Sau khi 7 thành viên xin rút, Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam chỉ còn lại hai thành viên vốn rất ít quan tâm đến hoạt động Hội là nhà văn Đoàn Thạch Biền và nhà văn Lê Minh Nhựt. Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam lý giải điều này ra sao?


Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam vốn có 9 thành viên. Thế nhưng, lần lượt Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi là nhà văn Trần Đức Tiến và các thành viên Cao Xuân Sơn, Nguyễn Thụy Anh, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thy, Văn Thành Lê và Nguyễn Thị Kim Hòa lần lượt xin từ nhiệm. Hội đồng văn học thiếu nhi hiện tại chỉ còn lại hai thành viên là nhà văn Đoàn Thạch Biền và nhà văn Lê Minh Nhựt.

Xung quanh sự tan rã của Hội đồng văn học thiếu nhi, có không ít thị phi. Theo nhà văn Trần Đức Tiến và các thành viên khác thì ý kiến chuyên môn của họ đã không được Ban chấp hành Hội Nhà văn VN xem trọng, cho nên họ cảm thấy không thể hợp tác.

Sau nhiều ý kiến qua lại trên báo và trên mạng xã hội, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có văn bản cbisnh thức về những vấn đề của Hội đồng văn học thiếu nhi. Nguyên văn như sau:

“Về những vấn đề của Ban Văn học thiếu nhi, nay là Hội đồng Văn học thiếu nhi:

1-

 Kế tục truyền thống những nhiệm kỳ trước, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 vẫn thành lập Ban Văn học thiếu nhi như ban công tác giúp việc cho Ban chấp hành Hội.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban chấp hành Hội khóa X đề ra là thúc đẩy văn học thiếu nhi sau một thời gian dài có rất ít tác phẩm văn học về đề tài thiếu nhi được bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam quan tâm.

Chính vì vậy, Ban chấp hành đã chú ý đặc biệt đến Ban Văn học thiếu nhi và mời nhà văn Trần Đức Tiến, một người có những sáng tác văn học thiếu nhi chất lượng và đóng góp cho phong trào văn học thiếu nhi những năm qua để làm Trưởng ban công tác này.

Nhà văn Trần Đức Tiến nhận lời với điều kiện cho ông toàn quyền chọn lựa các thành viên của Ban Văn học thiếu nhi. Ban chấp hành Hội đã chấp thuận điều kiện của nhà văn Trần Đức Tiến. Đây là việc làm không có tiền lệ trong Ban chấp hành những nhiệm kỳ trước đây khi thành lập các hội đồng và ban công tác của Hội Nhà văn Việt Nam.

Sau đó, nhà văn Trần Đức Tiến đề nghị Ban chấp hành thay đổi tên gọi Ban Văn học thiếu nhi thành Hội đồng Văn học thiếu nhi. Vì sự nghiệp phát triển văn học thiếu nhi, Ban chấp hành đã chấp thuận đề nghị của nhà văn Trần Đức Tiến và Ban Văn học thiếu nhi được đổi thành Hội đồng Văn học thiếu nhi, do ông làm Chủ tịch Hội đồng.

2.

Vào cuối năm 2021, trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, việc xét Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thường niên của các Hội đồng Sơ khảo (cũng đồng thời là các hội đồng chuyên môn) đều tiến hành qua email hoặc họp trực tuyến.

Ban Sáng tác của Hội đã trình lên Hội đồng Chung khảo kết quả đề cử từ các Hội đồng Sơ khảo như sau: Văn xuôi có 2 tác phẩm, Thơ có 3 tác phẩm, Lý luận phê bình có 5 tác phẩm, Dịch thuật có 3 tác phẩm, Văn học thiếu nhi có 2 tác phẩm.

Tại kỳ họp chiều ngày 28.12.2021, Ban Sáng tác báo cáo cho Hội đồng Chung khảo từng biên bản cụ thể của các Hội đồng Sơ khảo. Riêng phần Hội đồng văn học thiếu nhi, biên bản do Chủ tịch Trần Đức Tiến ký có kết quả, nguyên văn như sau:

“A. Sau khi đọc toàn bộ tác phẩm tham dự xét tặng giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội năm 2021, Hội đồng Văn học thiếu nhi đã tiến hành lấy ý kiến đề cử của từng thành viên.

Kết quả như sau:
1. Cà Nóng chu du Trường Sa – Bùi Tiểu Quyên, truyện dài, Nxb Kim Đồng 2021: 07 đề cử.

2. Cá voi Eren đến hòn Mun – Lê Đức Dương, truyện dài, Nxb Kim Đồng 2021: 06 đề cử.

3. Mùa tiểu học cuối cùng – Lê Văn Nghĩa, truyện dài, Nxb Kim Đồng 2021: 05 đề cử.

4. Đi trốn – Bình Ca, truyện dài, Nxb Hội Nhà văn, 2020: 01 đề cử.

5. Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm – Cao Khải An, truyện dài, Nxb Kim Đồng, 2021: 01 đề cử.

(Không có tập thơ nào được đề cử).

B. Hội đồng tiếp tục lấy ý kiến của các thành viên về việc chọn số tác phẩm đề cử để Ban Chấp hành xem xét, quyết định.

Kết quả:

– 07 (bảy) ý kiến chọn 02 (hai) tác phẩm có số đề cử cao nhất.

– 02 (hai) ý kiến chọn cả 03 (ba) tác phẩm có số đề cử quá bán.

C. Căn cứ vào đa số ý kiến ở điểm B., Hội đồng quyết định:

– Chính thức đề cử 02 (hai) tác phẩm:

1. Cà Nóng chu du Trường Sa – Bùi Tiểu Quyên, truyện dài, NxB Kim Đồng 2021.

2. Cá voi Eren đến Hòn Mun – Lê Đức Dương, truyện dài, Nxb Kim Đồng 2021.”

Sau khi xem xét biên bản sơ khảo của Hội đồng văn học thiếu nhi, Hội đồng Chung khảo nhận thấy rằng mặc dù truyện dài “Mùa tiểu học cuối cùng” của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa không được Hội đồng VHTN đề cử lên Ban Chấp hành Hội nhưng số phiếu quá bán (5/9) khi bầu chọn sơ khảo vẫn còn nguyên giá trị. Trong biên bản, Hội đồng văn học thiếu nhi cũng không hề hủy kết quả sơ khảo đối với tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” mà chỉ không đề cử.

Theo Quy chế Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều ký ngày 15.10.2021, các tác phẩm đã đạt số phiếu quá bán của Hội đồng Sơ khảo đều có quyền được đưa vào chung khảo, không hạn chế số lượng. Đồng thời, quy chế cũng không có quy định hội đồng chuyên môn có quyền không đề cử tác phẩm đã được số phiếu sơ khảo quá bán vào chung khảo.

Vì vậy, sau khi xem lại quy chế và thảo luận rất kỹ lưỡng, Hội đồng Chung khảo đã quyết định đưa tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” vào xét chung khảo.

Do thời gian gấp gáp, Văn phòng Hội phải photo ngay tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” để tối hôm đó các thành viên Hội đồng Chung khảo đọc cho kịp hôm sau họp xét, nghe ý kiến đánh giá của từng thành viên về từng tác phẩm chung khảo, trước khi bỏ phiếu kín bầu chọn giải thưởng như kế hoạch.

Kết quả như đã công bố, tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa đã được số phiếu bầu chọn quá bán của Hội đồng Chung khảo, sau đó trình lên Ban Chấp hành Hội xem xét và đồng ý thông qua, trở thành một trong bốn tác phẩm được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.

Thời gian qua, giá trị “Mùa tiểu học cuối cùng” của Lê Văn Nghĩa cùng với các tác phẩm được trao giải thưởng khác là tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương, tập lý luận phê bình “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” của Trương Đăng Dung, tiểu thuyết “Châu Phi nghìn trùng” của Isak Dinesen (Đan Mạch) do Hà Thế Giang chuyển ngữ, đã nhận được sự đánh giá tốt của dư luận trong giới và bạn đọc.

3-

Các thành viên Hội đồng văn học thiếu nhi đã hợp tác nhiệt tình, trách nhiệm cho mục đích chung của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng quá trình tổ chức thực hiện công việc cho thấy sự phối hợp giữa Ban chấp hành Hội và Hội đồng văn học thiếu nhi còn có những điều chưa hoàn toàn nhất trí.

Thay mặt Ban chấp hành, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã viết thư bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của Hội đồng văn học thiếu nhi và lý giải những vấn đề liên quan để thúc đẩy sự phát triển của văn học thiếu nhi.

Ban chấp hành đã đặt mục đích vì nền văn học thiếu nhi và quyền lợi được đọc sách của trẻ em là cao nhất. Chính vì lý do đó, Ban chấp hành lắng nghe những góp ý thiện chí mang tính xây dựng của các hội đồng chuyên môn, ban công tác và các hội viên cũng như dư luận xã hội để điều hành công việc của Hội Nhà văn Việt Nam mỗi ngày một phát triển”.