Họa sĩ Đào Hải Phong đã vẽ 16 bức tranh lấy cảm hứng từ tập truyện ngắn ‘Gió đầu mùa’ và tập tùy bút ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ của nhà văn Thạch Lam.


Họa sĩ Đào Hải Phong là một trong những người có tranh bán chạy nhất trên thị trường mỹ thuật Việt Nam suốt hai thập niên đầu thế kỷ 21. Vì vậy, chuyện vẽ minh họa cho văn chương của họa sĩ Đào Hải Phong chỉ xuất phát từ hai nguyên nhân, hoặc cả nể tình cảm bạn bè, hoặc đồng cảm sâu sắc tác phẩm.

Họa sĩ Đào Hải Phong sinh năm 1965 tại Hà Nội. Là con trai của Nghệ sĩ Nhân dân Đào Đức (1928-2007, người thiết kế mỹ thuật cho những bộ phim nổi tiếng điện ảnh cách mạng như “Chung một dòng sông”, “Chị Dậu, “Đến hẹn lại lên”...) nên họa sĩ Đào Hải Phong cũng theo học Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và có mấy năm công tác ở Hãng phim truyện Việt Nam.

Họa sĩ Đào Hải Phong


Tranh của họa sĩ Đào Hải Phong gây ấn tượng bởi những sắc màu rực rỡ, đỏ thì đỏ chói, xanh thì xanh ngắt, tím thì tím biếc... Phong cách hội họa ấy có chút gì đối nghịch với văn chương ngậm ngùi của Thạch Lam chăng? Thế nhưng, thật kỳ lạ là họa sĩ Đào Hải Phong lại đồng cảm với văn chương Thạch Lam, bởi chính họa sĩ Đào Hải Phong tự thú: “Tôi luôn sống bằng kỷ niệm và tưởng tượng. Thực ra, tôi không phải là người từng trải hay là người va vấp nhiều. Vì thế, tôi rất thích những kỷ niệm đẹp, thậm chí là kỷ niệm của những người xa lạ.

Tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” xuất bản lần đầu năm 1937 và tập tùy bút “Hà Nội băm sáu phố phường” xuất bản lần đầu năm 1943 là hai cuốn sách chất chứa kỷ niệm của nhà văn Thạch Lam (1910-1942). Trong thời gian giãn cách vì Covid-19, họa sĩ Đào Hải Phong đã nghiền ngẫm hai cuốn sách này và vẽ 16 bức tranh để minh họa.

Giống như nhìn về những vết dấu cũ xưa từ một điểm nhìn mới, Hà Nội hiện ra trong tranh Đào Hải Phong vừa quen thuộc vừa mới lạ, kiêu hãnh thâm trầm nhưng cũng đầy sinh khí. Minh họa của họa sĩ đồng điệu với văn chương Thạch Lam ở nét thanh lịch dịu dàng và tình yêu chân thành, tha thiết dành cho cảnh vật, con người, những giá trị đẹp đẽ và cao quý.

Đọc truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” hoặc truyện ngắn “Đứa con đầu lòng” của nhà văn Thạch Lam mà xem tranh của họa sĩ Đào Hải Phong thì càng thêm man mác. Đọc tùy bút “Hàng quà rong” của nhà văn Thạch Lam mà xem tranh của họa sĩ Đào Hải Phong thì càng thêm nhớ nhung.

"Gió lạnh đầu mùa".


16 bức tranh minh họa văn chương Thạch Lam của họa sĩ Đào Hải Phong, khi đem ra bán đấu giá, đều được đón nhận nồng nhiệt. Họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ: “Có lẽ cụ Thạch Lam đã chọn tôi. Khi đọc lại truyện của ông, tôi cảm nhận có gì đó về quan niệm nghệ thuật của tôi và cụ rất gần nhau. Ví dụ, Thạch Lam luôn đi vào những đề tài thân phận con người vất vả, những cảnh sống cơ hàn, nghèo túng nhưng truyện của ông không toát lên một điều gì đó quá bi thảm.

Cũng như tranh của tôi, không vẽ cái gì quá cao siêu, chỉ là những mái đình, điếm canh, những cái lều của người đánh cá, hoặc là những làng chài, những căn nhà đơn sơ... Thế nhưng tôi vẫn có cảm xúc để vẽ được nó và người xem cũng cảm thấy nó không khổ đến mức như cảnh họ thường nhìn thấy.

                                              TUY HÒA