Tiến
sĩ
Phan Hồng Giang luôn là một người độc lập. Độc lập trong công việc và độc lập
trong tư duy sáng tạo chính là sự cân bằng đáng kể nhất để có thể làm việc dài
hơi, lao động suốt cuộc đời mà không vướng bận vào những thứ khác ngoài khoa học.
MỘT CỐT CÁCH NGƯỜI XỨ NGHỆ
PHÙNG VĂN KHAI
Nhiều người biết Tiến sĩ (TS) Phan Hồng Giang là con
trai của nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Nhiều người biết ông với tư cách dịch
giả các tác phẩm nổi tiếng của Bunin, Chekhov, Paustovski… Nhiều người biết ông
được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2012. Song có lẽ ít
người nghĩ rằng ông là một trí thức luôn phản biện những vấn đề nóng trong xã hội.
Ai cũng nghĩ một người thâm trầm, suốt ngày vùi mình vào nghiên cứu như ông sẽ
chẳng phản biện những vấn đề của xã hội làm gì cho thêm bận.
Vậy mà, trong một phản biện ngành giáo dục gần đây, TS
Phan Hồng Giang đã thẳng thắn chỉ ra: “Người lớn chúng ta, có thể là vô tình
hay cạn nghĩ, mà đã tước đoạt tuổi thơ hồn nhiên trong sáng của các em, để thỏa
mãn tham vọng rất ít tính thực tế của mình: nhanh chóng biến các em thành những
“siêu nhân”, những “học giả tí hon” cái gì cũng biết mà thực ra không biết cái
gì. Xin hãy nhớ rằng, cả cuộc đời dài dặc còn mở ra phía trước các em, và rồi
cuộc đời còn vô số lần dạy khôn các em, đem tới cho các em vô vàn những bài học
quý giá mà không một trường lớp nào có thể mang lại”.
Đó chính là tiếng nói của trí thức có trách nhiệm
trong cuộc sống. Đó cũng là những suy nghĩ chung của rất nhiều người được TS
Phan Hồng Giang khái quát mạch lạc còn chỉ ra những thiển cận của ngành giáo dục,
cách thức giáo dục áp đặt hiện thời. Không hiểu sao, những góp ý sâu sắc ấy
luôn bị những người nắm giữ ngành giáo dục phớt lờ hàng chục năm nay.
TS Phan Hồng Giang khi đã trên 80 tuổi vẫn luôn là một
tấm gương lao động chữ nghĩa miệt mài. Ông vừa ra mắt cuốn sách “Một góc nhìn
văn hóa, nghệ thuật và đời sống” dày ngót 300 trang với những khám phá và thể
hiện sâu sắc dưới lăng kính của một trí thức cầm bút. Nhiều trang viết
trong tập sách vừa mang tính kinh viện vừa có những dự báo khiến chúng ta phải
ngẫm ngợi. Từng là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Văn
hóa Việt Nam, hơn ai hết, TS Phan Hồng Giang rất hiểu về văn hóa nghệ thuật và
đời sống ở nước ta, đặc biệt là những trăn trở, thao thức và thực hành của giới
trí thức, văn nghệ sĩ.
Tôi đã có nhiều năm gặp gỡ và trò chuyện, đi điền dã,
tham gia một số công việc liên quan tới sáng tác văn học nghệ thuật với nhà thơ
- nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - phu nhân của TS Phan Hồng Giang đã cảm
nhận được sự kính trọng, sẻ chia, chăm sóc chu đáo của nhà thơ với phu quân của
mình. Nhà thơ luôn sôi nổi, bay nhảy chân trời góc bể thì khi về bên khung cửa
nhỏ của mình vẫn là một cánh chim gù thân thiết yêu thương.
Cái cách nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát chăm TS Phan Hồng
Giang luôn khiến người ta cảm động. Nhất là mấy năm gần đây, khi mà sức khỏe của
ông đã không còn được như trước thì nhà thơ vợ càng một mực bên chồng. Mấy lần,
cánh văn nghệ sĩ báo chí ở Hưng Yên mời chị về quê nhãn tham dự giao lưu văn
nghệ chị đều nói đang ở bệnh viện chăm anh, còn chúc mọi người vui vẻ. Nhà thơ
chăm chồng nhiều tháng, nhiều năm và nguồn thơ của nữ thi sĩ người Hưng Yên vẫn
đắm say dào dạt lắm. Chị bảo nhiều bài chính là viết về anh, viết chung cho anh
chị, và anh luôn là người đọc đầu tiên, đọc với con mắt một người bạn kề cận
bên mình chứ tuyệt nhiên không phải với con mắt của một nhà phê bình sắc sảo.
TS Phan Hồng Giang là một người rất kiệm lời, nhưng
khi ông đã phát biểu trên báo chí hoặc trong bài viết đều là những phản biện hết
sức sắc sảo, luôn vì cái chung, luôn vì sự tiến bộ của xã hội. Trong một lần buộc
phải nói về bất cập dẫn đến rắc rối với dân sinh trong vấn đề nhạy cảm - đất
đai, Tiến sĩ Phan Hồng Giang đã thẳng thắn: “Các quy hoạch sử dụng đất, mở đường,
xây dựng khu dân cư... không ít khi được xác lập trong cửa đóng then cài. Các ý
đồ “thẳm sâu” được giữ kín, thường là đã có không ít kẻ có điều kiện “tiếp cận
thông tin gốc” thu lợi kếch xù rồi thì những quy hoạch mới được công khai, mà
những thay đổi xoành xoạch của nó không mấy khi được cập nhật thường xuyên”.
Những băn khoăn, trăn trở, thậm chí là chỉ mặt đặt tên
như thế, cũng là tấm lòng và trí tuệ của giới trí thức trong phản biện xã hội.
TS Phan Hồng Giang tên thật Nguyễn Đức Hân, sinh năm
1941, quê gốc Nghi Lộc - Nghệ An. Vùng đất xứ Nghệ (bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh)
có sông Lam, núi Hồng và biển cả. Nước non sơn thủy hữu tình. Nơi đây cũng là đất
học với biết bao nhân vật lẫy lừng làm vang danh xứ Nghệ. Đó là những Nguyễn
Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Huy Cận, Phan Ngọc, Nguyễn Khắc
Viện, Cao Xuân Huy, Hoàng Xuân Hãn trong đó có người cha ruột của TS Phan Hồng
Giang nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh.
Hoài Thanh với tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” nổi tiếng,
là người luôn mặc định "Tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người". Chính bởi
vậy, “Thi nhân Việt Nam” đã là một đỉnh cao mà tới bây giờ giới phê bình dường
như chưa bước được qua.
TS Phan Hồng Giang từng được đào tạo bậc đại học và
làm nghiên cứu sinh tại Lomonoxop, ông từ lâu được xem như một chuyên gia hàng
đầu về văn học Nga. Một trong những tác phẩm gắn kết văn học Nga - Việt của ông
chính là dịch tập tùy bút của R.Gamzatov "Daghestan của tôi" được
trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987. Đây chính là một dấu mốc quan
trọng trong thành tựu dịch thuật của ông. Bàn về việc dịch các tác phẩm văn học
luôn là hứng thú cũng là chiêm nghiệm và những thổ lộ nghề nghiệp một cách đầy
trách nhiệm của TS Phan Hồng Giang.
Ông từng chia sẻ: “Có hai yêu cầu tối thiểu của người
dịch, một là phải nắm rất sâu ngoại ngữ, hai là phải rất hiểu và rất tinh tế
trong cảm nhận tiếng Việt. Nó không dễ chút nào đâu. Khi Đoàn Thị Điểm dịch
"Chinh phụ ngâm" từ tiếng Hán sang tiếng Việt thì đọc bản dịch, chẳng
ai bảo đấy là bản dịch cả vì nó hay như bản sáng tác vậy. Bây giờ người thì bảo
đấy là của Đoàn Thị Điểm, người thì bảo đấy là của Phan Huy Chú nhưng dẫu của
ai thì cũng đều là tuyệt tác cả. Thậm chí có những bản dịch còn hay hơn cả sáng
tác, nâng sáng tác lên. Tác phẩm "Daghextan của tôi", khi được dịch từ
tiếng địa phương sang tiếng Nga còn được đánh giá cao hơn cả bản gốc. Người ta
bảo trong bản gốc, Gamzatov không viết hay được thế đâu”.
Quả là những nhận định vừa xác đáng vừa thanh thoát chỉ
có được ở những dịch giả - trí thức luôn dành trọn vẹn trí tuệ và trái tim cho
mỗi câu văn.
TS Phan Hồng Giang luôn là một người độc lập. Độc lập
trong công việc và độc lập trong tư duy sáng tạo chính là sự cân bằng đáng kể
nhất để có thể làm việc dài hơi, lao động suốt cuộc đời mà không vướng bận vào
những thứ khác ngoài khoa học. Chỉ có thể độc lập mới có được những phát biểu
như: “Để hội nhập văn hóa, hãy thôi say sưa tự ngắm mình”; “Giáo dục thần dân
hay giáo dục công dân?”. Những câu như thế luôn vang lên ở trong ông, ở trong
những trí thức xứ Nghệ rất cần chúng ta lắng nghe, suy nghĩ và nhất là phải
cùng nhau hành động vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
TS Phan Hồng Giang mang đầy đủ cốt cách của một người
con xứ Nghệ, thâm trầm, sâu sắc, vừa ham học hỏi và càng ham thực hành những điều
mình cho là phải là hữu ích trong cuộc sống. Ông không chỉ chịu ảnh hưởng từ
người cha - nhà phê bình lừng danh Hoài Thanh mà còn biết từ nền tảng ấy, tích
lũy và miệt mài thâu lượm, trổ ra những hạt vàng siêng nhặt trong các tập sách
của mình suốt nửa thế kỷ.
Bàn về nghiệp văn bút, TS Phan Hồng Giang đã như nói
thay cho giới văn bút chúng ta, những lời giản dị mà thật chí tình, chí nghĩa:
“Tuy vốn không thích nói những lời có vẻ to tát, tôi vẫn muốn bày tỏ lòng mong
mỏi những người cầm bút chúng ta trước khi và trong khi cầm bút, hãy tuyên chiến
với căn bệnh trầm kha vô cảm đang lây lan khắp xã hội. Hãy chia sẻ tình thương
với từng số phận con người, hãy là một công dân biết canh cánh lo toan cùng dân
tộc trước vận mệnh của đất nước này, hôm nay và mai sau”.
Quả thực là vô cùng chí lý.