TNguyễn Bảo Chân tuyệt đối không hô ngữ và rất kiệm việc bộc lộ cảm xúc trực tiếp, cũng như chị không cần đến những diễn ngôn thân thể hay những thi ảnh trái khoáy, gây sốc.


Nguyễn Bảo Chân - "Bóng của ý nghĩ"

HOÀI NAM

"Bóng của ý nghĩ" (NXB Thế giới, 2022) là tập thơ thứ tư của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân. Trong tập này có đôi bài Nguyễn Bảo Chân viết từ thời còn khá trẻ vẫn được "đặc cách" xuất hiện. Chính xác là hai bài: "Sông Đáy" và "Phận mây", đều đã in trong tập "Chân trần qua vệt rét" của hai mươi ba năm về trước. Tôi phải để từ "đặc cách" trong ngoặc kép, vì thường thì các nhà thơ không đưa bài của tập cũ vào tập mới, trừ khi làm thi tuyển, nên nếu dùng lại ắt phải có chủ ý. Cái chủ ý ấy, theo tôi, không nằm ở ham muốn hồi cố một vài dư ảnh thời hoa niên của tác giả, mà nằm ở việc: hai bài "Sông Đáy" và "Phận mây" rất khớp với cấu trúc tổng thể của cả tập thơ, chúng ở đó, góp phần tạo nên sự liền mạch của một chuyến tàu thơ xuôi theo dòng tâm tưởng.

"Sông Đáy" được đặt trong chùm bài đầu tập thơ, chùm bài giăng mùng ký ức những nơi chốn từng gắn với tuổi nhỏ và tuổi trưởng thành, những nơi chốn ấm bóng cha dáng mẹ, những nơi chốn vẫn vang lên các âm thanh và sắc màu ngày cũ: Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tây (cũ), Hội An, Berlin, Paris, Copenhagen... Còn "Phận mây" lại được đặt ở chùm bài cuối tập, chùm bài mang âm hưởng trở về - "Trở về" cũng là nhan đề bài thơ khép lại cả tập - trở về ở đây, là trở về với thực tại và hiện tại, bằng tất cả những trải nghiệm đời và những trăn trở suy tư về mọi sự người: đau khổ và hạnh phúc, vụt tắt và bừng sáng, mất mát mà vẫn không thôi hy vọng yêu tin.

Bài "Sông Đáy" được gói gọn trong mười câu thơ năm chữ: "Giọt mưa về sông Đáy/ Còn tơ tưởng cõi xa/ Đáy sông màu tháng Ba/ Hoa gạo nhưng nhức đỏ/ Đáy sông ướt bầu trời/ Chật nỗi niềm mây gió/ Ta vấp sông để lỡ/ Tan nhòa vào bóng cây/ Ta vớt ta mà vỡ/ Đầy sông Đáy trên tay".

Điều thú vị của bài thơ, theo tôi, khởi phát từ phép đảo ngữ: sông Đáy/ đáy sông. Từ "sông Đáy" đến "đáy sông" đã mở ra cả một không gian rộng lớn thăm thẳm giữa bầu trời với mặt nước và còn hơn thế nữa. Đáy sông như mặt gương phản chiếu mọi ảnh xạ: trời mây, hoa gạo, bóng cây. Rồi đến lượt nó, đáy sông thu vào chỉ còn là một vốc nước trong lòng bàn tay, mà soi vào đó "ta" nhận thấy chính "ta", là một và cũng là tất cả: một giọt mưa và cả một dòng sông mênh mông.

Bài "Phận mây" cũng vậy, chỉ bốn cặp lục bát, dù chia nhỏ xuống hàng thì đọc lên vẫn cứ là lục bát: "Cũng đành mắc nợ trời xanh/ trả bao nước mắt/ chẳng thành trăm năm/ phải duyên/ thì ngược lên ngàn/ vấn vương với núi/ thở than với rừng/ rời non/ an ủi cánh đồng/ hóa mưa tình tự/ nặng lòng đất đai/ đền cho biển thẳm sông dài/ phận mây dù có lạt phai/ cũng đành".

Những phiên bản của nước: nước mắt, mây, mưa, sông, biển... ở đây cứ chuyển hóa, hóa thân liên tục, tương tác với một không gian cực đại được giới hạn bằng những trời xanh, núi rừng và cánh đồng. Mở đầu là "cũng đành" mà kết thúc cũng "cũng đành", cái tự sự của phận mây trong bài thơ là một niềm kiêu hãnh lớn lao ẩn sau vẻ cam chịu. Tôi có thể mạnh dạn nói rằng, giống như bài "Sông Đáy" - tự sự của giọt mưa - bài "Phận mây" thể hiện một tự ý thức về sức mạnh của cái nhu nhuyễn, loang chảy, độ lượng, ôm trùm, bao dung: đó là sức mạnh của nước, tượng trưng cho thiên tính nữ.

Ở chùm bài đầu tập thơ, chùm bài mà tôi tạm đặt chủ đề là "những nơi chốn dệt thành ký ức", ta thấy một Nguyễn Bảo Chân đắm mình trong nhớ - nhớ thời gian, nhớ không gian, nhớ những gương mặt, nhớ những âm thanh, nhớ những sắc màu và những chuyển động - để kiếm tìm chính mình.

Chị tìm về Hải Phòng, thành phố mà chị đã sống suốt quãng tuổi thơ với mẹ, một nữ nghệ sĩ rất nổi tiếng của đoàn kịch Hải Phòng lừng danh trong những thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX. Để thấy lại hình ảnh: "Căn gác chín thước vuông/ đầy ắp sách/ và những ước mơ chật chội lòng thuyền/ nơi chỉ hai mẹ con ta/ mải miết dong buồm/ biển sóng cả/ mịt mờ bờ bến", và để nghe lại âm thanh: "cây guitar đầu tiên/ ngón vụng về/ rơi những hợp âm/ nốt thăng nốt giáng rối bời/ mẹ gỡ/ dây đàn đứt/ hộp đàn đã vỡ/ con gẩy câm từng kỷ niệm vang" (Hải Phòng, Mẹ và Tôi).

"Gẩy câm từng kỷ niệm vang" là cách diễn đạt rất tinh tế về sự lên tiếng của ký ức. Tuy nhiên, ở chùm bài đầu tập thơ này, tôi lại đặc biệt chú ý đến hai bài: "Sen mình" và "Tơ lòng". Phép ẩn dụ ở cả hai bài thơ cho ta hiểu sen là sen mà sen cũng là mình/ tôi/ ta/ chủ thể trữ tình. Nói tơ lòng, là từ tơ sen. Và nói sen mình, là sự khẳng định sen chính là mình. (Trong phiên bản tiếng Anh của bài thơ này, "Sen mình" = "My Lotuses" = "Sen của tôi", ý nghĩa đã thu hẹp rất nhiều). "Hà Nội sen/ mình tràn phố/ tung tẩy đương thì/ sắc hồng/ sắc trắng/ chớp bừng nụ hoa/ khép nỗi thầm/ vồi vội mùa/ đi thơm lòng gốm rạn" (Sen mình). Nhà thơ vừa thưởng sen vừa hóa thân vào sen, để khoe sắc, khoe hương, mê đắm.

Nhưng mặt khác: "Rưng rưng hồ gió/ ràn rụa hương/ sen tỏ cùng trời thắm/ cuống quýt chiều/ hắt bóng/ sen khép lòng đất thẳm/ những giấc mơ sen cất tận đáy bùn" (Tơ lòng). Câu thơ "những giấc mơ sen cất tận đáy bùn" gợi lại mấy câu kết của bài "Hải Phòng, Mẹ và Tôi": "Con ra khơi/ đã đắm, đã chìm, đã bơi, đã lặn/ tận đáy những đại dương/ học làm nốt lặng/ cuối bản giao hưởng nổi sóng". Đó là một sự lựa chọn cách thế tồn tại, một thái độ sống. Nó không phải là sự khiêm nhường, mà như tôi nói ở trên, nó là "một niềm kiêu hãnh lớn lao ẩn sau vẻ cam chịu". Niềm kiêu hãnh của một người nữ, một nhà thơ nữ.

Tôi không chắc lắm điều này có liên quan gì đến những nội dung nữ quyền luận mà nhiều người hiện nay đang rất quan tâm. Nhưng tôi chắc, tự trong sâu thẳm, Nguyễn Bảo Chân là một người phụ nữ luôn yêu quý, trân trọng và tự hào về bản thân mình, bất chấp thế giới bên ngoài có như thế nào, vậy nên thơ chị không cần phải là "sự chuyển ngữ từ đêm đen và bóng tối", như một ý của Marguerite Duras.

Ở chùm bài cuối tập thơ, chiếm già nửa tập, mà tôi tạm đặt chủ đề là "trở lại với thực tại và hiện tại", thơ Nguyễn Bảo Chân trở nên giàu suy tưởng và đậm màu sắc triết lý hơn, không phải triết lý trừu tượng, mà triết lý bằng những hình ảnh rất cụ thể.

Ví như, chị viết về sự hư vô của tồn tại người trong thời gian: "Dừng bên sông quen/ Nước sông vẫn lạ/ Soi lòng sông yên/ Đáy trời sóng cả/ Quá khứ tuột rơi/ Lẫn vào gió bụi/ Đãi cát tìm ta/ Nhặt về viên cuội" (Mình xưa, chốn cũ). Và nữa: "Người đàn bà ướm mình lên cát ướt/ cát chạm mi dằm dặm/ cát lùa môi mằn mặn/ cát vuốt mươn mướt/ Nàng duềnh lên/ tan vào biển/ tìm thuyền/ Dấu nằm bỏng rát/ sóng xóa vết nàng/ ai nhớ" (Dấu nằm).

Ai đó đã nói Trái đất chưa bao giờ là nơi chốn an toàn cho cuộc sống của con người. Nhưng dù vậy, chúng ta cũng chỉ có Trái đất là nơi chốn duy nhất để thực hiện cuộc làm người của mình mà thôi. Nơi đó có nỗi buồn và niềm vui, có mất mát và hy vọng, có tủi nhục nhưng cũng có cả sự hân hưởng và kiêu hãnh làm người.

Nguyễn Bảo Chân làm một vệt ba bài thơ hay về tiểu chủ đề này: "Những cánh rừng", "Những chiếc lá đang thở", "Những bông hoa không màu", trong đó tôi đặc biệt chú ý đến bài "Những cánh rừng", với những đoạn: "Chúng tôi ngồi/ yên lặng trong phòng/ giữa những đồ đạc/ từ một ngàn chín trăm mười lăm/ và có thể cũ hơn/chiếc bàn gỗ tần bì đến từ khu rừng nào/ không ai biết/ những thớ gỗ thì thầm kể chuyện/ hàng trăm năm trước/ đã có những đời cây/ đã có những cánh rừng... Chúng tôi ngồi/ yên lặng trong phòng/ Những ý nghĩ nảy mầm lặng lẽ/ trổ lá xanh thăm thẳm phận người/ Và cứ thế, mỗi phút giây/ bao cánh rừng mới lại ra đời".

Những ý nghĩ - những chiếc lá xanh - phận người, một loạt những liên tưởng nối tiếp như thế đã khiến bài thơ tựa một hành trình trở về, không chỉ là trở về với thực tại và hiện tại, mà có lẽ, là trở về với bản thể của tồn tại người.

Thơ Nguyễn Bảo Chân về cơ bản là thơ không vần. Ở giác độ chủ quan, tôi nghĩ đó là sự kế tục từ một khoảng cách rất xa thơ không vần của Nguyễn Đình Thi thời đầu kháng Pháp, trước khi diễn ra Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc 1948. Không vần, nhưng trôi chảy nhờ nhịp, "một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn" (Nguyễn Đình Thi, "Mấy ý nghĩ về thơ").

Mặt khác, thơ chị tuyệt đối không hô ngữ và rất kiệm việc bộc lộ cảm xúc trực tiếp, cũng như chị không cần đến những diễn ngôn thân thể hay những thi ảnh trái khoáy, gây sốc. Những câu thơ thường hay được ngắt nhỏ thành bốn, năm chữ, hoặc chỉ hai, ba chữ, chậm rãi, khoan thai, như từng ngụm cà phê người uống và chìm mình trong những giờ phút trầm tư. Những câu thơ ấy, như chính nhan đề của cả tập, chính là "Bóng của ý nghĩ" của Nguyễn Bảo Chân.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An