Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng vừa qua đời lúc 5h sáng nay 25/9 tại TP.HCM, hưởng thọ 82 tuổi. Linh cữu nhà văn Nguyễn Khoa Đăng được quàn tại tư gia 19/39 đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 15h ngày 25/9. Lễ truy điệu lúc 6h ngày 28/9, an táng tại Nghĩa trang Củ Chi.


Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng sinh ngày 1/9/1941 tại xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng có 10 năm dạy học ở quê nhà, từ năm 1961 đến năm 1971. Chuỗi ngày gắn bó với giáo dục, không những ông đã viết bài thơ “Em đi giữa biển vàng” được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ thành ca khúc nổi tiếng, mà còn đọng lại trong cuốn sách “Cài hoa vào quá khứ” nhắc nhở phương pháp ứng xử giữa giáo viên và học sinh.

Cuốn sách “Cài hoa vào quá khứ” là tác phẩm được tái bản nhiều lần nhất của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Nhiều câu chuyện được ông lưu ý trong nhà trường, đến bây giờ vẫn còn nóng bỏng với ngành giáo dục nước ta, như tệ nạn học vẹt và chạy đua thành tích.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng tên thật là Nguyễn Đăng Khoa. Khi bắt đầu sáng tác thì đã thấy Trần Đăng Khoa nổi danh thần đồng, nên ông phải lấy bút danh là Nguyễn Khoa Đăng. Đó là một sự tự trọng nghề nghiệp, mà sau này Trần Đăng Khoa thừa nhận tếu táo: "Lẽ ra không cần đổi ngược Đăng Khoa thành Khoa Đăng. Em và bác đều là Khoa. Bác là Chính Khoa, còn em là Phụ Khoa".

Từ năm 1971 đến năm 1977, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng công tác tại Hội Văn nghệ Thái Bình. Năm 1977, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng chuyển vào công tác tại Hội Văn nghệ Kiên Giang. Năm 1993, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng nghỉ hưu sớm và định cư ở TP.HCM.

Suốt 30 năm gắn bó ở đô thị nhộn nhịp phương Nam, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng có một thời gian dài cộng tác với báo Nông Nghiệp Việt Nam. Trên tuần san Kiến Thức Gia Đình của báo Nông Nghiệp Việt Nam, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng phụ trách chuyên mục tư vấn tâm lý và pháp luật cho bạn đọc. Từ những tương tác với độc giả gần xa, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã có tập sách “Cảnh ngứa mắt chốn đông người”.

Những năm cộng tác với Nông Nghiệp Việt Nam, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã tìm hiểu và chiêm nghiệm về nông thôn thấu đáo để viết hai cuốn sách quan trọng nhất đối với sự nghiệp của ông là hai tiểu thuyết về cải cách ruộng đất "Nước mắt một thời" và "Hoàng hôn lạnh".

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng viết được nhiều thể loại. Về truyện ngắn ông có các tập "Khói đốt đồng", "Vẽ lại chân dung cụ Tổ". Về tiểu thuyết, ông có "Ngõ tre trì rào", "Mây chiều bãng lãng". Về thiếu nhi, ông có tập thơ "Đội nón cho cây" và truyện dài "Chim mặt người". Về kịch bản phim, ông có "Giai điệu xanh", "Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc"...

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng có phẩm chất cần cù và chân thành của một nông dân đích thực. Ông sẵn sàng tháo bỏ sự rụt rè thường ngày để lao vào những công việc mà ông cảm thấy có thể giúp ích cho người khác. Đặc biệt, trong cuộc đời Nguyễn Khoa Đăng, ông có 3 năm làm thầy cãi đầy hào hứng và lắm bất ngờ.

Từ năm 1989 đến 1992, do chưa có luật sư, nên tỉnh Kiên Giang phải thành lập Đoàn bào chữa viên. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng là một trong 20 thành viên của Đoàn bào chữa viên tỉnh Kiên Giang, và ông là người được tín nhiệm ra tòa nhiều nhất. Tổng cộng, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng có 216 lần đại diện bào chữa những người thân cô thế cô. Bàn chân của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng từng lặn lộn khắp các vùng sâu vùng xa miệt thứ An Biên, U Minh Thượng, Gò Quao, Giồng Riềng... để hỗ trợ pháp lý cho nông dân nghèo.

Những trải nghiệm từ năm tháng làm bào chữa viên, được nhà văn Nguyễn Khoa Đăng chắt lọc trong tập bút ký "Khóc cười trước vành móng ngựa" và tiểu thuyết "Bị cáo ở hồ uyên ương".

Bây giờ, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã kết thúc cuộc “đăng khoa” kiếp người. Linh hồn ông được bay về cánh đồng tuổi thơ, nơi sự trong trẻo của ông từng hát lên: "Em đi giữa biển vàng, nghe mênh mang trên đồng lúa hát. Hương lúa chín thoang thoảng bay, làm lung lay hàng cột điện, làm xao động cả hàng cây".

                                        LÊ THIẾU NHƠN