Không riêng gì nhà giáo dạy văn sau là nhà thơ
Hoàng Hưng “đi tìm mặt mình”. Cả một thế hệ lúc ấy, và các thế hệ sau ông đã
trăn trở “đi tìm mặt mình”, cũng tức là đi tìm ý nghĩa tồn tại của mình, tìm
nghĩa lý cuộc sống.
NGƯỜI ĐI TÌM MẶT HAY NGƯỜI ĐI TÌM AI?
MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN
Bài viết rất hay “NGƯỜI VỀ- GƯƠNG MẶT NHÌN TỪ
PHÍA KHÁC” của nhà giáo-nhà phê bình văn học Lê Hồ Quang giúp tôi nhớ lại cái ấn
tượng khi lần đầu được đọc bài “Người đi tìm mặt” của nhà thơ Hoàng Hưng vài chục
năm trước… Hôm nay đọc lại, tôi còn chợt nhận ra ở bài thơ đó thông điệp về
khát vọng đi tìm nhân vật thẩm mỹ của nhà thơ cho sự nghiệp văn chương riêng
mình.
Ta đói mặt
người ta khát mặt ta
Ta vọng
mặt em mặt em ở đâu?
Đốt đuốc
từ ngữ
Thơ tìm
giúp mặt thơ ơi!
Mình đi
tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt
Không riêng gì nhà giáo dạy văn sau là nhà thơ
Hoàng Hưng “đi tìm mặt mình”. Cả một thế hệ lúc ấy, và các thế hệ sau ông đã
trăn trở “đi tìm mặt mình”, cũng tức là đi tìm ý nghĩa tồn tại của mình, tìm
nghĩa lý cuộc sống - “Thơ tìm giúp mặt thơ ơi!” - khi mà hệ thống tuyên truyền
- giáo dục chính thống cố nhồi nhét những tín điều xa lạ khét lẹt máu và thuốc
súng, khi mà nền mỹ học Mao-ít chỉ mong biến văn nghệ sĩ thành những "thừa
sai" trung thành, cái loa phát ngôn cho người cầm quyền đang sống chết bảo
vệ những quyền lợi của tầng lớp quý tộc mới bằng mọi giá - kể cả chà đạp lên mọi
quyền cơ bản của con người mà họ vẫn rêu rao…
Những nhà văn, nhà thơ trẻ như Hoàng Hưng thời
ấy, “Đêm xuống rồi/ Ta lẻn/ Đi tìm mặt mình”, đang mê mải say sưa đi tìm “nhân
vật thời đại” thật sự cho cảm hứng sáng tác của mình, thì đã bị giăng “lưới
thép tư tưởng” - than ôi, lại do một số văn nghệ sĩ đáng kính lớp trước bị thần
phục tung ra theo lệnh trên, ví như những dòng phán xét này:
“Trở về Thủ đô mới trên một năm là có người đã
viết trong Giai phẩm mùa xuân:
Những
con người của chúng ta/ Đang lờ mờ xuất hiện/ Le lói hy vọng…
Những con người nào vậy? Chắc chắn không phải
là những con người như Lê Văn Thọ, Phan Đình Giót, Ngô Gia Khảm, Nguyễn Thị
Chiên […] Không, những con người của Giai phẩm mùa xuân đúng là cái đám người
cũ bị dồn vào một góc và đang ngoi đầu dậy. Những con người hư hỏng ấy trong
bao lâu bị chính nghĩa dồn ép, nay có hoàn cảnh ngoi đầu dậy là chúng liền phá
vỡ nước sơn CM mong manh. Chúng nó quật dậy với ý định trả thù, táo tợn hung
hăng lại càng cho mình là dũng cảm”, rồi ông ấy đã dùng “chùy thép” ngôn từ
giáng không thương tiếc xuống tư cách, nhân thân của những người theo ông là “bọn
phản nghịch”, là quân “mưu mô làm chính trị phản động”, bọn mang “nọc độc”, lũ
“chuột dịch” “định kiếm chác một món to”.
Phải, nhà thơ đau đáu và dũng cảm “đi tìm mặt”
ấy đã viết giữa một một thời kỳ dài mà “nhân vật anh hùng thời đại” (không phải
theo kiểu của I. M. Lermontov) bắt buộc phải hiểu là nhân vật thuộc tầng lớp
Công - Nông - Binh, cốt lõi là “Tư tưởng văn nghệ ở Diên An” của Mao, được bao
bọc, trang điểm bằng các lý thuyết văn học & mỹ học của Mác - Ăng-ghen - Lê
Nin, Timofeev, Jăng Phơ-rê-vin, Iu.B. Bô-rép, v.v. Công - Nông - Binh mang khát
vọng & tư thế: “Mỗi con người lấp lánh một ngôi sao” như nhà thơ Tố Hữu định
nghĩa và đòi hỏi, dù có cơ sở thực tế nhất định, song điều tai hại là đã mang
trong nó mầm mống của sự kiêu ngạo, bất chấp quy luật khách quan Lịch sử, bất
chấp nền tảng của Nhân văn, và nhất là nó sẽ đẻ ra tư tưởng thống trị Nhân dân
khi sự phân liệt giàu nghèo ngày một rõ rệt của một xã hội tiêu thụ thắng thế!
“Người đi tìm mặt” sau khi “vỡ mặt”, trở thành
“Người về từ cõi ấy”, thành “kẻ xa lạ” thì cũng hơn ai hết hiểu rõ sự thật cay
đắng này: khi một viên chức cấp cao thuộc tầng lớp “quý tộc mới” đương sống giữa
biệt thự và các tiện nghi hiện đại cao giọng lên án một lão nông Đảng viên
nghèo là “ác bá cường hào”, có thể thấy rằng ông ta không giả dối đóng kịch
chút nào, mà rất chân thực chân thành. Bởi trong máu ông ta, từ lúc còn là học
trò, đã nhiễm tư tưởng “Ngôi Sao”, tức là cái đặc quyền đặc lợi đương nhiên được
hưởng đối với gia đình mình, với giai tầng của mình; do đã có công lớn trong sự
nghiệp đấu tranh giải phóng Dân tộc và Giai cấp nên tự cho cái quyền được ban
ơn hay trừng trị, quyền sai khiến luật pháp! Dù một số người như ông ta kết cục
đã bị đưa vào “lò đốt” của Tổng Bí thư, nhưng “bầy sâu” ngày một sinh sôi nảy nở,
đe dọa nhấn chìm “khuôn mặt đích thực” của kiểu con người cần phải tồn tại để cứu
vớt xã hội!
Công
viên chiều đẹp quá và lịch sự đến thành xa lạ
Tường vi
nở mưa trên gạch đỏ
Mặt họ
no đủ quá
Họ vui dễ
thế kia
Cả một
mùa hoa tím nhợt đi
Trong nắng
hạ.
Người ơi
người đời ta biết có
Mấy ngày
vui?
Đi tìm mặt
mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình
Nhân vật xả thân hy sinh cho Tổ quốc - Đồng
bào giờ chỉ còn là hình ảnh trong các phim “cúng cụ” đắt tiền được trình chiếu
trong các Đại lễ kỷ niệm. Còn ngoài đời, dành cho thanh thiếu niên bao lâu nay
dường chỉ là các nhân vật thành đạt xài ô tô BMW, LEXUS, có lâu đài đồ đạc dát
vàng mà giới truyền thông quảng bá cổ vũ… Cạnh đó, sự yếu kém, thất bại của
ngành Giáo dục đang bị thương mại hóa đã làm tê liệt dần tinh thần sáng tạo, ý
thức phản biện trong thanh thiếu niên, và đang tạo ra một tâm thế xã hội: “Quyền
lực ở phía này, sự sợ hãi ở phía kia, luôn luôn là những cột trụ trên đó uy quyền
phi lý được xây dựng” (Power on the one side, fear on the other, are always the
buttresses on which irrational authority is built), như nhà tâm lý học người Đức
Erich Fromm từng nói.
Nhà thơ từng “ Tồn tại trong sự tuyệt vọng” chắc
chắn chưa lúc nào quên đi cái giấc mộng về “Nhân vật thời đại” lý tưởng của
mình; kể cả lúc “Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui/ Hai năm còn mộng toát mồ
hôi” cũng khắc khoải nghĩ đến:
Những
con người của chúng ta
Đang lờ
mờ xuất hiện
Le lói
hy vọng…
Vậy, “Những con người của chúng ta” đó hiện giờ
là ai, và đang ở đâu? Sự “lờ mờ xuất hiện” của nó từ hơn nửa thế kỷ trước làm cả
xã hội “le lói hy vọng”, phải chăng là những con người mang phẩm chất mà Phan
Tây Hồ tiên sinh đã mong mỏi, với phương châm "tự lực khai hóa" và tư
tưởng dân quyền, nhằm Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh? Nhà thơ Hoàng
Hưng trong khi vất vưởng khắc khoải “đi tìm mặt mình” đã thốt lên:
Đốt đuốc
lên
Cho ta
đi tìm!
Đốt đuốc
lang thang
Bàn chân
bụi đất
Đốt đuốc
tốc độ
Cháy
vòng bánh xe
Đốt đuốc
ái tình từng chiếc hôn đắm say hờ hững
Đốt đuốc
nhịp điệu
Đất trời
loảng xoảng nghịch âm
Đốt đuốc
sắc màu
Cuộn quặn
mặt trời Van Gogh
Đốt đuốc
từ ngữ
Thơ tìm
giúp mặt thơ ơi!
Mình đi
tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt
Những câu thơ xót đau, trăn trở đến thảng thốt
của nhà thơ trong quá trình “đi tìm mặt mình” đã khiến lão thi sĩ Hoàng Cầm nhận
xét: “Phải viết để phơi gan, giãi óc trước cuộc đời mà anh yêu, lắm phen yêu đến
cuồng nộ khi chẳng may cái mình yêu lại trở mặt phũ phàng với mình. Quá yêu nên
mới mải mê tìm – tìm một hình thù giải đáp”.