Nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho rằng: Trước mắt, trong
tình hình căn bệnh xã hội đã thâm nhập vào nhiều cấp, nhiều ngóc ngách của
ngành y
thì biện pháp có tính “chữa cháy” vẫn phải là quyết liệt vạch mặt những
kẻ núp ngành y
để làm giàu bất chính, không chỉ với vụ Việt Á.
MỘT CUỘC “MỔ XẺ” ĐAU ĐỚN…
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trước dư luận rất “nóng” về nhiều vấn đề trong ngành
Y hiện nay, có vị chức cấp cao đã muốn “bóp phanh” khi nhắc nhở đừng
quên công lao và sự hy sinh của các thầy thuốc trong các đợt chống dịch vừa
qua. Là một bệnh nhân hơn 80 tuổi, từ ngày còn là thanh niên trên các công
trường xây dựng, tiếp đến là những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn và Quảng
Bình đất lửa, may mắn sống đến hôm nay, tôi không tính hết bao nhiêu lần
vào-ra bệnh viện, thiết nghĩ những trải nghiệm đó cùng một số nhận
thức học hỏi được qua bạn bè quen biết và cả người thân trong gia đình
từng suốt đời cống hiến cho ngành Y, cũng nên chia sẻ, bàn luận và góp
đôi ý kiến với một ngành đặc biệt liên quan đến toàn xã hội, đang đứng nơi
“đầu sóng ngọn gió”…
Việc một số quan chức nhắc nhở đừng quên công lao
và sự hy sinh của hàng vạn thầy thuốc, nhất là trong các đợt chống dịch
gần đây là đúng và cần thiết. Công lao và sự hy sinh to lớn của hàng vạn
thầy thuốc trong các đợt dịch
Covid-19 cũng không kể xiết. Nói cho công bằng, không chỉ trong chống dịch
Covid-19, mà trong hoàn cảnh
bình thường, ở khắp đất nước ta, suốt ngày dài đến đêm thâu, luôn có hàng
ngàn, hàng vạn y bác sĩ đang hết lòng vì bệnh nhân, đúng là những thầy
thuốc “lương y như từ mẫu”.
Bản thân tôi, cũng như hàng triệu người đã từng phải
vào bệnh viện, luôn nhớ ơn các y bác sĩ và nhân viên điều dưỡng đã tận
tụy đem hết khả năng và vượt qua mọi vất vả cực nhọc chỉ với một mục
đích là giúp người bệnh mau chóng được phục hồi sức khỏe. Tôi không bao
giờ quên sự chăm sóc tận tình của Viện Mắt Trung ương, trong đó có giáo
sư Viện trưởng khi tôi bị tai nạn mù mắt bên phải từ 60 năm trước; cũng
làm sao quên được bác sĩ Mai đã cứu tôi thoát chết vì sốt rét năm 1966
tại khu rừng La Trọng bên đường chiến lược 12A qua đèo Mụ Giạ nổi tiếng.
Hình ảnh người thầy thuốc thường hiện ra trong áo choàng trắng tinh
khiết, nhưng tôi lại nhớ bác sĩ Mai với khuôn mặt đen nhẻm do vừa hướng
dẫn các y tá cách đốt than sưởi ấm bệnh nhân mà khói bốc ra không bị
máy bay địch phát hiện!
Nhiều lắm, không thể kể hết. Mới đây, trong tháng 5 vừa
qua, tôi rất cảm động trước sự tận tình của bác sĩ trẻ P.L tại Bệnh
viện Trung ương Huế trong suốt gần 2 ngày trời, khi tôi đến “chắp vá” cái
răng cửa bị rụng mất quá nửa. Tôi đã nói là mình có bộ răng “mất trật
tự” xấu nhất thế giới, nay già rồi, miễn chắc chắn là được, nhưng bác sĩ
cứ mài sửa tỉ mỉ, lúc lúc lại nhỏ nhẹ: “Khi nào đau, ông nói con…” Đâu
chỉ trong đại
dịch Covid, làm răng như thế, bác sĩ phải úp sát mặt bệnh nhân suốt ngày,
cũng có thể lây nhiều bệnh và chịu nhiều phiền phức khác; đến mức tôi phải
thốt lên: “Bác sĩ như cháu khổ lắm mà lương có bao nhiêu!...”
Nhưng chính là để bảo vệ danh dự cho những thầy
thuốc chân chính, cần phải mạnh tay “mổ xẻ” những bê bối trong ngành Y
hiện nay.
Điều đó là đúng và cần thiết. Những vụ như mua bán
thuốc giả, Việt Á, gian lận trong đấu thầu xây bệnh viện và mua sắm
trang thiết bị, thuốc… mà báo chí đã “bêu dương” gần đây chỉ như mụn
nhọt nổi ngoài da; cắt gọt hoặc bôi thuốc mỡ lành chỗ này rồi sẽ bung
chỗ khác, lúc khác, do nguồn gốc căn bệnh chưa được phơi bày triệt để và
có phương thuốc điều trị đích đáng. Ở những cấp chỉ đạo, do nhiều
nguyên nhân, đã vận hành rời xa mục đích tối thượng cao đẹp của mình,, đi
ngược “Lời thề Hippocrates” mà nhiều Trường Y thời hiện đại đã biên soạn lại,
trong đó có câu: “Coi nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu
người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại”. Danh y Hải
Thượng Lãn Ông luôn “coi nghề y là một nghề cao quý, coi việc bảo vệ sinh mệnh
con người là nhiệm vụ hàng đầu”. Ông thường răn dạy học trò: “Làm thuốc mà
không có lòng thương chung (từ) giúp đỡ người khác (tế) làm hằng tâm, không
nghiền ngẫm sâu sắc tìm cách cứu sống người mà chỉ chăm chăm kể lợi tính công,
lấy của hại người thì còn khác gì bọn giặc cướp”.
Nhà văn – Dược sĩ cao cấp Trần Thanh Cảnh cho biết:
Thời Hy Lạp cổ đại, ngành Y đã có câu "Xác phàm của các ngươi là nguồn
lợi lộc bất tận của chúng ta!" Và ở một nước giàu có, hiện đại
như Mỹ, tệ nạn ngành y làm giàu trên thân xác bệnh nhân vẫn xảy ra.
Trong cuốn “Ung thư – sự thật, hư cấu, gian lận và những phương pháp chữa
lành không độc hại” của Ty Bollinger (NXB Thế giới & Công ty ThaiHabook
tái bản lần 4 năm 2019) đã công bố hàng loạt vụ bê bối móc ngoặc giữa
FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) với các Công ty Dược.
Xin thử trích 1-2 câu: “Không có thứ gì thuộc lĩnh vực chăm sóc sức
khỏe làm sinh lợi nhiều hơn thuốc kê đơn.. Đó là một loại hình kinh doanh
mà tất cả phải ghen tị” – Neww York Times, 29/7 1989 […] Trong cuốn sách The
Medical Mafia (Mafia y tế), bác sĩ Guylaine Lanctot nói: “Các cơ sở y tế
phối hợp chặt chẽ với các công ty thuốc đa quốc gia có mục tiêu chính là
lợi nhuận…”
Thời cổ đại và ở nước Mỹ hiện đại nổi tiếng
có luật pháp chặt chẽ còn thế, huống chi ở một đất nước còn nhiều thứ
chưa hoàn thiện sau chiến tranh và gần như cả xã hội lại đua nhau làm giàu
và hưởng thụ sau nhiều thập kỷ nghèo khó như Việt Nam! Trong tình thế đó,
một trong nhiều nguyên nhân khiến ngành Y rời xa mục địch cao đẹp của
mình, chính là nhiều quan chức ngành Y đã nhiễm nặng bệnh tham giàu của
xã hội hiện nay. Vì thế, nhiều người bảo, đâu chỉ ngành Y, ngành nào cũng
đầy những vụ bê bối tương tự. Nhà văn-bác sĩ Vũ Oanh khi bàn về ngành Y
hiện nay, đã chia sẻ với tôi là anh “không những chỉ xấu hổ, mà thấy đau buồn
vì nhiều đồng nghiệp gian lận với người bệnh tham nhũng với công quĩ […] họ
cũng còn là nạn nhân của căn bệnh xã hội mình: dịch tham nhũng! Họ lây bệnh đấy…”
Như vậy, “căn bệnh” của ngành Y hiện nay có thể thấy
ở bất cứ ngành nào, tuy mức độ khác nhau. “Bài thuốc” chữa căn bệnh
xã hội khó cứu vãn này là một đề tài khác. Nhưng cũng tương tự như trong đại dịch Covid vừa qua, các thầy thuốc
phải được phòng hộ tối ưu để không “nhiễm bệnh”. Cũng cần nhấn mạnh lại,
không chỉ trong đại
dịch vừa qua, ngành Y luôn luôn có vị thể đặc biệt, do quan hệ đến sức
khỏe và tính mạng hàng triệu muôn dân; hơn thế, ngành Y còn là “bộ mặt”
thể hiện rõ nhất trình độ văn minh, nhân đạo, cả sự ổn định, thịnh suy của
đất nước, nên càng cần sự trong sáng, cần có những điều kiện bảo đảm thực hiện
được sứ mạng đặc biệt của mình. Có rất nhiều khía cạnh phải quan tâm, là
người “ngoại đạo”, tôi chỉ xin góp vài ý kiến để những cơ quan, những
người có trách nhiệm với ngành Y, với đất nước tham khảo.
Trước mắt, trong tình hình căn bệnh xã hội đã thâm
nhập vào nhiều cấp, nhiều ngóc ngách của ngành Y thì biện pháp có tính
“chữa cháy” vẫn phải là quyết liệt vạch mặt những kẻ núp ngành Y để làm
giàu bất chính, không chỉ với vụ Việt Á. Công an Việt Nam rất tài giỏi,
những con người trung thực ở ngành Y không thiếu và các tổ chức chính trị
trong ngành Y - khi thực sự hoạt động đúng với mục đích tôn chỉ tốt đẹp của
mình – nếu có sự cộng tác hiệu quả, đủ sức bóc tách những hoạt động mờ
ám trái với sứ mệnh cao đẹp của ngành Y để không một ai trong ngành Y còn
cảm thấy xấu hổ, như rất nhiều thầy thuốc chân chính đã bày tỏ một cách
đau xót sau vụ Việt Á. Thực ra, đây là công việc của Đảng và ngành nội
chính. Ngành Y chỉ là “đương sự” đang là điểm nóng, nên được nhấn mạnh.
Về lâu dài, ngành Y không thể mãi “nóng” hiểu theo
kiểu “đốt lò” mà luôn phải ấm áp tình người, mà Hải Thượng Lãn Ông gọi
là “nhân thuật”. Và không phải vô cớ khi các bệnh viện trước đây gọi là
“Nhà Thương”. Do vậy, vấn đề quan trọng lâu dài là làm sao người hoạt động
ngành Y giữ được bản chất tốt đẹp đó. Các Trường Y, các cơ sở hoạt động
ngành Y cần luôn luôn nhắc lại “Lời thề Hippocrates” và những điều răn của
danh y Hải Thượng đã nêu ở trên. Hai nội dung vừa nêu rất đầy đủ, nhưng khá
dài và cách diễn đạt có thể không thật thích hợp với con người hiện đại;
do đó, từng thời điểm, từng cơ sở cần chọn những điều cần thiết nhất,
“biên soạn” lại cho thật dễ hiểu. Ví như hiện nay, theo tôi, tại các Trường
Y cần nêu khẩu hịệu lớn: “Ai chỉ muốn làm giàu, đừng vào ngành Y!” (Tất
nhiên, cần hiểu “làm giàu” ở đây bao ham sự “bất chính”) Còn tại các Bệnh
viện và cơ sở hoạt động khác thuộc ngành Y có thể là câu: “Đã làm ngành Y,
đừng dở trò buôn bán!”
Tựu trung, vấn đề cốt từ là phẩm chất con người
làm ngành y. Và như vậy, những bê bối trong ngành y hiện nay, ngoài
“nhiễm bệnh xã hội” về thói hưởng thụ, ganh đua làm giàu vô độ và nạn
tham nhũng, còn nguồn gốc sâu xa từ chất lượng giáo dục của nhà trường và
gia đình; cũng có nghĩa là hầu như tất cả chúng ta, ít nhiều đều có phần
trách nhiệm.
Còn nhiều vấn đề về ngành y cũng không kém quan trọng
như chất lượng nghiên cứu khoa học, bảo đảm chế độ lương và phụ cấp cho y,
bác sĩ sao cho tương xứng với công lao của họ, tổ chức khám chữa bệnh
hay sử dụng thuốc bảo hiểm y tế như thế nào cho khỏi lãng phí (hàng
vạn người già và bệnh nhân mãn tính, hàng tháng phải đội mưa nắng, chen
chúc đến bệnh viện chỉ để nhận mấy thứ thuốc như lần trước và chưa hẳn đã
cần thiết…), quan tâm nhiều hơn đến việc hướng dẫn ăn uống, sinh hoạt để
ngày càng ít bệnh nhân, thay vì mong bệnh viện đông đúc để tăng thu
nhập!...Đó có thể là những đề tài nghiên cứu riêng ở một bài viết khác.
Chúng ta đều biết, cơ thể con người là một bộ máy
kỳ diệu của Tạo hóa, nên việc “chữa chạy” cho “bộ máy” vi tế ấy là
cực kỳ khó khăn, không thể có kết luận vội vàng và duy nhất đúng..
Chính vì thế, công tác nghiên cứu khoa học càng quan trọng, nhất là trong
các khâu xác định đúng giá trị thuốc ngoại và thuốc nội (thuốc ngoại
đắt gấp nhiều lần thuốc nội – và nếu thuốc nội ít hay không có tác
dụng chữa bệnh thì sao lại cho sản xuất và cấp cho bệnh nhân, để có người
bảo rằng: “Bệnh viện cấp thuốc bảo hiểm y tế thì vứt di! Mua thuốc
ngoại mà uống…” – Chỉ có nghiên cứu khoa học cẩn thận, vô tư, mới đem lại
câu trả lời tin cậy, giúp ngành công nghiệp Dược phát triển đúng hướng…)
Đó là chưa nói việc kết hợp Đông y với nhiều loại thuốc phòng và chữa
bệnh đang lưu hành, nếu được nghiên cứu khoa học, có thực nghiệm cẩn thận
đem lại kết quả thì không chỉ đỡ tiền của mà còn tránh được “tác dụng
phụ” nhiều khi rất nguy hiểm do dùng nhiều tân dược!...
Quá nhiều “chuyện” để bàn đến ngành Y hiện nay. Chỉ xin góp đôi điều với mong muốn ngành Y vẫn sẽ mãi mãi là điểm sáng thể hiện tính nhân văn của cả xã hội và người làm ngành Y hoàn toàn có quyền tự hào với sứ mạng cao đẹp của mình, chứ không việc gì phải xấu hổ vì cái vụ “Việt Á” bị bóc trần… Và như thế, cuộc “mổ xẻ” ngành Y sẽ tạo môi trường sinh thái tốt lành, dọn dẹp rác rưởi để “đường thông hè thoáng” cho đội ngũ lương y luôn được ngẩng cao đầu trên mỗi bước đi trước những ánh mắt kính trọng và yêu thương của mọi người…