Để thỏa mãn những dục vọng, con người dám chà đạp lên phẩm hạnh, gây tội ác, lừa dối, gây chiến, chiếm đoạt… Các dục vọng này được dán một cái nhãn rất kêu là khát vọng vươn lên và phương châm hành động.


ĐỌC LẠI KỊCH THƠ FAUST ĐỂ NUÔI DƯỠNG MƠ ƯỚC BẢO VỆ NHÂN TÍNH

NGUYỄN ĐIỆP HOA

Tôi đọc Faust, tác phẩm vĩ đại nhất của đại thi hào Đức- Johann Wolfgang Von Goethe, khi mới 18 tuổi. Lúc đó là một sinh viên, tôi đọc và hầu như không hiểu được tác phẩm này. Điều còn lại lờ mờ trong ký ức của tôi là tác phẩm có một nhân vật là Faust đã tranh đấu với quỷ Mephisto và vươn lên. Nói theo ngôn ngữ thô sơ của thời ấy thì Faust là một nhân vật chính diện và tích cực. Các nhà phê bình nói về tác phẩm này như thế nào thì hiểu tàm tạm là như vậy.

Hơn 40 năm sau, tôi đọc lại Faust qua bản dịch mới của dịch giả Quang Chiến, một bản dịch hết sức công phu mà tôi tin rằng nó giữ được rất nhiều chất văn trong bản gốc. Ở tuổi lục tuần, với những hiểu biết về chính mình và về cuộc sống, tôi đã nhận thức lại hoàn toàn về tác phẩm vĩ đại này của Goethe.

Faust là một vở kịch thơ với 12.111 câu thơ, được Goethe viết gần như trong suốt cuộc đời mình với khoảng thời gian là 60 năm. Phần một được xuất bản năm 1808, và phần hai Goethe chỉ cho phép công bố sau khi ông mất năm 1832.

Hiểu được toàn diện và đầy đủ Faust là một điều rất khó đối với bạn đọc. Đây là một tác phẩm đồ sộ, hàm chứa những tri thức về xã hội, thời đại, các tư tưởng của nhân loại, sự dịch chuyển của nó từ chế độ phong kiến sang tư bản, những biến đổi về nhận thức của con người khi thời đại thay đổi, sự hình thành mẫu người hành động, sự đa dạng của con người, nhận thức và nhầm lẫn của nó về mục đích tồn tại và các giá trị…

Trong tác phẩm đồ sộ này của Goethe có cả thế giới yêu ma và thần thánh, cổ xưa và hiện đại, trung cổ và tư bản, Chúa Trời và quỷ. Xã hội, cái nền mà trong đó nhân vật Faust đi qua, có đủ mọi gương mặt và các kiểu người. Nó khởi đầu là cái chết của xã hội trung cổ và kết thúc bằng sự hình thành và phát triển của xã hội tư bản. Do đó, Faust hiện lên ban đầu là một học giả trung cổ bế tắc, chán chường với kho tàng tri thức và học thuật chết cứng, và kết thúc, ông trở thành một nhà tư bản làm chủ và chinh phục một vùng đất ven biển, rồi chết trong nhầm lẫn vì mù lòa.

Hành trình của Faust trong tác phẩm này của Goethe được coi là câu chuyện về sự vươn lên của con người và sự chuyển hoá của nó thành con người hành động - mẫu người của chủ nghĩa tư bản mới hình thành. Tuy nhiên, nó mắc đầy rẫy sai lầm trong hành trình vươn lên của nó. Mẫu người hành động này, cho dù đã có sự điều chỉnh, vẫn còn cho đến tận ngày nay.

Tại sao con người khi vươn lên lại liên tục mắc sai lầm? Đây là một câu hỏi hết sức quan trọng mà các nhà phê bình khi phân tích Faust đã không trả lời.

Tôi không nghĩ rằng Goethe không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Ông không những đã đưa ra câu trả lời, mà câu trả lời của ông còn rất rõ ràng, nhưng là câu trả lời mà có lẽ nhân loại đã không muốn nghe. Con người vẫn vậy, nó chỉ thích nghe cái nó muốn nghe, và lờ đi cái nó không muốn nghe.

Trong bài viết này, tôi muốn chỉ ra câu trả lời đó của Goethe. Có thể nói một cách tổng quát về Faust thế này: Con người thời hậu Trung cổ đã nhận ra các tri thức tích luỹ của xã hội đến lúc này chỉ trói buộc và ngăn cản nó hành động để thay đổi. Do đó, nó quyết định từ bỏ học thuật chết cứng để hành động. Tuy nhiên, hành động của con người bị chi phối rất nhiều bởi những ham muốn mà nó không nhận thức được. Và đó chính là nguyên nhân, dù thoát khỏi thế giới tri thức giả trá và cứng nhắc của thời kỳ Trung cổ và trở thành con người hành động, con người vẫn  tiếp tục mắc sai lầm. “Chính nghĩa” được nói đến như là cái ánh sáng vẫn có khi con người vươn lên hết sức mờ nhạt trong tác phẩm này. Điều này nói lên rằng con người chưa hề học hỏi về điều ấy khi nó muốn làm tất cả.

Faust được mở đầu bằng màn “Khúc dạo đầu trên thiên đường” với sự xuất hiện của các nhân vật là Chúa Trời, quỷ Mephisto và các tổng lĩnh thiên thần Raphael, Gabriel và Michael. Khúc dạo đầu này rất quan trọng vì nó chỉ ra rằng Chúa Trời nhìn thấy Faust, nhân vật chính của bi kịch này, sẽ thay đổi, sẽ thoát khỏi xó tối học thuật đầy tri thức giả trá và là của những người khác, để trở thành con người hành động, nhưng sẽ làm rất nhiều điều sai trái. Quỷ Mephisto, một nhân vật đại diện cho bóng tối, một kẻ xem ra rất am hiểu bản chất yếu đuối và ngu dốt ngàn đời của con người, đã yêu cầu Chúa Trời để hắn dụ dỗ và thách thức Faust và ông ta sẽ không thể vượt qua được. Và Chúa Trời đã cho phép Mephisto làm điều đó. Vì vậy, toàn bộ các màn tiếp theo của bi kịch Faust kể về cuộc đời hành động của Faust, nhưng trớ trêu thay, lại đều là do quỷ Mephisto dắt mũi!

Tại sao Chúa Trời không chỉ dẫn cho Faust vươn lên thế nào, mà lại để cho Faust hành động theo hướng dẫn của quỷ? Ý nghĩa của việc Chúa Trời cho phép Mephisto thực hiện yêu cầu của mình đối với Faust là gì? Đó là một câu hỏi khác mà tôi muốn bàn trong bài viết này.

Trước hết, bạn đọc hãy cùng tôi nhìn lại những gì diễn ra với Faust. Faust hiện lên ban đầu là một vĩ nhân ngập trong kho tàng tri thức cổ lỗ, đúng sai lẫn lộn của mình. Ông đã nghiên cứu nó cả đời mà vẫn không tìm thấy chân lý. Ông không tìm thấy chân lý, mà rồi ông vẫn được gọi là vĩ nhân, rao giảng cho bao nhiêu thế hệ những điều chính ông không hiểu. Về già, ông thất vọng và xấu hổ khi nhận ra điều đó. Ông cũng học cả chữa bệnh từ cha mình, rồi thì ông cũng nhận ra rằng thuốc của cha ông làm ra không cứu sống được ai mà chỉ giết chết họ. Tri thức giả không giúp được gì. Faust muốn tự vẫn. Nhưng rồi nghe thấy âm thanh của sự sống bên ngoài, ông thoát được khỏi ý định này và chọn đi vào cuộc sống để sống nó.

Một chương mới được mở ra trong cuộc đời Faust với tư tưởng mới được xác lập: Khởi thuỷ không phải là Lời, mà “Khởi thuỷ là Hành động”. Ông ký hợp đồng bằng máu với quỷ Mephisto từ lúc này để Mephisto dẫn ông đi ra thế giới bên ngoài. Đây là những lời dụ dỗ đầu tiên của Mephisto:

Mọi giác quan của ngài, chỉ trong một giờ thôi,

Thu lợi được nhiều hơn cả một năm dài.

Những gì đám tiểu yêu dịu hiền hát cho ngài thưởng thức,

Những hình ảnh dâng ngài thật sinh tươi ngoạn mục,

Không phải là trò ảo thuật rẻ tiền đâu.

Cả mũi ngài cũng khoan khoái xiết bao,

Rồi cái miệng cũng khát khao thèm muốn,

Cảm xúc của ngài cũng ngất ngây sung sướng.

 

Đây không phải cái gì khác mà chính là những ham muốn lạc thú tầm thường của con người. Faust đã bắt đầu đi vào thế giới bên ngoài từ một quán rượu. Hết tửu rồi ông bước chân tới nhà một phù thuỷ, kẻ làm cho ông cải lão hoàn đồng, và ông bắt đầu khao khát sắc. Ông phải lòng chớp nhoáng nàng Gretchen (còn gọi là Margarete), một thiếu nữ trong trắng, ngây thơ, tin ở Chúa và đang khao khát tình yêu. Anh trai của Gretchen không cho phép em gái đánh mất sự trinh trắng của mình, và Faust đã bị Mephisto xúi giục đâm chết anh ta. Sau đó, Faust chạy trốn, bỏ mặc Gretchen chịu mọi hậu quả: chửa hoang, bị xóm giềng dè bỉu, hắt hủi. Cô bị quy tội giết chết anh trai và mẹ. Cô giết chết đứa trẻ sơ sinh, con của Faust, và phải chịu án tử hình.

Tiếp đó, Faust tiếp tục cuộc viễn du của mình vào thế giới yêu ma. Đây là một chương khá khó hiểu đối với bạn đọc. Từng là một học giả uyên thâm được gọi là vĩ nhân, Faust không nhận thức và phân biệt được yêu ma và con người khác gì nhau. Yêu ma luôn mang mặt nạ người. Cách để nhận ra chúng chỉ là ở hành động, hay hành động mới là giá trị nói lên một con người. Yêu ma là những kẻ chỉ bẻm mép mà không có thực chất. Như vậy, Mephisto đã bày thêm một thử thách mà Faust không đủ sức để nhận chân được nó.

Goethe đã mô tả thế giới này thật tưng bừng và rộn rã. Những lời khoe mẽ, giả trá muôn màu muôn vẻ cứ liên tục vang lên lanh lảnh như chuông đồng, chả ai chịu kém cạnh ai. Đối với những kẻ hiểu thấu thật, giả như Mephisto thì đó chỉ là một thế giới “băng giá”, “rét buốt”, và “tuyết sương”.

Phần một của bi kịch Faust kết thúc bằng việc Faust nhớ đến Gretchen và muốn cứu cô. Gretchen ngây thơ, trong trắng, nhưng chính cái tâm hồn thuần khiết chỉ biết yêu này mới nhìn ra được cái con quỷ như hình với bóng của Faust. Cô đã chọn cái chết mà không đi theo Faust để được tự do. Hay nói khác đi, cô đã khước từ thứ tình yêu và tự do mà quỷ mang lại.

Phần hai bi kịch Faust được tiếp theo bằng kẻ theo chủ nghĩa hành động Faust rơi vào bẫy quyền lực của Mephisto. Trong khi dân chúng nghèo khổ, xã hội loạn lạc, quốc khố trống rỗng, thì Faust đã trở thành một kẻ cố vấn cho Hoàng đế làm gì để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Ông bày cho Hoàng đế rằng vương quốc của Hoàng đế có đầy kho báu dưới đất, chỉ là chưa đào lên thôi. Việc này không thể làm nhanh, nhưng có một việc có thể làm nhanh là in tiền giấy đại diện cho những giá trị còn ẩn mình dưới giang sơn của Hoàng đế. Thế là, chỉ sau một đêm, tiền giấy được phát hành, ai ai cũng phấn khởi, xã hội lại vui tươi, mà chẳng cần lao động cực nhọc gì nhiều (!)

Cũng tại chốn cung đình, Mephisto đã bày trò diễn màn ái tình nàng Helena tuyệt đẹp gặp và yêu say đắm chàng Paris mà Faust chỉ là kẻ nhắc vở. Nhưng Faust đã mù quáng vì ham muốn đến mức quên mất đây chỉ là một vở kịch và lao vào để giành lấy nàng Helena ngay trên sân khấu. Ảo ảnh Helena lập tức tan biến, nhưng nó tiếp tục tồn tại như là một  ham muốn tột độ được sở hữu một giai nhân tuyệt thế của Faust. Ông đã đòi Mephisto dẫn mình đi tìm cho được nàng Helena vốn chỉ tồn tại trong thế giới thần thánh. Đến đây, Goethe đưa bạn đọc vào thế giới của các vị thần được nói đến trong thần thoại Hi Lạp. Mỗi một vị thần đều có một sức mạnh riêng, không ai có được mọi sức mạnh. Mephisto thì khác, cái gì cũng có thể làm được khiến thần thánh cũng phải chào thua. Mephisto đã tiếp tục đạo diễn một trò mới để thoả mãn ham muốn điên rồ được sở hữu người đẹp Helena của Faust. Goethe đã để cho Chiron, một vị thần, nói chính xác về Faust:

Ôi cái đêm gớm ghê

Đã xô đẩy hắn đến đây trong lốc xoáy,

Với ý muốn điên cuồng, rồ dại,

Hắn khăng khăng đòi lấy Helena!

Nhưng bằng cách nào và ở đâu ra,

Bắt đầu ra sao hắn không hề biết;

Nên theo ta, trước hết,

Chữa cho hắn khỏi cái bệnh điên khùng!

 

Con người hành động Faust luôn như vậy trong toàn bộ Faust: Luôn muốn, nhưng luôn không hiểu rõ điều mình muốn và làm cách nào để đạt được, nên rốt cục, lúc nào nó cũng dựa vào quỷ!

Khi đã được thoả mãn với Helena, Faust lại mơ ước có được “quyền sở hữu, quyền trị vì thiên hạ”. Ông ta mơ:

Ôi, cái sức mạnh vô dụng kia của con sóng bất kham!

Tinh thần ta dám vươn lên để chiến thắng bản thân,

Ta muốn chiến đấu ở nơi đây, ta muốn giành thắng lợi.

Mà ta có thể làm! Dù sóng triều dữ dội,

Nhưng hễ gặp một trái đồi là nó phải lánh mình;

Dẫu táo tợn hợm mình,

Một mô đất vẫn vươn lên và hiên ngang đọ sức,

Một vực nhỏ cũng bắt nó phải đổ dồn xuống vực.

Ta muốn dành cho mình sự thưởng ngoạn tuyệt vời,

Đó là bắt biển hách dịch kia phải lùi xa bờ bãi,

Bắt sóng nước mênh mông phải thu hẹp lại,

Đẩy nó ra xa mãi phía biển khơi!

 

Và Mephisto đã để Faust tham gia chiến tranh, làm tể tướng, giúp Hoàng đế chiến thắng. Kết quả, ông đã được thưởng công bằng một dải đất ven biển để ông làm chủ và chinh phục nó theo mong muốn của mình. Lúc này, Faust đã là một nhà đại tư bản, có công trường xây dựng với vô số lao động. Ông không ngừng muốn mở rộng và làm cho cơ ngơi của mình khang trang, kể cả di dời những người dân đang sinh sống trên đất của ông khiến họ phẫn uất và chết thảm. Câu chuyện này khiến bạn đọc bất giác liên tưởng tới những câu chuyện ngày nay về những người thấp cổ bé họng bị tước mất mảnh đất mà cha ông để lại để sinh sống vì cái gọi là “phát triển”.

Nhà đại tư bản Faust cuối đời bị những khát vọng và lo âu hành hạ. Goethe để cho những nhân vật Túng Thiếu, Khốn Quẫn, Nợ Nần và Lo Âu xuất hiện một cách đầy ý nghĩa ở phần cuối của vở kịch. Nó cho thấy hậu quả của một lối hành động, hay rộng hơn, là một đường lối phát triển chất chứa sai lầm. Cuối cùng, Faust bị Lo Âu làm cho mù lòa, nghe tiếng đào huyệt cho mình thì tưởng là âm thanh của những hoạt động hăng hái của những người lao động đang thực hiện khát vọng và kế hoạch của ông.

Như vậy, Faust đã từ bỏ một sai lầm là sách vở để đi vào thế giới và sống với phương châm hành động. Ở trên, tôi đã liệt kê mọi hành động của nhân vật này để bạn đọc nhận ra rõ những hành động này là gì, xuất phát từ đâu, và vì ai. Tất cả những hành động này đều xuất phát từ những ham muốn của cá nhân Faust. Đây chỉ là những dục vọng cá nhân có ở mọi con người mà Faust chỉ là một đại diện. Tên gọi để chỉ bản chất của chúng trong tác phẩm này là tửu, sắc - đam mê tình ái, ham muốn quyền lực để trị vì thiên hạ và sở hữu nhiều tài sản vật chất. Để thỏa mãn những dục vọng này, con người dám chà đạp lên phẩm hạnh, gây tội ác, lừa dối, gây chiến, chiếm đoạt… Các dục vọng này được dán một cái nhãn rất kêu là khát vọng vươn lên và phương châm hành động.

Câu chuyện về chàng Faust và Mephisto là câu chuyện một con người không chiến thắng được những ham muốn của mình. Chính những ham muốn này thúc đẩy con người hành động, nhưng lại hành động sai lầm. Con người này đi ra từ thế giới Trung cổ, thoát khỏi trói buộc và hành động, nhưng không hề tiến bộ hơn. Như vậy, qua Faust, Goethe đã chỉ rõ những hạn chế của mẫu người hành động này của chủ nghĩa tư bản và thời đại công nghiệp đang hình thành lúc đó. Sự cảnh báo của ông rất rõ: Hành động mà chỉ nghe theo ham muốn, lấy ham muốn làm động lực thôi thì nó luôn sai! Kẻ theo chủ nghĩa hành động Faust đã hành động theo ham muốn, và đó là nguyên nhân dẫn ông ta đến những sai lầm trầm trọng, kể cả giết người.

Faust-con người, luôn luôn phải tranh đấu với phần quỷ trong chính mình để vượt lên. Nếu chiến thắng quỷ, con người mới thực sự tiến bộ và trưởng thành. Nhưng nếu quỷ chiến thắng thì điều này nghĩa là con người trở thành quỷ! Trong tác phẩm này, quỷ Mephisto đã chiến thắng con người hết lần này đến lần khác. Thế thì, sau từng đấy hành động, con người đang là ai đây? Về đạo đức và tinh thần, nó đang tiến hoá hay thoái hoá?

Có phải Chúa Trời đã để mặc quỷ thao túng con người, khiến nó đi hết từ sai trái này đến sai trái khác, tư bản cũng chẳng tử tế hơn trung cổ? Đây là một câu hỏi rất lớn mà Goethe có thể đã trả lời nếu bạn đọc sau khi đọc hết tác phẩm và đọc lại phần đầu, “Khúc dạo đầu trên thiên đường”. Nếu tinh ý, bạn đọc có thể đặt câu hỏi sao Chúa Trời lại vui vẻ cho quỷ quấy rối con người? Sao có vẻ như Chúa Trời lại đồng lõa với quỷ?

Nếu bạn đọc hiểu Phật giáo và tu tập sẽ hiểu được điều này. Để cho “quỷ” cài bẫy con người là cách mà Thượng Đế giúp con người nhận ra sai lầm và thay đổi. Nếu không có những thử thách trong cuộc sống như thế thì con người không thể học hỏi và trưởng thành được. MỌI CÁM DỖ VÀ HAM MUỐN ĐỀU LÀ THỬ THÁCH để con người phải vượt qua. Nó là con quỷ trong con người mà chiến thắng nó là điều vô cùng khó khăn. Sai trái và tội lỗi ở con người đều có bản chất là nó không chiến thắng được những ham muốn vô giới hạn của mình. Hãy nghe Mephisto trả lời câu hỏi của Faust vai trò của nó:

Một chân lý khiêm nhường tôi xin thưa ngài rõ:

Trong lúc con người, một cõi nhỏ cuồng điên

Vẫn tự cho mình là Toàn thể vẹn nguyên

Thì tôi là một phần của cái xưa Toàn thể,

Tôi thuộc phần tối tăm và đó chính là Mẹ

Đã sinh ra Ánh sáng kiêu hùng.

Và giờ đây Ánh sáng ấy tranh công

Với bà Mẹ Màn đêm, đòi không gian thứ bậc,

Nhưng nó vẫn cứ thua dù dốc bao công sức,

Vì phải luôn gắn mình với muôn vật trên đời.

Từ vật thể chiếu ra Ánh sáng là vật thể rạng ngời,

Nhưng vật thể nào cũng ngăn được bước đi của nó.

Tôi hi vọng chẳng còn bao lâu nữa

Với vạn vật lụi tàn Ánh sáng cũng tiêu tan.

 

Quỷ là một phần của thế giới, một phần của con người. Chúa Trời tạo ra như vậy để giúp con người nhận ra những sai lầm của chính mình và vượt qua. Đó cũng là lý do ở cửa các ngôi chùa Phật giáo có tượng ông Thiện và ông Ác. Có ác là để thiện được nhận ra. Có bóng tối là để ánh sáng được nhận ra. Có quỷ là để con người được nhận ra. Để “quỷ” tồn tại là cách mà Thượng Đế giúp nhân loại tự học hỏi và tiến bộ khi nó vượt qua được lòng tham với những ham muốn không có giới hạn của mình.

Trong hành trình đi lên của mình, con người luôn phải vật lộn với quỷ để khẳng định mình là con người. Nhưng Faust đã không chiến thắng được Mephisto và hành động hầu như theo sự dẫn dắt của quỷ. Đó mới là điều Goethe thể hiện trong tác phẩm vĩ đại này. Con người thoát khỏi thời Trung cổ, nhưng vẫn chưa biết đi đúng con đường cần đi. Vì thế, xem ra, Chúa vẫn phải tiếp tục mỉm cười, đồng lõa với quỷ để dạy con người cho đến khi nó mở mắt ra về chính mình.

Tác phẩm Faust còn thành công ở nhiều khía cạnh khác thể hiện ở tính nhiều mặt của Mephisto như là kẻ đặt cạm bẫy cho con người vì nó quá thấu hiểu bản chất con người và luôn thách thức con người vươn lên theo đúng nghĩa, tức là hành động để khẳng định tính người. Mephisto cũng là nhân vật luôn nói toẹt vào mặt con người sự thật về chính nó, những mánh lới dối trá ở con người, kẻ chỉ đam mê vật chất, ái tình, quyền lực, và hư danh.

Các phần nói về quan hệ giữa Faust và Gretchen là một trong những phần hay nhất của Faust. Gretchen đại diện cho phần tinh khiết, trong trắng ở con người.

Tuy chưa trải đời, nhưng chính sự tốt đẹp của nàng giúp nàng nhận ra được chân tướng con quỷ ở Faust. Gretchen cũng không chấp nhận Faust không có đức tin vào Thiên Chúa. Nhưng vì yếu đuối, Gretchen không chống lại được con quỷ ở Faust. Nàng trở thành nạn nhân và chết trong tuyệt vọng. Phần bi kịch này gợi cho bạn đọc nhớ đến cái chết của Ophelia trong Hamlet, hay Desdemona trong Othello, những bi kịch bất hủ của Shakespeare. Nhưng tôi chỉ xin dừng lại ở phân tích nhân vật Faust. Việc phân tích sâu các nhân vật khác đòi hỏi thêm những bài viết đi ra khỏi giới hạn ý định của bài viết này.

Goeth đã đi rất xa trong nhận thức về xu hướng phát triển của nhân loại và sự tha hoá của nó. Rất nhiều vấn đề ông nêu trong tác phẩm vĩ đại này vẫn đang tiếp tục diễn ra và diễn ra trầm trọng hơn trong xã hội hiện đại. Tôi chỉ không đồng tình với ông ở phần kết rằng kẻ tha hoá Faust kia rốt cục vẫn được các thiên thần đón lên thiên đường và được tha thứ. Mà cũng có thể, ý của Goethe là cho ông ta lên thiên đường để linh hồn ông ta có cơ hội quay về trái đất và làm lại. Nếu linh hồn ông ta xuống địa ngục thì ông ta sẽ ở đó và vĩnh viễn không có cơ hội làm lại và tiến bộ hơn.