Tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra có được con
người coi là nghệ thuật đích thực hay không. Hay với các sáng tạo
của AI, bản quyền tác phẩm có được xây dựng và áp dụng hay không
vẫn đang đợi câu trả lời.
Nghệ thuật của AI có được coi là... nghệ
thuật?
TRÀ MY
Không phải lần đầu, nhưng câu chuyện một bức
tranh được AI sáng tạo đã giành giải cao nhất trong một cuộc thi vẽ
kỹ thuật số tại một địa phương nước Mỹ đã dấy lên một cuộc tranh
cãi. Nhiều người thừa nhận rằng bức tranh mà Jason Allen (tác giả giành
giải) mang đến dự thi hoàn toàn xứng đáng đoạt giải nhất. Tuy nhiên, nhiều ý
kiến lại lên tiếng phản bác khi tác phẩm này không phải được tạo ra bởi tài
năng và sự sáng tạo của con người. Trong khi các họa sĩ mất nhiều công sức
để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, còn anh ta thì chỉ cần ra chủ
đề và AI hoàn tất.
Qủa vậy, nếu chỉ nhìn vào bức tranh đoạt giải nhất,
khó ai có thể ngờ rằng đây là một bức tranh được tạo ra bởi phần mềm trí tuệ
nhân tạo. Câu chuyện của Jason Allen là một minh chứng cho thấy trí tuệ nhân tạo
đã có khả năng xây dựng nên được những sản phẩm đòi hỏi sự sáng tạo, và nhiều
người đặt câu hỏi: liệu trong tương lai, trí tuệ nhân tạo có thể tạo nên những
tác phẩm vượt qua cả những họa sĩ chuyên nghiệp? Và có một câu hỏi vẫn chưa có
câu trả lời: liệu sẽ có một ngày chúng ta cần một tên gọi mới cho những tác phẩm
nghệ thuật mà máy móc tạo ra hay không?
“Những tác phẩm nghệ thuật thực sự do máy móc tạo ra
mà không có con người đứng sau vẫn chưa tồn tại. Khi thời điểm đó đến, chúng ta
sẽ phải suy nghĩ xem liệu nó có còn được xem là nghệ thuật hay không”. -
Dylan Freedman, một lập trình viên nghiên cứu về nghệ thuật do AI tạo ra ở
Google cho biết.
Chúng ta biết rằng, nghệ thuật, theo một cách
tuyệt vời, luôn tồn tại trong thế giới tự nhiên: Một chiếc tổ được
xây dựng cầu kỳ đẹp mắt và…khoa học, được tạo ra bởi một con chim
chẳng hạn. Dù một vài người coi đó là một trong những kiệt tác của
tự nhiên, hay một vài người khác phủ nhận, thì đó vẫn là một tác
phẩm thuộc về tự nhiên, không do con người tác động. Nhưng với sáng
tạo của AI thì khác, dù thế nào, xuất sắc đến đâu, con người vẫn
đứng sau những tác phẩm nghệ thuật đó. Bài viết này, chúng tôi muốn
tìm hiểu sâu hơn về việc các sáng tạo nghệ thuật do AI thực hiện,
cho đến nay và tương lai, có được con người coi là nghệ thuật đích
thực hay không. Bởi việc nhận thức được chúng ta đặt bao nhiêu chủ tâm vào những
hiểu biết nghệ thuật của mình là rất quan trọng.
Với sự hỗ trợ của AI, con người chứng kiến
những thành tựu đáng kinh ngạc: Một ca sĩ đã qua đời nhưng vẫn tổ
chức được một đêm nhạc tri ân công chúng. Một diễn viên không còn tồn
tại, vẫn tiếp tục xuất hiện trong những bộ phim mới. Một nhạc sĩ
thiên tài để lại bản nhạc dang dở, hàng trăm năm sau bản nhạc đó
được hoàn thiện bởi AI. Những gì nghệ sĩ nhiếp ảnh suy nghĩ để tạo ra một
bức ảnh có bố cục thẩm mỹ rất phức tạp, nhưng ngày nay nó có thể được tự động
hóa bằng thuật toán. Gần đây, người ta rất sửng sốt khi người ta sử
dụng AI để viết tiếp bản giao hưởng số 10 còn dang dở của Beethoven.
Một nhóm các nhà âm nhạc và lập trình viên sẽ sử dụng
trí thông minh nhân tạo để hoàn thành phần còn dang dở bản giao hưởng số 10 của
nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven, vào năm 2020 để kỷ niệm 250 năm
ngày sinh của ông. Từ đó, nhạc do AI sáng tác ra cũng có thể có bản quyền
Trước bối cảnh trí tuệ nhân tạo đã có thể sáng tạo ra
nội dung riêng cho mình, các nhà làm luật đang đặt ra các câu hỏi liên quan đến
quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm sáng tạo của AI.
Bắt đầu từ một vài ghi chú mà Beethoven đã viết trong
một cuốn sổ tay trước khi qua đời vào năm 1827, các nhà nghiên cứu sử dụng phần
mềm máy tính kết hợp với trí thông minh nhân tạo để hoàn thành phần còn lại của
bản giao hưởng số 10.
Tuy nhiên, Barry Cooper, một nhà soạn nhạc và nhà âm
nhạc người Anh, một giáo sư tại Đại học Manchester nhận định: “Tôi đã nghe một
đoạn trích ngắn được tạo ra. Nó dường như không giống như một bản dựng lại đầy
thuyết phục về những gì Beethoven dự định”.
Trước đó đã có những nỗ lực trong việc hoàn thành các
tác phẩm còn dang dở của các nhà soạn nhạc nổi tiếng Ludwig van Beethoven đã
không quá thành công và chưa được giới phê bình đánh giá cao.
Quá trình sáng tạo chính là thứ khiến nghệ thuật
độc đáo của riêng con người. Đối với chúng ta, nghệ thuật không chỉ dừng lại ở
sản phẩm cuối cùng; nó còn là một phương thức mọi người chia sẻ một trải nghiệm
chung.
Về câu chuyện một bức tranh giành giải Nhất do
AI tạo ra, hay nói chính xác là AI đã hoàn thiện tác phẩm từ ý
tưởng của chủ nhân, Jason Allen cho biết, anh ta đã dùng phần mềm
Midjourney. Midjourney là một hệ thống trí tuệ nhân tạo, với cơ sở dữ liệu là
những bức tranh của hàng trăm họa sĩ nổi tiếng khác nhau, giúp trí tuệ nhân tạo
có thể nhận dạng và xây dựng nên những phong cách nghệ thuật cho riêng mình.
Midjourney cho phép người dùng có thể dễ dàng tạo ra những bức tranh vẽ chỉ bằng
những mô tả, nhập dữ liệu đầu vào bằng văn bản, sau đó trí tuệ nhân tạo sẽ xây
dựng nên những bức tranh với phong cách nghệ thuật khác nhau.
Vấn đề khác của Midjourney hay DALL-E 2 - một phần mềm
AI khác - là chúng chỉ tạo ra sản phẩm phái sinh, thay vì tác phẩm cơ sở như họa
sĩ. Nếu không có những sáng tạo từ trước, AI không thể hoạt động được.
Tuy nhiên, câu chuyện này ban đầu chỉ xoay quanh
“hội chợ” địa phương, nhưng nay đã lan ra toàn cầu. “Những phần mềm tạo
hình ảnh đặt ra rất nhiều câu hỏi đạo đức, rất khó để theo dõi nguồn gốc của
chúng”.
Tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra có được con
người coi là nghệ thuật đích thực hay không. Hay với các sáng tạo
của AI, bản quyền tác phẩm có được xây dựng và áp dụng hay không
vẫn đang đợi câu trả lời. Chỉ là, chúng ta đã vượt qua bao nhiêu định
kiến, rào cản thuộc về quan niệm để công nhận những tài năng và tác
phẩm nghệ thuật đích thực, nên sáng tạo nghệ thuật có là độc quyền
của con người hay không, hay con người gọi nó là gì đi nữa, thì rút
cuộc vẫn chỉ là quan niệm mà thôi.
Nguồn: Văn Nghệ số 39/2022