Tình yêu thương mới là giải pháp căn bản để giải quyết các vấn đề xã hội nan giải của nhân loại, chứ không phải là pháp luật. Đây mới là tư tưởng vĩ đại làm nên giá trị cốt lõi của Những người khốn khổ.


Đọc lại “Những người khốn khổ” của Victor Hugo:

CÔNG LÝ VÀ TÌNH THƯƠNG 

NGUYỄN ĐIỆP HOA

Những người khốn khổ là tác phẩm dày công nhất của nhà văn vĩ đại Pháp thế kỷ 19 Victor Hugo, được ông hoàn thành năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong nền văn học thế giới thế kỉ 19. Đây cũng là một tác phẩm nhận được nhiều phản ứng khác nhau, thậm chí đánh giá không cao, từ một số nhà văn và nhà phê bình văn học Pháp sau khi được xuất bản. Tuy nhiên, tác phẩm đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của nhiều thế hệ bạn đọc trên toàn thế giới. Ngoài giá trị văn học to lớn, tác phẩm này còn được coi là một bộ sử thi với những tri thức đồ sộ của tác giả về rất nhiều lĩnh vực như văn hoá, lịch sử, xã hội, kiến trúc của Paris, luật pháp, tín ngưỡng, chính trị Pháp, vv… trong nửa đầu thế kỉ 19.

Trên một bối cảnh cực kỳ chi tiết về xã hội Pháp, Victor Hugo đã xây dựng các nhân vật thể hiện nhiều vấn đề nan giải của xã hội Pháp đương thời, mà nổi bật là tình trạng nghèo khổ, hậu quả của nó, và sự tàn bạo, bất công và bế tắc của những công cụ được sử dụng để giải quyết vấn đề này. Một điều có thể thấy rất rõ trong tác phẩm của ông là nước Pháp lúc đó coi những người nghèo khổ và tội ác là một và đã dùng pháp luật và bạo lực để giải quyết vấn đề. Victor Hugo không đồng ý với điều này và ông thể hiện một tư tưởng sâu sắc khác trong tác phẩm của mình.

Hai nhân vật trung tâm của Những người khốn khổ là Jean Valjean và Javert. Vì thương gia đình của người chị gái không có gì ăn, Jean Valjean đã liều mình ăn cắp một chiếc bánh mì và ông đã bị kết án tù khổ sai. Ông được tự do sau 19 năm, nhưng tiền án trộm cắp và bị tù khổ sai đeo đuổi ông suốt đời. Sau hành động ăn cắp đầu tiên này, ông còn ăn cắp một ít đồ bạc của nhà thờ, nơi cho ông nương náu, và chạy trốn. Ông bị cảnh sát bắt, giải đến nhà thờ, và ông phải đối mặt với vị giám mục đã cứu giúp ông. Giám mục Myriel không những không tố giác Jean Valjean đã ăn trộm, mà còn nói với cảnh sát chính ông đã tặng Jean Valjean những món đồ đó. Thậm chí ông bảo Jean Valjean còn bỏ quên bộ chân nến bằng bạc mà ông đã cho nữa. Vì thế, cảnh sát đã thả Jean Valjean.

Jean Valjean đã vô cùng hổ thẹn và cảm kích trước hành động của vị giám mục nhân từ và hiểu rằng từ nay, mình sẽ không bao giờ được làm điều gì sai trái như vậy nữa. Đây là một chi tiết hết sức đáng nhớ trong Những người khốn khổ. Nó thể hiện tư tưởng nhân đạo và có tính răn dạy, cảm hoá con người của Công giáo mà giám mục Myriel là một đại diện. Jean Valjean không bao giờ còn gây ra điều gì sai trái nữa trong suốt phần đời còn lại của mình. Ngược lại, ông còn tiếp tục làm rất nhiều điều thiện vì tình yêu thương, mà điển hình là ông đã cứu giúp Phantine trong cảnh cùng quẫn phải bán mình nuôi con, và nhận chăm sóc và nuôi dưỡng Cosette, con của Phantine, sau khi cô chết. Khi biết Cosette yêu Marius và tham gia cuộc nổi dậy của sinh viên có tư tưởng tự do, Jean Valjean đã cứu anh, dẫn tới cuộc hôn nhân hạnh phúc của hai người này.

Jean Valjean không phải là một kẻ không lương thiện, mà chỉ là một người nghèo khổ, bị hoàn cảnh túng quẫn xô đẩy. Trước khi gặp giám mục Myriel, trong thời gian bị tù đày, Jean Valjean đã nhiều lần cứu giúp những người khác. Như vậy, Victor Hugo đã nói lên nhận thức của ông rằng tội phạm ở những người khốn cùng có nguyên nhân từ nghèo đói. Nếu họ đủ sống, họ sẽ lương thiện.

Jean Valjean không chỉ giúp đỡ những người khác, mà ông còn không trả thù Javert, kẻ suốt đời truy đuổi ông. Ông đã yêu cầu những sinh viên nổi dậy giao Javert để ông xử lý khi họ phát hiện viên thanh tra này trà trộn vào họ. Và khi có cơ hội để chấm dứt việc bị pháp luật truy đuổi dai dẳng, Jean Valjean lại quyết định thả Javert. Phải chăng chính bài học từ Myriel đã dạy ông làm điều này? Hành động này trong Phật giáo gọi là lấy ân trả oán. Đây cũng là tư tưởng của Công giáo về tình thương yêu vô điều kiện. Chính điều này đã tác động hết sức mạnh mẽ và làm đảo lộn nhận thức của Javert về “tên tù khổ sai” Jean Valjean như là một biểu tượng của sự vi phạm pháp luật phải bị trừng trị thành một “tên tù khổ sai cao cả” và có “một cái gì đó cao hơn”.

Bên cạnh Jean Valjean còn có những nhân vật khác mà nghèo đói đã biến họ thành những kẻ lưu manh. Đó là gia đình Thenardier. Nhưng ngay chính trong gia đình này vẫn có hai con người tử tế có những hành động đẹp đẽ là Eponine, người yêu Marius say đắm nhưng không được đáp lại, đã đỡ đạn cho anh trên chiến luỹ đường phố, và cậu bé Gavroche. Như vậy, Victor Hugo rất công bằng khi nhìn nhận về tình trạng bị tha hoá trong những người khốn cùng của xã hội Pháp. Qua Jean Valjean và những nhân vật nghèo khổ khác, ông thể hiện rất rõ quan điểm của ông: Nghèo khó và tội phạm không đồng nghĩa, và xã hội có lỗi khi đẩy con người vào hoàn cảnh cùng quẫn phải phạm tội để tồn tại. Nếu xã hội giúp họ có cuộc sống tốt hơn, họ sẽ không bị tha hoá. Jean Valjean, từ một kẻ nghèo khổ phải ăn cắp bánh mì cho gia đình, nhờ tình thương của giám mục Myriel cảm hoá, đã lấy lại được bản chất lương thiện vốn có của mình, và khi trở nên giàu có, ông chỉ làm điều thiện. Như vậy, Victor Hugo có niềm tin vào tình thương yêu đối với con người và hiểu rằng chính tình thương yêu này mới là chìa khoá để giải quyết vấn đề.

Nhân vật chính thứ hai của tác phẩm Những người khốn khổ là Javert, một thanh tra chuyên điều tra tội phạm. Ông đại diện cho sự cứng rắn, máy móc và thiếu tình thương của pháp luật – một phương thức khác của xã hội để giải quyết những vấn đề mà nó không muốn có. Victor Hugo đã cố tình xây dựng rất nhiều tình tiết ngẫu nhiên để Jean Valjean luôn chạm trán trở lại với Javert, kẻ luôn quyết tâm truy đuổi và bắt lại ông bằng được.

Khác với giám mục Myriel tin vào tình thương, Javert tin vào nhà nước, pháp luật và vai trò thực thi công lý của nó. Ông tuyệt đối tin vào sự chính đáng của những gì mình làm và tin rằng tội phạm phải bị trấn áp. Mặc dù có cả một đội quân hỗ trợ với đầy đủ vũ khí trong tay, Javert vẫn không bắt lại được Jean Valjean, một người đơn độc, không có gì hết, mà sức mạnh duy nhất của ông chỉ là tình thương.

Trong cuộc nổi dậy của sinh viên vì tự do, Jean Valjean đã có cơ hội để giết chết Javert và chấm dứt sự truy đuổi vô lý của pháp luật đối với ông. Nhưng vì tình thương và lòng nhân từ đã học từ Myriel, ông đã lặng lẽ thả Javert. Myriel đã cứu một tên ăn trộm khỏi cảnh sát và tù đày bằng tình thương, và Jean Valjean đã thực hành bài học này mạnh mẽ hơn là cứu mạng sống một kẻ có thể giết chết chính ông!

Tuy nhiên, sau khi thoát chết nhờ sự khoan dung của Jean Valjean, Javert lại tiếp tục truy đuổi và bắt được ông khi ông vừa thoát khỏi địa ngục cống ngầm Paris, mang theo Marius bị thương nặng lúc đó vì tham gia cuộc nổi dậy. Và số phận ông lại một lần nữa nằm trong tay Javert. Jean Valjean không chống cự Javert. Ông chỉ chấp nhận và xin Javert một đặc ân nhỏ là cho ông được mang xác Marius về gia đình và rẽ qua nhà. Sau đó, ông sẵn sàng để Javert đưa ông đi. Đặc ân mà ông xin Javert là quá nhỏ bé so với mạng sống mà ông đã giữ lại cho Javert trước đó. Chính điều này đã làm Javert bị chấn động dữ dội và con người công vụ tuyệt đối mẫn cán này buộc phải nhận thức lại tất cả.

Javert đã tin tuyệt đối vào tính chính đáng của những gì mình làm, tức là ông tin ở vai trò thực thi công lý của pháp luật. Nhưng ông đã chạm trán với Jean Valjean, nghĩa là ông đã chạm trán với một thứ khác mà ông đã không thể nhận thức được là tình thương và lòng nhân từ. Pháp luật không biết thương xót con người và đó chính là điểm yếu nhất của nó.

Victor Hugo đã không phải dài dòng để mô tả nội tâm của Jean Valjean khi ông quyết định thả Javert. Con người không có gì phải giằng co bên trong để làm một điều thiện, điều đúng. Nhưng ông đã dành nhiều trang để phân tích nội tâm của Javert sau khi thả Jean Valjean và đi đến quyết định tự vẫn. Đây là sự đảo lộn hoàn toàn về nhận thức của Javert và sự mở mắt của ông về một điều ông chưa từng biết đến, một sức mạnh ở bên ngoài các công cụ pháp lý, một sức mạnh vượt lên trên tất cả. Đó là tình thương, lòng nhân ái, sự cao cả lại có ở một con người bị pháp luật mà Javert thực thi đày đoạ. Ông đã nhận ra câu chuyện về Jean Valjean không diễn biến theo logic của luật pháp. Nó dạy những điều vượt ra ngoài tư duy của luật pháp và cao hơn luật pháp, nhưng con người công vụ trung thành lại không tha cho ông tội thả một “tên tù khổ sai”. Nên cuối cùng, Javert đã chọn cái chết vì không thể giải quyết được mâu thuẫn này.

Cái chết của Javert không vô lý. Nó có lý! Sự tự vẫn của Javert là sự tự vẫn của lý trí vì nó đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề của xã hội, trong đó có vấn đề tha hoá của con người do đói nghèo. Không ai có thể kết liễu được nó ngoài chính nó khi nhận ra sự bất lực của mình. Thông điệp của Victor Hugo qua cái chết của Javert hết sức sâu sắc: Có một thứ cao hơn pháp luật, cao hơn tất cả, vượt qua tất cả, chiến thắng tất cả. Đó chính là lòng nhân ái!

Javert phải chết và Jean Valjean có một cuộc sống có hậu. Đó là cách Victor Hugo đã nói lên tư tưởng của ông: Tình thương và lòng nhân ái cao hơn pháp luật. Tình yêu thương mới là giải pháp căn bản để giải quyết các vấn đề xã hội nan giải của nhân loại, chứ không phải là pháp luật. Đây mới là tư tưởng vĩ đại làm nên giá trị cốt lõi của Những người khốn khổ.

Tư tưởng này của Victor Hugo rất gần với tư tưởng của Công giáo được thể hiện trong Kinh thánh Tân ước. Jesus đã lấy tình thương yêu vô điều kiện làm cốt lõi để hướng dẫn và giáo dục con người. Ông dạy tha thứ cho những kẻ tội lỗi, hay kẻ thù của mình, và đó là cách yêu thương của Thiên Chúa mà con người phải học và thực hành. Nếu con người chỉ yêu thương theo cách chỉ yêu những kẻ mình muốn yêu, hay yêu những kẻ giống như mình thôi, thì điều đó không có giá trị gì.

 Tư tưởng của Victor Hugo cũng rất gần với Phật giáo là lấy ân trả oán, và với đạo Lão. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử đã nói về đạo Trời như là cái gốc để giải quyết vấn đề trị quốc và an dân. Căn bản của đạo Trời là yêu thương. Khi đánh mất đạo, tức là mất tình yêu thương thì con người mới phải ép nhau bằng đức và lễ, tức là các hệ thống chuẩn mực xã hội và pháp luật do xã hội loài người tạo ra. Nhưng không có tình thương, và không có pháp luật được xây dựng lấy cái gốc là tình thương thì nhân loại sẽ luôn luôn thất bại.

Đạo Trời là cái gốc mà người trị quốc phải học để làm đúng. Biết thương dân và học đạo Trời thì mới làm đúng được. Nếu con người đi theo cái mà mình tự tạo ra thì nó sẽ không bao giờ giải quyết được triệt để các vấn đề của nhân loại và sẽ còn tiếp tục vấp phải những vấn đề ngày càng nan giải hơn nữa.