Thật sự mà nói, người trí thức thực thụ chả ai phải ong ỏng lên rằng, mình là trí thức, cũng như chẳng ai tự vỗ ngực mà nói rằng “trí thức tầng bậc cao” ấy cũng là “nhà văn hóa”.


Trí thức tầng bậc cao”

LÊ HUYỀN ÁI MỸ

Tại buổi khai mạc lớp tập huấn đạo diễn trẻ do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, ngày 3.10 ở Hà Nội, đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà nói “Bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… cũng là trí thức. Nhưng đạo diễn là trí thức tầng bậc cao. Người ta minh định rằng đạo diễn còn là một nhà văn hóa”.

Eo ơi! Kinh.

Lập luận cho cái gọi là “trí thức tầng bậc cao” ấy, ông “trí thức tầng bậc cao” cho rằng, “ngoài kiến thức về sân khấu, đạo diễn phải có kiến thức rất sâu rộng về cuộc đời để lôi lên sân khấu mà kể chuyện bằng bản diễn".

Ơ, thế ông bà soạn giả, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên cũng cần vậy; và trong phạm vi của đời sống sân khấu thì vai trò ông đạo diễn hẳn nhiên là mang tính bao quát, tổng thể nhất. Thế thôi. Nhưng, từ đó đặt cạnh bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo để “cẩu” mình lên tận hàng “trí thức tầng bậc cao”, thì những vị thiên thần áo trắng, kỹ sư phấn trắng kia là “trí thức bậc thấp” ư!

Thật sự mà nói, người trí thức thực thụ chả ai phải ong ỏng lên rằng, mình là trí thức, cũng như chẳng ai tự vỗ ngực mà nói rằng “trí thức tầng bậc cao” ấy cũng là “nhà văn hóa”.

Bởi, thực chất, sự có ăn có học thật sự sẽ khiến con người ta biết ăn biết nói những gì cần nói, nên nói. Ngoài kiến thức chuyên sâu, học vấn cao thì người trí thức còn có thái độ dấn thân với trách nhiệm xã hội cao cả. Và từ đó, các thành phẩm, giá trị mà họ mang lại chính là thước đo để được xã hội, cộng đồng thừa nhận họ là một bậc trí thức. Tôi nghĩ vậy.

Nên, nghe ông “trí thức tầng bậc cao” Giang Mạnh Hà nói, có cảm giác như ông đang sử dụng thủ pháp phóng đại, thậm xưng để “dàn dựng” cho phát biểu trước các ông bà “trí thức tầng bậc cao” trẻ. Trong khi, cái thực sự cần phải truyền đạt cho những đạo diễn trẻ là chính họ phải tự mình xem lại, xem từ kiến thức chuyên môn, chuyên sâu của đạo diễn cho đến kiến thức nền tảng, phổ quát; kiến thức thực tế, xã hội… họ đã hội đủ hay chưa. Và của chính ông, ông cũng đã có đủ hay chưa.

Một đạo diễn sân khấu - là nói chung; còn khi đi vào dàn dựng một vở tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, các đạo diễn có đủ kiến thức nền của từng loại hình nghệ thuật ấy hay chưa, chứ chưa nói là am hiểu. Để dẫn tới thực trạng phổ biến, một ông đạo diễn dàn dựng được tất. Nhưng kỳ thực, giá trị nghệ thuật, hàm lượng sáng tạo đỉnh cao, liệu có hay không?

Thì đấy, một ví dụ sáng chói nhất mà tuần qua ai cũng thấy, vị “trí thức tầng bậc cao” đã cho một lô một lốc mỹ nhân mit - rên ào ra sân khấu, gào lên, gầm rú “An Giaaaaaannnggggg” kinh dị.

Và còn nhiều lắm những “trí thức tầng bậc cao” ở khắp các sàn diễn, từ Nam chí Bắc, trong ấy có… Đồng Nai!