Lò Ngân Sủn, người dân tộc Giáy, tính xuề xòa, mọi thứ đối với anh đều đơn giản. Thơ anh ít vần điệu, nhưng giàu hình ảnh và đầy triết lý.


 LÒ NGÂN SỦN VÀ NHỮNG KHÚC TRẦM LUÂN

THÁI SINH

Anh quê ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, từng là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch Hội Văn nghệ Lào Cai sau khi tỉnh này được tái lập, mất ngày 17/12/2013 chôn cất tại quê nhà. Thế là người “Con của núi” đã trở về với núi, trở về với đất mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng hồn thơ Lò Ngân Sủn đi khắp các chân trời. Tôi cứ rưng rưng khi nhớ lại những năm tháng cùng anh trong ngôi nhà Văn nghệ Hoàng Liên Sơn.

Những năm tháng trầm luân

Tháng 12/1984 tôi được nhận về Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, khi đó ở cơ quan thường trực Hội đã có những tên tuổi lẫy lừng: Hoàng Hạc, Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Lê Vân, Quách Hùng... Nhớ lại những ngày ở Hội Văn Nghệ Hoàng Liên Sơn với những cuộc đấu đá nội bộ thật kinh khủng nghĩ lại mà thấy rùng mình.

Trước khi chiến tranh biên giới xảy ra ngày 17/2/1979, Lò Ngân Sủn đương kim trưởng phòng Giáo dục huyện Bát Xát, tham gia Hội đồng nhân dân, được bầu làm Ủy viên Ủy ban huyện Bát Xát hai khóa liền. Con đường quan lộ của anh thênh thang rộng mở. Chiến tranh biên giới bùng nổ, anh cùng gia đình chuyển xuống thị xã Yên Bái. Hồi ấy người ta không mấy tin tưởng dân tộc Giáy, vì họ nghi ngờ một số người dân tộc Giáy làm nội gián thông qua mối thân tộc bên Trung Quốc. Không có văn bản nào nói về điều này, nhưng người ta ngầm hiểu là như vậy. Sau một tháng xâm lược Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố rút quân, nhiều quan chức là dân tộc Giáy của tỉnh Hoàng Liên Sơn vẫn phải “cầm chân” dưới tỉnh. Cho đến năm 1988 cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mới thật sự chấm dứt, nhất là sau khi Hoàng Liên Sơn được tách ra thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái thì sự nghi ngờ đối với dân tộc Giáy mới nhạt dần.

Lò Ngân Sủn được điều về dạy ở trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, được vài năm thì xin về Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn làm công tác biên tập, vợ anh làm hành chính tại trường Sư phạm 10+2. Ngôi nhà lợp cọ ba gian ọp ẹp dựng trên sườn đồi, chứa 5 con người vô cùng chật trội, nhất là mùa hè nóng như thiêu. Thị xã Yên Bái được mệnh danh là “rốn mưa”, con đường lên nhà anh trơn nhầy nhụa thật khó đi. Còn mùa đông nền nhà ẩm ướt, càng khiến ngôi nhà lạnh lẽo hơn. Đồ đạc chẳng có gì đáng giá cả, tôi nhớ rằm tháng bảy năm 1989 anh mời về nhà uống rượu, nghe vợ anh phát “sóng ngang” (từa tựa tiếng Thái mà tôi nghe và hiểu): Tu cáy nọi nọi kin lẩu đẩy báu? (con gà bé tẹo thì uống rượu sao được?), anh cười khè khè bảo: Mí nọi kin nọi (có ít ăn ít)…

Điều rất lạ suốt những năm tháng ở Hội Văn nghệ tôi chưa nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát bài “Chiều biên giới” lời thơ của anh do nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc mà trước đó tôi từng nghe, thậm chí các đoàn ca múa nhạc của tỉnh cũng không dựng bài hát đó. Một lần nhà văn Thế Sinh bảo tôi: Tệ thật, người ta không ưa người thì ghét luôn cả bài hát… Tôi có cảm giác một cái lệnh vô hình nào đó đã khoác lên vai anh và những tác phẩm của anh.

Nhà thơ “thích” ăn thịt chó

Năm 1988, sau Đại hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, nhà thơ Ngọc Bái từ Quân khu II về nhậm chức Chủ tịch, Lò Ngân Sủn trúng chức Phó Chủ tịch Hội, tôi được phân công làm biên tập. Ngày ấy ba tháng mới ra một số báo phải xin giấy phép xuất bản của Sở Văn hóa - Thông tin, nên chẳng có mấy việc, chúng tôi dành phần lớn thời gian để sáng tác văn học nghệ thuật.

Ngọc Bái và Lò Ngân Sủn thấy rằng nhiều tác giả ở Hoàng Liên Sơn đủ số lượng tác phẩm để đứng tên riêng trong một tập sách, còn cứ đứng chung trong các tập sách thì không thành tác giả được. Đó là nhu cầu của các tác giả, nhưng kẹt nỗi ngân sách không thể cấp tiền cho tác giả in sách được, nên tác giả phải tự bỏ tiền ra in sách. Tất nhiên Hội Văn nghệ có hỗ trợ trong việc xin giấy phép xuất bản, giới thiệu tác phẩm...

Tập thơ đầu tiên của Lò Ngân Sủn “Chiều biên giới” xuất bản năm 1989, tôi được phân công biên tập. Nói biên tập cho vui, chứ tôi là lính mới tò te sao dám biên tập thơ của Lò Ngân Sủn? Tuy nhiên, khi cầm tập bản thảo mà Lò Ngân Sủn đưa cho, tôi nhớ anh viết bằng bút mực tím, chữ đều và đẹp, trên loại giấy xỉn màu. Anh bảo tôi: Thái Sinh xem rồi trao đổi với mình nhé. Mới đầu anh chọn khoảng 35 - 40 bài, tôi bảo với anh: “Chiều biên giới” là bài thơ nổi tiếng đã được phổ nhạc. Nếu anh chỉ in một tập thì dồn những bài hay vào tất cả trong tập này, nếu anh định in thêm vài tập nữa thì anh cần để dành cho những tập sau…

Sau nhiều ngày suy nghĩ Lò Ngân Sủn quyết định chỉ in 30 bài, anh bảo: Tập đầu tiên mình muốn thăm dò dư luận ra sao. Tập thơ này Ngọc Bái chịu trách nhiệm xuất bản, Thái Sinh biên tập, hoạ sĩ Kim Tiến vẽ bìa, E Sun sửa bản in. E Sun chính là Lò Ngân Sủn, đây là bút danh mà anh đã ký ở một số tác phẩm. In xong tác giả tự phát hành, với số lượng in 720 cuốn chỉ vài tháng anh bán hết veo. Một hôm anh mời tôi cùng Ngọc Bái, Kim Tiến và một số anh em văn nghệ ra quán thịt chó dựng ngay cổng Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn do ông Chi làm chủ quán. Lò Ngân Sủn cười hè hè bảo chúng tôi: Bữa thịt chó này mừng cho tập “Chiều biên giới” của tôi... Nói rồi anh dùng đũa đánh bát nước chấm mắm tôm sủi bọt rồi mút đầu đũa cười ra vẻ đắc ý lắm khiến mái tóc quăn đen nhánh bung xuống trán. Chúng tôi cụng chén mừng cho “Chiều biên giới” của anh.

Thịt chó hồi ấy là món khoái khẩu của giới văn nghệ sĩ, bởi nó vừa rẻ lại nhiều chất đạm. Những năm 80 thế kỷ trước đói lắm, mỗi cán bộ được mua 0,5 lạng thịt một tháng bằng tem phiếu, tiền chỉ đủ mua rau dưa nhì nhằng mấy người có tiền mua thịt, cá ngoài chợ? Nên món thịt chó là nhất, ngang món ăn thượng hạng. Mỗi tuần được một bữa thịt chó là đời lên tiên rồi, nhiều ông bước vào quán thịt chó thơm lừng mùi chả nướng mặt vênh vang như bước vào cung điện đầy ánh sáng.

Ngọc Bái kể rằng, một lần Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em mời một số người chấm giải những tác phẩm văn học nghệ thuật viết về đề tài vận động sinh đẻ có kế hoạch. Lò Ngân Sủn có bài thơ “Những cô gái Lang Khay đi đặt vòng”, Ngọc Bái không chấm bài đó vì muốn giữ uy tín cho nhà thơ "Chiều biên giới". Lò Ngân Sủn trách: Ông chán bỏ mẹ, chấm cho tôi cái giải khuyến khích cũng được để có tiền uống rượu thịt chó...

Năm 1990, Lò Ngân Sủn in tiếp tập thơ “Những người con của núi”, tôi lại được cử biên tập. Ban đầu anh lấy tên tập sách là Người con của núi, trong tập sách có bài thơ "Những người con của núi", tôi hỏi anh: Những người con của núi tên hay như thế, sao anh không lấy làm tên chung của tập thơ? Lò Ngân Sủn không nói gì, mấy ngày sau anh mới bảo tôi: Mình đồng ý lấy tên "Những người con của núi" theo đề nghị của Thái Sinh.

Tập thơ được in ra, có một chi tiết khiến tôi nhớ mãi. Lò Ngân Sủn tính xuề xòa, mọi thứ đối với anh đều đơn giản. Khi tập thơ "Những người con của núi" in ra tôi được Hội Văn Nghệ cho một tập theo “tiêu chuẩn” biên tập. Sau vài tháng Lò Ngân Sủn bảo tôi: Mình phát hành hết tập "Những người con của núi" rồi, có một người bạn rất thân nhưng bây giờ không còn tập nào để tặng người bạn đó nữa, Thái Sinh cho mình xin tập thơ để mình tặng người đó... Khi tôi đưa tập thơ cho Lò Ngân Sủn anh cười hè hè rồi dắt chiếc xe đạp cà tàng phóng đi.

Lò Ngân Sủn sống giản dị không cầu kỳ, ở Hội Văn nghệ anh có một phòng riêng, nhưng do anh hút thuốc lào nên có một cái điếu cày, mọi người ai hút thuốc lào đều vào phòng của anh. Phòng Phó Chủ tịch Hội trở thành “trung tâm” hút thuốc lào, mọi người trong cơ quan và khách văn nghệ đều tới đó hút. Phòng anh có chiếc giường một, nhiều hôm uống rượu thịt chó xong anh về phòng nằm trên chiếc giường đánh một giấc cho tới chiều mới dậy. Khi anh chuyển lên Lào Cai, tôi tiếp nhận phòng làm việc của anh, khi lật chiếc chiếu đã nát bét lên mới giật mình, chiếc gối đầu của anh là mấy viên gạch. Hóa ra suốt mấy năm trời ông Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn đều gối đầu bằng những viên gạch xây đó.

Thơ bắt nguồn từ dân ca

Thơ Lò Ngân Sủn đẫm chất dân ca Giáy, tôi có cảm giác anh sinh ra từ vùng núi Bản Qua, đắm mình trong những bài dân ca quê mình nên thơ anh giàu chất dân ca. Anh đã phát triển nhiều câu dân ca, ngạn ngữ của dân tộc mình thành một bài thơ với cách suy nghĩ rất hiện đại. “Không sợ nhà chật/ Chỉ sợ lòng người chật” để sáng tác bài thơ "Lòng người" (Con của núi - NXB Văn hóa Dân tộc, 2001)với những câu:

“Lòng người như biển cả, trời đất mênh mông

Lòng người như cái ống bơ đong bữa ăn hàng ngày

Lòng người là dòng sông không đáy

Lòng người là cái máy sinh sự...”.

Hoặc anh dẫn câu “Rễ cây ngắn/ Rễ người dài” trong bài "Thương nhau":

"Thương nhau

Núi cũng thấp xuống

Trời cũng gần lại

Để ta nhìn thấy nhau”.

Hay như câu “Ngồi thì co/ Đứng thì thẳng/ Làm người thật khó” trong bài "Làm người":

“Để trở thành một người biết sinh con đẻ cái

Như thế chưa khó

Để trở thành một người biết ăn ngon mặc đẹp

Như thế vẫn chưa khó

...

Làm người khó nhất là: Sống!”

Thơ Lò Ngân Sủn ít vần điệu như cách nói dân dã của người miền núi, nhưng giàu hình ảnh và đầy triết lý. Chính vì thế mà thơ Lò Ngân Sủn có gương mặt rất riêng không lẫn với ai được.

Tháng 10/1991 khi Hoàng Liên Sơn tách thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, Lò Ngân Sủn vận động tôi cùng anh lên Lào Cai, nhưng tôi không đi được, vì đã xin vợ con về Yên Bái rồi. Như vậy chỉ có một mình anh trong cơ quan thường trực Hội Văn Nghệ lên Lào Cai lập Hội. Tôi được cử đưa tiễn anh lên tận Lào Cai, chiếc xe tải Zinkhơ thuê của Ban Định canh định cư, đồ đạc là mấy cái bàn ghế gãy chân, hai thứ đáng giá nhất là chiếc xe máy “cánh cụp cánh xòa” và chiếc máy chữ. Hội Văn nghệ Yên Bái dành chiếc xe Cub cho Hội Văn nghệ Lào Cai. Tất cả đều chất lên chiếc xe tải đó.

Lò Ngân Sủn không biết kiếm ở đâu được mấy cái chăn rách để chèn cho chiếc Cub không bị hỏng, vì đó là phương tiện duy nhất để anh đi từ Tằng Loỏng - nơi tập kết - lên Lào Cai. Khi chia tay anh ở Tằng Loỏng, anh hỏi tôi: Thái Sinh giới thiệu cho mình một người biết sáng tác văn học nhưng làm được công tác Hội. Tôi không ngần ngại giới thiệu Đoàn Hữu Nam, nguyên là công nhân cầu đường sau về Phòng Văn hóa huyện Bắc Hà. Bởi khi làm biên tập tôi phát hiện thơ Đoàn Hữu Nam giàu chất suy tưởng đã giới thiệu với Ngọc Bái và Lò Ngân Sủn. Nghe tôi nói vậy Lò Ngân Sủn đồng ý ngay. Nay Đoàn Hữu Nam đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, từng nhiều năm giữ chức Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai.

Sau Lò Ngân Sủn trúng Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, anh được điều về Hà Nội công tác, từ đó tôi thi thoảng mới gặp được anh. Kể từ khi anh bạo bệnh thì chưa lần nào gặp anh cả, mặc dù gặp bạn bè văn nghệ vẫn nhắc tới tên anh. Người “Con của núi” đã trở về với núi, khi tôi viết những dòng này tôi có cảm giác hồn anh đang phiêu diêu trên chín khúc Bản Xèo (bài thơ "Đi trên chín khúc Bản Xèo") quê anh:

"Ta đi trên chín khúc Bản Xèo

Con đường vắt vẻo như dây leo

Người đi không mà như đeo nặng trĩu

Đường ta đi mưa gió giăng theo

Ta đi trên chín khúc Bản Xèo

Đường ta đi chín khúc mây treo

Con đường men theo triền núi biếc

Đường ta đi trong tiếng lá rừng reo".

 

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam