Tiến sĩ Phan Hồng Giang, một dịch giả tài hoa và cũng là một nhà phê bình văn chương uy tín, vừa qua đời ở tuổi 81 vào sáng 10/9 tại Hà Nội.


Tiến sĩ Phan Hồng Giang tên thật Nguyễn Đức Hân, sinh năm 1941 tại Huế, quê gốc Nghi Lộc – Nghệ An. Tiến sĩ Phan Hồng Giang là con trai thứ ba của nhà phê bình Hoài Thanh (1909-1982).

Không hề bị “cớm nắng” trước người cha là tác giả “Thi nhân Việt Nam” lừng lẫy, tiến sĩ Phan Hồng Giang có sự nghiệp khá rực rỡ của riêng mình. Tiến sĩ Phan Hồng Giang bước vào làng cầm bút bằng vai trò dịch giả, với tập tùy bút của R.Gamzatov “Daghestan của tôi” được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987.

Tiến sĩ Phan Hồng Giang từng làm Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và từng là ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Không ít lần, tiến sĩ Phan Hồng Giang đã lên tiếng thẳng thắn: “Nói ra thì cay đắng, nhưng sự thật thì văn hóa đang bị rẻ rúng. Có những đô thị trung tâm cả nước mà có lúc người ta cũng đưa một vị chuyên làm tài vụ lên nắm vai trò lãnh đạo Sở Văn hóa. Những nhân vật văn hóa không có tiếng nói trong chính quyền, nên các chuẩn mực khác cũng lung lay”.

Những năm cuối đời, tiến sĩ Phan Hồng Giang cư ngụ trong một căn hộ chung cư tại Hà Nội, cùng vợ là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát. Ông chia sẻ: “Con người có rất nhiều ham muốn, đó là nhu cầu tự nhiên, nhưng phải học để biết tự kiềm chế, biết thế nào là đủ thì mới có thể sống thanh thản, hạnh phúc. Sống hạnh phúc là cả một nghệ thuật. Cuộc sống mà không có hạnh phúc thì vô nghĩa”.

Tiến sĩ Phan Hồng Giang được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2012, với hai cuốn sách “Ghi chép về tác giả và tác phẩm” và “Chung quanh một số vấn đề văn hóa nghệ thuật”.

Đầu năm 2022, tiến sĩ Phan Hồng Giang ra mắt cuốn sách “Một góc nhìn văn hóa, nghệ thuật và đời sống” trình bày nhiều thao thức của một trí thức Việt thời hội nhập. Về những bất cập quản lý đất đai dẫn đến nhiều rắc rối dân sinh, tiến sĩ Phan Hồng Giang thẳng thắn: “Các quy hoạch sử dụng đất, mở đường, xây dựng khu dân cư... không ít khi được xác lập trong cửa đóng then cài. Các ý đồ “thẳm sâu” được giữ kín, thường là đã có không ít kẻ có điều kiện “tiếp cận thông tin gốc” thu lợi kếch xù rồi thì những quy hoạch mới được công khai, mà những thay đổi xoành xoạch của nó không mấy khi được cập nhật thường xuyên”.

Tiến sĩ Phan Hồng Giang không còn nữa, nhưng những suy tư của ông gửi lại vẫn đủ nhiều người phải tiếp tục nghĩ ngợi cho sự phát triển đất nước: “Chỉ có dân chủ thực sự mới thay đổi được thực trạng đáng âu lo hiện nay. Nguồn lực quan trọng nhất của mỗi dân tộc vẫn là con người. Khi dân chủ hóa thì con người được phát huy mọi khả năng sáng tạo và tạo ra động lực thúc đẩy tiến bộ và văn minh. Dân chủ hóa sẽ xóa bỏ bất bình đẳng giữa các cá nhân, ai cũng ngang nhau về cơ hội cống hiến, chứ không phải một số ít người được hưởng lợi từ quy hoạch”.

                                      TUY HÒA