Nhân vật trung tâm của chuyện là bà ngoại của tác giả, một mụ đỡ ở nông thôn, người có số phận nghiệt ngã. Chồng chết trẻ, bà ở vậy nuôi 5 đứa con, 3 trai 2 gái, dựng vợ gả chồng.


“Bà đỡ” và những câu chuyện đáng kể

(Đọc truyện “Bà đỡ” của Đào Tuấn Ảnh, NXB Trẻ 2022)

ĐỖ TIẾN THỤY

Tôi trước nay vẫn tin rằng các nhà nghiên cứu phê bình được trời phú cho họ tư duy lí tính, giỏi lập luận logic và diễn giải khoa học, còn viết văn thì…

Một ngày trên Facebook của PGS, TS, Nhà nghiên cứu phê bình, dịch giả văn học Đào Tuấn Ảnh xuất hiện một chuyện dài. Sẵn định kiến, tôi toan đọc lướt, nhưng rồi tôi đã bị hút vào một chuyến phiêu lưu nhiều tình huống li kì. Với cách dẫn chuyện tự nhiên mà tài hoa, cảnh sắc, con người, các món ẩm thực… không chỉ hiện lên lung linh ở thời điểm tác giả là một cô bé 8 tuổi, mà còn được liên tưởng với thời hiện tại, khiến câu chuyện mở mang hơn một chuyến đi.

Đọc xong tôi vội "còm": “Bà chị viết hay quá, cứ như Chekhov!”. Tưởng chỉ mình tôi, nhưng kéo xuống đọc những comments thấy có thêm nhiều nhà văn thuộc dạng khó tính ngạc nhiên về khả năng viết của chị. Và chúng tôi có chung một câu, vừa là đề nghị, vừa là thách đố: “Chị viết tiếp đi!”.

Mọi chuyện qua đi, mấy tháng sau tôi bất ngờ nhận được tập bản thảo mang tên “Bà đỡ” của Đào Tuấn Ảnh gửi qua email.

Tôi lại bị hút vào câu chuyện dài hơn 50.000 từ.

Bị hút bởi giọng văn. Một giọng văn linh hoạt nhiều sắc thái, khi trẻ trung hài hước, lúc lãng mạn trữ tình, khi ngậm ngùi thương cảm của một nữ sĩ đã ở tuổi U70. Khác với những công trình nghiên cứu phê bình sử dụng toàn khái niệm, ở “Bà đỡ”, Đào Tuấn Ảnh sử dụng ngôn ngữ văn học tinh chất. “Trên bến xe bạt ngàn người. Còn xe chỉ lốm đốm một vài cái… Chiếc xe ca như lão già bị parkison, vừa đi vừa run bần bật…”.

Vốn từ vựng sung túc và khả năng quan sát, cảm nhận tinh tế đã giúp Đào Tuấn Ảnh có những đoạn miêu tả rất thanh, rất gợi: “Ngắm chị Sơn kể chuyện, lần đầu tiên tôi nhận ra cái hấp dẫn ở chị không hẳn là sắc đẹp trời ban, mà chính là ánh mắt lanh lợi, sự rạng rỡ tươi mát của khuôn mặt, nét mềm mại, duyên dáng ở từng chuyển động trên cơ thể.Khi cái thân hình trẻ trung ấy cười, thì cả cái cổ ngấn cao được đỡ trên hai cánh xương quai xanh thanh mảnh, cả lúm đồng trinh nhỏ xinh hai bên khóe miệng cũng cười. Nhưng tất cả những cái đó kết hợp với nhau lại toát lên vẻ mong manh thơ trẻ, thứ khiến người ta thường thương cảm, mến yêu nơi những đứa bé, những con chim và những cây non”. “Mới chỉ hai, ba năm trước, hồi tôi và chị còn ở nhà bà ngoại, mỗi khi tắm ao tôi thấy hai ti chị chỉ như của tôi bây giờ. Vậy mà giờ đây, hai cái chũm cau bé tí ấy đã hóa thành hai nụ sen trắng hồng hé nở từ lúc nào. Có cảm giác, áp mặt vào thể nào cũng ngửi thấy hương sen thơm mát”.

Nhân vật trung tâm của chuyện là bà ngoại của tác giả, một mụ đỡ ở nông thôn, người có số phận nghiệt ngã. Chồng chết trẻ, bà ở vậy nuôi 5 đứa con, 3 trai 2 gái, dựng vợ gả chồng. Nhưng bất hạnh thay, cả 3 con trai và 2 con rể của bà đều vắn số, người tử trận, người chết vì bệnh tật đọa đày, đẩy các con dâu con gái của bà vào cảnh đa đoan. Bà giang tay nuôi một đàn cháu nội ngoại mồ côi cha để mẹ chúng có cơ hội làm lại cuộc đời.

Nghề đỡ đẻ thường phải đi đêm. “Không hiểu sao trẻ con rất thích ra đời vào ban đêm và lúc rạng sáng?”. Bầy cháu phải ôm nhau ngủ trên hai cái rổ rơm đợi bà về. Để rồi khi “nghe tiếng kẹt cửa nhất loạt nhỏm dậy, như những con tằm ngỏng cổ, tỉnh như sáo, không phải vì gió rét ập vào, mà vì cái túi vải của bà, trong đó bao giờ cũng có gói xôi và mấy miếng thịt gà luộc, đủ chia cho từng đứa”.

“Như những con tằm ngỏng cổ”, một so sánh độc đáo, rất phù hợp với văn cảnh, không chỉ gợi hình, mà còn gợi nghĩa. Người Việt có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Một đống cháu đang tuổi “ăn như tằm ăn rỗi”, người bà phải cực nhọc lo toan đến thế nào, nhưng cũng tràn trề hi vọng về “những con tằm” thế nào.

Là điểm tựa lớn của các con các cháu, với bản lĩnh phi thường, bà đã vượt qua trùng trùng gian khó, đối nội đối ngoại hài hòa, thuận tình hợp lí. Bà nuôi nấng, chăm bẵm, dạy dỗ các cháu kĩ càng từng li từng tí, quyết liệt bảo vệ “kiểu gà mái sẵn sàng sống mái để bảo vệ con”.Đọc những trang viết về bà, tôi cứ nghĩ đến từ “Bà” trong tiếng Anh. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nó được ghép từ hai từ Grand - vĩ đại, với từ Mother - mẹ. Grandmother, bà mẹ vĩ đại.

“Bà đỡ” có nhiều chuyện lạ. Như chuyện về Hon, một thiếu nữ con lai xinh đẹp tình nguyện đi bộ đội, vì quá thấm nhuần bài học cảnh giác trước đàn ông của bà ngoại nên đã tát sưng mặt “đồng chí Đô”. Khi cả hai bị phạt vác súng chạy vòng quanh sân tập vì “không có luyến ái quan cách mạng” thì nàng lại lo lắng thương cảm. Rồi cuối cùng, họ trở thành vợ chồng. Nói như ngôn ngữ bây giờ, đây là một câu chuyện tình đẹp, độc, lạ.

Không chỉ có chuyện lạ, Đào Tuấn Ảnh còn có tài viết những câu chuyện quen. Chuyện khảo mít chẳng hạn. Bà đứng dưới gốc, cháu trai trèo lên cây. Không chỉ là màn hỏi - đáp mang tính công thức dân gian thường dùng, mà là những lời thoại nghệ thuật đích thực: “Sang năm có bao nhiêu quả?”. “Dạ một trăm quả ạ”. Bà nín cười: “Sư bố anh, bà không tham thế. Bà chỉ cần đủ mít cho đám cháu bồ côi của bà ăn thôi”. Câu thoại làm ý nghĩa vút lên, không còn là chuyện khảo mít thông thường, mà đã là nhân cách, triết lí sống.

“Bà đỡ” có nhiều nhân vật, làm nhiều ngành nghề, nhưng nhân vật nào cũng sắc nét thông qua những chi tiết sống động. Đó là mẹ tác giả, một cô gái trẻ tham gia hoạt động cách mạng, dám phá bỏ lề thói “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nghe theo tiếng gọi của trái tim, dám dùng bộ đồ thô sơ của mụ vườn để tiến hành một cuộc đại phẫu dưới hầm, gắp viên đạn găm trong thân thể người yêu. Vì không có thuốc điều trị, người yêu chết, để lại giọt máu 8 tháng tuổi. Rồi chính cô phải tự tay đỡ đẻ cho mình, “dốc tuột cả lọ thuốc tím vào chậu để tắm cho con” khiến con bé có nước da đen từ ngày ấy (một cách tự trào rất duyên của tác giả).

Đó là một ông bá dượng tiếp thu văn minh Pháp trở thành một đầu bếp lịch lãm đến mức lạc lõng giữa thời buổi bao cấp nghèo đói nhom nhem. Đó là anh lái xe Hùng khểnh thô tháp nhắng tếu trong công việc nhưng lại chân phương trong trẻo trong tình yêu. Tôi, nhân vật kể chuyện là người bướng bỉnh, nhiều hoài bão giữa những anh chị em mỗi người mỗi vẻ, đứa hiền lành cam chịu, đứa nhí nhố nghịch ngợm, đứa lãng đãng mộng mơ... Rồi còn là thằng cu Mon gọi tác giả là bà nữa, chỉ vài nét phảy, Đào Tuấn Ảnh đã vẽ nên một đứa trẻ của thời hiện tại, thông minh, láu lỉnh đến đáng yêu.

*

Phải thú thật là khi mới nhận được “Bà đỡ”, mở ra xem lướt thấy bản thảo được chia làm nhiều phần, mỗi phần lại có những tít phụ, tôi đã thấy lo lo. Làm nghề biên tập hai mươi năm, tôi khá thuộc các dạng bản thảo. Với dạng chuyện hồi ức như thế này, tác giả rất dễ rơi vào tình trạng nhớ gì kể nấy, bản thảo sẽ chỉ là những kỉ niệm rời rạc, đọc riêng từng đoạn thì thích, nhưng tổng thể thì hỏng. Nhưng đọc xong tôi đã mừng.

Bởi ngoài văn hay, tác giả đã dụng công tìm được một cái “tứ” rất chắc làm sợi dây xâu chuỗi các sự kiện, nhân vật với nhau. Xuyên suốt tác phẩm, chủ đề về lòng nhân hậu, đức hi sinh, tinh thần xả thân cưu mang những mảnh đời cơ nhỡ được tập trung thể hiện. Cái từ trường mạnh mẽ của bà ngoại đã ảnh hưởng tích cực tới mấy thế hệ trong đại gia đình. Không chỉ những người phụ nữ, mà cả những người đàn ông, những ông bá dượng, bố dượng, những chị em con chú con bác, con già con dì, con cô con cậu… đều kế thừa phẩm tính của bà, để rồi đều trở thành “bà đỡ”.

Không phải “bà đỡ” theo nghĩa đen, mà là “bà đỡ” ở nghĩa văn chương theo rộng dài thời cuộc, từ chiến tranh loạn lạc sang bao cấp nhọc nhằn cho đến kinh tế thị trường xô bồ nhũng nhiễu. Những đứa trẻ ruột thịt được nâng đỡ đã đành, đến những đứa trẻ “khác máu” vẫn được cứu vớt. Không chỉ những đứa trẻ ngoan được đón nhận, mà cả những đứa trẻ lầm lạc vẫn được nâng đỡ. Tất cả những đứa trẻ ấy đều được an trú trong yêu thương.

Mấy năm gần đây những vụ bạo hành trẻ em trong một số gia đình “rổ rá cạp lại” với biểu hiện “khác máu tanh lòng” ghê rợn khiến dư luận hoang mang cho rằng đạo lí, nhân tính đã đến hồi suy đồi rã mạt. Tôi không nghĩ thế. Thời nào cũng vậy, cái ác cái xấu luôn được biết đến nhanh hơn, còn cái tốt cái đẹp luôn nhiều hơn, nhưng thường bị ẩn chìm khuất lấp. Như những con người trong “Bà đỡ”.

“Bà đỡ” thuộc dạng non-fiction, kể về những người thân của tác giả. Thể loại này nở rộ mấy năm gần đây. Đó là điều dễ hiểu, bởi trong cuộc đời mỗi người đều có những câu chuyện đáng kể. Và Đào Tuấn Ảnh đã kể một cách hấp dẫn, cao hơn nữa, là đã vượt qua được câu chuyện gia đình, mang được thông điệp xã hội sâu sắc.