Tràn
ngập Mạng Xã hội là hình ảnh những con chim phóng sinh tội nghiệp bị nhốt trong
lồng sắt để rồi sau đó ngắc ngoải trước cửa chùa, hình ảnh các vị sư đạo mạo
mãn nguyện đặt tay lên đầu phụ nữ, trẻ em đang cúi rạp sát đất tựa Đức Chúa Trời
ban phước lành...
TIẾNG
NÓI TRÍ THỨC VIỆT TRƯỚC SỰ SUY ĐỒI CỦA NHỮNG KẺ NHÂN DANH PHẬT GIÁO
MAI
AN NGUYỄN ANH TUẤN
Những
năm qua, công luận kêu ca phàn nàn nhiều về tình trạng khá suy đồi của sinh hoạt
Tôn giáo - nổi bật ở đạo Phật Việt Nam, trước sự tàn phá thiên nhiên để xây dựng
những khu Du lịch Tâm linh trá hình khủng nhằm lợi dụng Tôn giáo để kinh doanh…
Và mới đây nhất, tràn ngập Mạng Xã hội là hình ảnh những con chim phóng sinh tội
nghiệp bị nhốt trong lồng sắt để rồi sau đó ngắc ngoải trước cửa chùa, hình ảnh
các vị sư đạo mạo mãn nguyện đặt tay lên đầu phụ nữ, trẻ em đang cúi rạp sát đất
tựa Đức Chúa Trời ban phước lành, hình ảnh nhà sư ôm bát vàng đi “khất thực”
song lại quơ tay vơ tiền cúng dường, v.v.
Cộng
với hàng chục câu chuyện không hề bịa đặt về hành vi của không ít nhà tu hành
Phật giáo hôm nay cho thấy sự vi phạm hiển nhiên các giới luật nghiêm trang của
Phật pháp kinh điển, như sinh hoạt xa hoa, ăn chơi trác táng, khuyến khích các
hoạt động mang nặng chất kinh doanh trong các nơi thờ tự, kêu gọi người dân đừng
đi du lịch & đừng tiêu tiền bất chính mà để dành cho cúng dường-xây chùa,
như việc kiện cáo người dân đã xúc phạm cá nhân mình, v.v. Đáng thương thay,
đáng buồn thay, khi một Đất Nước có truyền thống đạo Phật hàng ngàn năm giờ đây
lại xuất hiện trong tâm tưởng người dân lương thiện không ít “sư hổ mang”, “ác
tăng”!
Tôi
chợt nhớ đến câu chuyện cúng dường mà thi hào Ấn Độ R. Tagore kể lại sau đây,
trong một thiên tùy bút - thơ đặc sắc của ông:
Sớm tinh sương, một vị khất sĩ đi trên đường
phố sang trọng và rao: “Ai có gì quý báu nhất, hãy đem dâng lên Đức Phật”. Biết
bao của cải châu báu bày ra, song vị khất sĩ cứ bước qua tất cả, rồi ông tới
khu phố bình dân, và cũng rao như thế. Lại nhiều đồ đạc rải bên chân vị khất
sĩ. Ông bước vào khu phố nghèo và lại rao lên… Một người đàn bà bước khỏi cánh
cửa tồi tàn, gọi to: “Thưa ngài, xin ngài hãy đợi chút ạ”. Vị khất sĩ đứng im
chờ đợi. Lát sau, có một bọc vo tròn ném ra từ sau cửa tới, cùng lời cầu xin
nghẹn ngào của người đàn bà: “Thưa ngài! Tôi chỉ còn có độc nhất thứ này thôi…
Mong Đức Phật thương tình”. Vị khất sĩ cầm vật đó lên: tấm váy chằng đụp của
người đàn bà. Ông ta rưng rưng nói: “Thưa mẹ, đây quả là thứ quý báu nhất của mẹ
dâng lên Đức Phật”…
Thưa các vị tăng - ni đáng kính của Đại Việt
xưa - Việt Nam nay!
Người dân Việt ta vốn sùng Đạo Phật, và hiện
cũng không ít người nghèo không kém người đàn bà Ấn Độ kia. Họ muốn dâng lên Đức
Phật linh thiêng nhân từ niềm tin yêu sâu sắc của họ, cùng lời cầu mong được
Bình An, Hạnh phúc… Nhưng trừ đôi ba kẻ giàu có bằng cách trấn lột của Dân và
Tài nguyên quốc gia đã/ đang cúng dường hậu hĩ cho các ngài, thì phần đông chỉ
lo được hai bữa ăn xoàng hàng ngày và lo học cho con cũng đã bạc cả tóc rồi,
nên có lẽ cái thiêng liêng cao cả nhất của họ dâng lên Đức Phật chỉ là tấm lòng
thơm thảo...
Tình
trạng Phật giáo hiện đại có gì thực giống với những thời đã khiến nhiều danh sĩ
Việt Nam từng lên án sự suy đồi của Phật giáo. Như Vua Lê Thánh Tông vốn là người
có tình cảm sâu nặng với chùa chiền và Phật giáo, nhưng chính vì vậy ông càng cảm
thấy phiền lòng và phẫn uất với sự sa đọa trong sinh hoạt Phật giáo một số tăng
sãi. Truyện “Hai ông Phật cãi nhau” (Thánh Tông di thảo) là một trong cách tỏ
thái độ phản ứng và phê phán tinh tế của một vị vua đã tạo nên thời đại Hồng Đức
rực rỡ đối với một số ít phần tử chưa xứng đáng trong hàng ngũ tăng già lúc đó.
Trước
vua Lê Thánh Tông mấy thế kỷ, nhiều nhà nho vốn uyên thâm cả Phật lẫn Đạo cũng
đã lên tiếng phê phán Phật giáo khi nó xa rời những yêu cầu cấp thiết của đời sống
và Quốc gia mà sa vào thông tục; như lời tâu của nhà nho Đàm Dĩ Mông với vua Lý
Cao Tông lên án Phật giáo làm bại hoại phong tục, phương hại giáo lý, sư sãi
quá nhiều thoát ly lao động: “Hiện nay số sư sãi đã gần ngang với số phu dịch…
(Bọn họ) tự kết bè lũ, lập càn thủ lĩnh, tụ họp thành bầy, làm nhiều việc xấu…”
Vì vậy vua đã “xuống chiếu thải bớt bọn nhà sư theo lời Đàm Dĩ Mông” [1].
Các
thời sau đó, những nhà nho sử gia, văn nhân nổi tiếng như Lê Văn Hưu, Trương
Hán Siêu, Lê Quát, Bùi Huy Bích, Phạm Nguyễn Du, v.v chắc đều yêu quý và hiểu đạo
Phật, song cũng vì hiểu và yêu nên các ông không chấp nhận được sự suy đồi, bê
tha của một số người hoạt động trong Tôn giáo thiêng liêng này, chứ không chỉ
vì bênh nho phỉ Phật vì lý tưởng quân chủ mà các ông đang phụng sự.
Xin
trích dẫn Trương Hán Siêu trong bài ký “Tháp Linh Tế núi Dục Thúy”: “Ông Thích
Ca lấy tam không mà đắc đạo, khi tịch rồi, người đời sau ít phụng Phật giáo mà
chỉ làm mê hoặc chúng sinh. Thiên hạ có năm phần đất thì chùa chiền chiếm hết một
phần, bỏ cả luân thường, hao phí của cải. Bọn sư sãi thì rông dài, người khờ dại
thì vội vã tin theo…”. Người theo Phật thì “lũ lượt đi ở chùa, không cày mà có
ăn, không dệt mà có mặc, thất phu thất phụ thường dời nhà cửa, bỏ xóm làng,
theo gió cuốn” [2].
Trên
văn bia chùa Khai Nghiêm, Trương Hán Siêu nhấn mạnh hơn: “một bọn giảo hoạt
gian ngoan, mất hết cả bản ý khổ hạnh không hư, chỉ ham chiếm đoạt được vườn
sinh cảnh đẹp, để nhà cửa lộng lẫy như vàng ngọc, tay chân đông đúc như rồng
voi… Hiện nay Thánh triều muốn tuyên phong hóa nhà vua để chữa phong tục đồi bại,
dị đoan đáng truất bỏ, thanh đạo nên phục hưng… Thế mà cứ bo bo lải nhải chuyện
Phật, ta định lừa ai? [3].
Lê
Quát, trong văn bia chùa Thiên Phúc (Bắc Giang) cũng viết: “Từ trong kinh thành
cho đến ngoài châu phủ, kể cả những nơi thôn cùng ngõ hẻm, không bảo mà người
ta cũng cứ theo, không hẹn mà người ta cũng cứ tin; hễ nơi nào có nhà ở, là ắt
có chùa chiền, bỏ rồi lại dựng, hỏng rồi lại sửa, số chuông trống lâu đài chiếm
một nửa dân cư…” [4].
Xin
lưu ý rằng: hầu hết những lời trên lại được khắc ngay trên những tấm bia ở các
chùa, được các vị sư trụ trì các đời trân trọng, bảo quản! Điều đó chứng tỏ: những
nhà tu hành chân chính cũng đồng tình với sự phê phán nghiêm khắc của các trí
thức đối với những gì bất cập, hư hỏng của nội bộ tăng đoàn và sinh hoạt Phật
giáo!
Những
lời nhận xét - phê phán trên chứa đựng những sự thực hiển nhiên, lại dường như
mang cả nhiệt huyết còn ấm nóng của các vị Tổ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử - dòng
đạo Phật nhập thế của nước Đại Việt được khơi nguồn và phát triển từ thời đại
Lý - Trần oanh liệt. Tư tưởng thiền nhập thế đó phải chăng cũng là tư tưởng của
Thiền sư Pháp Thuận từng khuyên Vua Lê Đại Hành: “Vô vi trên điện gác/ Chốn chốn
tắt đao binh” (Vô vi cư điện các - Xứ xứ tức đao binh. Quốc tộ), của tư tưởng
“Cư trần lạc đạo” được Phật hoàng Trần Nhân Tông nói rõ và đã thực hiện: “Ở đời
vui đạo hãy tuỳ duyên; Đói cứ ăn no mệt ngủ liền; Của Báu trong nhà thôi tìm kiếm;
Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền”…
Thời
nay, trước sự suy đồi của Phật giáo, trí thức Việt cũng đã có khá nhiều tiếng
nói nghiêm khắc, chân tình - như các tác giả Chu Mộng Long, Dạ Ngân, Nguyễn Thế
Khoa, Thái Hạo, Lê Thiếu Nhơn, v.v. Và đặc biệt có một “người trong cuộc” là
Hòa thượng Thích Thông Lạc đã nhiều lần lên tiếng gay gắt, trực diện, cụ thể -
tuy ông đã bị phản đối không ít từ chính trong nội bộ tăng đoàn Phật giáo,
nhưng lại được sự đồng tình của nhiều nhà tu hành chân chính, của phần đông cư
sĩ - Phật tử và công chúng rộng rãi. Chỉ cần đọc một đoạn trong bài Hỏi Đáp: NHỮNG
TRÒ MÊ TÍN LỪA ĐẢO TRONG CÁC CHÙA, để thấy ông đã thẳng thắn vạch ra những vấn
đề nóng bỏng tính thời sự và chân tình khuyên bảo các Tăng Ni - Phật tử:
“Hỏi:
Trung tâm thành phố Hà Nội có một ngôi chùa, ở phố Bà Triệu, tại đây đã thực hiện
di dân hai lần, tổng chi phí lên tới vài chục tỷ đồng, để cho nhà chùa được rộng
rãi khang trang và riêng biệt… Quý sư ni ở đây hành đạo bằng pháp tụng kinh, gõ
mõ, dâng sao, giải hạn... và đặc biệt vào khóa lễ đầu năm có làm một chiếc thuyền
Bát Nhã bằng giấy để chở vong linh người chết về Tây phương, Niết Bàn... Vậy những
việc làm trên của các sư ni có đem lại lợi ích gì cho Phật pháp, cho các sư ni
và cho chúng sanh không ạ?
Đáp:
Tụng kinh, gõ mõ, dâng sao, giải hạn, làm thuyền bát nhã bằng giấy để chở các
vong linh về Tây phương, Niết Bàn, v.v, đó là những việc làm mê tín lừa đảo những
tín đồ nhẹ dạ vì thương cha mẹ và những người thân nên bỏ tiền ra cúng để các
sư cô ghi tên họ được đưa về Tây Phương Cực Lạc, đó là một việc làm mê tín lạc
hậu nhất trong các kinh sách phát triển mà các sư cô thực hiện.
Những
việc làm này là những việc phỉ báng Phật giáo, có mục đích tiêu diệt Phật giáo,
thấy những việc làm này người có trí hiểu biết sẽ đánh giá Phật giáo là một loại
tôn giáo mê tín, lừa đảo, tín đồ, do đó việc làm này không có lợi mà còn có hại cho Phật giáo rất
lớn. Những việc làm này nó không có lợi ích cho con người khiến cho con người
tiền mất tật mang chỉ có những người hành nghề bất chánh này là có lợi ích mà
thôi.
Bằng
chứng như trong thư đã nêu, các ni sư chỉ hành một cái nghề mê tín này mà nhà
chùa có hằng tỷ bạc dám bỏ tiền ra di dân để nhà chùa được rộng rãi khang trang
hơn. Cho nên không có cái nghề nào làm giàu dễ như làm nghề mê tín trong các
chùa. Nghề mê tín là nghề bói khoa, chiêm tinh, cúng sao, giải hạn, xem ngày giờ
tốt xấu dựng vợ gả chồng, làm nhà xây mồ mả v.v.
Nghề
mê tín là nghề cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an, làm ma chay, làm tuần
cúng vong, tiễn linh, mở cửa mả, đốt tiền vàng mã và nghề dán kho đụn, quần áo,
mũ nón, v.v, đó là nghề lừa đảo lường gạt tín đồ Phật giaó. Kinh sách Nguyên Thủy
không bao giờ đức Phật dạy, duy chỉ có kinh sách phát triển mới có dạy điều này
mà thôi.
Người
cư sĩ đệ tử của đức Phật phải có trí tuệ, phải xác nhận thấy biết những điều mê
tín không lợi ích cho mình cho người, những điều phi lý mất công bằng, vô đạo đức
thì nhất định không làm theo, hoàn toàn không để cho người khác lợi dụng mình,
lừa đảo mình. Có như vậy mới làm sáng tỏ lại Phật giáo, mới đem lại nền đạo đức
nhân bản không làm khổ mình khổ người…
Tóm
lại, quý vị cư sĩ phải đề cao cảnh giác và thường nên tránh xa những giáo pháp
trừu tượng, mê tín, cúng bái, cầu siêu, cầu an, bùa chú, thần thông, dù bất cứ
những loại thần thông nào, chúng là những pháp môn lừa đảo chứ không có ích lợi
gì cho ai cả, quý vị nên nhớ kỹ đừng để mắc lừa, tốn hao tiền bạc, công sức tu
tập mà chẳng giải thoát gì, chỉ phí uổng công khó cho một đời tu mà thôi” [5].
Hoặc
tâm sự của ông trong PHÁP MÔN NIỆM PHẬT: “Phải sống trong thực tế, đừng mơ mộng
ảo huyền, toàn thứ bánh vẽ, thật sự không ích lợi gì cho kiếp sống hiện tại của
con người các con ạ!”, hay là: “Những tu sĩ và cư sĩ Phật giáo đều là những bậc
Thánh tăng, Thánh ni và Thánh cư sĩ. Vì thế trong đời sống hiện tại trên thế
gian, hằng ngày quý vị phải biết cách thức sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả
thì sự an vui hạnh phúc mới thực sự là chân thật. Do muốn biết cách thức sống
đúng đạo đức nhân bản - nhân quả nên phải
biết rõ ràng từng hành động thân, khẩu, ý của mình như thế nào đúng và như thế
nào sai giới luật, sai giới luật là phạm giới. Sống đúng giới luật là sống đúng
đức hạnh, sống đúng đức hạnh là sống thương yêu nhau, đem lại sự an vui cho
nhau. Sống phi giới luật là sống vô đạo đức, sống vô đạo đức là sống đem khổ
đau cho nhau, chẳng biết thương nhau”[6].
Những
tiếng nói của trí thức Việt trung thực, nối tiếp truyền thống từ nhiều thế kỷ
nhằm phê phán hoạt động Phật giáo - sự phê phán nghiêm khắc, chân tình, để Phật
giáo nói chung và ngôi chùa nói riêng cần trở lại linh thiêng và tiếp tục gần
gũi với tâm hồn người dân Việt, kể từ thời Bắc thuộc, nói như cố GS. sử học Trần
Quốc Vượng: “đạo Phật thấm vào lòng người dân Việt cổ như nước thấm vào lòng đất”,
và “Phật giáo trở thành một tư tưởng dân tộc và tổ chức Phật giáo (tăng đoàn,
cư sĩ, Phật tử) trở thành một lực lượng dân tộc” [7].
_______________
[1] Đại
việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb KHXH, HN 1972, tr.289.
[2].
Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập II, NXB Văn học, HN 1976, tr.196.
[3].
Đại việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb KHXH, HN 1972, tr.156.
[4].
Thơ văn Lý Trần, Tập III, NXB Văn học, HN 1978, tr.145.
[5].
http://phatphapchanthat.blogspot.com/2013/03/su-ong-thich-thong-lac-neu-ra-nhung-gia.html.
[6].
Văn Hóa Phật giáo truyền Thống, Lời nói đầu, tập II, Nxb Tôn Giáo, HN 2011.
[7].
Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nhiều tác giả, Viện triết
học, HN 1986, tr.141.