Nhà thơ Đặng Bá Tiến thổ lộ ‘chứng kiến sự mất rừng, như chứng kiến sự mất đi những người thân thiết nhất, đêm ngủ giật mình thấy những vòng trắng trong mơ’.
Nhà thơ Đặng Bá Tiến sinh năm 1952, quê quán ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Từ tuổi hai mươi, nhà thơ Đặng Bá Tiến rời cố hương “suốt đời tôi mắc nợ/ trăng đất nghèo Đèo Ngang” để vào Đắk Lắk dạy học rồi chuyển sang làm báo, viết văn.
Hơn 40 năm gắn bó với Tây
Nguyên, nhà thơ Đặng Bá Tiến tự thú “ta mắc bùa mùa thu/ mê mẩn chiều rừng vắng”.
Những sáng tác lấy cảm hứng từ Tây Nguyên đã mang lại cho nhà thơ Đặng Bá Tiến
nhiều tác phẩm được độc giả và đồng nghiệp đón nhận, như trường ca “Rừng cổ
tích” hoặc tập thơ “Hồn cẩm hương”.
Nhà thơ Đặng Bá Tiến hai
lần được giải A của giải thưởng Chư Yang Sin do tỉnh Đắk Lắk trao tặng. Ngoài
ra, ông còn được nhiều giải thưởng ở các cuộc thi toàn quốc như giải thưởng
viết về công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc giải thưởng viết về
chủ đề “Rừng là cuộc sống của tôi” do báo Nông Nghiệp Việt Nam và Tổng cục Lâm
Nghiệp phối hợp tổ chức.
Ở tuổi 70, nhà thơ Đặng
Bá Tiến tự nhủ “Ta đi về phía ngày xa/ Đứng soi ta trước sông La núi Hồng/ Soi
vào dáng mẹ trên đồng/ Biết chưa đến nỗi thẹn lòng với quê”. Và ông tự tổng kết
hành trình văn chương của mình bằng tuyển tập “Thơ chọn” dày hơn 500 trang, do
Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Nhà thơ Đặng Bá Tiến viết
nhiều thể loại, thơ tình yêu, thơ suy tưởng, thơ thiếu nhi... Tuy nhiên, mảng
thơ thành công nhất của ông vẫn là những vần điệu sốt ruột về rừng. Ông yêu
rừng đau đáu và ông yêu rừng nghẹn ngào. Vì vậy, ông phẫn nộ trước tệ nạn chặt
phá rừng: “Anh chứng kiến sự mất rừng/ Như chứng kiến sự mất đi những người
thân thiết nhất/ Đêm ngủ giật mình thấy những vòng trắng trong mơ/ Những vòng
trắng đung đưa/ Trên những gốc cây cụt đầu ứa đầy nhựa đỏ”.
Nhờ tình yêu với rừng,
nhà thơ Đặng Bá Tiến thấu hiểu tâm sự của các già làng Tây Nguyên: : “Ta bạn với rừng mà giờ bỗng bơ vơ/ Không thú, không cây, không cả làn gió mát/ Buồn, ôm ché uống hoài không trôi hết/ Nỗi nhớ rừng nghẹn đắng giữa lòng ta”.
Thảng thốt trước những
cánh rừng cứ thu hẹp dần, nhà thơ Đặng Bá Tiến kêu lên: “Rừng xưa, giờ đã về
đâu/ Hỏi ai đây giữa ngàn lau bạc đầu”. Tuy nhiên, ông vẫn phập phồng chờ đợi
phép màu rừng tái sinh nhờ sự thức tỉnh của con người: “Rừng Bản Đôn nổi tiếng
linh thiêng/ Mấy thế kỷ sau tiếng tù và còn vọng/ Giữa rừng đêm lúc trầm lúc
bổng/ Như ru cây, ru muôn thú ngủ yên lành/ Như người gác rừng chưa khuất/ Vẫn
cầm canh giữ cho rừng bình yên mãi mãi”.
Sự thay đổi chóng mặt của
môi trường sống đã dội vào thơ Đặng Bá Tiến những câu nhói buốt, những dòng âm
u. Ông cố nghe đồng vọng quá khứ “Tiếng hú từ những cơn mưa xưa/ Cá say nước
đầu mùa nổi đầy Serepok” và ông chua chát nhận ra hiện thực nhức nhối: “Mẹ rừng
của ta không còn nữa/ Nên sông mồ côi/ Khô khát giữa cõi người”.
Đại ngàn đang thúc thủ
trước sự tham lam và sự ích kỷ của con người. Phía sau sự đổi thay nghiệt ngã
ấy là bao số phận của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nhà thơ Đặng Bá
Tiến thương cô sơn nữ: “Giờ em lên nương không còn tắm suối trong/ Không gội
tóc bằng hương hoa dại/ Nương rẫy đã bê tông, đã của người mãi mãi/ Suối như
cái túi dài đầy phế thải thờ ơ” và thương người mẹ già vùng cao: “Xin hoàng hôn
chậm bước qua đèo/ Xin ráng chiều buông neo đầu núi/ Để mẹ kịp về trước khi
trời tối/ Buôn định cư còn xa đuối mắt nhìn”.
Sống tận tụy và viết say
mê, nhà thơ Đặng Bá Tiến thấu hiểu giới hạn nhất định của mỗi cá nhân, mỗi mệnh
kiếp. Ông cất đi oán giận để thở dài ân cần: “Đời người bao chuyến đò ngang/
Và bao người phải lỡ làng tình duyên/ Đành trao nhau chút ảo huyền/ Kiếp sau
nguyện sẽ chung thuyền người ơi”.
TUY
HÒA