Mặc dù Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã ban hành thông báo nội dung giải quyết phản ánh, nhưng nhiều người trong giới sân khấu vẫn chưa hết hoài nghi về việc Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương – Giám đốc Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam có bằng tốt nghiệp cấp 3 hay không?


Trên diễn đàn Quốc hội vừa có ý kiến đề nghị tổng rà soát bằng tiến sĩ trên cả nước, mà trọng tâm là học vị của cán bộ trung cấp và cao cấp. Cho nên, nếu một người không có bằng tốt nghiệp cấp 3 mà vẫn có bằng tiến sĩ, thì không phải chuyện oái oăm chăng?

Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du 62 tuổi là người đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đề nghị kiểm tra thông tin râm ran trong giới sân khấu là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương 58 tuổi chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3. Rất thiện chí, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã chỉ đạo Thanh tra Bộ vào cuộc xác minh.

Và rất nhanh chóng, Thanh tra Bộ có văn bản do ông Trần Kim Hậu ký, thông báo rằng: “Ông Nguyễn Đăng Chương được Ty Giáo dục tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) cấp bằng tốt nghiệp trường phổ thông ngày 30/7/1980, trên cơ sở kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trường phổ thông tổ chức tại Hội đồng thi Yên Khánh A khóa thi năm 1980”.

Đoạn trích nguyên văn trên, có một khái niệm khá lạ là “tốt nghiệp trường phổ thông”, chứ không phải “tốt nghiệp phổ thông” như ngôn từ phổ biến của ngành giáo dục. Không biết có phải thông tin chính xác trong hồ sơ lưu trữ của Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Ninh Bình đã ghi chú như vậy?

Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du đã không đồng ý với kết quả thanh tra. Lý do quan trọng được nhà viết kịch Hoàng Thanh Du nêu ra, khá cụ thể: Một người sinh tháng 5/1964 như Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương thì không thể có bằng tốt nghiệp cấp 3 vào tháng 7/1980. Theo nhà viết kịch Hoàng Thanh Du: “Tôi cũng tham khảo những người sinh năm 1964 đã học hết phổ thông, thì đều đến 1981 mới học xong, và để có tấm bằng tốt nghiệp thì phải đến 1982 mới có … Vậy ông Nguyễn Đăng Chương có bằng  cấp 3 vào ngày 30/07/1980 là không thể”.

Mặt khác, bằng kỹ năng phân tích tình huống của một nhà viết kịch, ông Hoàng Thanh Du nhấn mạnh: “Theo tôi thì  tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Nguyễn Đăng Chương có dấu hiệu làm giả, vì khi mua bằng các đối tượng làm bằng giả cộng năm sinh và năm học để ghi tốt nghiệp theo cách nghĩ cơ học. Tức năm sinh + 16 năm nên đã lòi ra sự sai sót này”.

Cái bằng tốt nghiệp cấp 3 (Tú Tài) đối với một người thất nghiệp thì hoàn toàn vô nghĩa. Thế nhưng, cái bằng tốt nghiệp cấp 3 với một tiến sĩ thì rất quan trọng. Hơn nữa, tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương lại đang đương chức Giám đốc Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, nên rất cần sự minh bạch để dễ ăn dễ nói khi “quan trên trông xuống, người ta trông vào”.

Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du.


Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du khẳng định tiếp tục khiếu nại lên Tổng Thanh tra Chính phủ về ẩn số bằng tốt nghiệp cấp 3 của tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương. Đây là một thái độ thẳng thắn, đáng trân trọng. Bởi lẽ, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du cũng là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và đã từng có nhiều tác phẩm đấu tranh với tiêu cực. Không biết dọn “rác” trong nhà mình thì làm sao giữ gìn môi trường trong sạch cho thiên hạ!

Ở góc độ khác, những lời xì xầm chắc cũng đã đến tai tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, nhưng chưa thấy ông phản ứng gì. Ông Nguyễn Đăng Chương không phải loại tiến sĩ chỉ cắm đầu vào mớ lý thuyết tầm chương trích cú, mà còn là một nhà viết kịch được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2017. Thiết nghĩ, ông Nguyễn Đăng Chương cần có động thái để bảo vệ danh dự bản thân.

Với bản lĩnh của một người từng viết những vở kịch như “Chuyện tình người mất tích, Hoàng hôn không có nắng, Huyền thoại chiến tranh, Chuyện lạ giữa trần gian”... ông Nguyễn Đăng Chương thừa sức để đánh tan mọi hoài nghi của đồng nghiệp. Để chấm dứt “huyền thoại chiến tranh” mà nhà viết kịch Hoàng Thanh Du đang thắc mắc, thì nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương chỉ cần công khai tên tuổi một số người có địa vị xã hội từng là bạn học phổ thông và tốt nghiệp cấp 3 cùng lúc với mình, thì sẽ sáng tỏ “chuyện tình người mất tích”.

Những người sinh năm 1964 đồng trang lứa với tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, phần lớn đều còn khỏe mạnh và đang nắm giữ vai trò trụ cột trong gia đình và cộng đồng. Chỉ cần họ lên tiếng khẳng định “hoàng hôn không có nắng” thì nỗi ám ảnh về bằng tốt nghiệp cấp 3 của tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương không còn là “chuyện lạ giữa trần gian”.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương từng đi bộ đội, sau đó làm việc ở Công ty Lương thực và Công ty Du lịch tại tỉnh Ninh Bình. Sau tuổi 30, ông Nguyễn Đăng Chương mới ra Hà Nội để học Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và trở thành nhà viết kịch.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn vào tháng 12/2012. Vào tháng 5/2017, ông Nguyễn Đăng Chương đã gây ra sự cố rất ồn ào là cấm lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 và công bố phổ biến hơn 300 bài nhạc đỏ trong đó có ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam. Vì vậy, ông Nguyễn Đăng Chương bị cắt chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Tháng 12/2017, ông Nguyễn Đăng Chương chuyển sang làm Giám đốc Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam cho đến nay.

Tiến sĩ kiêm nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương từng thổ lộ với truyền thông: “Bên cạnh năng khiếu, nghệ thuật biên kịch, tác giả cần có trải nghiệm cuộc sống, phải lăn lộn với đời sống, lý giải thấu đáo xung đột xã hội, xung đột của con người. Vậy thì, với những đồn đoán về cái bằng tốt nghiệp cấp 3 của mình, đã đến lúc ông Nguyễn Đăng Chương phải phát huy trình độ “lý giải thấu đáo xung đột xã hội” để vãn hồi “xung đột của con người".

                                        TUY HÒA