Điểm chuẩn vào ngành báo chí Trường ĐH KHXH&NV –
ĐH Quốc gia Hà Nội điểm chuẩn năm nay lên tới 29,9 trên thang điểm 30. Trong số hàng trăm “siêu nhân” 30 điểm kia,
cũng như hàng vạn cử nhân báo chí tương lai, số người ra làm báo đúng nghĩa sẽ
chỉ là phần nhỏ
BÁO CHÍ VÀ SIÊU NHÂN
TRÍ QUÂN
Điểm chuẩn (tổ hợp C00) vào ngành báo chí Trường ĐH
KHXH&NV – ĐH Quốc gia Hà Nội điểm chuẩn năm nay lên tới 29,9 trên thang điểm
30. Nghĩa là riêng môn Văn nếu không 10 thì cũng phải 9,9 điểm, còn lại cả Sử
và Địa đều phải 10. Chưa kể các ngành như Đông phương học, Quan hệ công chúng
(PR), Hàn Quốc học của trường này điểm chuẩn còn “dội trần” tới 29,95 điểm.
Lọt vào tốp 55 tân sinh viên báo chí tại đây (theo chỉ
tiêu) quả là những “siêu nhân”.
Không kém cạnh là Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia
TP HCM, muốn vào học báo chí thì điểm số mỗi môn thi cũng phải suýt soát 9,5 điểm.
100 tân sinh viên báo chí tuyển được đợt này hẳn cũng đều là những siêu nhân.
“Thầy ngày xưa đi thi 15 điểm, giờ phải dạy đám học
trò 30 điểm, biết dạy gì cho…ngầu đây? Áp lực quá…”. Một nhà báo gạo cội bình
luận trên trang cá nhân.
Có thể truy về tình trạng lạm phát điểm số, khi giờ
đây các môn thi hầu hết cần rất ít kỹ năng tự luận, và đều được chấm theo khuôn
mẫu những barem tủn mủn, khô cứng. Nhưng cũng khó thể ngờ ngành báo chí, truyền
thông lại trở nên hot đến vậy.
Lý giải điều này không khó. Mặc dù nghề báo cả thế giới
lẫn Việt Nam đang khủng hoảng thừa, nhà báo mất việc hàng loạt, số còn lại vật lộn
với nghề nhưng cấu trúc của ngành công nghiệp tin tức, truyền thông hiện đã quá
khác, dẫn đến phá vỡ danh tính/khái niệm của nhà báo/nghề báo.
Cá nhân tôi tin rằng trong số hàng trăm “siêu nhân” 30
điểm kia, cũng như hàng vạn cử nhân báo chí tương lai, số người ra làm báo đúng
nghĩa sẽ chỉ là phần nhỏ. Nhưng không sao, số còn lại cũng sẽ sống khỏe. Khi
nghề sản xuất, kinh doanh thông tin đang bùng nổ dữ dội. Với các ngành nghề vệ
tinh kiếm tiền từ sự tò mò, khát thèm vô đáy về tin tức của công chúng. Quá nhiều
nền tảng công nghệ số hiện rất cần đến kỹ năng báo chí, chứ không chỉ ở mấy cơ
quan báo, đài. Mở một cái tiktok hay kênh youtube để bán hàng, câu quảng cáo mà
“có nghề” sẽ khác với ngàn vạn tiktoker tay ngang khác. Chỉ riêng việc sản xuất
content (nội dung) bán cho đội này cũng đủ sống ung dung.
Thế giới đang chạy đua vũ trang về thông tin, khiến
con người ngày càng bị dẫn dắt, thao túng về cảm xúc lẫn quan điểm. Thông tin,
truyền thông trở thành một thứ hàng hóa kỳ dị không hề giống khái niệm kinh điển
về điều này của chủ nghĩa tư bản gốc. Còn với hình thái tư bản mới – chủ nghĩa
tư bản giám sát, thì tất cả đời sống chúng ta đều trở thành mặt hàng, dưới hình
thái của những thông tin “miễn phí”.
Giữa thời đại bồn chồn mong manh với quá nhiều biến động
bất thường, mà sự ma sát của các sự kiện có thể làm bốc cháy mọi thứ, thì nhân
loại dường như đang dành sự quan tâm lớn nhất đến tin tức nói chung, chứ không
phải thứ gì khác. Như bộ lạc thời nguyên thủy đứng hóng nơi cửa rừng mà lo lắng
cho những thứ dữ dội siêu nhiên bất thần ập đến.
Với những “siêu nhân” 30 điểm, đó là cái mốc đầu đời
đáng ghi nhận. Mà cuối cùng, cứu cánh của việc học cũng chỉ để kiếm được những
công việc chính đáng. Tuy nhiên, khi bước vào lĩnh vực này với tư cách chủ thể,
chỉ mong các bạn trẻ đừng bị dòng thác lũ thông tin/truyền thông ô hợp cuốn đi,
để bản thân mình cũng trở thành món hàng hóa mệt mỏi của thời đại.
Nguồn: Tiền Phong