Về thơ Trương Hòa Bình và văn Phạm Quang Nghị, đầu
tiên thì thấy rõ không phải các ông hồi hưu lâu rồi, nhàn cư thì mới viết và in
thơ văn, mà khi đang đương chức, các ông đã thích thú chữ nghĩa, đã viết hoặc
ghi chép kỹ lưỡng, nên vừa thôi chức là có sách xuất bản sớm luôn.
THƠ VĂN BỘ CHÍNH TRỊ
NGUYỄN THÀNH PHONG
Đầy đủ thì phải thêm ba chữ "nguyên ủy viên"
vào giữa cái tít trên. Là tôi mới nảy ra vài ý tứ sau khi đọc mấy cuốn thơ, văn
mới xuất bản của hai ông "nguyên ủy viên" Bộ Chính trị, là nguyên Phó
Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm
Quang Nghị.
Hai ông, chắc nghe qua người này người khác giới thiệu
về tôi, rồi chắc cũng đã lặng lẽ kiểm tra ở đâu đó, đi "tàu ngầm"
trên phây búc chẳng hạn, thì mới gửi sách cho tôi với lời đề tặng trân trọng.
Và vì thế, tôi cũng trân trọng đọc hai ông và suy ngẫm thêm ra mấy điều:
1.
Bộ Chính trị ở ta, trước đây một thời gian dài, có mấy
vị làm thơ, viết cả văn xuôi. Thơ hay cũng vào loại tầm cỡ, từ Cụ Hồ đến Trường
Chinh (Sóng Hồng) và Tố Hữu thì rõ ràng là nhà thơ rồi. Lại thêm ông Lê Đức Thọ
nữa, cũng hay thơ. Nhưng kể từ năm 1986 đến nay, chả thấy vị đương nhiệm nào
công bố thơ văn cả. Đó là khác biệt lớn với truyền thống dân tộc. Vua quan nước
ta ngày xưa nhiều người là những nhà thơ lớn. Họ hay dùng thơ văn để tải cái ý,
cái chí, cái tình... của mình. Đến thời hiện đại, thì cũng như đã nói.
Vậy tại sao, bây giờ làm lãnh đạo to, lại chả thấy nói
đến hay sáng tác thơ ca mấy nữa. Gần đây thì chỉ có cụ Tổng Trọng thỉnh thoảng
lẩy Kiều, đọc thơ Nguyễn Duy hay cũng viết đôi dòng, kiểu như "Tôi học 10B
Nguyễn Gia Thiều", "Lần này lại đến Mường Thanh"... nhưng mà
thoáng qua thôi, như đùa chơi thôi. Hay có bác Chủ tịch Phúc nữa, cũng đọc thơ
đôi lần, nhưng mà lầm lẫn, thơ Đỗ Trung Quân nhớ thành thơ Tế Hanh hay Giang
Nam gì đó, rồi tin đám soạn văn bản, phong cho mấy nhà văn chống Mỹ thành liệt
sỹ, nay đã rút kinh nghiệm, chẳng còn ngâm nga nữa...
À mà bỗng nhớ ra, trong Bộ chính trị hiện nay, vẫn có
một vị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là nhà thơ hẳn hoi. Đấy là ông Trần Tuấn
Anh. Ông này có thơ viết về cao nguyên đá Hà Giang với củ ấu tẩu, được nhạc sỹ
phổ nhạc thành bài hát, vang lên cũng không xoàng. Ông ấy vào Hội Nhà văn hình
như từ thời đi luân chuyển ở Cần Thơ, nhưng sau khi vào Trung ương, rồi Bộ
Chính trị, thì chả thấy thơ đâu nữa...
Tại sao lại như thế nhỉ? Tôi cho rằng nguyên nhân của
tình trạng này có phần là do từ ông Tố Hữu. Ông Tố Hữu là "cánh chim đầu
đàn" của thơ ca cách mạng, cứ thế đi lên. Đến đầu những năm 80 thì được
quy hoạch là Tổng Bí thư. Ông được cử làm Phó Thủ tướng thường trực, rồi sai lầm,
thiếu phiếu, trượt, không vào được Trung ương tại Đại hội VI. Sai lầm chính
sách giá-lương-tiền là của nhiều người, của một thời, nhưng nhà thơ là chủ trì
nên lĩnh trọn hậu quả. Người ta dè bỉu: "Để một ông nhà thơ đi làm kinh tế,
lơ ngơ như thế, đói là phải". Thế là thơ văn bị liên can. Thơ văn thành ra
là biểu hiện của lơ ngơ, kém mạch lạc trong điều hành quản lý, thành điểm trừ
trong thăng tiến và đánh giá thực thi chức vụ để lên cao hơn. Thế là từ sau cái
vụ Tố Hữu ấy, không mấy vị lãnh đạo cấp cao có phẩm chất thơ văn trong mình dám
bộc lộ ra nữa.
Thực ra, đổ tội cho thơ văn như thế là sai. Vua Trần
Nhân Tông là một trong những vị vua giỏi giang nhất của lịch sử nước Việt. Ông
phá Nguyên bình Chiêm, mở mang đạo Phật và triều chính vững bền. Có giặc thì
khoác chiến bào cầm quân chiến đấu, hết giặc thì lên núi ở lều cỏ, đọc sách.
Ông là một thi sỹ rất lớn. Viết về đất nước thì: "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch
mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu"(Đất nước hai phen chồn ngựa đá/Non sông
nghìn thuở vững âu vàng). Viết về tu tập lạc đạo thì: "Cư trần lạc đạo thả
tuỳ duyên/Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/Đối cảnh
vô tâm mạc vấn thiền". Đều là những áng thơ rực sáng và trác tuyệt. Vua Lê
Thánh Tông mở mang bờ cõi đến tận Bình Định, Phú Yên, đặt ra bộ luật Hồng Đức,
dựng nên một thời kỳ thịnh trị sau những ngổn ngang oan trái xung đột trước đó.
Ông vua này cũng là nhà thơ lớn, đã lập ra Tao đàn "Nhị thập bát tú"
với 28 thi sỹ tài hoa do mình đứng đầu. Xa hơn trong lịch sử trước đó, vua Lý
Thái Tổ với Thiên đô chiếu (Chiếu rời đô) thì thấy dụng chữ hùng văn nào có ai
sánh được, rồi từ văn sách mà mở mang đất nước, dựng dậy Thăng Long, đến nay vẫn
còn để lại bao nhiêu dấu ấn. Những chuyện thế này nhiều lắm, nói cả ngày không
vãn...
2.
Giờ nói cảm nhận ban đầu về thơ Trương Hòa Bình và văn
Phạm Quang Nghị. Đầu tiên, thì thấy rõ không phải các ông hồi hưu lâu rồi, nhàn
cư thì mới viết và in thơ văn, mà khi đang đương chức, các ông đã thích thú chữ
nghĩa, đã viết hoặc ghi chép kỹ lưỡng, nên vừa thôi chức là có sách xuất bản sớm
luôn.
Tập thơ "Tiếng vọng hồn sông núi" của Trương
Hòa Bình có cái tên to tát. Đọc thì thấy đúng là thơ của một... người theo nghiệp
chính trị. Không sao, nó là những gì cất lên từ những đối đãi, giao tiếp, chia
sẻ của con người tác giả với quê hương, bà con, bạn bè, đồng sự... Không sâu sắc,
chữ nghĩa bình thường, thì lại được cái hồn nhiên, chân tình bù lại. Bà con, bạn
bè, người quen của tác giả đọc cũng tìm thấy được những thú vị riêng, thêm cảm
mến mà gần gũi hơn với tác giả. Cũng không nên giới thiệu quá nống lên, thì mới
dễ gây ra phản cảm.
Ông Phạm Quang Nghị thì vừa ra mấy cuốn sách liền:
"Xin chữ", "Nơi ấy là chiến trường", "Đi tìm một vì
sao". Có cuốn sách của ông hết nhanh, người ta làm cả sách giả để bán.
Trong khi có nhiều sách nghị luận phát biểu phát không của các vị lớn bị xếp xó
thì sách "Tự kể chuyện mình" của ông Nghị lại hot, là điều rất đáng
chú ý.
Tôi đọc cuốn "Đi tìm một vì sao" của Phạm
Quang Nghị, là đọc vào ngay "Phần thứ ba: Những ngày đã qua". Tôi muốn
biết những gì đã diễn ra ở thượng tầng, ở trong phòng lãnh đạo trên cao trong
cái thời gian mình là một người dưới thấp chịu sự chi phối, nhận ảnh hưởng từ
trên cao ấy. Đó là những trang ông Nghị viết về Ban Tuyên giáo, rồi kể về thời
gian xử lý sóng gió căng thẳng với vai trò Bí thư tỉnh ủy Hà Nam ngày tái lập,
bè phái, mất đoàn kết nghiêm trọng, đến nỗi ông Bí thư tỉnh ủy trước đó bị kỷ
luật khai trừ cùng một dàn án kỷ luật nữa... Rồi đến đoạn ông Nghị về làm Bộ
trưởng Văn hóa thông tin, làm Bí thư Hà Nội, thì tôi làm sếp bé ở mấy cơ quan
báo chí, là công dân Thủ đô.
Ông Nghị kể về việc băn khoăn trong trao tặng danh hiệu
Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, việc đứng ra quyết định cho nghệ
sỹ Ái Vân về nước lần đầu trong khi các cơ quan có trách nhiệm khác thủ thế, về
dẹp loạn nạn "chùa giả, âm giả" ở Chùa Hương, chuyện xử lý bản quyền
Quốc huy, xử lý vụ khảo cổ Xã Đàn, đau buồn với vụ việc xây tượng đài Chiến thắng
Điện Biên... Đấy là những câu chuyện khi ông làm Bộ trưởng VHTT. Khi làm Bí thư
Hà Nội, ông kể về việc ứng xử với dư luận chặt bứng xà cừ cổ thụ, về việc tặng ảnh
chụp cái tượng bắt phi công Mỹ ở hồ Trúc Bạch cho chính phi công bị bắt ấy, sau
này là Thượng nghị sỹ Jhon McCain, rồi lặng lẽ chỉnh sửa cái tượng ấy ra sao.
Tôi đã có lần nghe một lãnh đạo Đài TH Hà Nội kể khi
lên quay phỏng vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, lúc nói chuyện bên lề,
ông Trọng phàn nàn việc Hà Nội sửa chữa thay đổi trụ sở Thành ủy và đã đổ tiếng
không hay cho ông Trọng, thì nay mới được đọc ông Nghị kể về việc sửa chữa, đưa
cổng chính ra phía trước làm khang trang lên trụ sở Thành ủy ở Lê Lai...
Những chuyện khác nữa như thế này, tôi đều đã biết, đã
nghe ở những góc nhìn khác, nay được đọc người trong cuộc, lại với vai trò chủ
trì, kể lại, thì thấy ra nhiều ý nghĩa kiểu khác.
Ông Phạm Quang Nghị vốn là một người đã được chuẩn bị
để thành nhà văn, nhà báo, rồi cuộc đời đã vận động đưa ông vào con đường làm
chính trị. Cũng có cả nguyên do từ việc ông là người chừng mực, cẩn trọng trong
đối nhân xử thế. Trong những chuyện viết ra ở cuốn sách này, chắc ông cũng phải
cân nhắc kỹ lưỡng, nên có khi các câu chuyện bị giảm đi kịch tính, xung đột. Đọc
nó là phải tự hình dung thêm ra những lớp nghĩa ngầm ở bên dưới các con chữ.
Nhưng dẫu thế, viết ra để kể lại vẫn hay hơn là để nó bị trôi mãi đi.
Đọc thơ văn của hai ông nguyên ủy viên Bộ Chính trị,
tôi càng nghĩ về việc một ông quan nào đó làm to mà có chút chữ nghĩa, thích
thú thơ văn, thì trong hành sự, sẽ dễ hướng về phía nhân văn hơn, nếu phải xử
ác thì sẽ bớt ác hơn, nếu có rơi vào tham sân si thì sẽ ít tham sân si hơn. Tất
nhiên, đó là phổ quát, chứ không loại trừ những biệt dị....
Nguồn: Facebook Nguyễn Thành Phong