Từ ngày Di Li môi hồng, mắt biếc nhẹ gót bước vào đường
văn đến nay, trong giới nữ nhân văn chương sinh sau 1975 chị thực sự là cái cây
đột sáng, tiên phong ở dòng trinh thám kinh dị.
Người đẹp trinh thám vào khu rừng chữ
NGUYỄN PHÚ
Một tối mùa thu mưa mù, giữa núi rừng biên tái Hà
Giang, dưới ánh đèn vàng vọt trong căn phòng nhỏ cuối dãy doanh trại đơn vị,
tôi lần giở từng trang truyện ngắn "Bức tranh và ngôi nhà cổ" in trên
Tạp chí Văn nghệ quân đội. Đọc đến đâu lạnh gáy đến đó, đọc đến đâu sởn gai ốc
đến đó. Dường như cái không khí rùng rợn, ghê lạnh, liêu trai từ câu chuyện đã
tỏa ra, phủ trùm lên khắp rừng đêm. Đâu đó, tiếng quạ kêu, tiếng gió va vào
vách đá rít lên,... từng hồi... từng hồi...
Cho đến khi đọc hết chữ cuối cùng của truyện, tôi mới
giở ngược về trang đầu tiên để nhìn lại tên tác giả: Di Li. Một cái tên rất lạ,
trước đó tôi chưa từng nghe đến. Nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi xác quyết một
điều: đây là tác giả nữ, một nữ nhân thông minh và đầy đam mê! Đêm ấy, cảm giác
lành lạnh, rùng rợn không ngừng bủa vây tôi. Nếu không tự trấn an mình rằng câu
chuyện chẳng qua cũng chỉ là sản phẩm của một trí tưởng tượng phong phú, giỏi sắp
đặt, rằng thế giới này làm gì có ma (!)... thì tôi đồ rằng không chắc mình dám
ra ngoài, đi quanh đơn vị để kiểm tra các chiến sĩ đang canh gác như mọi khi.
Vì quá ấn tượng với "Bức tranh và ngôi nhà cổ",
mà cuốn tạp chí lại là của chung đơn vị, nên tôi đành phải photo một bản khi muốn
gửi truyện về cho người yêu đang là sinh viên trường sư phạm. Và rồi, cái đêm
nàng đọc truyện, nàng đã hành tôi đủ khổ bởi tôi đã mang đến một câu chuyện
"quái quỷ", khiến nàng không dám ra khỏi phòng (trong khi phòng nàng
không có nhà vệ sinh khép kín!). Đêm ấy, tôi đã vận dụng hết mọi "ngón nghề"
của môn vận động quần chúng được học trong nhà trường và có mấy năm áp dụng vào
thực tế để "vỗ về" nàng. Nhưng tôi chỉ được yên thân khi trời sắp
sáng và chiếc điện thoại "cục gạch" cũng vừa sập nguồn.
Đó là đêm cuối thu năm 2008.
*
Tôi bắt đầu quan tâm đến cái tên Di Li và tìm đọc các
tác phẩm của nữ văn sĩ. Thời ấy, ở đồn biên phòng nơi tôi công tác mới có điện,
sóng di động còn chập chờn và Internet là một thứ quá xa vời, thế nên việc tìm
kiếm tác phẩm và thông tin về tác giả nào đó không phải là chuyện dễ dàng. Sau
này, khi chuyển về Hà Nội học lớp giáo viên, tôi mới có cơ hội tìm đọc nhiều
hơn các sáng tác của Di Li. Lúc ấy thì tôi biết, thực ra Di Li đã nổi tiếng mấy
năm rồi, nhất là từ sau khi chị đoạt giải Ba truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân
đội (2005 - 2006) với chùm tác phẩm "Cocktail" và "Ma học
trò". Những năm ấy, sự xuất hiện của Di Li trên văn đàn đã tạo nên một hiện
tượng, phần nào làm thỏa mãn tín đồ của dòng văn học trinh thám, kinh dị Việt
Nam bị đứt mạch từ thời hai cụ Thế Lữ, Hồ Dzếnh... gác bút. Rồi cùng với hàng
loạt các tập truyện được công bố, nhất là 2 tiểu thuyết "Trại hoa đỏ",
"Câu lạc bộ số 7"... Di Li đã làm cho trinh thám và kinh dị hòa quyện,
rực rỡ.
"Trại hoa đỏ" ra đời làm nên cơn sốt, nó nổi
tiếng đến mức một trong những nơi nhiều ông lớn của văn học thế giới là Nhật Bản
phải trân trọng giới thiệu. Khi ấy, để có bài lên báo, trực tiếp trưởng đại diện
chi nhánh của tờ Yumiuri Shimbun, nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất thế
giới đã bay từ trụ sở Thái Lan sang Việt Nam gặp gỡ nữ văn sĩ Di Li phỏng vấn
viết bài. Cuốn tiểu thuyết đã qua 6 lần tái bản, một con số thật ấn tượng, đáng
mơ ước của nhiều tác giả trong thời buổi có rất nhiều khó khăn với giới sáng
tác và ngành in ấn, phát hành sách như hiện nay. "Trại hoa đỏ" đã được
đạo diễn Victor Vũ chuyển thể, dựng thành phim truyền hình cùng tên, là bộ phim
triệu đô, đang "hot" trên Truyền hình K+...
Tôi mua được cuốn "Trại hoa đỏ" ấn bản đầu
tiên trong một lần đi "săn" sách trên phố Phạm Văn Đồng. Tiểu thuyết
này là một trong vài cuốn sách mà tôi đã trắng đêm vì nó. Cho đến nay nó vẫn nằm
trên giá sách của tôi, nhưng với dung mạo nhàu nhĩ bởi đã qua tay khá nhiều cô,
cậu bé là học trò của vợ tôi. Về sau, càng đọc Di Li tôi càng ấn tượng về một
cây bút thông minh, tài năng và khôn ngoan. Di Li thực sự đã xác lập một phong
cách đặc biệt, một lối đi riêng mà không ít người vẫn cho rằng chỉ cánh nam nhi
mới đủ tinh nhạy và cả sự máu mê để dấn thân. Từ ngày Di Li môi hồng, mắt biếc
nhẹ gót bước vào đường văn đến nay, trong giới nữ nhân văn chương sinh sau 1975
chị thực sự là cái cây đột sáng, tiên phong ở dòng trinh thám kinh dị.
*
Trước khi gặp Di Li, tôi đã từng nghe người bạn làm việc
trong một tạp chí văn chương bảo: "Di Li đẹp lắm, đậm chất phương
Tây!". Lần đầu gặp chị, ý nghĩ vụt qua tôi là: Chị ấy nên làm MC - biên tập
viên truyền hình, diễn viên điện ảnh, người mẫu, thậm chí là hoa hậu, chứ dấn
thân vào văn chương làm gì cho mệt xác. Viết văn vốn là công việc hại não và
bào mòn nhan sắc ghê gớm! Văn chương chẳng nên là nghề/nghiệp của giai nhân.
Thế nhưng Di Li lại khá tham công tiếc việc, nhất là
những gì gắn với chữ nghĩa... Chị viết văn, viết sách kĩ năng, làm báo, dịch
thuật,... số đầu sách có lẽ đã vượt xa số tuổi cô con gái An Khánh của chị. Di
Li từng học ngôn ngữ Đức, Anh tại Đại học Hà Nội, ra trường chị giảng dạy môn
văn hóa Anh - Mỹ và lấy bằng Thạc sĩ quản lý giáo dục ở Đại học sư phạm Hà Nội.
Chị còn làm MC, diễn giả và ti tỉ công việc khác,... Một dạo Di Li sục sôi chuẩn
bị mở hãng thời trang mang tên Di Li. Nhưng có lẽ văn chương chữ nghĩa và công
việc chuyên môn ở trường đã cuốn chị đi. Mấy năm gần đây, là thành viên của Hội
Nhà văn và dịch thuật Châu Á - Thái Bình Dương, Di Li lại trở thành cây cầu
xinh đẹp nối kết đôi bờ xa lạ trở nên gần gũi yêu thương: bờ bên này là văn học
Việt Nam và bờ bên kia là độc giả khắp thế giới...
Hẳn kiếp trước Di Li là một "mỹ nhân có bờm"
(chữ của nhà văn Phạm Duy Nghĩa) nên kiếp này chị sinh vào năm Mậu Ngọ, tuổi
con ngựa, với công việc luôn phải đeo mang thật nhiều, nhưng lắm "hoa
chân", chẳng chịu yên một chỗ, ham rong ruổi muôn nơi. Nhiều người bảo Di
Li thoắt ẩn thoắt hiện, vừa mới hôm qua gặp chị rạng ngời má đỏ, môi hồng, váy
áo xúng xính bung lụa, hôm sau tìm chị mà chẳng thấy tăm bóng giai nhân. Khi
liên lạc được với Di Li thì chị đang ở ngút ngát trời Âu, đất Mỹ. Di Li từng đặt
chân tới 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên quả địa cầu này, có lẽ chị là nữ nhà
văn Việt Nam giữ kỉ lục xuất ngoại nhiều nhất.
Được khám phá hầu hết các vùng đất nổi tiếng trên thế
giới nên các bài tản mạn du ký của chị luôn có vẻ đẹp của sự trải nghiệm phong
phú, óc quan sát tinh tế, phơi mở những vùng/tầng văn hóa khác biệt và cảm xúc
đằm vị của một nữ nhân văn chương. Tôi giảng dạy một bộ môn có liên quan đến
văn hóa nên tôi rất hứng thú với những tác phẩm du ký của Di Li. Đọc Di Li ở thể
tài này vừa được mộng tưởng trong cảm xúc văn chương vừa được khám phá, thu thập
khối lượng kiến thức về chính trị, văn hóa, lịch sử, địa lý... chân xác, dồi
dào...
Khi tôi hỏi: "Có những vùng đất Di Li lưu lại đó
không nhiều, nhưng sao chị có thể viết đằm sâu, thật nhiều kiến thức về nó đến
vậy?". Di Li bảo, thực ra, trước mỗi chuyến đi chị phải tìm hiểu về nơi đến
rất nhiều, có lúc phải đọc một vài cuốn sách viết về nó, rồi khi đặt chân đến
khám phá, trải nghiệm, chị sẽ viết thật kỹ lưỡng bằng cảm xúc chân thật của
chính mình.
*
Ngồi với Di Li trong Mộc Quỳnh Coffee, không gian nâu
trầm của quán dường như càng tôn lên làn da trắng sứ và mái tóc bồng bềnh của
chị. Giọng Di Li chân tình, gần gũi, mỗi khi chị nói như có một làn gió mát xua
đi cái không khí oi ả, ồn ào của phố phường Hà Nội. Chị bảo không ai có thể ôm
đồm làm hết được mọi dự định, mọi ước muốn, đôi khi phải chọn cái này, bỏ cái
kia, ưu tiên làm cái này và gác lại cái khác, sức lực con người có hạn. Di Li kể
chị từng có những tháng ngày căng mình ra với những dự định, những đam mê.
Chị sinh con, chăm con, yêu con bằng cách của một bà mẹ
dành cho con những gì tốt nhất có thể: những bộ quần áo đắt tiền, những nơi vui
chơi bổ ích, bệnh viện tốt, trường học tốt... Nhưng chị lại ít có thời gian để
trò chuyện, tâm tình cùng con, chị phải nương nhờ người thân làm việc ấy thay
chị. Rồi đến khi chỉ còn lại hai mẹ con trong một ngôi nhà thì chị thảng thốt
nhận ra cô con gái bé bỏng của chị hôm nào đã lớn, nhưng nó là một thế giới mà
dường như chị không thể bước vào.
Lúc bấy giờ bà mẹ nhà văn bắt đầu cuống cuồng vào cuộc.
Chị đổi trường cho con để bé khỏi bị bắt nạt, cô lập. Chị thủ thỉ nhiều hơn với
con, tìm hiểu những sở thích, những người bạn của con (thậm chí phải nhớ tên,
sinh nhật từng đứa bạn của con). Chị vạch ra những kế hoạch, định hướng, giúp
con thực hiện với vai trò một người mẹ, cô giáo, người bạn. Và cho đến giờ, chị
và cô con gái sinh viên năm hai Học viện Ngoại giao đã là đôi bạn tri kỉ, có thể
tâm sự với nhau bất cứ điều gì.
Di Li chia sẻ, thời gian tới chị sẽ đi nghiên cứu sinh
để lấy bằng tiến sĩ. Chị còn ấp ủ những dự án với tâm nguyện mang lại giá trị
tích cực cho cộng đồng: xây trại dưỡng lão và thành lập trung tâm dạy kĩ
năng sống. Với văn chương, 10 năm tiếp theo, Di Li dừng viết thể loại non
- fiction (phi hư cấu) để tập trung cho tiểu thuyết và truyện ngắn. Chị
lên kế hoạch mỗi năm sẽ cho ra mắt độc giả một cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh
dị vào dịp Halloween.
"Nội công" của Di Li còn thâm hậu lắm. Với
Di Li, ngọn lửa đam mê chưa khi nào nguội lạnh, chị vẫn đang trên con đường
"trinh thám" vào khu rừng chữ để chinh phục những đỉnh cao.
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng