Cảm hứng về trẻ em rất nổi trội trong thơ Trúc Thông. Số bài thơ viết về trẻ em là 39 bài (trong đó có riêng 13 bài viết về hai con gái “rượu” của tác giả) được đặt xen kẽ với các bài thơ khác).


Viết về trẻ em - nhìn từ trường hợp Trúc Thông

PHẠM ĐÌNH ÂN

Nhà thơ Trúc Thông (1940-2021) được số đông bạn đọc, trong đó có giới sáng tác thơ và nghiên cứu - phê bình, xem như một tác giả thuộc thế hệ chống Mỹ - cứu nước, đã thực hiện đổi mới và cách tân - nhất là cách tân về sáng tạo ngôn ngữ thi ca - ngay từ buổi đầu sáng tác.

Điều đáng chú ý về thơ Trúc Thông là định tính chứ không phải định lượng. Kể từ năm đầu tiên in sách đến khi ốm bệnh, ngừng viết, ông chỉ có 204 bài thơ, đưa vào 5 tập: Chầm chậm tới mình (1985), Ma-ra-tông (1993), Một ngọn đèn xanh (2000), Vừa đi vừa ở (2005) và Mắt trong veo là tập cuối cùng còn ở dạng bản thảo1. Dễ nhận ra là ngay từ tập thơ đầu tiên, về hình thức thơ, ông đã không viết chữ hoa ở nhan đề và đầu dòng thơ. Thêm nữa, tên tập, tên bài càng về sau càng không bình thường, thiên về lạ lẫm, hằn rõ dấu vết sáng tạo của cá nhân, vượt ra ngoài lề lối quen mòn. Trúc Thông được nhắc đến bởi các bài thơ viết về phụ nữ, người lao động nghèo, nổi tiếng nhất là bài “Bờ sông vẫn gió” thương tiếc người mẹ của ông.

Một phần nữa, rất đáng kể, có sức nặng lan tỏa cảm xúc nồng nàn là hình ảnh trẻ em và đời sống văn chương - nghệ thuật. Riêng về trẻ em, Trúc Thông có nhiều bài thơ, dòng thơ say mê. Ấy thế mà lâu nay chỉ có một số ít người nhắc qua. Ngay cả giới nghiên cứu, phê bình cũng chỉ chú ý nhiều đến bài “Bờ sông vẫn gió”.

Theo nếp quen, người ta thường nói “văn học thiếu nhi”, “thơ - văn thiếu nhi”. Đó chỉ là cách nói chung chung, thiếu chính xác. Thiển nghĩ, chúng ta nên dùng cụm từ văn học (hoặc thơ - văn) viết cho (dành cho) trẻ em. Riêng nội hàm “viết về trẻ em” thì không thuộc “văn học thiếu nhi”, những tác phẩm ấy chỉ gần gũi với văn học viết cho trẻ em. Văn học viết về trẻ em chủ yếu dành cho người lớn, ở đó, người nhỏ tuổi là đối tượng hiện thực của sáng tạo, tương đương với mọi đối tượng (chủ đề) khác như gia đình, phụ nữ, tuổi thanh xuân, thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, người lao động, thế sự, hoặc mọi buồn vui ẩn ức của tâm hồn, v.v. Đương nhiên, trẻ em cũng có thể đọc được, tùy trình độ hoặc tuổi đã sắp thanh niên. Hiển nhiên văn học viết về trẻ em có mối liên hệ trực tiếp với văn học cho trẻ em.

1. Trẻ thơ trong trắng thiên thần

Cảm hứng về trẻ em rất nổi trội trong thơ Trúc Thông. Số bài thơ viết về trẻ em là 39 bài (trong đó có riêng 13 bài viết về hai con gái “rượu” của tác giả) được đặt xen kẽ với các bài thơ khác). Tỉ lệ trong tập như sau: tập 1: 4/23, tập 2: 9/41, tập 4: 17/65, tập 5: 6/302. Tập 4 (Vừa đi vừa ở, có nhiều bài về trẻ em nhất khi tác giả bước vào tuổi 65 chín đằm cảm xúc, trí tuệ và năng lực sáng tạo. Ngoài những thi phẩm riêng biệt, thì trẻ em còn được gọi tên phổ biến, thân mật là các em, các con, cháu ở những bài khác như: Mùa hạ tới, Thu bảy bảy, Đi chợ Đồng Xuân, Sáng quê, Chợ quê, Một Hải Phòng hè, Xe lôi, Dọc đường 9 hành quân, Tuyển, Bạn xe ôm, Ghé Biên Hòa v.v.

Không như nhiều nhà thơ coi tuổi thơ của chính mình như một thi liệu dồi dào, là cảm hứng sáng tạo, một khu vực hiện thực để khai thác, Trúc Thông chỉ có đôi ba bài thoáng qua ký ức tuổi thơ. Chẳng hạn bài Thiêng: hun hút trôi/ nâu hiền/ bên rặng tre/ bao nhiêu người đi ngược/ con đường xuôi/ không về, sau đó là ba dòng kết thúc bài thơ bậc thang chữ nhỏ xíu (thị giác hóa cảm giác về thời gian): tuổi thơ/ mẹ xa/ ngày xưa. Tại một Lát sông quê, thi sĩ có nhắc đến sông Châu của mẹ của cha của tuổi thơ xa lắc. Tuy nhiên, thơ Trúc Thông là thơ của khoảnh khắc hiện tại chớp lóe, ít nói đến quá khứ; có nói đến tuổi thơ, ngoài dẫn chứng hiếm hoi vừa nêu, là tuổi thơ hiện tại và đương nhiên tuổi thơ ấy không thuộc chủ thể sáng tạo.

Như vậy, theo nghĩa hẹp thường hiểu, Trúc Thông chỉ có một bài thơ có thể xem là dành cho trẻ em, đó là bài Cao Bằng 3. Còn tất cả 38 bài khác, Trúc Thông không viết cho trẻ em mà viết về trẻ em cho người trưởng thành đọc, ngay cả khi hướng tới hai con đẻ của mình. Bài Ba rưỡi sáng là một thí dụ:

Vào phố

vượt cầu

phăm phăm ngựa sắt

Giật lấy miếng ăn

bằng bàn tay lương thiện

Các con ơi hãy ngủ

đến lúc mặt trời lên

rồi chơi cô dâu, công chúa,

nữ hoàng

phi ngựa lướt một nghìn

trận gió…

Chơi thật cuộc đời

chúng ta

đẫm áo.

Trúc Thông yêu trẻ em theo cách rất thi sĩ mà cũng rất đời thường. Khi sáng tác không phải không có lúc ông có giọng kiêu sang, nhưng ở đây thì ông trắng trong, ngây dại tột cùng với trẻ em, ông đánh đắm thân xác và tâm hồn mình vào chúng mà làm nên Khúc trẻ thơ say sưa đến mê muội:

… và trẻ con khoác vai nhau đi

chơi với nhau

chơi với trăng

chơi với biển

chơi với các lâu đài,

này trẻ con ơi

cho tôi theo với

tôi bé lại đây này

tôi rất trẻ con

tôi làm những bài ca cho mà hát

cho tôi theo với

quá nửa cầu rồi

các trẻ con ơi.

Trước tiên, với Trúc Thông, trẻ em là hiện thân của cái đẹp tươi sáng, trong trẻo, cao cả, trẻ em là thiên thần… Ông nghe tiếng con cười lấp lánh vào xa. “Ở một xóm biển Nghệ An”, thi sĩ thấy: tan học về các em đi ngược chiều gió thổi/ tung bay những mái tóc đang dài (…) các em đi li ti dưới rừng dương vút/ mây trắng lên cao tít/ biển xanh đến vô ngần/ ngón tay sáng trắng tinh đệm dạt dào lên dương cầm bãi cát. Trên “Bờ biển sớm”, thi sĩ thấy các em thích nghịch đùa mãi mãi trẻ thơ/ cười trắng phau biển cũng học trò. Đây là “Nét nhớ Cà Mau”: Dáng mềm mại áo học trò thật trắng/các em ngồi mấy khoang thuyền dài/ sông cứ chảy bời bời sóng đục/ trôi đôi bờ thấp thoảng bông mai. “Một trưa hè Sơn Mỹ” không quên của riêng thi sĩ: giữa đường thôn các em đi học về/ líu ríu áo hoa bay/ trời bập bềnh những gió.

Theo Trúc Thông, trẻ em và thế giới trẻ em là thiên đường - thần tiên, chúng là thế giới thiên đường - thần tiên. Thiên đường không phải là cõi ảo ảnh u huyền không có thật mà chính là thực thể lý tưởng về cái đẹp, cái cao cả. Đó là bốn má hồng trái táo/ khum khum bốn bàn tay be bé/ như tặng phẩm từ trời! (Nhờ ở các em). Thi sĩ khẳng định cứ lần theo giấy kẹo trẻ con/ sẽ gặp thiên đường (Khúc trẻ thơ). Ông có hẳn một bài tên là Một thiên đường bay chéo nói đến mỗi cô, cậu học trò giữ một mảnh thiên đường. Thi sĩ hướng về trẻ em cũng là hướng về cái đẹp, về thiên đường và ánh sáng. Ánh sáng là thi ảnh, là tín hiệu thẩm mỹ xuất hiện rất nhiều trong thơ Trúc Thông cả khi thi sĩ viết về trẻ em. Có thể dẫn ra quá dễ dàng: khi búp chân các con thoát ra ngoài ánh sáng (tr.309), nguyện trao cho các con/ đời tràn ánh sáng (288). Thi sĩ thấy trời xanh rót xuống tràn ánh sáng/ chị em bé xíu khoác vai nhau (85). Liên tiếp các bài khác viết về con đều có ánh sáng: con tôi đeo cặp đi/ dăng ngang bạn bè/ cặp mắt sáng trưng (238); hoặc: con cũng đồng phục áo dài trắng/ như sáng nay lướt thướt trước cha/ từng lớp bay dịu sáng; hoặc: tiếng con cười lấp lánh vào xa (84). Trong bài Chung quanh lao động sáng tạo thơ, thi sĩ viết: những trái tim đau trong trắng/ đã chớp lên/ bao chữ/ một đời (…) giữa sáng tràn/ một câu thơ màn đêm/ sao vụt chéo (318). Độc giả cũng hay gặp những câu: thơ ngây hồn chớp chớp (tr.14), đường chín khủng khiếp 1970/ nổ ra đàn em bé (199), mắt sáng môi tươi lời lóe chớp (279).

Nói tóm lại, sắc màu biểu cảm của thơ Trúc Thông thể hiện nhiều ở khoảnh khắc hiện tại với áng sáng như sáng trưng, sáng lóe, sáng trong, sáng dịu, sáng tràn trề, sáng bừng, trắng muốt, trắng phau, lấp lánh…

Thi sĩ “mượn” các em để nói lên khát vọng vươn tới của mình, cũng xem đó là khát vọng của trẻ thơ mà ông cần nói thay. Chúng ta hãy đọc: bước lên nhé đài cao trí thức/ không kéo cày, những đôi vai rộng/ sẽ kéo băng đồng đất nghìn năm/ cập bình mình lúa thơm/ gió quấn quýt những bàn chân son thắm (Bàn chân trẻ quê mình). Khi Trúc Thông thấy “Người bán than tổ ong” mệt nhọc choãi người đẩy xe thồ góc phố, ông đưa ra lời khuyên một cậu con trai (có thể là con của người đàn bà kia): hãy đi lấy một tương lai trắng trong/ mẹ đang đẩy xe than về hướng đó. Trúc Thông khuyên con, cũng là khuyên trẻ em, khuyên chính mình và những ai có thiện tâm, khát vọng:  con hãy kết chúng ta thành một khối/ tấn công/ về ánh sáng (81).

2. Tiếng con cười lấp lánh vào xa

Trong số 39 bài viết về trẻ em của Trúc Thông, có 13 bài về hai con gái Phùng Linh, Phùng Vân: (Các con ơi, Trong chờ đợi, Cho con Phùng Vân, Nhờ ở các con, Lời trong sạch sáng nay, Ba rưỡi sáng, Đi Ninh Bình, nhớ con, Tào phở, Nết, Trong buổi sáng đầu tuần, Những tay đua, Chở con đi học, Trên máy bay). Như mọi người cha, Trúc Thông yêu con da diết. Ông lập gia đình muộn, khi về hưu, con đầu mới học lớp 4. Khi tuổi càng cao mới có con thì người cha càng thương con gấp bội bình thường. Trúc Thông cũng vậy, nếu trước tiên chúng ta nhìn thi sĩ ở phía một con người bình thường mà nghiêm túc, có tâm, giàu tình yêu thương. Đáng nói hơn, người cha này lại có thêm phẩm chất khác là: làm thơ, viết văn về con là yêu thương con thêm một bậc nữa. Ngay từ tập thơ đầu tiên, ông đã có bài viết về con.

Cùng số ít nhà thơ khác, Trúc Thông viết về con để cho mình, cho mọi người trưởng thành là chính, không phải riêng cho con ở thời điểm xuất hiện thi phẩm, khi mà các con ông còn bé, chưa hiểu sáng tác của người cha - thi sĩ đáng kính và tài hoa. Cũng có thể hiểu đó là thơ dành cho con ở tương lai. Dù có nét khu biệt như tình cảm bố - con (căn cứ vào cách gọi tên, các chi tiết sinh hoạt gia đình…) thì chùm thơ viết về con của Trúc Thông vẫn thuộc hệ thống liền mạch những bài thơ viết cho trẻ em của ông. Chứng cớ là một số bài thơ hoàn toàn không viết về con đẻ của mình, nhưng thi sĩ vẫn gọi con, các con bên cạnh có em, các em. Đối với Trúc Thông, các con của ông cũng là trẻ em (đương nhiên) mà ông hướng đến để viết. Chỉ khác ở sắc thái cảm xúc: Vâng, con ơi cha xin làm con bò/ chở đến chân trời những cuốn sách (Các con ơi); sinh ra cho những tình bạn đẹp/ mừng các con yêu bạn, giống cha/ khi khép chặt cửa nhà ta khuya rét/ lòng cha êm mở khóa… tạm xa nhà (254); quyết tử/ vì con/ căng thẳng trước bao hội đồng thi/ chờ ngóng (285); mong con sớm thắp lên mẫn cảm hiền minh/ từ trong bụng mẹ/ chỉ có cha con đường khôn ngoan nhất/ giữ gia tài kiêu hãnh cho con (81); Cha thật nghèo nàn/ chẳng có gì gửi cho ba mẹ con/ chỉ một tình thương từ trên mây trắng (288);

Như viết chung về trẻ em đã nêu ở trên, Trúc Thông truyền cho con - trẻ em khát vọng gắt gao, quyết liệt xóa bỏ cái phản tiến bộ, hướng tới cái đẹp, cái cao cả: trong lòng mẹ chịu khó chịu thương/ con hãy mong sáng suốt/ cho cơn giận/ giải thoát/ cho nỗi buồn/ bạo tàn… con sẽ thắng. Khi thấy một phụ nữ nghèo cọc còi đi qua cửa rao bánh mì, thi sĩ xúc động: các con ơi/ cao lên/ phục hận/ cho câu ca/ vừa đi qua/ trước cửa nhà ta. Hoặc quyết tử/ vì con/ căng thẳng trước hội đồng thi/ chờ ngóng, ông thầm gọi: ôi các con/ bao giờ chúng ta nhấn liên còi/ phanh tạm/ trước vạch đích mùa xuân (trang 285). Thi sĩ cũng mong các con của mình sẽ có một cuộc đời tràn ánh sáng ở phía tương lai.

3. Duy mỹ hóa và cách tân lối viết

Nếu chỉ dừng ở duy mỹ hóa lối viết thì nhiều nhà văn đã làm. Đấy là viết về cái đẹp của đời sống. Còn duy mỹ hóa lối viết là dồn sức dồn tài viết cho cái đẹp về bất kỳ hiện thực nào. Nhà văn tài danh Nguyễn Tuân là một trường hợp tiêu biểu. Ở thế hệ hậu sinh, thi sĩ Trúc Thông cũng thuộc số tác giả duy mỹ hóa lối viết. Đọc ông, thoạt đầu người ta nhận ra ngay sự sáng tạo thi ca hướng đến cái tuyệt mỹ về thi ảnh, ý tưởng cho đến câu chữ, sau đó mới nhận ra đời sống nhân quần mà ông muốn thể hiện như là bảo đảm trách nhiệm xã hội - công dân của một nhà thơ đang thuộc về quê hương, cộng đồng, đất nước.

Về kiểu thể loại thơ, Trúc Thông dùng nhiều, như tự do, lục bát, bốn câu, thơ văn xuôi… Thành công nhất là thơ tự do và thơ văn xuôi. Thi sĩ có hai bài lục bát hoàn chỉnh: Bờ sông vẫn gió và Xin dòng lục bát, cùng hai cụm lục bát lồng vào hai bài thơ Phiếm đề và Tặng Trần Hoài Dương. Thi phẩm Bờ sông vẫn gió, được nhắc đến nhiều, như là “thương hiệu” của Trúc Thông, nhưng đó chỉ là hiện tượng đột xuất, không được thi sĩ cho là sáng tạo thơ của mình. Riêng cụm câu trong bài thơ tặng Trần Hoài Dương rất đáng được chú ý: giữa dòng chảy xiết thời gian/ xin em lưu lại một làn hương bay/ một ngày đổi lấy triệu ngày/ ngàn xưa đổi lấy đời nay một người/ một người: riêng của anh thôi/ trong veo lại cõi rối bời thiên thu… Tất cả 5 bài thơ văn xuôi Nho nhỏ mùa thu, Nao nao rừng núi, Lát sông quê, Nhớ mẹ sông Châu, Kỷ niệm buồn một thành phố phương Nam đều mang giọng điệu đằm thắm, mượt mà - một phần tố chất của thơ Trúc Thông. Ngoài ra, tất cả 10 bài thơ 4 dòng đều không hay. Phải chăng, thơ 4 dòng gợi đến thơ 4 câu, thơ tứ tuyệt - thể thơ gò bó đối với một cá tính không chỉ nén vào mà còn luôn luôn cựa quậy, trồi ra, bung phá? Khi thi sĩ viết 5 câu trở lên thì lại thuận. Rốt cuộc, thơ hay của Trúc Thông chủ yếu ở thơ tự do, với ngôn ngữ cách tân táo bạo, khi ông chọn lọc kỹ càng. Có thể dẫn ra một số câu, cụm từ: trần da thịt đất trời làm tã lót (36); trắng muốt hoa cựa mình/ hứng sương từ ngực mẹ (83); em bé gầy như một ngôi sao (91); gió bên đường ngơ ngẩn (68); xếch xác đi/ vào chợ/ tìm gánh mướn (…) mắt rẹp về một phía kiếm ăn (234); cột nhà bảy mươi năm/ xoan ửng; không tránh chen, lập vập/ đường giáp Tết (294), v.v.

Thơ Trúc Thông là thơ của khoảnh khắc chớp sáng, thơ của hiện tại hẹp trong trạng thái luôn luôn hướng nhanh về phía trước. Như đã nói, ông rất ít hồi tưởng. Thi sĩ từng tâm sự về nghề thơ của mình: “ý thơ lóe lên lập tức được khít áo từ ngữ, được âm điệu bổng trầm, được hình ảnh thăng hoa… tất cả xảy ra cùng một khoảnh khắc trong ánh chớp cảm hứng sáng tạo”. Hoặc: “… những câu thơ từ các phương trời, các thời đại, đều chứng minh đồng loạt rằng: thơ phải tốc độ. Thơ là tốc độ, không kề rề, không dẫn giải, phân bua”. Thi sĩ còn nói thêm: “Nhà thơ phải được thả vào thiên nhiên, vào cuộc sống. Anh ta sẽ bất ngờ phát hiện. Bất ngờ chớp lên những thi phẩm tài năng” (các trang 68, 93, 99, sách Tiểu luận bình thơ). Chúng ta cũng nên tham khảo thêm ý kiến này của Trúc Thông: “trung thành nhất với khoảnh khắc thi hứng ấy, làm hiện hình lên câu thơ, bài thơ khớp nhất không khí ngôn ngữ chớp lên lúc ấy, đơn giản nhất tôi định nghĩa thơ hiện đại là thế” (báo Văn nghệ Trẻ, 10/9/1997). Nhiều bài thơ mở và kết lửng lơ, là do tác giả cố ý trên cơ sở một quan niệm riêng. Ông không tìm tứ, lập tứ bởi cho rằng tứ ràng buộc ngòi bút, hạn chế sức sáng tạo bất ngờ, biến ảo. Thi sĩ san sẻ kinh nghiệm sáng tác với đồng nghiệp như sau: “Tôi rất tôn trọng tứ nhưng không cậy vào nó. Đã vào nghề sâu, tứ không còn quá quan trọng nữa, có nó là phải cảnh giác với sự dễ dãi muốn đoạt lấy ngay bài thơ, muốn guồng nhanh tới nó, ở trường hợp này tứ đã khóa anh. Muốn sự bất ngờ, anh phải thoát ra khỏi tứ” (báo Sài Gòn thứ bảy, 13/4/2002).

*

Thi phẩm Bờ sông vẫn gió mãi mãi là thi phẩm hay của Trúc Thông, nhưng chỉ căn cứ vào riêng nó thôi để đánh giá gọn đời thơ của thi sĩ này thì đó là cách nhìn lệch hướng. Nếu gác bài thơ này sang một bên, Trúc Thông còn có 203 bài khác hầu hết thuộc hướng cách tân, trong đó có thơ hay, một số đáng được chú ý như các bài: Khúc trẻ thơ, Dưới chân thác Bạc, Đường lưng đèo gió, Sân trường xưa, Chùa Mía, mùa xuân… cùng chùm thơ về thi ca - nghệ thuật, và tại bài viết này được nêu ra một cách tương đối kỹ càng, là chùm thơ về trẻ em.

Thơ Trúc Thông, ở thi phẩm viết về trẻ em, trong đó có con của tác giả, thể hiện được hầu hết cá tính sáng tạo của thi sĩ, đó là thơ của khoảnh khắc chớp lóe, thơ dồn nén cảm xúc và ngôn từ để buông mở và thơ vừa đằm thắm, dịu dàng, vừa nghiệt ngã đến mức cực đoan.

Tất cả những điều đó được bộc lộ rõ ở lối viết thiên về thơ ngôn ngữ, bày ra trước mắt độc giả, khi mà cái viết (bùn đất, mồ hôi, khổ cực, đau thương…) lùi lại sau một bước. Thơ Trúc Thông chỉ nên trực tiếp đọc, không nên thưởng thức bằng tai nghe. Độc giả chỉ có thể giải mã thơ ông ở mọi trường hợp khi thì súc tích dồn nén, lúc lại buông lửng bâng quơ nếu chú ý đến tính tạo hình của văn bản.

_____

1. Tập Thơ Trúc Thông (Nxb Hội Nhà văn, 2014) in lại tất cả thơ của Trúc Thông. Tại tiểu luận này, văn bản thơ dùng để khảo sát và trích dẫn có ghi số trang, đều căn cứ vào sách thơ đó. Để dễ trình bày, ở đây, tên sách, tên bài và chữ đầu câu thơ đã dùng lại chữ hoa như kiểu quen thuộc. Chữ đậm trong câu trích là do P.Đ. nhấn mạnh.

2. Trong phần đề cập thơ viết riêng cho con của tác giả, chúng tôi dẫn ra tên đầy đủ 13 bài thơ. Còn 26 bài khác cũng viết về trẻ em, đề nghị độc giả xem trong sách Thơ Trúc Thông. Thứ tự số trang có bài tại mục lục là: 9, 11, 36, 66, 73, 94, 97, 130, 136, 138, 159, 160, 199, 201, 222, 225, 235, 249, 250, 251, 252, 259, 268, 299, 302, 309.

3. Bài Cao Bằng được in sách giáo khoa tiểu học (Tiếng Việt 5, tập 2), tái bản nhiều lần theo năm học cho đến 2020. Đó là một trường hợp duy nhất đối với Trúc Thông là thơ dễ hiểu trọn vẹn cả bài, viết theo giọng điệu đằm thắm, dịu dàng, phù hợp với trẻ em, mặc dù có thể tác giả không cố ý dành cho lứa tuổi thơ.   

 

Nguồn: Văn Nghệ