Nhà văn Ngô Khắc Tài đánh dấu tuổi 72 của mình bằng tập truyện ngắn ‘Đồng xanh’ mang đậm phong cách một cây bút gắn bó với cuộc sống miền Tây Nam bộ.
Nhà văn Ngô Khắc Tài tuổi Canh Dần 1950, sinh ra và lớn
lên ở Cù lao Ông Hổ nằm giữa Long Xuyên và Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang. Cốt
cách con người miền sông nước tác động rõ nét lên cuộc đời và trang viết của
nhà văn Ngô Khắc Tài. Sự chất phác, sự bộc trực và sự đôn hậu làm nên giá trị
riêng cho tác phẩm Ngô Khắc Tài.
Viết nhiều thể loại
văn xuôi với thái độ nhẩn nha và chậm rãi, nhưng nổi trội nhất ở nhà văn Ngô Khắc
Tài vẫn là truyện ngắn. Tác phẩm của nhà văn Ngô Khắc Tài từng được nhiều giải
thưởng văn chương, trong đó có Giải A cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu
Long năm 1993 và Giải A cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Tác Phẩm Mới năm 1994.
Từ tập truyện ngắn đầu
tiên “Bông hoa nở muộn” in năm 1985 đến nay, nhà văn Ngô Khắc Tài đã có 5 tập
truyện ngắn. 17 truyện ngắn trong tập “Đồng xanh” vừa được Nhà xuất bản Thanh
Niên ấn hành, ngoài vài truyện ngắn mới thì chủ yếu tập hợp những truyện ngắn
cũ đã giúp nhà văn Ngô Khắc Tài thành danh.
Tập “Đồng xanh” có thể
xem như một cuộc tuyển chọn truyện ngắn của nhà văn Ngô Khắc Tài, nên chất lượng
200 trang sách dĩ nhiên hơn hẳn các tập “Phố không đèn” in năm 1991, “Nhớ khói”
in năm 1997, “Chim hạc bay về” in năm 2002 và “Như mơ thấy bướm” in năm 2006.
Đọc tập truyện ngắn “Đồng
xanh”, không quá khó để hình dung một miền Tây Nam bộ có những số phận chìm nổi
trên kênh rạch luôn đối mặt gian nan nhưng vẫn phóng khoáng ân nghĩa, qua các
truyện ngắn “Chim vịt kêu chiều”, “Ghe hát về làng”, “Người trong vườn lãng
quên”, “Cá rô về sân”...
Nhà văn Nguyễn Ngọc
Tư khẳng định nhà văn Ngô Khắc Tài và nhà văn Phạm Trung Khâu là hai cây bút đồng
bằng sông Cửu Long mà chị kính trọng. Cho nên, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bày tỏ cảm
mến về tập truyện ngắn “Đồng xanh” của nhà văn Ngô Khắc Tài: “Một lối truyện
chan chứa tình, rề rà đời thường đến phát sốt ruột. Giọng nửa như kể chuyện cho
người, nửa như kể cho chính mình nghe, tập truyện điềm đạm bày ra những thân phận
mà chúng ta nhìn thấy đâu đó, và nghĩ buồn vui ấy quá bé nhỏ nên đã bỏ qua.
Chỉ nhà văn Ngô Khắc
Tài không bao giờ rời khỏi những hiện thực sống động bên mình, ông đem chữ tạo
tác lại, giữ cho chúng thật lâu trên trang sách, làm nên một ký ức dài hạn. Bạn
bảo ông nhà văn này “cúi xuống những mảnh đời” chắc ông sẽ không vui. Ông là một
trong số họ, ngồi lẫn vào đâu đó, và khiêm nhường như những nhân vật của ông, cảm
thấy hai chữ “cúi xuống” cũng là khua vang quá”.
Người dân miền Tây
Nam bộ đọc truyện ngắn Ngô Khắc Tài sẽ thấu hiểu thêm vùng sông nước chấp chới
định mệnh buồn vui. Còn người dân khu vực khác, đọc truyện ngắn Ngô Khắc Tài, sẽ
thấy gần gũi hơn với miền Tây Nam bộ. Bởi lẽ, qua tác phẩm “Đồng xanh” của nhà
văn Ngô Khắc Tài, cảnh sắc nông thôn ở miền Tây Nam bộ hiển lộ thật sinh động:
“Ít ngày sau khi luống cày đầu tiên vừa vỡ đất, lập tức đồng vui lên cùng những
bầy chim nhạn đất bay, rộn ràng. Chúng ở đâu, ngoài biển xa hay trong đồng
tràm, mỗi năm đồng vừa bắt đầu cày là chúng lập tức có mặt.
Bầy nhạn trắng bay dịu dàng, thoắt nhanh như tên vụt xuống sát mặt đất cắp con mồi theo đường cày rồi bay vút lên. Cánh đồng ríu rít tiếng chim nhạn, lũ sáo đen, sáo sậu như bị đuổi rút vô trong mé vườn. Khi đồng cày xong, mỗi sáng mất tăm không còn bóng chim nhạn, để cho đồng xanh một niềm nhung nhớ”.