khác của đời sống, những kiến
thức xã hội thường nhật về mưu sinh về sức khỏe. Sách giúp ta có được những
bài học kinh nghiệm mà bao thế hệ đã đúc kết lại để áp dụng vào cuộc sống hiện
tại. Sách cũng giúp cho ta những ý tưởng mới để sáng tạo trong công việc, sách còn
là một hình thức giải trí và thư giãn rất hữu hiệu…
Đặc biệt có những cuốn sách như những cẩm nang đạo lý
giúp ích cho tâm hồn chúng ta những khi vấp váp trong đường đời. Hẳn chúng ta
còn nhớ M.Gorơki đã kể chuyện mình trong “Thời thơ ấu”, những buổi trưa trốn mẹ lên căn gác xép
đọc trộm sách, đến đoạn xúc động cậu giơ trang sách lên soi dưới khe ánh sáng
xem trong đó có gì mà làm mình xúc động thế! Sách giúp cậu vượt qua ngày khốn
khó và soi mãi con đường đời của cậu mãi sau này.
Chung quy chúng tôi muốn nêu một nhận xét: Mặc dầu
sách có nhiều bổ ích nhưng nhìn chung số người đọc sách ở ta không nhiều so với
các nước (như số liệu đã nói ở trên)! Điều đáng mừng trong sự phát triển chung
của xã hội, giới bình dân đã trở thành giới tiêu thụ và đọc sách khá ấn tượng.
Trong sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí thời
đương đại, với sự phát triển công nghệ giải thích cho ta hiểu tại sao so với thời
bao cấp các hiệu sách, thư viện loại hình ngôn ngữ viết ít hấp dẫn
công chúng so với các tụ điểm loại hình giải trí nghe, nhìn khác. Đó
là một biểu hiện mất thăng bằng của văn hóa xã hội!
Và phải chăng thời buổi kinh tế thị trường lối sống thực
dụng chi phối mạnh đời sống xã hội, người ta thích làm ăn, thích hưởng thụ vật
chất không thích làm cái việc phù phiếm là đọc sách? Một bộ phận công dân hướng
sự chú ý vào mục tiêu lợi ích vật chất, thờ ơ những thú vui tinh thần xem thường
cái thú đọc sách hơn những thú hưởng lạc khác! Không ít người thời nay đều
hướng đến hoặc ảnh hưởng ít nhiều lối sống chạy theo chủ nghĩa vật chất thuần
túy, đặc biệt là lớp trẻ “nhậu nhiều, đọc ít và sự lên ngôi của văn hóa rẻ tiền”.
Vấn nạn bia rượu mà báo chí nêu lên là một minh chứng dễ thấy.
Một vài con số thống kê: Một năm ngành văn hóa thu được
2.000 tỉ đồng từ các hoạt động xuất bản, với 24.000 đầu sách cùng 375 loại ấn
phẩm khác. Trong lúc đó tiêu thụ 3 tỉ lít bia quy ra tiền khoảng 66.000 tỉ đồng,
gấp 33 lần tiền mua sách (theo Google 10 từ khóa người Việt tra cứu nhiều nhất
trên công cụ này thuộc lĩnh vực giải trí rẻ tiền trong đó có bia, rượu). Đối
chiếu chung thì ở ta tiêu thụ 33 lit bia, trong khi 1,2 đầu sách mỗi người/ năm
(Theo Trương Văn Trà - Nhà văn và Tác phẩm số 40/Tháng 4/2020).
Yêu sách, trọng sách là một tiêu chí văn hóa để phân định
các lớp người này. Nhà nước khuyến khích các nhà sách, các phố sách, tổ chức
các ngày Hội sách cũng nhằm mục đích nâng cao trình độ văn hóa, lối sống cộng đồng.
Cần chú ý nhiều người vì hoàn cảnh kinh tế thu nhập thấp họ đành dành chút tiền
lương để mua sắm cho gia đình hay phục vụ cho việc học hành của con cái, họ
không dám chi ra hàng chục, hàng trăm ngàn đồng mua sách, thì đó là vì hoàn cảnh
chứ không phải vì không có nhu cầu. Thay vào, họ vẫn luôn tranh thủ đọc báo
chí, các trang khoa học, văn học và cả các tập sách đắt tiền dày cộm… ở thư
viện hay mượn của bạn bè.
Không phải xã hội không còn những người “chơi sách”, với
những giá sách sang trọng, những cuốn sách bìa vàng dày cộm, nhưng quanh năm
không thay đổi vị trí, không xê dịch… Sách chỉ bày cho sang như vật làm cảnh về
trí lực! Đa phần người thèm sách/sách hay vẫn rất nhiều. Trong cuộc sống hiện đại
nhìn chung nhu cầu thu nhận thông tin, thu nhận tri thức có rất cao ở con
người bình thường bên cạnh nhu cầu tình cảm, nhu cầu ăn mặc, chứ không phải
nhu cầu tri thức chỉ dành cho một số ít người.
2.
Nhà văn lão thành Tô Hoài trong một cuộc trao
đổi về Văn học đương đại nói: Văn học mạng và văn học trên giấy
truyền thống, có sự thúc tiến lẫn nhau! Từ đó có thể suy rộng ra,
hai loại sách trên mạng và sách in luôn bổ trợ cho nhau. Một độc giả thời
nay không nghiêng về phía nào chắc sẽ có lợi hơn nhiều nếu chỉ đóng khung trong
một kiểu. Với sự tiến bộ của khoa học, của internet, nguồn thông tin qua
“mạng” thật dồi dào mới mẻ và vô cùng bổ ich. Theo thống kê, những trang
website hàng ngày có đến hàng ngàn trăm người tìm đọc, trong lúc các tạp
chí của cùng một cơ quan, hàng tháng, một kỳ, một số, khó tiêu thụ trên một
ngàn.
Việc đọc sách, báo trên điện thoại, máy tính… rõ ràng
sẽ rất khác so với việc được cầm trên tay cuốn sách còn thơm mùi giấy, lật giở
từng trang để nghiền ngẫm và cảm nhận trực tiếp qua từng trang sách, nhưng nó
cũng có những lợi thế khác.
Thứ nhất, qua “mạng” độc giả đọc được nhanh các tác
phẩm mới, hay mà sách in chưa có điều kiện xuất bản, dễ dàng tiếp cận
các thông tin, các nguồn tư liệu hữu ích, mới mẻ, đa chiều. Thứ hai, đọc
sách qua “mạng” tiết kiệm được kinh phí vì bây giờ sách đắt lắm. Một quyển
sách vài trăm trang có khi dăm bảy chục ngàn, trong khi đó “loát” về chẳng
đáng là bao! Nhiều loại sách ta có thể tìm kiếm trên “mạng” để đọc. Những
sách cũ, các nhà sách trên “mạng” cung cấp khá đầy đủ về Sử, Văn, Tâm lý… cổ
kim, tha hồ chọn, nếu tìm mua ở các hiệu sách rất hiếm. Thứ ba, đọc sách
qua mạng không nhất thiết đến thư viện hay một phòng đọc nào, có thể đọc bất cứ
đâu với một phương tiện nhỏ gọn như iphone, ipad... Thứ tư, có nhiều
phương tiện để đọc sách qua mạng: điện thoại thông minh, ipad, láp tốp, máy
tính, USB… với nhiều trang web đủ các danh mục rất dễ tìm.
Tuy nhiên thói quen đọc sách sử dụng các thiết bị điện
tử có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và mặt trái của nó không thể không nhắc
đến là có nhiều trang “sách đen” phản động về chính trị, suy đồi về đạo lý trôi
nổi tự do, người đọc dễ ảnh hưởng một cách tự phát.
Văn hóa đọc ở ta phụ thuộc vào chất lượng đời sống nói
chung, cả vật chất lẫn tinh thần. Độc giả thời nay có điều kiện giao tiếp đây
đó, tiếp cận với nhiều nền văn hoá, nhiều phong cách sáng tạo, đồng thời vì họ
đứng trong lòng cuộc sống, sự đổi thay nhanh chóng, sự va đập của đời sống vào
chính bản thân đã tiếp sức cho họ trên nhiều lĩnh vực tiếp nhận cái mới.
Độc giả ngày nay cũng thay đổi từng ngày một. Tiếp cận
bộ phận độc giả bình thường ở các vùng miền khác nhau chúng ta sẽ có một nhận
xét khái quát, chân xác, và “ngộ” được một cách trọn vẹn cái khái niệm “đọc”
về một thực thể văn hóa nhiều hàm nghĩa. Chính Lênin đã từng nói: Không
có sách thì không có tri thức... M.Goroki cũng từng cho rằng “Mỗi cuốn sách đều
là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tách khỏi con thú và đến tới gần con người,
tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống”. Có
nhà thơ cũng đã tâm sự, có những vấp ngã trong cuộc đời “phải vịn câu thơ mà đứng
dậy”.
Tựu trung, vấn đề còn lại và đặt ra cho người đọc là
nên đọc sách cả mạng và giấy nhưng hãy tìm một ngã rẽ hợp lý về cái sự đọc:
đọc cái gì, đọc tác giả nào… cho có lợi vì thời gian hạn hẹp lắm.
Đọc không phải chỉ là để nghiên cứu, tìm hiểu, không
phải thuần giải trí; cũng không phải có cơ hội để mà kiếm sống… Đọc là một nhu
cầu tiếp nhận thông tin tự thân như ăn, ngủ, yêu đương vậy. Nó là một yếu tính
của “bản thể Người” trên phương diện tiếp cận đời sống thời hiện đại.
Nguồn: Văn Nghệ