Học giả An Chi vừa qua đời ở tuổi 87 vào lúc 13h05’ ngày 12/10 tại TP.HCM, để lại cho công chúng một tấm gương tự học kiên nhẫn và miệt mài.


Học giả An Chi tên thật Võ Thiện Hoa, sinh ngày 27/11/1935 tại Sài Gòn. Học giả An Chi còn có một bút danh khác là Huệ Thiên. Học giả An Chi không hề có học hàm hoặc học vị gì, nhưng quá trình tự học đã giúp ông có được trữ lượng kiến thức của một bậc thầy uyên bác.

Năm 20 tuổi, chàng trai Võ Thiện Hoa theo tiếng gọi cách mạng đã rời đô thị miền Nam để vượt tuyến ra Bắc. Sau một thời gian đi thanh niên xung phong, ông học Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương rồi về dạy học ở Thái Bình từ năm 1959 đến năm 1965.

Thế nhưng, số phận dường như không chịu để yên cho ông được đứng trên bục giảng. Từ năm 1966 đến năm 1968, ông làm tạp vụ ở nhà ăn của Trường bồi dưỡng cán bộ giáo viên tỉnh Thái Bình. Từ năm 1969 đến năm 1972, ông học lớp chính trị ở Trường 20-7 của Bộ Nội vụ, sau đó học nghề thợ nguội và thợ tiện ở Nhà máy Xe đạp Thống Nhất, Hà Nội.

Từ năm 1972, ông chuyển lên Tam Đảo phụ trách thư viện Trường học sinh miền Nam số 8, đến tháng 8/1975 thì trở lại Sài Gòn.

Sau 9 năm công tác ở Phòng Giáo dục quận 1 – TP.HCM từ 1975 đến 1984, ông xin nghỉ hưu non để đọc sách và nuôi chim kiểng.

Cuộc sống thăng trầm bắt đầu phát huy giá trị của sự tích lũy, khi Võ Thiện Hoa chính thức cầm bút. Không chỉ là nổi tiếng với mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, học giả An Chi còn có các công trình nghiên cứu như “Từ nguyên”, “Câu chữ Truyện Kiều”, “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”...

Học giả An Chi cuối tháng 9/2022.


Sau tuổi 80, học giả An Chi tiếp tục có bộ sách khá công phu “Rong chơi miền chữ nghĩa”. Tập 5 của “Rong chơi miền chữ nghĩa” vừa được ấn hành cuối tháng 9/2022, thì bây giờ ông đã đi xa mãi mãi.

Tác phẩm của học giả An Chi không chỉ gây hứng thú cho độc giả, mà còn khiến nhiều đồng nghiệp khâm phục. Sinh thời, nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo (1930-2007) nhận định: “Quả có nhiều người hình dung An Chi là một cụ già đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ, suốt ngày vùi đầu trong những đống sách cũ kỹ. Trong trí tưởng tượng của họ, An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm này.

Học giả An Chi lặng lẽ, giản dị và khiêm nhường với đời với người, đúng phong cách một nho sinh. Ông cho rằng, điều may mắn nhất của ông là có được một người vợ hiền hậu và đảm đang: “Cô ấy lo cho tôi từ cái ăn đến viên thuốc, tóm lại là mọi thứ liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của chồng. Vợ tôi không trực tiếp giúp đỡ tôi trong công việc viết lách, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhờ cô ấy cân nhắc, lựa chọn từ, ngữ hoặc đọc hộ bản thảo để góp ý.

Vĩnh biệt học giả An Chi, bỗng nhận ra một khoảng trống mà ông để lại cho môi trường học thuật Việt Nam. Chẳng biết đến khi nào, Việt Nam mới có một nhân vật tự học thành danh tầm cỡ như học giả An Chi.

                                      TUY HÒA