Thời nào cũng vậy, dân có oan thì phải kêu, thế nên thời
xưa có chuyện đón xe vua kêu oan không phải hiếm. Do đó, thời trước, triều đình
các đời cũng nghĩ ra nhiều biện pháp giúp người dân thuận tiện trong việc kêu
oan.
MUÔN CÁCH KÊU OAN THỜI XƯA
LÊ TIÊN LONG
Bộ sử nhà Nguyễn "Đại Nam thực lục" cho biết,
tháng 6 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Vua Minh Mạng cho lập công chính đường và
treo trống Đăng văn. Đó là phỏng theo điển lệ Bắc triều, lấy 3 nha của Hình bộ,
Đô sát viện và Đại lý tự, gọi riêng là Tam pháp ty, đặt làm dinh thự ở góc Đông
Nam trong kinh thành, có tấm biển đề là "Công chính đường", đằng trước
nhà này, về bên trái, treo một cái trống gọi là trống Đăng văn (tức tiếng trống
đánh lên để thấu đến vua nghe).
Triều đình Vua Minh Mạng quy định mỗi tháng lấy những
ngày 6, 16 và 26 làm nhật kỳ được đánh trống, nhận các đơn kêu, rồi các đường
quan ở ty Tam pháp theo nhật kỳ đã định đem các thuộc viên lên ở công chính đường
ngồi theo hàng lối: Bộ Hình ở giữa, bên trái là Đô sát viện, bên phải là Đại lý
tự. Phàm thần dân ở trong kinh và ngoài các tỉnh ai có oan khuất thì đưa đơn đến
kêu.
Quy định đơn kêu oan phải có 1 bản chính và 1 bản phụ,
duy khi tố cáo bí mật về việc phản nghịch quan trọng và những việc có quan hệ đến
lợi hại lớn thì mới cho làm 1 bản tấu phong kín lại. Hội đồng nhận đơn cứ chiếu
lý bàn xử, cùng nhau làm thành tập tấu dâng lên. Sau khi được chỉ, việc nào
quan hệ đến nha nào thì chép đưa cho nha ấy làm theo. Khi tiếp được tờ tâu
phong kín thì lập tức dâng trình không được tự tiện phát đi. Còn những ngày
khác, mỗi nơi cắt một thuộc viên đều thay phiên thường trực, nếu có người thần
dân nào có tờ tấu phong kín tố việc bí mật hoặc sự việc thật cần kíp khẩn thiết
không thể đợi đến nhật kỳ nhận đơn thì cho bất kỳ lúc nào cũng được đánh trống
Đăng văn, đưa đơn kêu.
Người thường trực nhận lấy đơn ấy, một mặt đem người
kêu ấy giao cho lính thủ hộ coi giữ, một mặt trình lên công chính đường. Còn tờ
trạng phong kín ấy cùng lập tức được dâng trình. Các đơn khác thì trước hết tóm
tắt lại, chép thành phiến để tâu biết, rồi phải theo lý bàn kỹ tâu lên ngay. Nếu
tờ tâu phong kín dâng lên ấy xét ra là vu cáo càn bậy thì tới kỳ đợi chỉ sẽ xử
trị nghiêm ngặt. Còn nếu không phải là sự việc khẩn thiết mà đánh trống đưa đơn
kêu thì việc dẫu có thực, người đánh trống cũng phải đóng gông 10 ngày để ở
ngoài sân nhà công chính đường, khi mãn hạn lại đánh ngay 100 trượng; nếu có vu
cáo tức thì chiếu theo tội kiện vu cáo mà bắt chịu tội.
Tháng 12 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), quy định mỗi
ngày cử một viên thuộc ty đến cùng với phái viên của ty Tam pháp phái đến ứng
trực ở công đường. Hễ có ai đánh trống Đăng văn kêu việc gì, đơn kiện thì do ty
Tam pháp nhận xét, nhưng thuộc viên ứng trực cũng đăng ký ngay những đơn ấy để
trình công chính đường lưu chiểu. Nếu Tam pháp ty ỉm đi hay để chậm trễ không
xét đơn thì tham hặc.
Tháng tư, năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Vua Minh Mạng
đi tuần chơi tỉnh Quảng Nam, đã sai đặt ở trước các sở hành cung tỉnh Quảng Nam
mỗi nơi một cái trống Đăng văn, để người dân nào có điều gì oan uổng, cho được
đánh trống bày kêu, các đường quan 6 bộ cùng khoa quan đạo đi theo vua, cắt lượt
nhau thu nhận đơn, cứ thực tâu lên, để biết hết tình dân. Nhà vua cũng quy định
mỗi ban trực một ngày một đêm, đường quan cùng khoa đạo đều cử ra 2 người.
Đến tháng 12 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua lại
sai thông dụ cho các trực tỉnh, từ nay phàm các án đã bị quan phủ nêu ra hặc tội,
nếu oan uổng thực, cho được ủy người đến kinh thành đánh trống Đăng văn, bày tỏ
kêu lên không được viện lệ làm sớ riêng đệ thẳng. Nếu có gửi phong thư kín tự
phải viết giấy phát đi, ty bưu truyền cũng không được nhận đệ, trái lệnh thì có
tội.
Ngược dòng lịch sử, thời trước, chưa có trống Đăng
văn, các triều đình trước đó cũng đều có các biện pháp để người dân thực hiện
quyền kêu oan của mình. Đầu tiên, có thể thấy trong "Đại Việt sử ký
toàn thư", thời Vua Lý Nhân Tông, năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ tư (1052), nhà
vua đã cho đúc một quả chuông lớn đặt ở Long Trì (sân rồng) để ai bị oan ức điều
gì được đến đánh chuông tâu lên. Đây chính là hình thức sơ khởi của chiếc trống
Đăng văn thời Nguyễn về sau.
Cách làm này cũng được tiếp nối ở thời Lê trung hưng,
như vào đời Cảnh Hưng (Vua Lê Hiển Tông), chúa Trịnh Doanh cho đặt chuông, mõ ở
cổng phủ đường để người nào thấy mình có tài, muốn tự tiến cử thì đánh chuông
và người bị oan ức thì đánh mõ kêu lên. Các khiếu nại phải được ghi thành văn bản
và phong kín để chuyển lên phủ chúa xem xét.
Một hình thức khác được vua quan nhà Lý thực hiện khi
bắt chước quy chế của nhà Tống bên Trung Quốc. Đó là câu chuyện diễn ra năm Đại
Định thứ 19 (1158), Nguyễn Quốc vừa đi sứ ở nước Tống về, dâng thư nói:
"Thần sang nước Tống, thấy ở giữa sân vua có một cái hòm bằng đồng để thu
các chương tấu của bốn phương, thần xin bắt chước mà làm như thế để bề trên rõ
được tình người dưới". Vua y theo, cho đặt cái hòm đồng ở giữa sân, để ai
có nói việc gì thì bỏ thư vào trong ấy. Nhưng, trong số thư thu được có thư nặc
danh tố cáo viên quyền thần là Thái úy Đỗ Anh Vũ làm loạn. Dù không biết thư của
ai nhưng Đỗ Anh Vũ nghi ngờ Nguyễn Quốc, người đưa ra sáng kiến này, khiến Nguyễn
Quốc phải uống thuốc độc tự tử.
Việc đặt hòm ở phủ chúa để nhân dân đệ đơn kêu oan
cũng được chúa Trịnh Giang thực hiện vào những năm niên hiệu Vĩnh Khánh (đời Lê
Đế Duy Phường).
Còn thời Trần, có chuyện đón đường ngăn xa giá nhà vua
để kêu oan. "Toàn thư" cho biết, năm Thiệu Bảo thứ 2, đời Trần Nhân
Tông (1280), em của Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Thư kiện nhau với người, tình lý
đều trái. Người kia đón xa giá nhà vua để kêu bày. Vua hỏi quan xử kiện, viên
quan đó trả lời rằng: "Án xử đã xong nhưng hình quan thoái thác không chịu
chuẩn định đó thôi". Nhà vua biết hình quan né tránh Đỗ Khắc Chung vì ông
là cận thần, mới sai Chánh chưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao (hoạn quan)
kiêm chức kiểm pháp quan để chuẩn định lại sự việc thì thấy rằng Đỗ Thiên Thư
quả thực là trái lý. Kể từ đó, nhà Trần cho quan áo xanh (hoạn quan) được làm
việc kiểm pháp.
Chép về vụ kiện này, sử thần thời Lê, Ngô Sĩ Liên đã
bình luận: "Người kiện có điều oan uổng mà được dễ dàng kêu bày, hình quan
để chậm án, không thấy có lời trách hỏi, hoạn quan nội thần lạm cử làm pháp
quan, vua làm việc này có 3 lầm lỗi kèm theo nhưng như vậy thì dân tình được thấu
lên trên". Tuy nhiên, Ngô Sĩ Liên cũng nhận xét về cách trị nước của vua
Trần rằng: "Việc cai trị kẻ dưới thà sai để khoan thứ để cho án kiện đọng
lại được xử ngay, cũng thấy được lòng trung hậu của vua".
Nhưng, sang đến thời Nguyễn thì Vua Tự Đức, vào năm thứ
6 (1853), đã cấm tiệt chuyện đón xa giá vua để kêu oan. Đó là khi nhà vua đưa mẫu
hậu đi chơi hành cung thành Trấn Hải ở cửa biển Thuận An, vào đầu tháng Giêng,
duyệt thủy quân 2 ngày rồi trở về. Trên đường về, có người đón đường kêu kiện,
thị vệ bắt ngăn lại. Nhân thế, vua hạ lệnh cho quan dân, ai có tình trạng bị
sách nhiễu, bức bách mà khiếu khống không được thì phải đánh trống Đăng văn để
tố cáo. Nếu có việc gì quan hệ đến việc quân, việc nước mà khẩn, mật, mới được
cúi rạp xuống mà kêu ở mé ngoài nghi trượng; còn ai đón xa giá khi vua đang đi
mà kêu thì cấm chỉ.
Ngoài ra, sử sách cũng ghi lại nhiều hình thức thu thập
ý kiến của dân chúng và bày tỏ nỗi oan ức khác, như vào năm Ất Tỵ, niên hiệu Bảo
Thái (1725 - đời Vua Lê Dụ Tông), chúa Trịnh Cương cho yết bảng ở các lị sở,
ngã ba đường để dân chúng phản ánh điều hay dở, thiện ác của các quan trong địa
hạt và nỗi oan của mình. Hoặc năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751 - đời Vua Lê Hiển
Tông), chúa Trịnh Doanh cho phép nhân dân cả nước được phép viết thư trình bày
nỗi oan ức, dán kín dâng lên.
Ở Đàng Trong, từ năm 1788, chúa Nguyễn Ánh cũng cho đặt
một hòm ở cửa phủ chúa để ai có oan khuất hay bị người khác hãm hại thì viết
đơn trình bày rõ sự việc, ghi rõ họ tên quê quán bỏ vào hòm để tiện tra xét,
người nào bỏ thư nặc danh, vu tội cho người khác thì bị trị tội nặng.
Sau khi lên ngôi, ngay năm Gia Long thứ 2 (1803), khi
đi chơi Quảng Bình, Quảng Trị, Vua Gia Long đã có cho phép nhân dân ai có sự gì
oan khuất thì cho đến hành tại tâu bày, nhà vua sẽ thân tự xét định. Đến năm
1804, theo lời tâu của các quan trấn Bắc Thành, Vua Gia Long cho dựng nhà coi
việc ở cửa Nam thành Thăng Long, cứ 5 ngày một lần, họp quan lại để bàn việc,
ai có việc gì bị oan ức đã qua 3 nha trấn, phủ, huyện mà chưa được phục tình
thì cho đầu đơn để xét cho rõ lý.
Tiếng trống Đăng văn thời Nguyễn được nhắc nhiều nhất
đến câu chuyện của bà vợ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, tức bà Nguyễn Thị Tồn, từ Nam
Bộ đi thuyền ra kinh thành Phú Xuân kêu oan cho chồng vào năm Tự Đức thứ nhất
(1848).
Sau khi Vua Minh Mạng qua đời, các quan bàn việc đặt
miếu hiệu cho nhà vua, đã ca ngợi công đức của cố vương, trong đó có đoạn kể những
thành tựu về luật pháp: "Đặt công chính đường để sự đau khổ của dân gian
được đạt lên, đặt trống Đăng văn để sự oan uổng của kẻ dưới được thấu tới".
Nối tiếp cha, Vua Thiệu Trị sau khi lên ngôi, ngay mùa
xuân năm 1842, khi tuần du Bắc thành, cũng quy định rằng phàm vua đi đến đâu đều
đặt nhà công chính đường và trống Đăng văn, thu nhận các đơn kêu, để cho tình
dân được đạt lên, oan uổng được xét rõ.
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng