Tác phẩm đoạt giải Goncourt năm 2019 có tên gọi ‘Không ai sống giống ai trong cuộc đời này’ được Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn giới thiệu đến công chúng.


Tác phẩm đoạt giải Goncort luôn thu hút độc giả Pháp và nhiều quốc gia suốt hàng trăm năm qua. Tác phẩm đoạt giải Goncort từng được yêu thích tại Việt Nam có thể kể đến “Dưới bóng những cô gái đương hoa” của Marcel Proust, Rễ trời” của Romain Gary, Người tình” của Marguerite Duras, Hẹn gặp lại trên kia” của Pierre Lemaitre…

Tác phẩm đoạt giải Goncourt năm 2019 là tiểu thuyết “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này” của nhà văn Jean-Paul Dubois, vừa được mua bản quyền và ra mắt công chúng Việt Nam.

Nhà văn Jean-Paul Dubois sinh năm 1950 tại Toulouse, Pháp. Ông theo học ngành xã hội học rồi trở thành nhà báo. Ban đầu ông viết cho mục thể thao trên tờ Sud Ouest, rồi đầu quân cho tờ Matin de Paris, sau đó trở thành phóng viên của tuần san Nouvel Observateur.

Nhà văn Jean-Paul Dubois đã xuất bản hơn hai mươi tiểu thuyết, một tiểu luận, hai tập truyện ngắn và hai tuyển tập các bài báo.

Tiểu thuyết “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của Paul Hansen với hai mạch kể đan xen: cuộc sống hằng ngày tại nhà tù, và quá khứ từ thời ấu thơ cho đến khi anh bị kết án. Bằng lối dẫn dắt tuyệt vời và lôi cuốn, nhân vật Paul Hasen đưa độc giả lần hồi lại cuộc đời mình với những tình cảnh thay đổi vô biên và những trớ trêu cuốn anh vào cảnh ngục tù tăm tối.

Cuốn sách, ngay từ cái tên “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này”, hứa hẹn khẳng định tính tương đối của những quan điểm cố hữu về cuộc đời và số phận nghiệt ngã của con người.

Tác phẩm đoạt giải Goncourt năm 2019 được bắt đầu với cảnh buồng giam rộng sáu mét vuông, kéo độc giả vào những thứ tầm thường của nhà tù. Cái lạnh ẩm ướt ngấm vào da thịt, những tiếng la hét, cảnh giết chóc giữa các tù nhân hay cảnh chung đụng với bạn cùng buồng giam… Đó là nhà tù nơi người ta không gọi họ bằng tên, nơi người ta đối xử với họ như với lũ gia súc trong trang trại.

Dẫu vậy, giữa bức tranh sặc mùi xú uế ấy của nhà tù, giọng kể của Paul Hansen lại đan xen đôi chút hài hước, được thể hiện qua những câu chuyện về người bạn cùng phòng, Patrick Horton. Ở gã có sự pha trộn giữa bản tính hung bạo và ngây thơ, một kẻ sẵn sàng “chẻ làm đôi” những ai làm hắn bực mình nhưng lại sợ chuột và tiếng kéo cắt tóc.

Mạch truyện quá khứ được kể đan xen vào hiện thực, mở đầu là cuộc hôn phối kỳ lạ giữa cha mẹ Paul Hansen, một mục sư đạo Tin lành người Đan Mạch và một chủ rạp phim người Pháp. Những bộ phim khiêu dâm được trình chiếu đã đẩy hôn nhân của họ đến bờ đổ vỡ, Paul Hansen theo cha đến Canada và bắt đầu làm công nhân xây dựng.

Sau cái chết của người cha, Paul Hansen tìm được bến đỗ cuộc đời với công việc bảo vệ kiêm quản gia ở tòa nhà L’Excelsior bên Winona, người phụ nữ của đời anh, và chú chó Nouk. Thế giới lý tưởng được xây đắp từ tình yêu của họ sụp đổ khi Winona qua đời trong một vụ tai nạn máy bay và sự xuất hiện của gã quản lý tòa nhà mới hách dịch. Tất thảy những gì Paul Hansen kìm nén đã bùng nổ và anh nhận án tù hai năm sau khi tấn công gã này.

Xuyên suốt cuộc đời kỳ lạ ấy, độc giả trở đi trở lại giữa những tình huống từ đau khổ đến thân quen, giữa những tầm thường và những phát hiện rực rỡ.

Tiểu thuyết “Không ai sống giống ai trong cuộc đời này” của Jean-Paul Dubois có một đặc trưng dễ thấy, đó là lối miêu tả tỉ mỉ về thực tế đời thường. Ông còn say mê mô tả cấu tạo các loại đàn, các động cơ từ xe hơi đến máy bay, những chiếc máy cắt cỏ hay cả hệ thống sưởi của tòa nhà… Cùng với đó là ngòi bút vô cùng tinh tế, luôn thường trực nỗi u buồn xen cả vui tươi, tất cả đã biến Không ai sống giống ai trong cuộc đời này thành một biên niên sử về cuộc đời nhỏ bé của Paul Hansen.

Kể về cuộc đời kỳ lạ của một phạm nhân, Không ai sống giống ai trong cuộc đời này là một trong những tác phẩm đẹp nhất của nhà văn Jean-Paul Dubois. Sự dịu dàng lẫn mỉa mai của tác phẩm đoạt giải Goncourt năm 2019 đã mang đến một làn gió tươi mát giữa cái nền văn học bão hòa đầy những câu chuyện mang tính châm ngôn, giảng đạo.

 NNVN