Tiến sĩ đạo văn lẫn nhau xảy ra giữa hai cán bộ của Viện Văn học, nhưng đơn vị này lại đề nghị chuyển cho cơ quan chức năng giải quyết theo pháp luật.
Tiến sĩ đạo văn không phải chuyện mới mẻ trong xã hội
sôi sục danh lợi hôm nay. Tiến sĩ đạo văn để kiếm học vị, để kiếm chức vụ cũng
không hiếm. Thế nhưng, tiến sĩ đạo văn để đoạt giải thưởng và bị chính đồng
nghiệp làm đơn tố giác vi phạm bản quyền thì thiên hạ phải cười ra nước mắt.
Cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh
nghệ thuật” của tiến sĩ Vũ Thị Trang, do Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành
tháng 12/2020, vừa được tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ
thuật trung ương năm 2020 vừa được giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt
Nam năm 2021. Sau “cú đúp” ngoạn mục ấy, tiến sĩ Vũ Thị Trang (sinh năm 1986) bị
đồng nghiệp cùng Viện Văn học là tiến sĩ Đỗ Hải Ninh (sinh năm 1978) khiếu nại.
Cụ thể, tiến sĩ Đỗ Hải Ninh cho biết: “Khi đọc phần 3
cuốn sách "Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” từ
trang 199 đến trang 272 thì thì tôi “tá hỏa”. Vì trong phần này Vũ Thị Trang đã
lấy rất nhiều kết quả nghiên cứu của tôi trong đề tài cấp Bộ có tên gọi “Tự
truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” nghiệm
thu năm 2019 mà không hề chú thích hay xin phép tôi”.
Sau đó, cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những
ám ảnh nghệ thuật” còn bị dư luận phát hiện sao chép hàng chục trang từ cuốn sách
“Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy” của Đỗ Lai Thúy do Nhà xuất bản Hội
Nhà Văn và Nhã Nam ấn hành quý 1 năm 2011.
Trước thực tế ê chề
trên, Hội Nhà văn Việt Nam đã tạm thời thu hồi giải thưởng Tác Giả Trẻ của tiến
sĩ Vũ Thị Trang. Và tiến sĩ Vũ Thị Trang cũng không có tên trong danh sách đại
biểu Hà Nội tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc tổ chức tại Đà
Nẵng tháng 6/2022 vừa qua. Còn về phía Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ
thuật trung ương thì vẫn chờ kết luận của Viện Văn Học để quyết định về việc
thu hồi tặng thưởng đã trót trao cho “Phê bình phân tâm học
phía của những ám ảnh nghệ thuật”.
Sau 9 tháng kể từ lúc
tiến sĩ Đỗ Hải Ninh khiếu nại, mới đây, Viện Văn Học đã có báo cáo gửi Viện Hàn
lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam. Trong bản báo cáo dài 9 trang, do tiến sĩ Trần
Thiện Khanh với tư cách Phó Viện trưởng Viện Văn Học ký, có ba điểm đáng chú ý.
Thứ nhất: Đề nghị không thụ lý đơn kiến nghị của tiến sĩ Đỗ Hải Ninh theo điều 6, khoản 2, điểm
b của thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy
trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, vì đơn kiến nghị
của tiến sĩ
Đỗ Hải Ninh không đủ điều kiện để xử lý.
Thứ hai: Đề nghị chuyển đơn của tiến sĩ Đỗ Hải Ninh tới cơ quan chức năng,
giải quyết theo pháp luật. Theo đó, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Nhà
xuất bản Khoa Học Xã Hội, Học viện Khoa học xã hội là các bên có quyền lợi và
nghĩa vụ liên quan.
Thứ ba: Từ vụ việc chưa có tiền lệ này, Viện Văn
học kiến nghị Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xem xét sửa chữa, điều chỉnh
Quy chế quản lý hoạt động khoa học, Quy chế quản lý công tác xuất bản và phát
hành sách theo hướng cập nhật phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, xác
định rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị cũng như quy trình tham mưu, xử lý các
vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ trong nội bộ Viện hàn lâm; có quy định, biện
pháp bảo vệ chủ sở hữu quyền tác giả, rà soát lại các quy định, các quy trình để
đảm bảo việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời có các chế tài
đối với hành vi vi phạm.
Với 3 ý kiến mà Viện
Văn Học đưa ra, công chúng không khỏi ngỡ ngàng. Tranh chấp về học thuật mà một
đơn vị học thuật như Viện Văn Học lại không thể phân định, thì còn trông cậy vào
đâu? Nếu đơn kiến nghị của tiến sĩ Đỗ Hải Ninh đã “không đủ điều kiện để xử lý”
thì sao lại còn “chuyển cơ quan chức năng, giải quyết theo pháp luật”, đạo văn
chứ có phải trộm gà hay đánh ghen đâu? Viện Văn Học không phải “cơ quan chức năng”
về văn học, thì có nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng gì?
Việc tiến sĩ đạo văn
ngay trong Viện Văn Học dù “chưa có tiền lệ” thì cũng không thể xem thường liêm
chính học thuật và đạo đức nghề nghiệp. Không lẽ một bộ phận trí thức có thể nhân
danh nghiên cứu khoa học để hồn nhiên sao chép lẫn nhau mà sử dụng lãng phí ngân
sách chắt chiu từ mồ hồi nước mắt của người dân?
Tiến sĩ Trần Thiện
Khanh năm nay 43 tuổi, được Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam Bùi
Nhật Quang bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Văn Học vào tháng 9/2020. Còn ông Bùi
Nhật Quang vừa bị kỷ luật, cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng vào ngày 3/10.
Với cái gọi là “kết luận
về vấn đề bản quyền” liên quan đến cuốn sách “Phê bình phân tâm
học phía của những ám ảnh nghệ thuật”, tiến sĩ Đỗ Hải Ninh bày tỏ: “Tôi gửi đơn kiến nghị tới
các cơ quan có thẩm quyền từ ngày 24.1.2022, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản
hay câu trả lời chính thức nào từ Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam thì hôm nay thấy thông tin “kết
luận”. Tôi
thực sự ngạc nhiên. Cho đến nay, tôi chưa
từng được dự cuộc họp nào có đủ các cơ quan liên quan để giải quyết, cũng
như chưa từng được làm việc với hội đồng chuyên môn nào về các nội dung do tôi
viết đã được Vũ Thị Trang đưa vào sách cá nhân mang tên Vũ Thị Trang”.
Băn khoăn không biết
chuyện gì đang xảy ra và lãnh đạo Viện Văn Học định đá quả bóng trách nhiệm đi đâu,
tiến sĩ Đỗ Hải Ninh sáng 9/10 khẳng định: “Tôi bất bình với cách làm
việc trên và tôi cần câu trả lời để bảo vệ danh dự của chính mình”.
TUY HÒA