Hoàng Ngọc Hiến bảo đây là một bài tôi viết trong chùm bài viết cho tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, trong đó, tôi đề cập đến hàng loạt vấn đề: quản lý vận động của văn học thời kỳ mới, quản lý vận động của văn học mao ít của ta. Phải nói là chưa bao giờ viết xong tôi hào hứng như vậy.


HOÀNG NGỌC HIẾN THỜI GIAN VIẾT VỀ CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC PHẢI ĐẠO

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Tháng 11 năm 1978, Nguyễn Minh Châu cho đăng trên tờ Văn Nghệ Quân Đội một bài viết nhan đề là "Viết về chiến tranh".

Trong bài này, Nguyễn Minh Châu nhận định rằng nền văn học Miền Bắc trước năm 1975 và cả Việt Nam sau đó đều chưa hề có tiểu thuyết thực sự về chiến tranh, vì còn bề bộn sự kiện, nhân vật toàn là lý tưởng, chưa mô tả được các vấn đề đời thường của con người và xã hội trong chiến tranh.

Bài viết gợi ra ở Hoàng Ngọc Hiến những suy nghĩ khá bất ngờ về văn học xã hội chủ nghĩa. Quan điểm của ông được phản ảnh trong bài viết tựa là "Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua", đăng trên tuần báo Văn Nghệ, số 23 ra ngày 9 tháng 6 năm 1979.

Sau khi tóm lược ý kiến của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến viết như sau: "Hình như, Nguyễn Minh Châu viết, trong ý niệm sâu xa nhất của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại, mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng, đang mơ ước. Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống cho phải đạo, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại, thì mối quan tâm hàng đầu là mô tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm, chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là chủ nghĩa hiện thực phải đạo".

Hoàng Ngọc Hiến còn đi tới những khái quát sâu hơn: Thực ra ngay trong đời sống thực tại, do quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người “phải đạo” với những cung cách suy nghĩ nói năng ứng xử được xem là “phải đạo”. Khái quát những hiện tượng hết sức thực tại này vẫn nảy sinh chủ nghĩa hiện thực phải đạo”.

Để hiểu tác động của bài trên hãy nghe Nguyễn Kiên bình luận: Ông Hiến chắc khó lòng qua khỏi. Trên họ ghét lắm. Tuyên huấn rất ghét cái chữ hiện thực phải đạo, nó hơi đểu. Phủ nhận toàn bộ họ còn gì! Rồi lại cái ý viết không thật, vì đời sống không thật nữa. Nặng lắm. (Trong chỉ thị của Tuyên huấn, có nói rõ: phải cử người xuống trường viết văn giải thích lại các vấn đề anh Hiến đã nêu trong bài viết)

-------

Tạp chí Văn học có bài phê phán ngay từ cuối năm 1979. Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật số 1/1980 cũng vậy. Chính diện nhất là bài Hà Xuân Trường (tạp chí Cộng sản 1/1980).

Hoàng Ngọc Hiến tức lắm, viết bài trả lời, gửi thẳng đến tạp chí Cộng sản .

Buổi sáng cậu trợ lý biên tập đến nhà Hiến. Hiến mời nước, thuốc, cậu ta chiếu cố hút cho, và nói như ban ơn

- 9g sáng, anh đến để đại diện biên tập gặp.

- Tôi bận công việc hôm nay không đến được.

Đến lúc này, cậu ta hoảng, biện ra lý do xin lỗi. Cuối cùng Hiến bảo nếu thế 8g30 tôi đến. Đến nơi, họ mời lên gác lên đó nói chuyện văn chương cho tiện. Hiến bảo bây giờ người ta bàn văn chương ngoài hàng nước chứ gì. Nhưng rồi cũng lên.

Họ chưa nói lý do không đăng bài, mà còn nói xa xôi.

- Nghe nói anh có viết bài trả lời Tô Hoài.

- Điều đó ta không bàn ở đây. Tôi thừa hiểu là các anh đã đọc nát bài đó, bên cạnh bài tôi gửi tới tạp chí Học Tập, việc gì phải giấu nhau cho khổ nữa.

Khi họ từ chối chưa nhận vội, ông Hiến đốp chát:

- Tôi chỉ đề nghị các anh một điều là in đính chính. Đính chính cho rõ Hoàng Ngọc Hiến nói A, mà Xuân Trường nói B.

- Anh thông cảm cho, hiện nay thiếu giấy.

- Nhưng lúc nào cũng thừa giấy để vu khống tôi. Làm như thế là mao ít. Xuân Trường mao ít. Hồng Chương mao ít. Chính tôi cũng mao ít nốt, nhưng tôi đang cố vượt lên, và bị các anh cản trở.

Trung Quốc bây giờ nó đánh nhau, nó phê phán nhau, nó gọi nhau là kẻ thù. Còn anh Hà Xuân Trường đánh tôi vẫn gọi tôi là đồng chí. Như thế là đểu.

Các anh bảo đời sống là tốt đẹp văn nghệ ta là tốt đẹp. Với tất cả tinh thần của người cộng sản, tôi xin nói rằng các anh rất cơ hội. Đảng ta chưa tốt đẹp. Văn nghệ ta chưa tốt đẹp, ta còn bao nhiêu việc phải đấu tranh. Tại sao các anh lại cơ hội như thế được.

-----

Trong hội nghị “35 năm Văn học yêu nước và cách mạng” tháng 7 1980, Xuân Trường ra vỗ về Hiến. Hiến làm ầm lên. Sau lên nói giữa hội nghị:

- Tôi đồng ý là hoãn cuộc luận chiến lại. Để chúng bao người phản bác, chúng ta phải tạm hoãn chống bạo ngược trong nước.

Trước đó, gặp ông Hà Xuân Trường, nói rất căng.

Xuân Truờng: Chúng tôi sẽ phê phán anh Châu. Còn nếu đăng bài của anh, chúng tôi sẽ cho tiếp tục phê phán.

Hoàng Ngọc Hiến: Việc ông Châu, tôi không biết. Nhưng còn việc của tôi, anh cứ cho đăng đi, sau sẽ hay.

Tại một cuộc họp sau đó khi họp với một số nhân vật văn nghệ, Trần Độ còn bảo:

- Lâu nay, có một xu hướng đánh giá lại văn nghệ của ta, đặt lại vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và hiện thực, do đó, vi phạm tới những nguyên tắc mà nếu cần chúng ta phải lấy máu ra bảo vệ.

Xuân Trường lên án tình hình sách vở nước ngoài vào lung tung. Các anh đừng thấy sách Liên xô có ý gì, nói theo ngay. Nhiều vấn đề chúng tôi nói đã lâu rồi. Nhưng chúng tôi viết thì các anh không đọc.

LỜI GIẢI THÍCH NGHE TỪ CHÍNH MIỆNG HOÀNG NGỌC HIẾN

Hoàng Ngọc Hiến: Không phải là họ không biết đâu, thành ra không thể tranh luận với họ được. Họ chống lại tôi một cách vô thức. Còn chính tôi, một chữ như chữ hiện thực phải đạo thực ra nó cũng vọt ra một cách rất tự nhiên, tôi không phải cân nhắc kỹ lắm, thế mới lạ. Bây giờ tôi đọc lại, tôi không thấy có gì là sai cả.

Vương Trí Nhàn: Như vậy là anh đã tiến từ tri thức, kiến thức sang quan điểm chứ không phải ngược lại, như thường thấy ở cách giáo dục của ta.

(Kiến thức tụ lại buộc anh phải phủ nhận ngày hôm nay, Nhưng người ta chỉ nghĩ, còn anh thì nói)

Hoàng Ngọc Hiến: Đúng.

Vương Trí Nhàn: Có bao giờ anh cảm thấy đơn độc?

Hoàng Ngọc Hiến: Không. Người tốt nhiều chứ. Vụ này của tôi cũng làm cho mọi người vui chứ. Có thể rút kinh nghiệm bao nhiêu điều.

Vương Trí Nhàn: Anh thấy bài học chính qua đợt này là gì?

Hoàng Ngọc Hiến: Nó không phải ở chỗ dũng cảm kiểu hăng máu vịt. Phải có một sự tỉnh táo trí tuệ ghê lắm.

Vương Trí Nhàn: Vấn đề chính anh đã nói trong một số sách đã viết thời gian vừa qua là gì? và chủ đề trong thời gian tới?

Hoàng Ngọc Hiến: Tôi tưởng đó là điều tôi đã nói khá rõ trong tập sách đầu; đó là cần phải có những nhân cách lớn. Phải đấu tranh chống lại thói tư sản phàm tục. Đó chính là cảm hứng rất rõ qua kịch Mai a - mà do làm, tôi mới hiểu được.

-----

Có mấy buổi họp toàn những vị cốp trong giới văn nghệ diễn ra trong ba ngày 17, 18, 19/12/1980. Tôi không được dự chỉ nghe Bùi Văn Ba (Phương Lựu) kể mấy ông Phan Cự Đệ, Đông Hoài, Lê Xuân Vũ sớm quay ra công kích bài Hoàng Ngọc Hiến: nào gây khó khăn cho việc giảng dạy của họ, nào là rơi vào luận điểm tư sản (L. Goldman, Camus)

Hoàng Ngọc Hiến lên trả lời ngay. Nhưng ông không bào chữa cho mình vội mà hãy nêu một số ý kiến về đời sống lý luận

1. Về vấn đề đóng - mở. Sự thực đây là vấn để bảo tồn và phát triển.

Có nhiều người nghĩ bảo tồn là bảo tồn nguyên tắc, còn chỉ phát triển về mặt khoa học. Thật ra thì nguyên tắc cũng phải phát triển, nếu không, nó sẽ trở nên ẩm ương, hoặc dở hơi nữa.

Ví dụ như chuyên chính vô sản, ở một số nước thì chuyển thành vấn đề đảng toàn dân, ở ta thì chuyển thành làm chủ tập thể.

Ví dụ nội dung tính đảng đang đuợc chuyển thành nhân đạo cộng sản chủ nghĩa.

2. Về yêu cầu của lý luận phê bình

Người ta thường chỉ nói tới hai yêu cầu: quan điểm lập trường, và chất lượng thông tin của các bài.

Nhưng còn một điểm nữa, phải nhấn mạnh đó là chất lượng văn hoá - ngôn ngữ của bài. Có những người, có đủ hai yếu tố trên rồi, cũng vẫn không trở thành nhà phê bình, nếu thiếu yếu tố cuối cùng.

3. Về yêu cầu đào tạo đội ngũ

Như tôi - Hoàng Ngọc Hiến nói, tôi có thể làm được một ít việc, vì hồi trước, tôi có được học tiếng Pháp và sau đó, tôi có đi học Nga.

Nhiều anh em viết phê bình khác, anh anh Đức, anh Đệ, không đọc chắc chắn được một ngoại ngữ, thì làm sao có thể bàn chuyện gì đến đầu đến đũa được.

Về bài của mình, Hoàng Ngọc Hiến bảo đây là một bài tôi viết trong chùm bài viết cho tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, trong đó, tôi đề cập đến hàng loạt vấn đề: quản lý vận động của văn học thời kỳ mới, quản lý vận động của văn học mao ít của ta.

Phải nói là chưa bao giờ viết xong tôi hào hứng như vậy. Tôi tưởng là anh Trần Độ sẽ tăng lương cho tôi ngay.

Chính tôi cũng bất ngờ vì bài báo bị người ta lợi dụng. Có những người đến bảo vào tai tôi “Cậu phải đánh chúng nó thế mới đích đáng”. Tôi rất phản đối.

Theo tôi, rất nên chú ý là bài viết của tôi có cái nhan đề là “về một đặc điểm...” như vậy, tôi chỉ nói một đặc điểm, chứ không phải nói tất cả. Vả chăng, bài viết của tôi là thuộc loại tiểu luận mỹ học, viết để đăng trên một tạp chí chuyên ngành, phạm vi phục vụ hẹp. Tôi đã có khuyết điểm là không kiên trì để lại đăng ở tạp chí đó mà lại mang đăng ở báo Văn nghệ,

....

Theo Phương Lựu, bài nói của Hoàng Ngọc Hiến tốt, tạo được không khí.

Còn nhiều người khác, công kích Hoàng Ngọc Hiến, nhưng không có gì sắc sảo. Kể cả ông Chế Lan Viên.

Trước lúc lên diễn đàn, Chế Lan Viên bảo với Hoàng Ngọc Hiến:

- Tôi sẽ đánh anh. Đáng nhẽ tôi với anh phải chung một trận tuyến đánh giáo điều đã. Nhưng bây giờ tôi đánh xét lại trước, rồi đánh giáo điều sau.

- Vâng, xin mời anh. Nhưng ta hẹn với nhau nếu anh không đánh được tôi, anh phải khao tôi một chầu thịt chó đấy nhé.

Thế là Chế Lan Viên lợi dụng, vào đề ngay - Chúng ta đánh anh Hiến hơn một năm nay, mà anh vẫn tự hào là anh đúng.

Chế Lan Viên gọi đây là hiện tượng Nhân văn 2. Nhớ được lý luận gì, tên tuổi nào ở phương Tây, ông lôi ra hết. Ông đặt cho Hoàng Ngọc Hiến 15 câu hỏi, theo lối bắt nọn, rất khó chịu. Rồi ra ngoài Chế Lan Viên còn bắt tay ông Hoàng Ngọc Hiến.

(Số 2 của năm1981 báo Văn nghệ mới đăng bài Chế Lan Viên phê phán Hoàng Ngọc Hiến và Nguyên Ngọc - nhưng gọi tắt là ông X. Nguyễn Văn Hạnh cho là phen này Chế sẽ mất hết vốn liếng sẵn có, mất hết bạn bè, hoàn toàn cô độc)

Ý của Nguyễn Đình Thi ở hội nghị:

- Nói như anh Hiến cũng là cực đoan và bè phái. Văn nghệ cao cả cũng có cái hay của nó. Thời cổ, Sôphốc là cao cả, và một người khác (Arítstôphan hay Ơripít ?) là tả như thực, hai người đều hay.

Gớt là cao cả, là hay v.v. và v.v

Cho nên, nói viết như thế này hay thế kia không hay, là còn hiểu nông lắm.

Vương Trí Nhàn: Theo ý anh, lý luận bây giờ có vấn đề gì?

Nguyễn Đình Thi: Phải trở về với những cái cơ bản. Gớt bàn về thơ, Bandắc bàn về tiểu thuyết đều nên dịch và cho in cả, tạo nên cái nền cho chắc. Thứ hai, là suy nghĩ về dân tộc, về nguồn của mình cho tốt. Đừng có tin ở những ông óp ông ép nào đó hiện nay. Họ sẽ bị quên đi thôi. Đừng để họ úm mới phải.

(Trích "Nhật ký văn nghệ 1980")