Nếu bạn không nhìn tôi với sự trống rỗng trong bạn thì câu trả lời của tôi cho bạn là vô ích. Nó sẽ chỉ là sự phản ánh chính bạn thôi. Bạn soi tôi để thấy chính bạn thôi, chứ không thấy tôi. Nếu tôi trống rỗng, bạn trống rỗng thì đó sẽ là hai tấm gương soi vào nhau và chúng ta sẽ thấy nhau...


Tất cả chúng ta đều phải trở về nhà theo cách của mình

NGUYỄN ĐIỆP HOA

Khoảng những năm 1995 -1998, những người quan tâm và tìm kiếm về tâm linh bắt đầu đưa cho nhau đọc những bản copy không rõ ai dịch, không rõ từ đâu, nhưng những lời lẽ trong cuốn sách đầy mê lực và có sức thức tỉnh lòng người vô cùng mạnh mẽ. Cái tên Osho được biết đến có lẽ từ đó, hay từ trước đó một chút nữa ở Việt Nam. Rất ít người khi đó biết được rằng con người vĩ đại và đầy phi thường chỉ mới qua đời năm 1990. Ông gần như sống cùng thời đại với chúng ta, tiếc rằng, chỉ gần đây, khi hàng chục cuốn sách của Osho được dịch và giới thiệu ở Việt Nam thì chúng ta cũng mới biết nhiều đến ông với những tư tưởng vĩ đại và đặc sắc.

Osho tên thật là Rajneesh Chandra, sinh năm 1931 tại một ngôi làng nhỏ ở miền trung Ấn Độ. Ông được coi là một trong những đại diện tư tưởng xuất sắc nhất mọi thời đại. Có những đánh giá nói rằng Đức Phật đã trở lại trái đất sau 25 thế kỷ qua ông, rằng ông là một kẻ “nổi loạn” và là kẻ “nguy hiểm nhất” chỉ sau Jesus.

Nhân loại vừa yêu ông, vừa sợ ông. Ông giống như ánh hào quang làm hoảng sợ và chói mắt những kẻ nô dịch người khác bằng mọi tư tưởng và luận thuyết cứng nhắc, giáo điều, nhưng bản thân lại đầy ý thức nô lệ. Mục đích của các thông điệp của ông là nhằm đánh thức nhân loại đang trong cơn mê của những sự nhầm lẫn căn bản nhất về ý nghĩa của sự tồn tại của con người. Sự xuất hiện của Osho và tư tưởng của ông giống như một dự báo về một nhân loại mới, về một thời đại mới mà ở đó, tất yếu con người phải “trở về”, phải tìm thấy sự hợp nhất với hiện hữu, với chân lý. Osho dường như đã xuất hiện như một người thầy dẫn đường.

Osho có nét của một nhà truyền giáo, nhưng bản thân ông không theo một tôn giáo nào. Khi còn nhỏ, 7 năm đầu đời, ông sống với ông bà ngoại và không hề đến một trường lớp nào. Nhưng chính trong một môi trường “vô giáo dục” như thế – điều được ông coi là một phúc lành, một tư tưởng vĩ đại nhất đã chạm đến tâm hồn còn như một trang giấy mới trắng tinh của cậu bé Rajneesh Chandra: “Tôi đảnh lễ dưới chân những ai đã biết chính mình…” qua bà ngoại của cậu, một phụ nữ chân quê, thất học, nhưng đầy sáng suốt. Toàn bộ tư tưởng của Osho đều được xoay quanh điều quan trọng nhất này: Biết chính mình. Ông nói: “Tính tâm linh, đối với tôi, đơn giản chỉ có nghĩa là phát hiện chính mình”.

Osho dành cả đời mình để chỉ làm một việc: Giúp mọi người, và về sau là giúp “những kẻ tìm kiếm” phát hiện chính mình. Đây cũng chính là hạt nhân trong tư tưởng của ông. “Biết chính mình”, hay biết “tôi là ai” là câu hỏi của bản thân mỗi người và họ phải tự đi con đường của mình để trả lời câu hỏi này. Câu hỏi đơn giản, nhưng quan trọng nhất này cũng là câu hỏi khó nhất bởi vì nó chạm tới bản thể. Trả lời câu hỏi này đòi hỏi cả một hành trình dài đằng đẵng, nhiều kiếp, bởi vì đơn giản là qua quá nhiều triệu kiếp, con người đã đi sai đường. Thay vì đi vào trung tâm, nó ngày càng đi ra ngoại vi. Một trong những sai lầm lớn nhất của con người, theo Osho, là nhầm lẫn về thể xác và tâm trí. “Bạn không phải là tâm trí bạn, bạn cũng không phải thân thể bạn”, ông nói. Vì thế, ông hướng dẫn, đầu tiên bạn phải học nhận ra cơ thể bạn không phải bạn, rồi sau đó, mới đến tâm trí. Thể xác và tâm trí sẽ mất đi, nhưng bạn thì vĩnh cửu. Vì vậy, cái vĩnh cửu này, hay cái bản thể, hay chân lý phải được tìm ra, hay nói khác đi, “bạn phải trở về nhà”. Một khi trở về, bạn nhận ra mình là một phần của cái toàn thể, bạn là một với hiện hữu, bạn đã tìm thấy Thượng đế.

Triết học của Osho không phải là để nghiền ngẫm mà để thực hành. Để “trở về”, thiền định là phương tiện chính, là then chốt. Ông nói:” Thiền định không là gì khác ngoài sự rút lui của mọi loại rào chắn - những tư tưởng, cảm xúc, tình cảm - những cái tạo ra bức tường giữa bạn và hiện hữu. Cái khoảnh khắc chúng rơi rụng đi, bạn đột nhiên tìm thấy chính mình hòa điệu với cái toàn bộ. Không chỉ hòa điệu, bạn thực sự là một với cái toàn bộ”. Osho đưa ra 112 phương pháp thiền, trong đó thiền động được coi là một phương pháp hết sức độc đáo. Nguyên lý của thiền động đơn giản là bạn phải tập trung vận động điên cuồng trong một thời gian ngắn để tống hết tất cả những rác rưởi dồn ứ trong bạn, những lo âu, phiền muộn, âm mưu, hằn thù, oán giận, căng thẳng… ra ngoài, rồi sau đó bạn mới có thể tĩnh lặng.

Nơi chứa chấp tất cả những rác rưởi, tạo thành lớp lớp rào cản, như những đám mây dày đặc che kín bầu trời này, chính là tâm trí con người. Ở đây, bạn phải học để nhận ra tâm trí bạn chẳng phải cái gì khác mà chính là bản ngã, được làm nên bởi những rác rưởi, dục vọng, ham muốn của con người. Cả những cái gọi là “tri thức”, hãy tự hỏi xem, có cái gì từ bạn mà ra không, hay nó là từ ngoài đi vào? Nếu bạn có tri thức, bạn sẽ chỉ là học giả, nhưng bạn sẽ mãi mãi không là một người thông minh và trí tuệ, bởi vì sự sáng suốt, trí tuệ thật sự là cái đi từ bên trong ra. Chỉ khi nào những đám mây dày đặc của những cái không phải của bạn, không phải là bạn, tan đi thì mặt trời mới hé rạng, giọt nước đã hòa vào đại dương, bạn mới tìm thấy mình; hay chỉ khi bạn từ chối chính bạn, khi bạn biến đi, thì hiện hữu lao về phía bạn, đi vào bạn - theo diễn đạt của Osho.

Từ nguyên lý nhất thể xem con người là một phần hợp nhất với hiện hữu, Osho đã xem xét và thuyết giảng về những vấn đề căn bản liên quan tới tâm linh như sự sống, cái chết, sự bất tử, tự do, tình yêu, tình dục… và rất nhiều vấn đề xã hội khác, từ đó ông hướng dẫn các giá trị sống đích thực cho con người. Mặc dù tiếp thu rất nhiều giá trị tư tưởng, văn hóa và tôn giáo Ấn Độ, Osho không theo một tôn giáo nào.

Ông không chia sẻ các quan niệm về sự tồn tại của Thượng đế, hay Đấng sáng tạo. Ông dùng các từ ngữ “Thượng đế”, “tôn giáo”… chỉ để tải các tư tưởng của chính ông. Một trong những điểm ông phê phán mạnh mẽ nhất ở các tôn giáo là con người thường bị xem như kẻ tội lỗi và vì thế phải được dẫn dắt để gột sạch tội lỗi trong kiếp sống này. Ông phê phán gay gắt việc nhiều tôn giáo coi cuộc sống trên trái đất chỉ là nơi chuẩn bị cho một thế giới khác sau cái chết. Tinh thần của Osho hoàn toàn ngược lại.

Ông coi cuộc sống là một trải nghiệm quý giá, một cơ hội, một lễ hội, con người phải hân hoan, vui sống. Khi bạn hết lòng với giây phút hiện tại, quá khứ và tương lai không còn chỗ trong tâm trí bạn. Nó không có khả năng dựng rào cản trong tâm trí bạn nữa. Cuộc sống là ở đây, giây phút này. Những lớp học thiền định của Osho duy nhất là nơi học viên được vui chơi, nhảy múa, ca hát, tràn đầy âm nhạc, vũ điệu, hoan hỉ… trước khi đi vào tĩnh lặng. Tìm ra chính mình, con người cũng sẽ cảm nhận được Thượng đế trong bản thân mình, hay nói theo Osho, đó là tính tôn giáo, tính Thượng đế. Với Osho, không có Thượng đế, chỉ có tính Thượng đế, không có tôn giáo, chỉ có tính tôn giáo.

Một trong những vấn đề căn bản Osho bàn tới - đó là tự do. Tự do trong tư tưởng của ông về cơ bản là tự do thoát khỏi cái “tôi”. Cái “tôi” hay bản ngã chính là cái tạo ra xiềng xích. Một khi thoát khỏi cái “tôi”, con người mới thực sự có tự do, và nhờ đó tràn đầy tình yêu. Nên, xem xét tự do với Osho cũng đồng thời là xem xét tình yêu đích thực là gì. Theo Osho, tình yêu không phải là cái đến ở bên ngoài, không phải là cái ta đòi hỏi được và xin được. Tình yêu là kho báu, là suối nguồn từ bên trong của mỗi con người. Nhưng kho báu này bị che giấu bởi cái “tôi”, bởi bản ngã của con người. Khốn thay, chúng ta luôn nghĩ rằng chúng ta biết về tình yêu. Một khi nghĩ rằng mình biết rồi, ta không đi tìm nó nữa. Nên Osho dạy rằng trước tiên phải hiểu là ta chẳng biết gì về tình yêu cả. (Có ai trong chúng ta đủ dũng cảm để nói rằng tôi chẳng biết gì về tình yêu?) Chỉ những người đã vượt qua khỏi sự cần thiết phải đòi hỏi tình yêu mới bắt đầu đi trên con đường tình yêu đích thực - con đường cho đi tình yêu. “Tình yêu nghĩa là cho đi, nó không hề biết gì về đòi hỏi”, rằng “Tình yêu mà đòi hỏi thì không phải là tình yêu”, “Tình yêu chỉ tìm đến cánh cửa mà sự thèm muốn đã biến mất”.

Tình yêu là âm nhạc nội tại con người của bạn, là sự nở hoa bên trong. Nhưng, sự nở hoa sẽ không thể diễn ra bởi cái “tôi”. Chừng nào trong mỗi con người còn tràn đầy tiếng ồn của cái “tôi” thì chừng đó tình yêu còn không thể hiển lộ. Ánh sáng và bóng tối không thể tồn tại cùng nhau. Theo cùng cách ấy, tình yêu và bản ngã không thể tồn tại cùng nhau. Vì bên trong ta không có tình yêu nên cái “tôi” vẫn liên tục vang lên. Nên kẻ nào có cái ngã toàn bộ, tình yêu sẽ chết hoàn toàn trong hắn. Bạn cũng có thể nói bản ngã cũng yêu, nhưng tình yêu xuất phát từ bản ngã là tình yêu giả tạo, nó sẽ sớm trở thành xiềng xích - bộ mặt thật của nó. Nó là mưu mẹo về sự sở hữu.

Theo Osho, “tên” (như Hùng, Hiền chẳng hạn) và “tôi” - đó chẳng qua là những tiện ích xã hội để phân biệt bạn với người khác, nó chỉ mang chức năng nhãn hiệu, là hai mặt của đồng tiền. Tên để thấy được từ bên ngoài, và “tôi’’ thấy được từ bên trong. Nhưng nhầm lẫn đã dẫn đến ảo tưởng về giá trị của tên và “tôi”. Bao lâu cái ảo tưởng này còn tồn tại thì không gian dành cho tình yêu vẫn không được mở ra. Như vậy, suy cho cùng, tình yêu cũng là một hình thức của ý thức về bản thể, về nhất thể, về bản tính vũ trụ, bản tính Thượng đế của con người. Tình yêu chỉ có toàn bộ khi con người phát hiện ra chính mình.

Tuy đưa ra rất nhiều thông điệp và lời chỉ dẫn, nhưng Osho thực ra không viết sách. Toàn bộ mấy trăm tác phẩm của ông là tập hợp của hàng nghìn các bài nói chuyện đã nói ở khắp nơi trên thế giới và tại Ấn Độ, trong đó mỗi câu ông nói, mỗi dòng được ghi lại, đều chứa đựng thông tin. Hùng biện, giản dị nhưng đầy cuốn hút và thông tin dày đặc - đó là phong cách Osho. Bạn phải suy nghĩ trên mỗi dòng, mỗi trang khi đọc ông. Lý do không viết gì của Osho là ông không muốn mọi người bám lấy, hay lụy vào những điều ông nói. Ông thuyết giảng, nhưng ông nói ông không có học thuyết nào, triết học nào, tôn giáo nào… Mỗi người là duy nhất và họ phải trải qua hành trình của chính mình. Cũng như Đức Phật, ông chỉ trăng thôi, mọi người phải hướng đến mặt trăng mà quên ngón tay chỉ trăng của ông.

Con đường truyền thông cho loại “tôn giáo không có tôn giáo” theo cách nói của ông là một con đường gập ghềnh. Ông từng học triết, trở thành giáo sư đại học, rồi trở thành một đạo sư lang thang. Ông đã đi từ chứng ngộ cá nhân đến truyền đạt cho những đám đông hàng chục nghìn người, rồi cuối cùng chỉ dừng lại ở những nhóm nhỏ của những người mà ông nhận ra họ đang thực sự tìm kiếm. Ông phản đối việc thành lập một tổ chức, một tôn giáo sau lưng ông. Ông từng được chào đón, nhưng cũng từng bị xua đuổi ở nhiều quốc gia, kể cả Ấn Độ, vì ông dám đặt những câu hỏi có sức công phá đến tận gốc rễ và lật đổ những tà thuyết có sức sống hàng nghìn năm, những truyền thống văn hóa hủ bại, những sự dối trá, những sự nhầm lẫn ghê gớm của loài người…

Ông thách thức những nền tảng vững bền được bảo vệ bởi các thể chế cùng vô số các nhà tư tưởng và tâm linh qua hàng nghìn năm, và vì thế, nhiều kẻ muốn giết ông như người ta đã từng đóng đinh Jesus, đầu độc Socrate (nhà triết học Hi Lạp cổ đại)…

Osho từ biệt cõi đời nhẹ nhàng, từ chối cấp cứu. Cái chết của ông được cho là do nguyên nhân bị đầu độc bằng thallium, một chất hủy hoại hệ miễn dịch, trong thời gian ông bị bắt vô cớ và bị chuyển qua 6 nhà tù liên tiếp chỉ trong vòng 12 ngày tại Mỹ. Điều kỳ diệu là toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp đồ sộ của con người vĩ đại này giúp chúng ta không phải học hỏi về ông, mà là học hỏi về chính mình.