Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, cựu thành viên Hội đồng văn
học thiếu nhi, thổ lộ: “Tôi chỉ nói một ý đơn giản, việc tôi hay các thành viên
khác tham gia Hội đồng mong muốn làm gì đó đóng góp cho mảng văn học thiếu nhi.
Thế nhưng những hoạt động chính về Văn học Thiếu nhi của Hội từ đầu nhiệm kì X,
chúng tôi đều như người ngoài cuộc”.
VỀ VIỆC RÚT KHỎI HỘI ĐỒNG VĂN HỌC THIẾU NHI - HỘI NHÀ
VĂN VIỆT NAM
NGUYỄN XUÂN THỦY
Là một trong những người rút khỏi Hội đồng Văn học Thiếu
nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, sau khi đọc Thông báo từ phía BCH Hội có đề cập đến
một số việc của Hội đồng. tôi thấy cần nói lại một vài điểm chưa thỏa đáng như
sau:
1.
Nói về việc mời nhà văn Trần Đức Tiến làm Trưởng Ban
Văn học Thiếu nhi, Thông báo của Hội viết rằng “Nhà văn Trần Đức Tiến nhận lời
với điều kiện cho ông toàn quyền chọn lựa các thành viên của Ban Văn học thiếu
nhi. BCH Hội đã chấp thuận điều kiện của nhà văn Trần Đức Tiến. Đây là việc làm
không có tiền lệ trong BCH những nhiệm kỳ trước đây khi thành lập các hội đồng
và ban công tác của Hội Nhà văn Việt Nam”.
Việc nhà văn Trần Đức Tiến tiến cử chúng tôi làm thành
viên Hội đồng, và BCH “chấp thuận” cũng là việc bình thường. Các anh ưu ái, yêu
chiều nhau trong vấn đề thiết lập nhân sự thế nào đó là chuyện phía sau, các
anh thân và hiểu nhau thì tự biết, không nên văn bản hóa ra như thế. Vả lại, mỗi
thành viên Hội đồng cũng có những giá trị cá nhân và cống hiến riêng với Hội chứ
đâu phải chỉ vì nhà văn Trần Đức Tiến tiến cử chúng tôi mới “được vào”. Có phải
anh Tiến móc chúng tôi từ trong túi ra trình lên BCH đâu! Đa số chúng tôi cũng
đã tham gia công tác Hội từ nhiệm kì trước, tôi (Nguyễn Xuân Thủy), nhà văn
Phong Điệp, nhà thơ Thụy Anh đều là thành viên Ban Nhà văn Trẻ, tham gia thực
hiện Sân thơ Trẻ nhiều năm; nhà văn Phong Điệp từng tham gia Hội đồng Văn xuôi;
nhà thơ Thuỵ Anh từng tham gia Hội đồng Văn học dịch; riêng nhà văn Phong Điệp
trước đây còn là người của Hội, từng nhiều khóa tham gia Ban Nhà văn Trẻ chứ
đâu phải xa lạ gì.
2.
Thông báo có đoạn: “Sau đó, nhà văn Trần Đức Tiến đề
nghị BCH thay đổi tên gọi Ban Văn học thiếu nhi thành Hội đồng Văn học thiếu
nhi. Vì sự nghiệp phát triển văn học thiếu nhi, BCH đã chấp thuận đề nghị của
nhà văn Trần Đức Tiến và Ban Văn học thiếu nhi được đổi thành Hội đồng Văn học
thiếu nhi (VHTN), do ông làm Chủ tịch Hội đồng”. Tôi thấy diễn đạt như thế kẻ cả
và không thỏa đáng.
Việc nâng cấp lên Hội đồng không thể là chuyện từ ý
chí của một cá nhân, nếu Hội không có kì vọng phát triển mảng văn học này và thực
sự muốn nó rõ nét và màu sắc hơn, tương tác với bạn đọc nhỏ tuổi cao hơn.
Thực ra đề đạt đó được nhà văn Trần Đức Tiến đưa ra
trong cuộc họp triển khai công tác năm của Ban Văn học Thiếu nhi (có Chủ tịch Hội
dự) diễn ra tại Trụ sở Hội sau cuộc họp chung. Nhưng dù có chuyện nhà văn Trần
Đức Tiến đề nghị riêng thì cũng không nên diễn giải như vậy, dễ bị hiểu theo hướng
nhà văn Trần Đức Tiến có “quyền lực ngầm ghê gớm” và từ phía BCH là “chúng tôi
đã chiều anh đến thế mà anh còn phá” cho những bất đồng sau này.
Hơn nữa, như thế, người ta cũng có quyền hiểu, cả BCH
đã bị “thao túng” bởi một người ở phía ngoại biên, rất xa. Cũng có thể hiểu là
các thành viên BCH thụ động, người ta bảo thế nào thì nghe thế. Thế thì BCH điều
hành các hoạt động Hội kiểu gì? Đâu là trí tuệ và những đóng góp của tập thể?
3.
Cần phân định rõ việc nhà văn Trần Đức Tiến rút khỏi
vai trò Chủ tịch Hội đồng (tháng 1 năm 2022) và việc nhóm 5 nhà văn (Nguyễn Thụy
Anh, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy, Văn Thành Lê, Nguyễn Kim Hòa) quyết định rút
6 tháng sau đó mà Thông báo của Hội không một từ nhắc đến.
Đó là hai câu chuyện riêng cũng như có những khác biệt.
Bởi sau khi nhà văn Trần Đức Tiến và nhà thơ Cao Xuân Sơn rút thì chúng tôi vẫn
tiếp tục ở lại làm việc (sau khi đã góp phần hết mình vào việc hàn gắn và giữ
chân các anh mà không được, điều này có nhà văn Trần Đức Tiến và nhà thơ Cao
Xuân Sơn biết và các bản chat hiện vẫn còn lưu lại trên nhóm, các thành viên đều
nắm được). Chúng tôi đã thẳng thắn nêu quan điểm, nói về những bất cập cũng như
việc sử dụng đúng vai trò của Ban Văn học Thiếu nhi (hay như tên gọi sang trọng
hiện tại là Hội đồng) cũng như đề xuất việc kiện toàn nhân sự để tiếp tục vận
hành với đại diện Hội là Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều. Thế nhưng sau đó không có
một vọng âm, có thể do anh Thiều quá bận với những công việc khác của Hội, mọi
thứ bị bỏ lửng không đả động hay có một deadline giải quyết.
6 tháng sau, sau Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc,
chúng tôi mới quyết định rút. Hành động này là độc lập, tự nguyện từ mỗi cá
nhân, nhưng tựu trung là mọi người không còn kiên nhẫn để chờ đợi phản hồi từ
phía Hội.
4.
Lí do rút chúng tôi đã trình bày ngắn gọn và đầy đủ
trong đơn, minh bạch, rõ ràng, mọi thứ không hề trái với phát ngôn, đề đạt trực
tiếp, chính danh của chúng tôi với Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều trước đó, xin
phép không nói lại. Tôi chỉ nói một ý đơn giản, việc tôi hay các thành viên
khác tham gia Hội đồng mong muốn làm gì đó đóng góp cho mảng văn học thiếu nhi
thế nhưng những hoạt động chính về Văn học Thiếu nhi của Hội từ đầu nhiệm kì X
chúng tôi đều như người ngoài cuộc. Từ việc Phát động sáng tác cho thiếu nhi (đồng
thời với trao Giải thưởng Tác giả Trẻ) tôi cũng không được mời tham dự (chưa
nói đến công tác chuẩn bị, như việc thảo luận để hướng tới việc phát động viết
cho thiếu nhi như thế nào, cần hướng tới những mục tiêu gì… không biết Hội có đề
ra hay không vì chúng tôi cũng hoàn toàn không biết); đến việc tổ chức Trại
sáng tác Văn học Thiếu nhi sau đó cũng vẫn ở tình trạng chúng tôi chỉ biết về
nó khi đọc web Hội (điều đáng nói là Trại sáng tác này diễn ra sau khi nhà văn
Trần Đức Tiến rút bởi những bất đồng về Giải thưởng năm 2021 và chúng tôi đã có
những kiến nghị rất cụ thể sau đó). Vậy thì Hội đặt vai trò của Ban Văn học Thiếu
nhi mới được nâng cấp lên Hội đồng ở đâu?
Những việc nêu trên là sự thật, tôi không bịa ra được.
Trong Thông báo của BCH có đoạn: “Một trong những nhiệm
vụ quan trọng của BCH Hội khóa X đề ra là thúc đẩy văn học thiếu nhi sau một thời
gian dài có rất ít tác phẩm văn học về đề tài thiếu nhi được bạn đọc nhỏ tuổi
Việt Nam quan tâm”. Nhưng nhìn vào những điều vừa nêu liệu có cho thấy hướng đến
mục tiêu về văn học thiếu nhi mà Hội xác định trong nhiệm kì hay không? Còn nhiều
việc khác Hội đã làm được và làm tốt trong nhiệm kì chúng tôi đều biết chứ
không phải vì sự việc này mà đánh đồng tất cả, nhưng những gì chưa đúng chúng
tôi vẫn phải lên tiếng.
Sự việc này chúng tôi đã coi là việc nội bộ, với ý thức
và trách nhiệm của một hội viên chúng tôi chỉ gửi thư rút và đi làm việc khác,
coi như không có sự ăn ý thì thôi, mình có những hoạt động của riêng mình,
tránh những phát ngôn làm phương hại đến cá nhân và tập thể. Việc nó bị đưa ra
báo chí là từ những nguồn khác, không phải từ chúng tôi. Chúng tôi đã không
phát ngôn trên facebook và từ chối mọi trả lời từ báo chí khi các báo hỏi. Tuy
nhiên, khi đọc thông báo chính thức từ Hội Nhà văn thì tôi thấy mình cần có
trách nhiệm lên tiếng để nói rõ hơn mọi chuyện. Cũng xin phép không bàn thêm về
vấn đề này.
Nguồn: Facebook Nguyễn
Xuân Thủy