Bỗng dưng xuất hiện cái bảng vàng vinh danh của “Hội đồng Thơ Báo
Facebook nhân loại”. Có tên tuổi, địa chỉ những người được gọi là “nhà thơ”
được vinh danh. Đó là những người “đã có thành tích đóng góp cho nền Thơ Báo
Facebook nhân loại năm 2022”.
LOẠN DANH, HÁO DANH
HẢI ĐƯỜNG
Chuyện
như từ ngày xửa ngày xưa. Chuyện từ đông sang tây, từ nam sang bắc, từ anh chân
trắng tới người có chức sắc tầm tầm đến tót vời đều có thể nhiễm bệnh này. Lại
nói thêm, không chỉ trong lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà cho tới người
trưởng thành đến khi già lão đều vẫn có thể ham hố chuyện này.
Chuyện
gì vậy? Thưa rằng, háo danh!
Gần
đây bỗng dưng xuất hiện cái bảng vàng vinh danh của “Hội đồng Thơ Báo Facebook
nhân loại”. Có tên tuổi, địa chỉ những người được gọi là “nhà thơ” được vinh
danh. Đó là những người “đã có thành tích đóng góp cho nền Thơ Báo Facebook
nhân loại năm 2022”. Nhưng muốn được ghi tên trang trọng trên bảng vàng thì
phải đóng góp từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng. Ôi trời là sự mất giá của cái
gọi là thơ! Cũng có người tặc lưỡi, chả sao cả, ai thích thì cứ mua danh, “thơ
đích thực không bao giờ tự nản” (Trúc Thông). Nhưng số đông thì lắc đầu, lắc
đầu một cách “quyết liệt”: phải cấm ngay trò nhố nhăng này. Nó đích thị là trò
cười, là vết thương lở loét lâu năm, “hữu danh vô thực”.
Thơ
hay, thơ đích thực vốn đẹp và sang trọng. Thơ hay như những hạt muối kết tinh
từ lòng biển, nước biển sẽ bay đi, còn lại là vị muối mặn mòi, thứ muối không
thể làm giả. Có nhà văn nói giản dị hơn, rằng văn chương như cơ bắp của mình,
không năng rèn luyện thì nó cũng bị teo đi. Ngay cả những người được cấp thẻ
hội viên các hội văn học, thường thì “nhà thơ” nhiều nhưng thi sĩ đích thực thì
ít. Vậy nên có người lầm tưởng, có người tự phong, tự gắn mác cho mình. Đáng sợ
nhất là chuyện in thơ, trao giải thơ, công bố thơ một cách tràn lan. Từ đây dẫn
đến chuyện chạy vào Hội, chạy Giải, chạy Danh. Một nhà văn trẻ nói với tôi
rằng: “Em đến khổ với cái ông này, ngày nào cũng nhận được thơ rởm “tống đạt”
vào zalô”. Vâng ông không chỉ tống đạt vào zalô của một người mà là hàng trăm
người. Lại có cả những bài bình luận, sáo rỗng, khen đến tận mây xanh, “khen
cho chết”.
Một
thứ háo danh khác đang ồn ào trong dư luận là tình trạng loạn hoa hậu. Thi hoa
hậu, nên chứ, tôn vinh cái đẹp là câu chuyện của Việt Nam, của thế giới. Nhưng
tổ chức thế nào, quy mô ra sao, tiêu chí xét chọn? Bàn thảo chưa thấu đáo mà
các cuộc thi đã nở rộ như nấm sau mưa. Chưa bao giờ ở nước ta có lắm cuộc thi
hoa hậu như bây giờ. Theo báo cáo của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm 2022 cả
nước sẽ có khoảng 25 cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức. Không làm sao
nhớ nổi tên các cuộc thi hoa hậu, tên các hoa hậu được tôn vinh. Lại có cả
những cuộc thi trùng tên như “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”. Nhà tổ chức thông báo
về một cuộc thi hoa hậu: Chúng tôi rất hài lòng, cuộc thi này có những em có
chiều cao khủng nhất từ trước tới nay, 1 mét 85; có em vòng hai nhỏ nhất từ
trước tới nay, 58 cm. Vâng, vẻ đẹp hình thể cần thiết lắm, nhưng sao các vị
không tìm thấy những cái nhất khác về trí tuệ, về cái đẹp phổ biến của phụ nữ
thời này?
Không
chỉ “loạn” danh hiệu hoa hậu mà còn “loạn” nhiều thứ khác: Ngôi sao văn học,
ngôi sao âm nhạc, nữ hoàng điện ảnh, nữ hoàng sân cỏ…Những ứng cử viên nhiệt
tình và kiên nhẫn xếp hàng dài từ ngã ba đến phòng họp của Ban giám khảo. Mãi
rồi cũng được gọi là “tài danh”, “nổi danh”.
Háo
danh, suy cho cùng là sự ham muốn, thèm khát một cái tên định vị cho mình,
trong mối tương quan của cá nhân với cộng đồng. Thời phong kiến, ở làng xã phải
nộp tiền để mua danh, nói hình tượng rằng “muốn đỏ môi thì phải tốn tiền”. Chẳng
hạn như “kỳ mục” là danh vị mà làng nào cũng có. Ai đã làm quan như hương
trưởng, lý trưởng, phó lý, chánh tổng, phó chánh đã làm được ba năm mà chưa bị
trách phạt thì mới được dự vào hạng kỳ mục. Đương nhiên, vào hạng này rồi thì
sẽ được hưởng các bổng lộc khác.
Thế
nhưng, các cụ nhà ta cũng dặn rằng, phải coi chừng “mua danh ba vạn, bán danh
ba đồng”. Không có danh không sợ, sợ nhất là danh hão, danh suông.
Thời
gian như bóng câu qua cửa. Trâu chết để da, người chết để tiếng. Hãy để tiếng
thơm cho đời và loại bỏ các loại danh hão. Tôi nhớ đến hai câu thơ trong bài
MỪNG THU của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm : “Ngày mai say tỉnh đều ra đất/ Còn lại
vầng trăng lặng lẽ soi”.
Nguồn: Facebook Hải Đường