Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Năm nay, Văn nghệ Quân đội mừng sinh nhật lần thứ 65. Nghĩa là “anh bạn” này cùng trang lứa với tôi. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như “người đồng đội” này hơn tôi một tuổi thì phải.


 VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI- TRỤ SỞ THỨ HAI CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

TRẦN ĐĂNG KHOA

“Tạp chí Văn nghệ Quân đội là trụ sở thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam”. Lời đánh giá rất cao Tạp chí Văn nghệ Quân đội này không phải của tôi, cũng không phải của người lính nào ở ngôi nhà số 4 - Lý Nam Đế, mà là một nhà thơ rất nổi tiếng, chưa từng trong lính ngày nào. Đó là nữ thi sĩ Xuân Quỳnh.

Chị bảo: “Đối với giới cầm bút chúng tôi, Văn nghệ Quân đội chính là Trụ sở thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam”. Xuân Quỳnh nói rất thực lòng. Chị còn tìm đến nhà thơ Vũ Cao, một ông Từ rất đức độ đang “trụ trì” ngôi đền thiêng có cái tên rất hiện đại là Tạp chí Văn nghệ Quân đội: “Anh Cao ơi, anh cho em tòng quân với. Em rất muốn được làm lính của anh”.

Đại tá, nhà thơ Vũ Cao, Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội vui lắm: “Cô về đây thì vinh hạnh cho chúng tôi lắm. Nhưng ở đây không thiếu nhà thơ nhà văn, chỉ thiếu người lãnh đạo thôi. Hay cô thay tôi làm lãnh đạo nhé!”. Xuân Quỳnh lắc đầu quầy quậy: “Ôi dào ôi, em tưởng làm thơ viết văn mới khó, chứ làm lãnh đạo thì khó quái gì”. Vũ Cao cười rất vui. Ông thấy Xuân Quỳnh nói đúng. Làm lãnh đạo như ông quả là chẳng khó gì thật. Chính ông đã tìm ra một bí kíp lãnh đạo văn nghệ mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng biết: Lãnh đạo văn nghệ là không lãnh đạo gì cả. Sau này, bên chén trà nhạt, ông còn nói với tôi: “Mình nghiệm thấy rằng, ở Văn nghệ Quân đội, hay cả giới văn chương nói chung, anh nào thế nào thì nó cứ như thế thôi, chẳng chỉ đạo hay uốn nắn mà thành được. Người thông minh sắc sảo là nó sắc sảo ngay từ đầu. Mà anh nào lủn mủn, nhạt nhẽo thì mãi vẫn cứ nhạt nhẽo. Có anh chẳng ra người thì đến già vẫn chẳng thành người”.

Năm nay, Văn nghệ Quân đội mừng sinh nhật lần thứ 65. Nghĩa là “anh bạn” này cùng trang lứa với tôi. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như “người đồng đội” này hơn tôi một tuổi thì phải.

Người giúp tôi “làm quen” với Văn nghệ Quân đội không phải giới văn chương mà lại là những người lính đang trên đường hành quân vào mặt trận. Họ nghỉ lại một đêm ở làng tôi. Năm ấy tôi mới 8 tuổi, học lớp 2, đang chập chững mon men văn chương. Ngày nào gia đình chúng tôi cũng được đón các chú bộ đội ghé nghỉ qua đêm. Mỗi gia đình hai, ba chú. Riêng nhà tôi đông hơn, vì chú nào cũng muốn xin chỉ huy cho được nghỉ nhà tôi. Nhà chật, các chú trải vải nhựa xuống nền đất. Nhiều chú mắc võng trong vườn cây. Họ là người đầu tiên nghe thơ tôi, yêu thơ tôi và động viên tôi làm thơ. Rồi các chú tặng tôi tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Năm ấy, tạp chí luôn thay đổi hình dạng. Có tháng hình vuông. Có tháng hình chữ nhật như cuốn vở học trò, có tháng co lại xinh xắn như cuốn Cẩm nang Du lịch, để nhét vừa túi quần hay túi ba lô cóc. Hình dạng thay đổi để phù hợp với hành trang người lính khi hành quân nhưng nội dung không thay đổi. Số nào cũng hay. Và đặc biệt là rất hấp dẫn. Các chú bảo: “Cháu phải gửi thơ in ở Văn nghệ Quân đội thì các chú mới đọc được”. Rồi các chú cho tôi địa chỉ của tạp chí. “Thế là chú cháu mình có địa điểm gặp nhau rồi nhé. Các chú có đi đến đâu hay ở bất cứ chiến trường nào thì thơ cháu cũng theo tạp chí tìm được đến nơi”.

Tôi khoái quá và quyết định làm cộng tác viên của tờ Tạp chí tuyệt vời này. Tác phẩm đầu tiên tôi gửi đến Văn nghệ Quân đội là bài thơ Kẹo hồng kẹo xanh viết đúng ngày 22-12-1966. Bài thơ kể về tụi trẻ con chúng tôi trong buổi sáng mồng một Tết đến thăm các chú bộ đội cao xạ pháo: “Các anh ở giữa đồng xanh - Giơ tay ra đón các anh cùng cười - Cành đào em tặng rất tươi - Thấy các anh khỏe, các anh cười, em yêu - Kẹo xanh kẹo đỏ rất nhiều - Đứa nào anh cũng chia đều như nhau - Đứa nào anh cũng xoa đầu - Đứa nào anh cũng bế lâu trong lòng - Và câu kết - Khẩu pháo nó đứng nó trông - Xem ra cũng muốn kẹo hồng kẹo xanh”.

Bài thơ chưa được in ngay. Điều đó chứng tỏ Văn nghệ Quân đội rất cẩn trọng, kĩ lưỡng trong việc in bài. Thầy Hoàng Bình, Hiệu trưởng trường tôi nhận được bức thư của Ban Biên tập Tạp chí. Người viết là nhà thơ Xuân Sách: “Tòa soạn chúng tôi nhận được bài thơ của cháu Trần Đăng Khoa, 8 tuổi học sinh lớp 2 cô giáo Cúc. Chúng tôi muốn biết ở trường ta có học sinh nào tên là Trần Đăng Khoa không và cháu Khoa có đúng làm được thơ không, hay đây là một tác giả người lớn nào đó trá hình để bài dễ được ưu tiên. Đề nghị các thầy cô giúp chúng tôi xác minh trường hợp này”. Cô giáo Bùi Thị Cúc đã viết một bức thư khá dài thông báo với Tòa soạn là tôi đã có trên 200 bài thơ. Rồi thầy hiệu trưởng đóng dấu xác nhận.

Ngay số sau, tháng 2 năm 1967, tạp chí in bài thơ đầu tiên của tôi. Đó là bài thơ Tiếng chim chích choè, tôi viết về các chú bộ đội cao xạ pháo trong giờ trực chiến: Em đi học về - Thấy ụ pháo giữa đồng quê - Bao nhiêu khẩu pháo đều rê rê nòng - Pháo vươn theo ngọn cờ hồng - Trong tay một chú vẫy trong nắng chiều - Cánh đồng vui reo - Gió đồng rộng rãi - Nòng pháo bỗng nhiên dừng lại - Bao nhiêu cái mũ lắng nghe - Xa xa từ một ngọn tre - Tiếng chim chích chòe - Đang - Hót….

Hồi đó được in ở Văn nghệ Quân đội là hạnh phúc lắm. Tác giả được tặng 6 tháng báo biếu và một cuốn sổ tay. Trên bìa sổ là dòng chữ màu vàng: Văn nghệ Quân đội. Riêng tôi còn được tòa soạn tặng thêm một cây bút máy Trường Sơn. Và như thế, tôi chỉ cần có hai bài thơ được đăng là có cả năm Tạp chí để đọc. Điều thú vị nhất là tôi lại còn có cả nhuận bút. Văn nghệ Quân đội là tờ báo duy nhất trả tôi nhuận bút. Mà nhuận bút rất cao. Mười lăm đồng. Số tiền ấy so với bài thơ phong phanh một dúm chữ là to lắm. Mẹ tôi chạy chợ, vớt một gánh bèo nặng, vượt hơn 10 cây số cả đi và về mới bán được 5 hào bạc. Mười lăm đồng bằng cả một tháng lao động cật lực của mẹ tôi. Tôi đưa tiền cho mẹ. Bà kinh hoàng. Rồi bà cứ tra khảo tôi: “U hỏi thật và con phải nói thật. Con có ăn cắp của ai không? Và liệu họ có trả nhầm cho con không? Sao chỉ có mấy câu mách qué của mày mà người ta lại cho nhiều tiền đến thế?”.

Tôi viết nhiều. Có ngày đến cả chục bài thơ. Viết nhiều vì nhà tôi ngày nào cũng có khách đến thăm. Có người đạp xe từ Nghệ An ra. Có người từ Yên Bái đáp tàu hỏa xuống. Rồi cả khách vãng lai quanh vùng. Họ đến, chủ yếu là vì tò mò. Rất nhiều người không tin nên cứ ra đề cho tôi làm thơ tại chỗ. Thơ tả cây dừa, cái vườn, chiếc ngõ nhỏ, con chó sau trận bom bị mất... Thoạt đầu tôi rất khó chịu. Nhưng sau thành quen. Chính các vị khách đa nghi ấy đã đào tạo tôi thành một cây bút chuyên nghiệp, có thể viết bất cứ lúc nào, về bất cứ đề tài gì. Nhờ thế, ngày nào tôi cũng có thơ. Có ngày mấy báo in thơ tôi. Rồi tiếp theo là các nhà xuất bản.

Tập thơ đầu tiên của tôi lại do Ty Giáo dục Hải Hưng, một cơ quan sinh ra không phải để in sách, nhưng đã in thơ tôi với số lượng rất khủng 200150 cuốn. Nhà Xuất bản Kim Đồng cũng in thơ tôi rất sớm, thoạt đầu chỉ in chung, dù có tập thơ tôi có đến 50 bài nhưng vẫn in cùng các em nhỏ. Mãi đến năm 1973, tập Góc sân và khoảng trời của tôi mới được tách ra, in riêng với tư cách là một tác giả. Tập thơ có số lượng 50300 cuốn. Nhưng chả có nhà xuất bản hay tòa báo nào trả tôi nhuận bút. Các cô bác người lớn cho rằng trả nhuận bút sẽ làm hỏng trẻ con. Trẻ con nó sẽ viết vì tiền chứ không phải vì nghệ thuật. Thay cho nhuận bút, các bác tặng quà: Búp bê, bóng bàn, cặp sách, ô tô chạy bằng dây cót…

Tôi in tập thơ Góc sân và khoảng trời, giữa trưa tháng 6 nắng như đổ lửa, nhà văn Trần Tuyết Minh (bút danh Trần Thiên Hương) chở về nhà tôi cái chăn len viện trợ của Mông Cổ. Cái chăn không nặng nhưng rất cồng kềnh, chằng buộc sau xe đạp, vượt qua 70 km bom đạn đường 5, con đường nối Hà Nội với Hải Phòng, là trọng tâm bắn phá của giặc những năm chiến tranh, quả là một việc rất dũng cảm.

Nhà tôi năm ấy rất đói. Có lúc thiếu khoai sắn, phải lấy cả gốc muống già, loại muống thả trên ao, thái nhỏ, phơi khô rồi độn với cơm. Bát cơm đen xì như phân trâu, dai nhoách như chão rách. Nếu tòa soạn nào, nhà xuất bản nào cũng trả nhuận bút như Văn nghệ Quân đội thì tôi nuôi được cả nhà. Mà oách đấy! Giàu đấy! Bởi tôi viết rất nhiều. In cũng rất nhiều. Nhuận bút lại cao. Nhưng tôi chỉ có quà tặng. Riêng cặp sách đã trên ba trăm chiếc, xếp đầy nửa gian buồng. Mẹ tôi không dám bán vì sợ mang tiếng là dân phe phẩy. Tôi đành tặng các bạn trong lớp, và phải mấy lớp mới dùng hết. Nhà thơ Xuân Diệu lại biểu dương tôi: “Em Khoa rất tốt bụng và hảo tâm. Được phần thưởng, em đều chia cho bạn bè”. Thực ra tôi cũng không tốt lắm đâu. Dùng không hết thì phải nhờ bạn bè dùng cho thôi. Chính các bạn đã giúp tôi đấy.

Tôi viết khá nhiều về các chú bộ đội, cũng in nhiều trên Văn nghệ Quân đội: “Cháu nghe chú đánh những đâu - Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi - Đến đây chỉ thấy chú cười - Chú đi gánh nước chú ngồi đánh bi - Rồi từ nhà cháu chú đi - Lúa chiêm vào mảy chim ri bay về - Nghiêng nghiêng buồng chuối bên hè - Rặng tre bãi mía bốn bề vẫy theo - Chú qua bao suối bao đèo - Đến nay chắc đã thêm nhiều chiến công - Ngoài này cháu đứng cháu trông - Những đêm súng nổ lửa hồng chân mây….”. Tôi cũng không biết bài thơ nôm na Gửi theo các chú bộ đội ấy có đến được với các chú không? Nhưng rồi trong chương trình Phát thanh Quân đội, sau tin chiến thắng là bài thơ của chú Vũ Liên - quân giải phóng Miền Nam Gửi cháu Trần Đăng Khoa. Bài thơ này đã in trên báo Quân đội nhân dân và báo Nhân Dân: “Chú đi phá nốt bốt đồn - Cho trường cháu đẹp dưới vòm trời cao - Chú hành quân vượt cầu phao - Nhận vần thơ cháu chú nào cũng yêu - Hành quân qua những đỉnh đèo - Bâng khuâng nhớ cháu những chiều đánh bi - Thoáng chim rừng, nhớ chim ri - Hầm hào quê cháu khác chi chiến hào - Lửa hồng chiến thắng bốc cao - Cháu nghe tan tác biết bao bốt đồn…”

Tôi không biết chú Vũ Liên ở đơn vị nào. Chiến trường mênh mông lắm. Không biết chú có qua nhà tôi không? Bây giờ không biết chú còn sống hay đã nằm lại trong một cánh rừng nào đó trong đại ngàn thăm thẳm, như bài thơ tôi viết gửi em gái khi nghe tin em vào Đại học Sư phạm: “Thế hệ anh mấy lớp người đi cứu nước - Có bao anh chưa tới được lớp Mười - Có bao anh nằm lại dọc đường rồi – Những con suối không tên, nhưnhx ngọn đồi không tuổi - Có thể sau này em dẫn học trò tới - Chỉ thấy im lìm rừng xanh với núi xanh…”.

Tôi có rất nhiều kỉ niệm với Văn nghệ Quân đội, ngay cả khi chưa thành người lính và chưa về Tạp chí. Năm 1968, nhà thơ Hồ Thiện Ngôn ở Trung ương đoàn về nhà tôi một tháng. Bác cùng tôi đến lớp, đi chăn trâu, đánh dậm. Sau này, tôi mới biết bác kiểm tra xem có thực tôi làm được thơ không, để báo cáo với nhà thơ Tố Hữu và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Bác đưa tôi đến thăm mộ Mạc Thị Bưởi rồi về cả nhà cô ở xã Long Động, cách nhà tôi chừng 3 cây số. Bác bảo: “Cháu làm thơ Thăm mồ cô Bưởi” đi. Tôi đã quá quen với lối “sát hạch” này. Tôi viết ngay vào cuốn sổ tay công tác của bác: “Trưa nay em đến thăm cô - Lúa chiêm chín rực đôi bờ phi lao - Ông trời dừng bước trên cao - Vi vu chị Gió cùng vào thăm cô - Tiếng gì dưới cỏ non tơ - Xôn xao trong đất làm mờ mắt em - Bốn bề sóng lúa trào lên - Mênh bông - Biển lúa - Ngả nghiêng - Dập dồn - Cô ơi ! - Mẹ em chưa hết đau buồn - Trường em giặc Mĩ ném bom mấy lần - Mấy lần đào hố dọc sân - Áo em cũng đã mấy lần nhuộm xanh - Ngọn đèn che sáng mong manh - Giấy không đủ trắng học hành long long - Dưới mồ cô có biết không - Mà nghe sóng cuộn đầy đồng thét vang - Mà nghe lặng lẽ đường làng - Lô nhô mũi súng tạt ngang qua mồ - Nhìn ai cũng thấy dáng cô - Thoảng nghe tiếng nổ năm xưa phá đồn”…

Bài thơ tôi chỉ viết trong khoảng 15 phút. Bác Ngôn khen lắm. Rồi bác thuộc ngay. Thỉnh thoảng còn ngâm cho tôi nghe bằng giọng Nam Bộ. Tôi sướng quá, tưởng thơ mình hay thật, bèn chép ngay gửi tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhưng khi bác Ngôn đi rồi, bình tĩnh đọc lại, tôi thấy bài thơ chán quá. Không ra Mạc Thị Bưởi. Toàn kể khổ. Mà kể cũng chẳng ra sao. Tôi tức tốc chạy bộ 5 cây số lên bưu điện huyện, chỉ để gửi cho tòa soạn bức thư có mấy dòng: “Các chú ơi! Bài thơ cháu gửi chưa đạt. Các chú cho cháu gửi lại…”. Nhưng rồi phải nửa tháng sau, tôi mới hoàn thiện được bài thơ Em dâng cô một vòng hoa: “Trưa nay em đến thăm cô - Nắng chiêm chín rực đôi bờ phi lao - Sắc hoa râm bụt quanh ao - Tiếng chim vườn mẹ cùng vào thăm cô - Tiếng gì dưới cỏ non tơ - Xôn xao trong đất, nắng trưa bồn chồn - Vươn cao nòng pháo đầu thôn - Mồ cô nắng đắp vàng hơn mọi miền - Cô ơi sông nước gọi tên - Chiều mưa phục kích, trăng lên đánh đồn - Thương cô sóng cuộn quanh cồn - Nhát dao giặc giết em còn thấy đau - Em nghe mẹ kể đêm sâu - Hoe hoe đôi mắt mái đầu phơ phơ - Thương cô bông lúa thêm mùa - Quả na bớt hạt buồng dừa trĩu cây - Đồng em thêm tiếng máy cày - Mũ rơm đến lớp ngày ngày em chăm - Trăng suông sáng cả đêm rằm - Nhịp cầu vá vội ầm ầm xe qua - Em dâng cô một vòng hoa - Thoảng nghe tiếng súng trời xa vọng về”…

Đấy là chuyện năm 1968, khi tôi đang học lớp 4 trường quê. Năm năm sau, mùa hè lớp 9 phổ thông, tôi nới đề tài Mạc Thị Bưởi ra thành Trường ca Khúc hát người anh hùng. Đây là Trường ca thứ 4 tôi viết hồi học phổ thông. Cũng là tác phẩm tôi viết công phu nhất và ưng ý nhất. Sau đó tôi giã từ Trường ca, không viết thơ dài nữa. Tác phẩm tái hiện cuộc kháng chiến chống Pháp ở quê tôi mà Mạc Thị Bưởi là nhân vật trung tâm. Trường ca dài 5 chương, tôi gửi ngay cho Văn nghệ Quân đội, chỉ mong tạp chí trích cho một chương. Nhưng không ngờ, tạp chí đã dành cả phần thơ số tháng 11 năm 1974, in trọn vẹn cả trường ca này với những trang minh họa rất đẹp của họa sĩ Văn Đa. Trong đời sáng tạo nghệ thuật của mình, chưa bao giờ tôi có được niềm hạnh phúc như thế.

Năm 1972, giặc Mỹ dùng B52 hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng. Suốt đêm nhà tôi trao lắc như đưa võng. Thỉnh thoảng căn nhà và mảnh sân lại nhoàng lên ánh sáng kỳ dị của những vệt tên lửa bay qua, chi viện cho Hà Nội. Mẹ tôi rên rẩm: “Cứ đánh nhau mãi thế này thì còn gì là người. Thớt trên mòn thì thớt dưới cũng mòn…”. Mẹ tôi hình dung cuộc chiến tranh như cái cối xay thịt. Tôi che ngọn đèn dầu bằng lá khoai nước, vặm cụi viết Trường ca Trừng phạt, theo phong cách dân gian, dựng cảnh âm ty địa ngục, những ngôi trường, con đê, hàng cây, rồi bệnh viện, mổ mà, Thần Đất, bà già trẻ con, những người mất đầu, mất chân, mất tay đến đập cửa Điện Diêm Vương, đòi xử tội bọn giết người.

Tôi viết trọn đêm xong cả Trường ca gồm 1512 câu thơ. Rồi tôi viết Thư thơ, gửi các anh bộ đội đã hành quân đã qua nhà nghỉ chân: “Đến thăm em, các anh chúc làm thơ – Góc sân nhỏ bỗng thành nơi tạm biệt – Em biết lúc này Giặc Mỹ đang đốt giết – Những bé thơ cùng với các đồ chơi – Những mái nhà cùng với tiếng chim vui – Những cánh rừng xanh cùng với vầng trăng bạc – Âm thanh xô đến bàn em học – Là tiếng bom B52 thảm sát Hải Phòng – Tiếng pháo nã vào làng xòm Miền Trung – Tiếng tên lửa bắn xuống Hồ Hoàn Kiếm…Và Em chẳng còn bé bỏng như xưa – Chiếc khăn quàng em đeo đã bắt đầu thấy chật – Những trang giấy cứ cồn trên mặt đất – Đường hành quân dẫn đến mọi chân trời – Cao hơn trang thơ, hơn cả cuộc đời – Là Tổ Quốc một còn, một mất…Rồi: Và sau này nếu các anh gặp em – Không phải trên góc sân nhà ngồi ngắm trăng lên – Mà trong chớp đạn rực trời cứ điểm thù tan rã – Thì điều ấy chắc các anh không lạ”…

Tôi quyết định nhập ngũ. Rồi viết đơn tình nguyện. Bạn bè tôi cũng viết đơn. Có đứa còn viết cả bằng máu. Nhưng chẳng ai tiếp nhận những đứa trẻ mới 14, 15 tuổi đầu. Phải ba năm sau, mùa xuân 1975, đang học dở lớp 10, tương đương lớp 12 bây giờ, tôi mới vào lính. Đó là đợt Tổng động viên, chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Giải phóng Miền Nam. Tôi tạ lỗi với các thày cô: Thày giáo ơi, hãy tha lỗi cho em – Em chẳng còn đầu óc nào để nhớ - Những định luật này, những công thức nọ - Ruột gan em để hết ở chiến trường – Nơi đoàn tăng đi rung động phố phương – Thêm một ngày cờ bay bao dặm đất – Thày giáo ơi, xin tha lỗi cho em – Em không thể học thêm được nữa – Tin chiến thắng về đốt lòng em như lửa – Cả dân dộc đang đánh trận cuối cùng – Em thấy mình có tội với núi sông – Với bè bạn đã bao lần nhập ngũ – Nếu em cứ vùi đầu vào sách vở…Biết ơn thày và nhớ mái trường quê – Tổ Quốc đã gọi rồi, em phải ra đi”…

Trường tôi 12 lớp 10. Con trai đi. Con gái cũng đi. Nhà trường tập hợp tất cả những học sinh còn lại cũng không đủ một lớp chừng 50 học sinh. Chúng tôi không kịp tham gia chiến dịch Giải phòng Miền Nam, nhưng lại vào cuộc chiến mới ở cả hai đầu đất nước, biên giới phía Nam và biên giới phía Bắc. Học sinh đi lính ở trường tôi, tôi không biết bao nhiêu người, nhưng đã có 215 liệt sĩ.

Tôi đi theo quân đoàn 4 vào P Nông penh buổi trưa ngày 7-1-1979, rồi sau đó lại lên biên giới phía Bắc rồi về làm lính biển. Tôi đi hết tuyến đảo. Viết cả thơ và văn xuôi. Sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1981-1982, tôi chỉ ước mong được về Văn nghệ Quân đội, làm biên tập thơ, như chú Xuân Sách hay anh Phạm Ngọc Cảnh. Nhưng phải 10 năm sau, khi tốt nghiệp Học viện Văn học M. Gorki Liên Xô, tôi mới về được Văn nghệ Quân đội. Ở ngôi đền thiêng của Văn chương này, tôi cũng chẳng thuộc ban nào, chỉ là anh phóng viên lưu động. Cơ quan cần gì thì tôi làm cái đó, như: viết bài, phỏng vấn, dựng chân dung, đưa tin vặt… búa xua đủ các thể loại. Trong 10 năm ở tạp chí, tôi chưa bao giờ được làm biên tập. Làm phóng viên cũng có cái vui.

Tôi quan niệm, người viết cần sống giản dị, có thể lẫn vào cả một biển người. Nhưng khi viết lại phải khác người. Khác ở giọng điệu, hồn vía và những vấn đề đặt ra. Đặc biệt là không được nhạt. Nhạt là căn bệnh đáng sợ nhất của văn chương. Nhạt không phải sai. Sai thì người ta còn phê phán, còn nhắc nhở để mà sửa chữa, rút kinh nghiệm. Đằng này, nó chẳng có tội vạ gì, chỉ nhạt thôi. Ông Henrich Hainơ bảo: “Cái người tôi ghét nhất trên đời- Là người tôi không yêu mà cũng không ghét…”. Thế thì đúng là cái anh nhạt rồi. Nhạt luôn yên bình, ổn định. Nhưng đó là sự ổn định nguy hiểm, bởi nó băng hoại mọi sự sáng tạo và phát triển. Văn chương mà nhạt thì người ta sẽ không đọc.

Với quan niệm ấy, nên khi được giao việc, dù viết cái gì, viết theo thể loại gì, tôi cũng cố gắng để nó không nhạt. Vì thế ngay trong cùng một thể loại, tôi cũng cố gắng tránh sự trùng lặp, để người đọc không chán. Ngay chuyên mục 12 cuộc đối thoại trong năm, tôi cũng viết theo cách như thế. Nghĩa là mỗi bài một kiểu riêng. Bài Má và các con, đối thoại giữa các nhà văn của tạp chí với má Phạm Thị Lừa, một bà mẹ Việt Nam Anh hùng, do Tạp chí phụng dưỡng, tôi dựng thành một vở kịch. Xúc động. Ấm áp. Đối thoại linh hoạt, bộc lộ được tính cách từng người.

Ở Câu chuyện đầu năm, trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lại xới lên vấn đề khác. Việc lãnh đạo văn nghệ và quản lí báo chí trong thời đổi mới và hội nhập. Đối thoại không phải phỏng vấn. Phỏng vấn là phóng viên đưa ra câu hỏi, nhân vật trả lời sao thì ghi lại vậy. Còn đối thoại thì hai bên bình đẳng bàn về một vấn đề gì đó. Có khi gặp nhau. Có điểm phải tranh luận để dẫn đến sự đồng thuận. Cũng có khi tranh luận mà vẫn không gặp được nhau thì để ngỏ cho bạn đọc cùng nghĩ tiếp với mình. Đây là chuyên mục rất hay của Tạp chí.

Tôi cũng rất mê thể loại chân dung văn học. Hồi ở Văn nghệ Quân đội, tôi cũng mon men đến loại hình này. Nhiều nhà văn lớn của chúng ta cũng có không ít trang viết về các đồng nghiệp của mình và viết rất hay.

Chân dung văn học là một thể loại văn chương tổng hợp, bao gồm cả truyện ngắn, kí, phê bình và nghiên cứu. Nó pha trộn và giao thoa với nhau. Nhà văn M. Gorki rất tài trong thể loại này. Những tác phẩm của ông viết về L. N. Tônxtôi, X. Exenhin, A. Tchêkhop rất đặc sắc. Đấy thực sự là những kiệt tác. Tôi cũng cố gắng tránh sự trùng lặp để bạn đọc không chán. Bởi thế, có bài tôi dựng thành truyện ngắn. Có bài như dạng nghiên cứu. Lại cũng có bài chỉ mấy nét phác họa, mang hơi đoản văn.

Tôi tập hợp những bài báo vặt ấy. Thế mà rồi cũng có được mấy cuốn sách dày: Chân dung & Đối thoại, Người thường gặp, Đảo chìm & Trường Sa, Hầu chuyện Thượng Đế… Tái bản liên tục. Hiện nay vẫn còn tiếp tục nối bản. Có tháng tái bản hai lần ở hai nhà xuất bản khác nhau. Vui thế chứ!

Bây giờ tôi đã thành một lão già lẩm cẩm lắm rồi. Lẩm cẩm mới đi kể những chuyện vặt vãnh này. Vậy mà đồng đội tôi, cái anh bạn Văn nghệ Quân đội ấy vẫn cứ trẻ hơ hớ. Trẻ mà hâp dẫn. Chúc anh bạn đẹp mãi, đúng như lời khẳng định của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh: “Văn nghệ Quân đội là trụ sở thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam!” Oách!