Chúng ta sẽ không bao giờ nhẫm lẫn giữa “fake new” và “fiction” (hư cấu). Tuy cùng là những gì không có thật nhưng một bên là sự lừa dối và một bên là ước mơ, những mong muốn và sự tưởng tượng thú vị.


HƯ CẤU CÓ TẠO RA GIÁ TRỊ MỚI?

LƯƠNG VIỆT

Có người đã nói rằng chính các bộ phim cũng như giải trí thị giác sẽ huỷ hoại khả năng tưởng tượng của những trẻ em thay vì đưa cho chúng một cuốn sách. Các nhân vật như Tôn Ngộ Không sẽ như thế nào, Dế mèn sẽ ra sao và cả trang phục, binh khí của Don Quijote, nhan sắc của nàng Bạch Tuyết… Trẻ con sẽ mất đi khả năng tưởng tượng, hình dung, tự sáng tạo nên những hình ảnh trong đầu từ những con chữ của nhà văn…

Nhưng, thực tế lại đang cho thấy một nghịch lí: tốc độ cập nhật và độ chính xác của thời đại 4.0 đã không hề tương khắc với khát vọng tưởng tượng ấy. Thậm chí, những nhầm lẫn kiểu hiệu ứng Mandela lại càng có “đất” sống từ xu thế chia sẻ không được kiểm chứng của những tâm hồn “mạng xã hội” từ những người không có nhu cầu nghi ngờ nguồn tin, nghi ngờ hình ảnh. Gần đây, dư luận mạng bắt đầu quan tâm đến một bộ phim được khởi chiếu tại các rạp. Khác với các phim “bom tấn” như “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ; “Bố già” của Trấn Thành trước đây, bộ phim về một nhạc sĩ tài hoa này vấp phải một trở ngại đó là sự lên tiếng của một “người trong cuộc”. Những ai yêu quý, tin tưởng vào nữ danh ca một thời thì bức xúc về cách làm phim của các hậu bối. Người khác tặc lưỡi: Ôi chao! phim là phim, đời là đời. Hiểu thế nào từ khán giả, mỗi người sẽ có cách tiếp nhận kể cả với dòng phim tiểu sử đang lên ngôi ở Việt Nam hiện nay.

Có vẻ như không chỉ riêng nhạc sĩ họ Trịnh mà cả nàng Kiều của đại thi hào Nguyễn Du trước đó cũng rất “long đong” khi bước vào “đoạn trường” của “nghệ thuật thứ 7”. Từ “Sài Gòn nhật thực” của đạo diễn Việt kiều Pháp Othello Khánh đến phim “Kiều@“ của đạo diễn Đỗ Thành An và gần đây nhất là phim “Kiều” của Mai Thu Huyền đều chưa thuyết phục được người xem. Phải chăng, khán giả Việt “dị ứng” với hư cấu về các nhân vật nổi tiếng đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng họ. Phải chăng họ không đủ khả năng tiếp nhận những sáng tạo mới mẻ, vượt ra ngoài hiện thực đời sống hôm nay?

 

Suy cho cùng, dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì sự hư cấu của chúng ta chưa tạo ra được giá trị mới. Người xem (và trong đó có cả các nguyên mẫu) đều thấy nó chưa vượt qua được những chất liệu, nguyên mẫu ngoài đời. Còn nhớ cách đây gần mười năm khi bộ phim “The Social Network” (sau đó đoạt Quả Cầu Vàng ở cả hạng mục biên kịch và đạo diễn) được công chiếu, chính Mark Zuckerberg lại cho rằng: “Cái thực tế ngồi viết code, xây dựng một sản phẩm, rồi phát triển công ty chẳng có gì thú vị để đưa lên màn ảnh cả. Nếu như họ định làm một bộ phim về cuộc đời tôi, thì nó sẽ chỉ toàn là cảnh tôi ngồi trước máy tính, viết code suốt nhiều giờ liền. Như thế, bộ phim sẽ chẳng hấp dẫn được ai”.

Thậm chí, người sáng lập ra mạng xã hội Facebook còn than rằng: “Có những tình tiết hư cấu mà họ tạo nên khiến tôi thực sự đau lòng”. (Theo Zing.new). Suy cho cùng, phát huy các giá trị hay cách mà các đạo diễn giữ cho các nhân vật tên tuổi “sống” mãi cũng là một thách thức không chỉ với người làm nghệ thuật mà cả từ phía mỗi chúng ta. Ngẫm ra, câu chuyện của vài bộ phim kể trên cùng nằm trong xu thế tìm kiếm giá trị mới. Nếu trong nghệ thuật đó là các hư cấu, tái hiện thì trong đời sống là các thể nghiệm, ứng dụng mới. Mặt khác, cũng là cách để phát huy các giá trị truyền thống, làm thế nào để những giá trị ấy tiếp tục có mặt trong đời sống hôm nay và mai sau…

Nhìn ở một góc độ khác, sự phản ứng của Mark Zuckerberg và những người yêu quý hình tượng Thúy Kiều, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lí lẽ riêng nhưng không phải là đáp án, là câu trả lời duy nhất về những sáng tạo mới đó. Cuộc sống luôn vận động, cách nhìn, cách cảm của con người cũng có những biến động chứ không phải là một cuốn sử, cuốn nhật kí bất biến.

GS.TS Ngô Đức Thịnh từng viết: “Để hình thành nên giá trị, bảng giá trị của một cộng đồng thì phải trải qua quá trình lịch sử lâu dài, nên giá trị thường mang tính ổn định và khá bền vững. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là giá trị là cái gì trường tồn, “nhất thành bất biến”, mà giá trị với tư cách là sự đánh giá của con người về cái hay, cái tốt, cái đẹp đối với tự nhiên, xã hội và tư duy, nó phản ánh nhu cầu của con người trong một môi trường xã hội nhất định. Do vậy, giá trị với tư cách là thước đo cũng mang tính biến động cùng với sự biến động xã hội”.

Khi một con người, một thực tại bước vào không gian sáng tạo đã trở thành giá trị chứ không còn là một cái tên, một vai trong xã hội. Chúng ta cảm nhận giá trị của nàng Kiều, của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tới đây có thể là cả xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp… sẽ khác với những con người bằng xương, bằng thịt, được định dạng ngoài đời thực. Thị hiếu thẩm mỹ của người xem hôm nay cũng đòi hỏi một điều gì mới mẻ hơn so với những: "Tây Sơn hào kiệt", "Long thành cầm giả ca", "Ván bài lật ngửa", "Người đẹp Tây Đô" trước đây.

Chúng ta cẩn trọng nhưng cũng cần công bằng và thấu tỏ thay vì đón nhận phim theo “gu” thưởng thức của mạng xã hội. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Ngay cả phim tài liệu dù đưa ra hình ảnh, thông tin... Có cơ sở chứng cứ, có tài liệu thì cách chọn tư liệu, ghép hình cũng thể hiện tư tưởng của người làm phim muốn đưa ra góc nhìn nào. Chỉ có phim tư liệu, người làm phim thường ghi hình sự kiện diễn ra đúng thời điểm ghi hình. Nhưng cũng không hẳn là sự thật 100% vì sự thật có khi nằm ngoài khung hình. Nên sự thật khi đã qua bộ lọc nào đó như: ống kính, ngòi bút, lời kể… của ai đó đều chỉ là 1 phần của sự thật” (theo Báo Đại đoàn kết).

“1 phần của sự thật” mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhắc đến có đủ làm nên một tác phẩm mới, một giá trị mới. Liệu thế hệ của ông có được công chúng tiếp nhận một cách hào hứng và công bằng như với “Chiếc lược ngà” của cha ông (cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng) và các nhà văn, đạo diễn thời chưa có mạng xã hội? Liệu chúng ta cần mang theo bao nhiêu phần sự thật, bao nhiêu % của truyền thống để đi tiếp, để sáng tạo mới, bổ sung thêm đều hoàn toàn phụ thuộc vào cảm quan, vào tài năng của các nghệ sĩ.

Sẽ không có công thức cho dòng phim tiểu sử, không có công thức cho sáng tạo giá trị mới nhưng trong tâm hồn mỗi người luôn có tinh thần nhân văn, yêu cái đẹp và sự tự trọng. Chúng ta yêu đúng, yêu đủ, thần tượng những gì đáng giá cũng là cách để xây dựng cộng đồng, cũng là nguồn “oxy” tinh thần để cung cấp cho những người không ngại thử thách, thất bại để tạo ra giá trị mới cho nhân loại, để khán giả không đánh đồng “fiction” với “fake new”. Mong rằng những “Em và Trịnh” cùng những bộ phim, các tiểu thuyết lịch sử sẽ đọng lại được trong tâm trí người xem, đem đến cho họ những gợi mở, những cảm hứng để “sống chậm”, sống giàu cảm xúc trong thời 4.0 vốn dĩ đã rất tiện lợi và nhạy cảm này.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An