Paustovsky là một con tin của một thứ văn chương tinh tế, không chỉ trong truyện ngắn, mà còn trong truyện vừa, tiểu thuyết, hồi ký ...


NHÀ THƠ BỊ ĐÓNG ĐINH TRÊN CÂY THẬP TỰ GIÁ CỦA VĂN XUÔI

Paustovsky đã viết truyện ngắn đầu tiên được in khi ông học năm cuối trường trung học. Nhưng ông yêu thơ hơn văn xuôi, trong sâu thẳm tâm hồn, ông tự cho mình là nhà thơ.

Bunin và Blok có ảnh hưởng đến Paustovsky mạnh hơn Chekhov và Turgenev. Bunin thích sự ngay ngắn của từng từ, độ chính xác của mỗi câu.Blok, ngược lại, thích cách nói lửng lơ bí ẩn,và những dòng chữ mà không thể thêm gì vào đó. Paustovsky quyết định gửi những bài thơ của mình cho một trong hai người để phán xét.

Và Paustovsky đã chọn Bunhin, người có vẻ dễ tiếp cận hơn. Bunin trả lời bằng một tấm bưu thiếp, yêu cầu Paustovsky bỏ ý định làm thơ, để viết văn xuôi. Paustovsky ngay lập tức và mãi mãi tuân theo, sau này thậm chí còn cố gắng bắt chước nét chữ của bậc thầy (con trai cả của Paustovsky là Vadim, vài năm trước khi nhà văn qua đời, đã tìm thấy tấm bưu thiếp đó và tin chắc vào suy đoán về sự tương đồng của thư pháp). Một ca sỹ của thiên nhiên Nga là nhà văn Mikhail Prishvin đã từng gọi một cách rất chính xác Paustovsky là “nhà thơ bị đóng đinh trên thập tự giá của văn xuôi”.

Paustovsky nhỏ hơn Mikhail Bulgakov một tuổi và cùng học tại Trường Trung học số 1 Kiev, muộn hơn hai lớp. Điều kỳ lạ: Paustovsky được in lần đầu tiên vào năm 1912, còn Bulgakov phải bảy năm sau đó, vào năm 1919.

Bulgakov bắt đầu viết tiểu thuyết “Bạch vệ (1923–1924) khi Paustovsky đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Những người lãng mạn” của mình (1916–1923), dẫn dắt câu chuyện vượt qua sự bối rối lặt vặt của cuộc sống bán phóng túng trước chiến tranh và hậu phương của những bệnh viện dã chiến trong Thế chiến thứ nhất đến đêm trước của Cách mạng Tháng Hai.

Bulgakov từ tiền tuyến trở về Kyiv vào mùa xuân năm 1918, vô tình trở thành nhân chứng cho tình trạng hỗn loạn ở đó. Trong khi ấy Paustovsky "sống sót sau một số cuộc đảo chính ở Kyiv". Mặc dù trong tiểu thuyết đầu tay của cả hai rõ ràng mang tính chất tự truyện, nhưng chúng rất khác biệt bởi mức độ bao quát về con người và các sự kiện: nghệ sĩ- sử thi Mikhail Bulgakov từ bỏ đam mê và rắc rối của chính mình cùng của những người khác;trong khi đó nhà thơ trữ tình Konstantin Paustovsky để trí tưởng tượng cuốn hút bởi những gì tương hợp với trải nghiệm cá nhân (nếu thứ chuộng lạ có chủ ý yêu thích từ thời thơ ấu sẽ mờ nhạt, thì sự lãng mạn có họ hàng với thứ chuộng lạ kia sẽ ở lại mãi mãi),coi tâm trạng phấn hứng cao là một trong những tài sản của chính mình cũng như của thứ văn xuôi ông viết ra.

Các nhân vật của Paustovsky đều tốt và rất tốt. “Khi tôi nghĩ xấu về mọi người, tôi không thể viết”- nhà văn đã thú nhận trong tiểu thuyết “Những người lãng mạn”. Đối với người trong dòng họ Turbins, cũng như đối với những tên côn đồ đã đột nhập vào thành phố của Bulgakov, Paustovsky đơn giản ra là không dành cho những mẫu người này một dòng nào.

Và cung cách thuật chuyện của Paustovsky cũng như phản lại chính người kể chuyện. Thay vì kể một dòng đời liên tục là các đoạn ngắn, và mỗi đoạn được phân tách bằng một tiêu đề riêng (“Những người lãng mạn”có 57 đoạn trong số 170 trang sách). Ngoài ra, có các câu riêng lẻ, như thường thấy trong truyện ngắn, được trau chuốt một cách dễ thương, giống như những viên sỏi nhỏ ven biển. Dưới đây là một vài ví dụ ngẫu nhiên:

“Mùa thu ở biển, mùa thu đen, như cô gái ngâm mình trong mưa, đôi mắt tím biếc lấp lánh sáng”

“Tôi biết rõ sự run rẩy của tâm hồn”

“Phía sau những tán cây, chuyến tầu tốc hành Siberian gầm rú, lao đi với một luồng lửa như thoát ra từ những ô cửa sổ”

“Tôi nhớ những đêm dài bên chiếc bàn đơn sơ, giọng nói của Natasha, một ngày Sevastopol, hệt như một chiếc cốc thủy tinh chứa đầy nước màu xanh”

“Đêm, buổi tối có mưa tuyết, và thị trấn chìm trong bóng tối quánh đặc với những ánh đèn sũng ướt, già nua, đẫm nước mắt”

Turgenev đã mài dũa “Những bài thơ trong văn xuôi” một cách điêu luyện thành bức tiểu họa thơ nổi tiếng, giống như một truyện ngụ ngôn. Paustovsky là một con tin của một thứ văn chương tinh tế, không chỉ trong truyện ngắn, mà còn trong truyện vừa, tiểu thuyết, hồi ký ...

Ông đã bị quở trách vì sự đẹp đẽ quá mức đối với văn xuôi, về sự đa cảm, nhưng hình như bằng cách ấy, sự tự phát vô tận của món quà thơ đã bùng phát. Có thể, nếu làm trái với lời khuyên của Bunin để làm thơ, Paustovsky sẽ tự nhiên hơn.

Ngay từ thời còn ở trường trung học, Paustovsky đã bắt đầu quan tâm đến địa lý, trong đầu bùng cháy óc tưởng tượng của một khách lãng du tiềm năng, để có thể ngồi hàng giờ trước những tấm bản đồ.

“Đi lang thang là điều tuyệt vời nhất trên thế giới này- nhân vật thay mặt ông trong tiểu thuyết “Những người lãng mạn” khẳng định - Khi bạn đi lang thang, bạn cao lớn thêm rất mau, và tất cả những gì bạn nhìn thấy đều lắng đọng lại, ngay cả vẻ bên ngoài của chúng. Những người đã đi nhiều, tôi nhận ra ngay lập tức, trong cả ngàn tôi đã gặp. Những cuôc du ngoạn rất trong sạch, chúng đan cài những cuộc gặp gỡ, những thế kỷ, những cuốn sách và tình yêu.Chúng như sinh đẻ ra chúng ta từ trên trời. Và nếu chúng ta đã nhận được ngay cả thứ hạnh phúc chưa hề hề biết tới kể từ khi chúng ta chào đời, thì dường như chúng ta vẫn cần phải nhận biết trái đất”.

Đối với người viết, điều quan trọng là hãy kể về những gì anh ta đã thấy. “Hầu hết mọi cuốn sách tôi viết – Paustovsky khẳng định- đó là những chuyến đi. Hay nói đúng hơn, mỗi chuyến đi là một cuốn sách”.

Khi còn là một cậu bé ở một ngôi làng Ukraina, đến thăm ông của mình, cậu bé đã được biết thế nào là gió khô. Giống như cơn thịnh nộ của Chúa, cơn gió này tràn xuống từ sa mạc Trung Á và trong vòng hai nghìn km, gió biến mọi thứ xung quanh thành đống tro tàn xám xịt. Rất lâu sau đó, Paustovsky tình cờ gặp nhà địa chất học Vasily Shatsky (trước đây ông này đã từng làm việc ở Trung Á) và nghe ông ta kể về vịnh Kara-Bugaz đáng sợ và bí ẩn, về trữ lượng vô tận của muối có giá trị nhất dưới làn nước vịnh mà việc khai thác tốt sẽ có thể tiêu hủy cả sa mạc Caspian. Cơn bùng nổ bên trong của nhà lãng mạn trùng hợp với đơn đặt hàng của xã hội hỗ trợ cho sự biến đổi căn bản của tự nhiên.

Ngẫm nghĩ câu chuyện về sự làm chủ khu vực sa mạc, nhà văn tìm một bản đồ chi tiết của biển Caspi và không rời khỏi vị trí, bằng trí tưởng tượng nhà văn lang thang dọc theo bờ biển phía đông của Caspi. Sau đó, ông chìm ngụp vào những cuốn nhật ký và hồi ký, sách và những cuốn ghi chép của những người du hành, các cuộc khảo sát của những nhà địa chất, các bản báo cáo thống kê, và chỉ sau đó mới đến Kara-Bugaz, nằm trên vĩ độ của Naples, nhưng hừng hực sức nóng 65 độ, bị dày vò bởi những cơn bão cát ... Những bất hạnh khác đang chờ đợi ở đó. Nhà văn nhớ lại tại Guryev (cách Biển Caspi 30 km về phía bắc),ngay trước mắt ông bọ cạp cắn một kỹ sư, anh này đã chết một ngày sau đó.

Để một nhà máy hóa chất mạnh có thể hoạt động trên bờ vịnh (được thiết kế, trong số những thứ khác, cung cấp các điều kiện có thể chấp nhận được cho cuộc sống của người lao động), cần phải tìm gần đó những mỏ than, các nguồn nước ngọt, các giếng dầu mỏ và khí đốt. Paustovsky đã gặp gỡ những người đam mê xây dựng, lắng nghe những trăn trở, những lời khuyên thiết thực của anh em, làm quen với cuộc sống của đám dân du mục. Nghiên cứu các phương pháp tiếp cận vịnh, ông đã bao quát ba nghìn km dọc theo vòng cung phía bắc của Caspi.

Ông đã viết một truyện vừa "cần thiết" nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên - trong có ba tháng, và mọi thứ diễn ra đúng như mong muốn: một ông già người Thổ Nhĩ Kỳ sáng tác một huyền thoại về Lenin; một phụ nữ bị đe dọa sẽ bị giết theo luật Sharia, đã được cứu mạng tại quận ủy của đảng; những người theo phong tục trùm khăn kín mặt bị phán xét một cách vô lý, nhưng tại phiên tòa, chị em xuất hiện trong bộ đồ Âu phục và không cần khăn trùm đầu (phụ nữ địa phương ngậm miệng vào đầu khăn như một dấu hiệu cho thấy họ không dám nói chuyện). Rõ ràng, những người lao động quên mình, những người của một sự nghiệp lớn, và nói chung ra không có gì có thể ngăn cản họ trong việc biến sa mạc thành yếu tố hỗ trợ cho nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Có thể không quá thú vị, nhưng thiên truyện vừa về đề tài sản xuất “nhắm trúng đích” này đã được Maxim Gorky thích, và các nhà phê bình đồng tình ủng hộ.

Cùng với "Kara-Bugaz" (1932), Paustovsky đã sáng tác truyện "Cokhida" (1933). Nếu ở biển Caspi, mọi người đã chiến đấu anh dũng để tưới nước cho sa mạc không có sự sống, thì ở bờ Biển Đen của Georgia, họ đã chiến đấu anh dũng không kém để làm cạn kiệt các đầm lầy. Tác phẩm mới kết thúc với việc khai phá thành công một con kênh thoát nước, với dàn nhạc,với pháo hoa và một bữa tiệc đông đúc. Bác kỹ sư già lập dị Pakhomov, người trước đây từng nghĩ rằng mình sẽ không sống nổi để chứng kiến sự ​​chiến thắng của sức người chống lại thiên nhiên, giờ đây, ngưỡng mộ những kẻ chiến thắng, đã nói một cách chân thành và vui vẻ:

-Các cháu là những Argonauts (các nhân vật trong truyện cổ Hy Lạp). Cũng giống như Jason phát hiện ra bộ lông cừu vàng ở Colkhida, vậy là bạn đã khai phá ra một vùng nhiệt đới.

Ông già không còn hoài nghi con người sẽ nắn sông một cách thành công, trồng chanh ở được Siberia. (Liệu ông già này có sống nổi để chứng kiến ​​những nỗ lực thất bại trong việc trồng ngô ở vùng Bắc Cực không?)

Nhuận bút đã cho phép tác giả của những câu chuyện “bay lên mây” này phải  ngừng tay, rời khỏi công việc theo đơn đặt hàng, để chỉ còn tin tưởng vào chính mình`. Sự công nhận chính thức đầu tiên (mười năm sau khi sách được viết ra)đã giúp "Những người lãng mạn" bày trên quầy sách, khi còn chưa chưa nhìn ra được chủ nghĩa cơ hội nô dịch; khi vẫn còn sôi réo những đam mê cháy bỏng. Cuốn tiểu thuyết sớm nhất của Paustovsky vẫn chưa mất đi sức hấp dẫn của mình trong mười năm hay một trăm năm tiếp.

Một lần, trong một cửa hàng tạp hóa ở Bolshaya Dmitrovka, Paustovsky gói miếng pho mát trong một mảnh bản đồ cũ. Nhìn chăm chú mảnh bản đồ, ông nhận ra không xa Moscow, ở phần giao nhau giữa sông Oka và sông Klyazma là những khu rừng rậm rạp; những vùng hồ nước; những khúc sông uốn lượn; những cánh đồng lút chìm trong nước, hầu như không được đánh dấu bởi những con đường cỏ mọc um tùm, những khu đất hoang, những làng mạc, những bìa rừng và thậm chí những bãi chăn nuôi gia súc. Ở đấy, tại vùng Meshchera,có đủ tất cả mọi thứ mà ta từng mơ ước, những gì ta thiếu để cho cuộc sống hòa tan vào thiên nhiên. Và, để cả thỏa thích sáng tạo trước thiên nhiên.

Những ấn tượng về phương nam của Paustovsky đã được phản ánh (ngoài "Những người lãng mạn", "Kara-Bugaz" và "Colkhida") trong cuốn tiểu thuyết "Những đám mây lấp lánh"(1928), truyện vừa "Biển đen" (1935). Ký ức về miền bắc và tây bắc tràn ngập trong các truyện vừa “ Số phận của Charles Launceville” và “ Mặt gương của hồ” (cả hai năm 1932), các truyện ngắn “ Sương mai ở Mikhailovskie” (1936), “ Đường ngọt” (1937) và “ Thoáng gặp”(1953).

Màu sắc ồn ã của phương Nam, thứ ánh sáng uể oải của những đêm trắng phương Bắc đều không thích hợp với sự cô đơn tập trung mà năng động của nhà văn. Mặt khác, sự kín đáo, bình yên, vô cùng đa dạng đúng lúc, đúng chỗ của vùng trung tâm nước Nga cũng không mang lại sự hài lòng cho nhà văn:- thoạt đầu là ngôi làng Solotcha với các khu vực xung quanh ở trấn Ryazan Meshchera, sau đó là làng Tarusa, trên sông Oka, ở rìa vùng đất Kaluga, nơi sau này nhà văn thường xuyên ghé lui và đã sống trong một thời gian dài.

Ông mắc nợ hầu như tất cả những làng xóm, những cánh rừng, những nhánh sông… ở những nơi ấy.

Vào đầu những năm 1930, Paustovsky đã dần trả món nợ ấy bằng những truyện ngắn, truyện vừa, ghi chép của mình. Trong số đó có “ Hướng Meshcherskaya” 1938), “Isaac Levitan” (1937), “ Chuyện về những cánh rừng” (1948), “Những ngày hè”( 1940, “Những chú ong bạn bè”(1939), “Bình minh mưa” (1945), “ Bức điện” và “ Đêm tháng mười” (1946)", "Ở sâu thẳm nước Nga" (1950), "Hồ bơi Ilyinsky" (1964)…

Chỉ ở tuổi 70, Paustovsky mới có thể ra nước ngoài, điều mà trước đây ông từng ao ước. Vào tháng 9 năm 1956, trên con tàu “Chiến thắng”, nhà văn đã đi vòng quanh châu Âu đến với sáu quốc gia: từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Thụy Điển. Ở Naples, giữa vịnh, con tàu xếp hàng dài chờ neo đậu đến bến tàu.

Trong khi mọi người tỏ ý sốt ruột thì Paustovsky, theo lời của một người bạn đồng hành, với vẻ mặt vui vẻ, từ trên boong tàu nhìn ngắm dải ven biển dài tới 30 km với đảo Capri ở ngoại ô phía đông. Khó ai có thể đoán được những suy nghĩ nào đã thu hút khiến vị “khách du lịch kỳ lạ” này trầm trồ trước khung cảnh rộng lớn, biếc xanh của nước Ý.

“Toàn bộ sự sang trọng của Vịnh Naples với bữa tiệc sắc màu của nó- nhà văn khẳng định- tôi chỉ cần bổ xung thêm một bụi dương liễu ướt mưa trên bờ cát của sông Oka là sẽ khác hẳn”.

“Anh ấy có thể thủng thẳng đi bộ rất dễ dàng, rất lâu trong một thời gian dài –Nhà văn Emili Mindlin nhớ lại- Nhưng bạn luôn phải chuẩn bị tinh thần khi anh ấy sẽ đột ngột lao về nhà, đột nhiên bắt đầu ra lệnh, đột nhiên như quên cả bản thân:

"Chúng ta phải bắt tay vào việc thôi!”.

Tatyana Alekseevna, bà vợ của nhà văn cho biết:

- Cảm ơn Chúa, những lúc như thế tôi thực hiện ngay công việc và tìm được sự bình tĩnh trở lại.

Cả cuộc đời, Paustovsky viết về bản thân mình theo từng mảng: trong truyện ngắn và tiểu luận, trong tiểu thuyết và truyện vừa cho đến tác phẩm “Bông hồng vàng” (1955) - một cuốn sách về nghề viết, ở đó đúc kết kinh nghiệm của hơn mười năm làm cố vấn tại Viện Văn học.

Sau khi đánh đổi sáu thập kỷ, Paustovsky đã ngồi vào bàn với cuốn tự truyện cuối cùng "Câu chuyện cuộc đời" để kéo dài thêm một chuỗi ký ức không đứt đoạn từ thời thơ ấu đầy rẫy ước mơ viết lách đến việc hiện thực hóa những giấc mơ. Trải dài bốn thập kỷ, tác phẩm này gồm sáu cuốn: “Những năm xa xôi” (1946), “Tuổi trẻ khắc khoải” (1954), “Khởi đầu của một thời buổi chưa từng thấy” (1956), “Một thời của những ước mong lớn” (1958), “Ném về phía nam” (1959 -1960), " Cuốn sách của những năm phiêu lãng" (1963). Tác giả còn có ý định sẽ thêm hai tác phẩm nữa, đưa câu chuyện kể tới "ngày hôm nay" của nó. Tập “Chương cuối cùng” hiện vẫn còn trong kho lưu trữ, mà rất có thể nhà văn dự định sẽ dành cho phần kế thúc:

“Tôi không biết sống,không biết yêu, thậm chí không biết làm việc. Tôi đã lãng phí tài năng của mình vào những suy ngẫm không mang lại kết quả, cố gắng ép chúng vào cuộc sống, nhưng rồi chẳng có gì xảy ra, ngoại trừ sự dằn vặt và sự lừa dối”.

Tất nhiên, thái độ tự trách móc nghiêm khắc, thậm chí tàn nhẫn đến như vậy, nếu công bằng mà phán, chỉ là sự xét dưới ánh sáng của những đích tới cao cả mà Paustovsky tự đặt ra cho mình.

TÔ HOÀNG chuyển ngữ

(Theo báo “Văn hóa” Nga tháng 8/2022)