Sóng độc” của Trần Gia Thái là tiểu thuyết hấp dẫn, có thể đọc một mạch. Trước hết nhờ tính logic của các tình huống, các diễn biến tâm lý, các câu thoại và phản ứng giữa các nhân vật âm mưu hãm hại nhau.


SÓNG ĐỘC –CUỘC GIẢI PHẪU THẤU ĐÁO MỘT CĂN BỆNH THỜI ĐẠI

VĂN CHINH

Thành tích, tham nhũng và hạ bệ tranh giành địa vị của nhau đang là ba căn bệnh thời đại.

Nhưng xin trước hết giới thuyết khái niệm.

Như mọi người đều biết, xã hội loài người khi đi từ thị tộc bước lên chế độ nhà nước cũng kéo theo nó các dấu vết nguyên thủy: Tranh giành ngôi vị, tham ô; và để giành giật ngôi vị, của cải thói quen khoe thành tích (bắn trúng con thú, giết được nhiều kẻ địch ở bộ tộc bên cạnh…) và nói xấu dìm người khác cũng dần hình thành. Về sau, tất cả nhiễm sâu vào máu, vào gen. Bởi vậy, nếu nói như trên mà không giới thuyết, e rằng chúng ta đánh đồng thuộc tính với bệnh tật. Sử gia Hoa Kỳ F. L. Schoell viết: “Sự chỉ định các ứng viên vào chức vị Tổng thống diễn ra trong một bầu không khí khó tin, gồm: Chợ phiên, diễn thuyết mị dân, ngôn ngữ thái quá, bài báng lẫn nhau. Tuy nhiên, một chính thể bề ngoài đáng ghét như vậy có thể lại không phải là dở: nó chẳng đã đưa vào Nhà Trắng những nhân vật nổi tiếng như một Lincoln, một Wilson, một Franklin Roosevelt, một John Kennedy hay sao?” Ngày nay, qua internet, chúng ta thấy đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ bài báng, buộc tội nhau mỗi ngày; thế nhưng đó chỉ là thuộc tính của chính trường Mỹ.

Ở ta, tại Đại hội Đảng gần nhất, có một nhân sự trong danh sách đề cử. Đến sát ngày bầu cử, BTC nhận được đơn tố giác tội lỗi có bằng cứ và nhân sự ấy bị gạt khỏi danh sách bầu. Đó là kỹ thuật tố giác, không thuộc nội hàm căn bệnh thời đại chúng ta đang nói tới. Bệnh ấy với triệu chứng lâm sàng là, từ lâu lắm rồi, mỗi khi có cuộc thăm dò uy tín nhân sự để cất nhắc, đề bạt thì ở rất nhiều nơi, cơ quan chức năng nhận được rất nhiều đơn thư nặc danh, vu khống, bôi nhọ. Đặc biệt, từ khi có quy định, tạm thời không đưa vào danh sách đề cử (đề bạt hay quy hoạch đề bạt) thì đơn thư ngày càng nhiều. Nhiều đến mức các cơ quan chức năng không thể kiểm tra xuể, đúng sai đành gác lại cơ hội của nhân sự ấy, đôi khi là cơ hội duy nhất của những người có năng lực. Thời xưa, hình luật có tội danh “đàn hặc” dùng để quy cho những kẻ vu khống người khác. A bị B tố cáo một tội, nếu xét xử thấy đúng, A bị chém đầu thì khi xét thấy A vô tội, thì B bị khép tội vu khống [đàn hặc] và bị chém đầu.

Nhiều nước trên thế giới hiện người ta xử thật nặng tội vu khống và có cơ chế kiểm tra rất nhanh nên hạn chế, không để việc hạ bệ nhau lây lan thành bệnh xã hội. Nước ta có tội danh vu khống, nhưng bên cạnh đó lại có nguyên tắc “quần chúng có quyền phê bình, phản ánh với Đảng các sai trái của cán bộ” và khi đã nhân danh quần chúng, không bao giờ người vu khống chịu hình phạt tù của tội vu khống. Các khe cửa hẹp: Gạt ra ngoài danh sách bầu cử [quy hoạch đề bạt] cùng với tội vu khống không bị xét xử bỏ tù chính là sơ hở để kẻ xấu, kẻ bất tài, kẻ tham quyền cố vị lợi dụng để hạ bệ nhau; đánh bật khỏi hệ thống những người có năng lực và nhân cách. Tuy nhiên, tình trạng này hiện đã thành căn bệnh thời đại khó chữa lại chủ yếu ở phương pháp tư tưởng: Giải quyết các đơn thư tố giác dĩ hòa vi quý, vo gọn lại “xấu chàng hổ ai”.

Sóng độc, cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà thơ Trần Gia Thái viết về căn bệnh ấy, ở một Đài Phát thanh Truyền hình địa phương, Đài Bắc Hà. Giám đốc Bắc Hà là Văn Đức sắp về hưu, Phó giám đốc Đỗ Thiết cùng ê kíp dưới quyền tạo ra hàng loạt scandan, vừa nhằm quy trách nhiệm cho Văn Đức, đẩy nhanh tiến độ nghỉ hưu của ông; vừa nhằm ngăn chặn bước tiến của Thư ký chương trình là Phạm Quang Thiện. Thiết thúc đẩy vụ quân chủng Tăng thiết giáp kiện Đài đã phát lại chương trình vụ làm sai lệch sự thật lịch sử trưa 30 tháng 4 năm 1975. Lý do kiện là vụ nhầm lẫn đã được sửa chữa, chuyện đã cũ, nay Bắc Hà phát sóng lại là nhằm bôi nhọ quân đội. Thực tế thì Tân - người của Thiết cố tình lồng nhạc của nước lạ vào chương trình chào mừng Giải phóng miền Nam, Thiện phát hiện nên ách lại, thay bằng chương trình phim tài liệu cũ. Người của Đỗ Thiết còn dùng lại một băng hình cũ cố tình không xóa đoạn phim sex, đây là đòn cực hiểm, nếu Thiện không nhạy cảm hoặc chỉ cần không cẩn thận, cái “đuôi” sex kia sẽ lên sóng thì điều gì sẽ xảy ra. Thật may, khi xảy ra chuyện này, Phạm Quang Thiện mới 38 tuổi, anh còn đủ nhạy cảm, lại là người thận trọng nên mới ách lại kịp màn chào mừng trong nền nhạc nước lạ kia, cái đoạn sex “khóa đuôi” chương trình kia.

Nhưng đó mới là màn giáo đầu.

Đỗ Thiết là người có chuyên môn vững, lại có nhiều toan tính và vây cánh thế lực; là chỗ tập kết những kẻ cơ hội, cánh hẩu. Việc giám đốc Văn Đức chỉ còn 3 tháng, Phó giám đốc Trần Thụy chỉ có năng lực chung chung, lại cũng chỉ vài ba năm nữa thì hưu; Đỗ Thiết là ứng cử viên sáng giá nhất. Ấy là một cơ hội nhãn tiền. Nhưng Tổ chức tỉnh ủy và lãnh đạo Đài là Văn Đức, Trần Thụy lại muốn đưa thêm Quang Thiện vào diện thăm dò tín nhiệm chức danh giám đốc. Lập tức kích hoạt phản ứng của Đỗ Thiết.

Ngay sau cuộc lấy phiếu thăm dò chức danh giám đốc, Thiết và tay chân gửi đơn lên tỉnh, lên ngành dọc cấp trên, lên cả trung ương. Đây là loại đơn thư tố giác vu vơ, thực tế thì còn chưa kiểm phiếu nhưng lại gây chấn động, bởi một ông to to ở trên gọi điện cho Bí thư Hoàng Minh. Cú điện thoại khiến Hoàng Minh ngờ rằng, Thiết có “quan hệ” với cụ to to; lại sắp Đại hội tỉnh Đảng bộ nên, để cho yên, cả hệ thống của Tỉnh đành bạch hóa việc kiểm phiếu thăm dò đồng thời cho chuyển Văn Đức đi chỗ khác. Rồi quyết định đưa Lê Hùng Dũng, một cán bộ hàm Cục trưởng từ trên về.

Nghe tin, Đỗ Thiết lại kích hoạt đám tay chân kiện Tỉnh vì vi phạm quy chế báo chí: đưa Hùng Dũng không phải người làm báo về lãnh đạo cơ quan báo chí. Đọc Sóng độc, người đọc luôn luôn cảm thấy ghê tởm bộ sậu Đỗ Thiết, cứ tự hỏi sao cái việc tanh tưởi thế mà họ vẫn dám làm? Dần dà thì nhận ra một quy luật: Kẻ xấu luôn luôn thắng, luôn luôn sinh sôi nảy nở vì người tốt không thể/ không thèm làm những việc ghê tởm. Thành ra, trên vũ đài ghê tởm họ không có đối thủ. Cả cơ quan biết rõ bộ sậu Thiết, gọi họ là “câu lạc bộ Lá Mơ” – tên một quán rượu thịt chó mà đám này hay tụ tập; họ cũng biết rõ tên tuổi, tục danh của những Bạc Phò, Hoàn Toác, Mùi Già, Đạt Láu… với các mánh lới chiêu trò.

Thực ra thì “trình” của CLB Lá Mơ cũng chỉ như năng lực chuyên môn xoàng xĩnh của họ, kiểu như nhân Đại hội CNVC cơ quan, Mùi Già đi muộn, bị mưa lướt thướt đến đại hội với xấp báo Mới, in bài đánh Phạm Quang Thiện rồi phân phát như rải truyền đơn. Đến Đỗ Thiết thì cũng vầy vậy, trình anh ta chỉ đến mức nhận thức được tệ lậu xã hội đang nhức nhối: “Cái gì không làm thì bàn, cái gì bàn thì không làm.” để tổ chức Hội thảo nâng cao, phấn đấu,quyết tâm….rồi cho ghi hình phát sóng. Vậy là không chỉ nhờ “dĩ hòa vi quý” vo viên, khép lại để đại hội cho êm thấm, thói quen không dây với hủi, không gây sự với Chí Phèo của hết thảy người tốt đã là hai tác nhân quan trọng nhất gây bệnh. Vâng, gây bệnh và nuôi dưỡng căn bệnh thời đại này – như dinh dưỡng nuôi tế bào ung bướu.

Nhưng khi CLB Lá Mơ đánh bầm dập, đánh tả tơi Phạm Quang Thiện mới là phần chủ yếu của tiểu thuyết Sóng độc. Ở phần này Đỗ Thiết sử dụng chiêu trò tinh vi hơn, với một quyết tâm “không ăn được thì phá thối.” Lúc này, như nhận định của Thiết, Hùng Dũng về nhanh thì đi nhanh, ông ta chỉ thực hành “luân chuyển” qua Bắc Hà cho một quy hoạch chức danh khác. Hùng Dũng, với tư duy “không phải việc của mình”; ông Hoàng Minh cũng muốn tỉnh yên để lên TW nhận chức mới nên đã đưa Đỗ Thiết lên Q Giám đốc đài Bắc Hà. Mưu mô của Thiết và CLB Lá Mơ nếu đánh chặn được việc bổ nhiệm cho Thiện, sẽ đưa người của mình thay vào, Bắc Hà sẽ ép trên phải cắt Q cho Thiết, lại cũng có thể “phải” ở lại mấy năm để quy hoạch người thay mình.

Vụ đầu tiên Lá Mơ đánh Thiện với bài viết Học giả, bằng thật in trên báo Mới. Việc đến tai Bí thư Hoàng Minh, ông vốn tin Thiện, ra hạn Kiểm tra Tỉnh ủy trong 1 tháng phải tìm ra sự thật. Sự thật như sau: Thiện đã trúng tuyển một kỳ thi rất gắt gao, cho một khóa đạo diễn đặc biệt. Khóa học nằm trong quy chế đặc thù [có tính pháp lý] của ngành nghệ thuật, nhưng về sau tiền dành cho dự án hết; Trường Nghệ Thuật chuyển sinh viên Thiện sang học hệ tại chức, môn nào đã học ở Khóa đặc thù thì thôi, nên thi tốt nghiệp sớm. Nhưng bài báo ám chỉ Thiện “học” chẳng qua cốt để mua bằng. Một mặt, đơn thư được gửi lên Bộ GD ĐT, Bộ cho thanh tra. Phó chánh thanh tra là người tay trong, sau khi nhận phong bì lót tay đã “đồng ý giúp” Thiết tìm mọi cách để thu hồi bằng của Quang Thiện.

Thiện bị tạm thu bằng để học và thi lại cho đủ môn. Đến đây, vụ lình sình làm dậy sóng làng báo. Nắm lấy sự kiện này, Đỗ Thiết dùng báo chí và đơn thư ép cấp trên phải thu hồi quyết định đề bạt Phó giám đốc của Quang Thiện với lí sự: Tạm thu có nghĩa là bằng không hợp pháp. Có bằng đại học mới được thi nâng ngạch công chức và được học cao cấp chính trị. Có bằng Đại học, có bằng cao cấp chính trị mới được đề bạt Phó giám đốc. Vây thu bằng đại học thì phải thu hồi các bằng và quyết định bổ nhiệm. Có nghĩa là “ lột sạch”, “Cho mày chân đất về quê”.

Nguyễn An, một tên tuổi lẫy lừng chuyên khui các đại án đại quan tham vào cuộc. Ông đã “giữa đường thấy sự bất bình” nhảy ra với chứng cứ đầy sức thuyết phục trí trự xuất sắc, ông đã chỉ ra những sai luật, bất chấp luật của gã Phó chánh thanh tra, những sơ suất và cả khuất tất chấm hỏi [?] về động cơ của gã. Bài báo tác động mạnh khiến Bộ GD ĐT phải xử lý kịp thời và Bí thư Hoàng Minh vẫn tiến hành bổ nhiệm Phó đài cho Phạm Quang Thiện. Nhưng nọc độc của chữ nghĩa đã phát tác gây sốc cho ông Khiêm, bố của Thiện ở bài Học mập mờ vơ chức vụ thật. Khổ thân ông Khiêm, một lão nông hồn nhiên, với ông cứ báo đài nói là sự thật. Ông Khiêm phải nằm viện lâu, khi nhúc nhắc đỡ, đã được đưa về nhà thì lại xuất hiện bài báo thứ hai. Bài báo đã khiến ông ra đi trong phẫn uất về thằng con trai ông hằng tin cậy.

Những trang viết về cái chết oan ức của ông Khiêm, cả những trang viết về nhà báo Nguyễn An sau cuộc chiến báo chí kết thúc, ông đã lẳng lặng mang tất cả những báo có bài nói rõ sự thật về quê Thiện, rải kín báo trên ngôi mộ ông Khiêm, cất lời khấn anh linh ông hãy đọc để hiểu rõ về đứa con mà ông đặt tên là Thiện. Rồi hóa. Đó là những trang viết về mặt bất nhân của ngòi bút, không chỉ nhắc nhở các nhà báo, các nhà văn cũng rất nên cẩn thận với chữ nghĩa của mình; chữ nghĩa có nọc độc, không thể dùng tùy tiện. Và đó là những trang hay của tiểu thuyết Sóng độc, hào sảng, nghĩa hiệp.

Những trang viết về bài báo tố Thiện không có bằng Tốt nghiệp THPT và các tình tiết quanh nó cũng hay. CLB Lá Mơ yên trí rằng sau hơn 20 năm, mấy ai còn giữ bằng tốt nghiệp cấp 3, chúng đã tính đây là đòn chết tử. Đến Thiện cũng đinh ninh bằng đã mất. Nhưng vật gần như không biết còn để làm gì, lại là một giá trị mang ý nghĩa thiêng liêng với những người cha như ông Khiêm – người cha coi thành tựu học hành công tác của con cháu là tất cả ý nghĩa đời mình. Việc còn tấm bằng cất kỹ cùng Học bạ và các giấy tờ liên quan khác của Thiện mang một ẩn dụ sâu xa, nó lâu bền, gần như bất tử với các trò nhố nhăng hiện đang gây điên đảo xã hội.

Sóng độc là tiểu thuyết hấp dẫn, có thể đọc một mạch. Trước hết nhờ tính logic của các tình huống, các diễn biến tâm lý, các câu thoại và phản ứng giữa các nhân vật âm mưu hãm hại nhau. Tất cả đều thật. Tôi đặc biệt thú vị các lời thoại, nhân vật nào nói cũng là lời của nó; nó không thành mặt nạ nói lời tác giả hay những điều lớn lao tác giả muốn chuyển đến bạn đọc như nhiều tiểu thuyết gia đã và đang sai khiến chúng. Các nhân vật quan chức nói năng ý nhị, đầy lập trường, nguyên tắc. Các quan chức xấu cũng vậy, cũng ý nhị, đầy lập trường nguyên tắc khi đụng đến các âm mưu, đụng đến tiền hối lộ, mua chuộc. Đấy cũng là lợi thế của tác giả, các nhân vật quan chức cả tốt xấu đều là mối quan hệ hằng ngày với tác giả. Nhờ tính chân thực của ngôn ngữ nhân vật, cuộc giải phẫu căn bệnh thời đại của Sóng độc đạt đến độ tinh tế, thấu đáo.

Cố nhiên, nếu viết một cuốn tiểu thuyết chỉ nhằm phơi bày cái xấu, khối ung nhọt của thời thế thì vẫn chỉ là văn chương hạng hai. Đóng góp của Sóng độc ở chỗ khác và nền tảng hơn. Ấy là đọc xong nó, tôi liên tưởng đến cái “chính thể đáng ghét” nhưng lại chọn ra những Lincoln, Franklin Roosevelt và John Kennedy làm Tổng thống Hoa Kỳ. Ấy là khi gập sách lại, tôi bâng khuâng nghĩ: Nếu ông Văn Đức, ông Trần Thụy cứ đưa Trưởng ban Phạm Quang Thiện lên thẳng Giám đốc Đài Bắc Hà và nếu các ông Hoàng Minh, Hoàng Vĩnh Quyền, Trịnh Nhuệ cứ thấy phải là làm thì sao nhỉ? Thì hẳn sẽ không có căn bệnh thời đại này và xã hội sẽ văn minh hơn, thẳng tiến hơn. Nhưng, với các ông ấy quy trình vẫn phải giữ, nên vẫn cần những cuốn tiểu thuyết kiểu như Sóng độc này, để giải phẫu những căn bệnh sinh ra từ quy trình và được nó cũng như được các thuộc tính xấu của con người nuôi dưỡng.