Già làng Krajan Plin khẳng định: Nhân vật "Lang Biang" trong giai thoại đang được truyền tụng đã bị tùy tiện biến nhân vật nữ thành nam. Trong sử thi K'ho, nhân vật K'Lang vốn là nữ và K' Biang là nam.


Giải ngộ nhận folklore về Lang Biang

KRAJAN PLIN

Rất đáng mừng khi văn hóa dân gian của các dân tộc ngày càng được quan tâm hơn. Chính nó đang góp phần bảo tồn, đồng thời đưa văn hóa dân gian, đưa sử thi các dân tộc truyền bá rộng rãi hơn, vượt xa hơn giới hạn địa lý nơi sản sinh ra nó. Đổi lại, vẻ đẹp huyền bí của nó cũng có những đóng góp nhất định để tạo nên dung mạo, thương hiệu từng vùng đất, góp phần vào việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phát triển du lịch - văn hóa. 

Đáng tiếc, nhiều yếu tố văn hóa dân gian đã bị hiểu sai và hoàn toàn sai. Với bài viết ngắn này, tôi muốn góp ý với nhóm tác giả, các cá nhân là những người đã thực hiện bài viết về truyền thuyết Lang Biang nói riêng, và viết về những địa danh liên quan đến vùng đất Lang Biang và xứ sở thần tiên Đà Lạt ngày nay nói chung. Với cương vị một già làng của vùng đất Lang Biang (Lạc Dương, Lâm Đồng), cho phép tôi cùng đóng góp một phần nhỏ về những giá trị quý báu mà ông bà tổ tiên chúng tôi để lại, cũng là những gì mà tôi đã và đang đi tìm suốt cả cuộc đời.

Đã có những ngộ nhận, đấy là điều rất đáng tiếc và tai hại.Những chi tiết không đáng có và nghịch lý, lấy cách tư duy phụ hệ kiểu người Kinh áp đặt cho truyền thuyết "Lang Biang"... trong khi tộc người K'ho xưa nay họ lại tư duy và quan niệm khác, xuất phát từ quan niệm mẫu hệ.

Tôi xin gạch đầu dòng giải ngộ nhận một số sai lầm.

Đề cập đến sử thi thì phải nhớ rằng, cách xưng hô của tộc người bản địa Tây Nguyên, nếu là vợ chồng thì bao giờ tên người đàn bà đều luôn đứng trước tên người đàn ông.Nhân vật "Lang Biang" trong giai thoại đang được truyền tụng đã bị tùy tiện biến nhân vật nữ thành nam. Trong sử thi K'ho, nhân vật K'Lang vốn là nữ và K' Biang là nam. Khi được truyền bá, tác giả hoặc nhóm tác giả đã tự động đảo ngược nhân vật. Xin lưu ý, tên của người nữ đặt trước, người nam đứng sau, đó là một nét thuần phong mỹ tục.

Ngoài ra, nhiều trường hợp khác trong sử thi, người ta chỉ cần nhớ tên mẹ đẻ ra nhân vật thôi, vì cha là thần linh như trong “Sử thi cây đa thần”,  Tồng - Tàng kon K'Rơng  nghĩa là anh em Tồng-Tàng con bà Rơng; Du Bot kon K'Glang (Anh em Du và Bot con bà Glang)...

Đến giai đoạn gần cuối kỳ sử thi, chưa có khái niệm phân chia dân tộc này hay tên gọi dân tộc, họ vốn thuộc đồng tộc người duy nhất. Người K'ho là tên của hai anh em chàng trai tên là K'ho và K'he. Cả hai đi làm dân công dẫn thuỷ nhập điền thời vua Po Klong Giarai của người Champa, thế kỷ XI, xây dựng đập Nha Trinh chắn ngang sông Cái, vùng Ninh Sơn gần Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Họ được người Champa biết từ đó và gọi người sống trên vùng Cao nguyên Lang Biang này là người của hai anh em K'ho, K'he, nay biến thành dân tộc K'ho.

Nếu đó là truyền thuyết thì nó phải có đầu đuôi của cốt chuyện, phải có cha sanh mẹ đẻ của nhân vật và những địa danh liên quan. Nhìn chung bài viết về truyền thuyết về “chàng Lang và nàng Biang” đang được sử dụng kể trong các tour du lịch vô tình đã phá và làm mờ nhòa đi những giá trị đích thực vốn có, từ lâu đời trong sử thi.

Tôi cho rằng đó là một sáng tác mới dựa vào hai từ "Lang Biang" chứ không hề thấy tác giả/ nhóm tác giả căn cứ vào bất cứ từ tài liệu nào liên quan đến sử thi Lang Biang cả.

Thực tế Lang Biang gồm có hai truyền thuyết. Truyền thuyết thứ nhất có liên quan đến sử thi được truyền miệng đi vào thi ca, lưu truyền một cách rộng rãi đến ngày nay. Truyền thuyết thứ hai ít người biết đến, không liên quan nhiều đến sử thi nhưng nó dễ lôi cuốn người nghe về chuyện tình yêu.

Truyền thuyết thứ nhất kể rằng, Lang Biang là xứ sở thần tiên, là nơi được thần Ndu - Đấng sáng tạo - chọn làm "rốn trời" (klõ trồ) là tâm điểm của vũ trụ, sau khi các vị thần con cái của thần Ndu hoàn thành sứ mệnh và quay về trời. Thời kỳ vạn vật hữu linh, thần linh, con người và vạn vật đều nói hiểu một tiếng nói chung duy nhất. Trước khi về trời thần Ndu muốn các vị thần sai con người và tất cả vạn vật muôn loài cùng nhau xây đắp lên một ngọn núi cao để làm tâm điểm của vũ trụ gọi là rốn trời.

Quá trình xây đắp ngọn núi, con người và vạn vật muông thú gặp rất nhiều khó khăn, đắp bên này thì sạt lở bên kia... Chúng nghĩ đủ mọi cách nhưng vẫn không thành, chúng bèn bày ra lễ vật tế thần. Lễ vật là bảy con gà trắng, bảy con vịt trắng, bảy con heo trắng, bảy con dê trắng, bảy con trâu trắng, bảy cô gái và bảy chàng trai...

Cuối cùng phải nhờ đến thần gió là (K'Teh càl thơu) bay vượt ngàn đại dương rồi mang về rể cây trầm (kră kơl hơu) cắm vào lòng đất, từ đó mọi thứ đều trở nên dễ dàng cho đến khi hoàn tất.

Lễ tế thần trong lịch sử tế thần được tổ chức tại bãi đất trống là "Dơng Dạ bềl", rất linh đình, giữa thần linh, con người muông thú. "Dơng Dạ bềl" và sự tích liên quan, là bãi đất trống bên kia bờ hồ Đang kia, hiện nay vẫn còn nguyên, được coi là nơi đã diễn ra lễ tế thần cuối cùng, gọi là: "Tác nang Lang Biang".

Ý nghĩa và quan niệm những chuỗi ngày, vòng đời, sự kiện liên quan đến con số 7 là sau bảy ngày, bảy tuần, bảy tháng, bảy năm, và sau mười hai năm sẽ được tổ chức sự kiện đại lễ tuỳ thuộc vào con số liên quan như nói trên.

Sau lễ tế thần con người bắt đầu lấy từ gốc là "Kră" làm họ đầu tiên để nhận biết dòng tộc, "Kră" sau này biến thành họ Krăja#, Kơ să, Cêl, Cil v.v. Họ tách dần rồi mang họ khác, ở trên núi thì lấy tên ngọn núi, ở gần suối thì lấy tên con suối đó, thành các tộc nhánh v.v... Tuy nhiên, vẫn còn có nhóm tộc người tách ra không mang họ bởi nhiều lý do, chúng tôi sẽ đế cập sau.

Truyền thuyết thứ hai, K'Lang là con gái duy nhất của bà K'Yah và ông Brah Yang. Bà K'Yah là người cai quản vùng đất thuộc cực Nam vùng Cao nguyên. Bà K'Bồng lấy ông K'Krong sinh ra chàng trai tên là K'Biang. Ông bà được thần linh giao phó cai quản vùng đất cực Bắc Cao nguyên, là người giàu có nhất vùng.

K'Lang và K'Biang gặp nhau trong lễ hội "Tác năng, trai tài gái sắc đem lòng yêu nhau. Tan hội họ ôm nhau thật chặt, bịn rịn chia tay rồi đường ai nấy về, hẹn sớm ngày gặp lại. Họ đeo vòng đồng cho nhau cùng ước hẹn sẽ mãi bên nhau.

Chàng K'Biang phi ngựa trắng ngược lên núi, Nàng K'Lang leo lưng ngựa xuôi về vùng đất Brah Yang ngày nay là Njring, tức Di Linh.

Vì quá nhớ người yêu nên mỗi lần lên rừng, nàng nhìn lên cây lá, lá cây héo theo, nàng nhìn cây thông, cây thông cũng buồn theo. "Glang tơ chi rao, glang tơ Nhho jrop", nàng đi xuống suối tắm hình bóng của chàng cứ luôn hiện lên đâu đó như bám theo, càng khiến nàng thêm nhớ nhung da diết.

Thương nhớ người yêu, nhiều ngày liên tiếp nàng không ăn uống nên ngã bệnh. Mẹ nàng vội đi tìm đến thầy phù thủy, thầy cúng giỏi nhất Bon nhưng không sao chữa được.

Chàng K'Biang đang mãi mê vui đùa với đàn thú hoang, chim muông quanh quẩn bên mình thì chợt nhớ đến nàng. Nhìn chiếc vòng đồng trên tay bỗng nhiên có vết nứt khác lạ, chàng hiểu là điềm báo xấu. Chàng vội về nhà xin phép cha mẹ rồi leo lên lưng ngựa phi nước đại đến thăm nàng. Nàng nằm vật vã như sắc không hồn bên bếp lửa. Từ đằng xa nghe tiếng vó ngựa phi nước đại. Tiếng vó ngựa càng gần càng to dần, đến nhà nàng bỗng ngưng tiếng đột ngột.

Chàng buộc ngựa dưới gốc cây, nhanh như sóc chàng bước lên nhà sàn bế nàng ôm vào lòng. Nàng từ từ mở mắt. Thấy chàng, người nàng run lên vì sung sướng hạnh phúc. Gặp lại chàng, nàng rất vui vẻ khoẻ mạnh, chẳng muốn rời chàng, dù chỉ một nửa bước chân.Nhưng chàng vẫn phải về, vì cả hai bên đều là con một của hai dòng họ. Quá yêu, nàng thúc giục cha mẹ nàng lên xin hỏi cưới chàng.

Việc hỏi cưới không thành vì không môn đăng hộ đối. Cả hai đều rất buồn vì dòng họ và cha mẹ nàng đòi bồi thường thiệt hại danh dự quá lớn.

Mẹ cha K'Lang sai quân đi lùa về hết đàn thú hoang, chim muông từ thượng nguồn về. Dòng họ chàng K'Biang biết chuyện không lành sắp xảy ra cũng sai quân ra chặn.

Cuộc chiến tranh giữa hai dòng tộc khiến K'Lang và K'Biang tìm đến cái chết khiến cho tất cả vạn vật muôn loài đắp ngôi mộ "Pơthi" thành ngọn núi Lang Biang. Nước mắt muôn loài khóc thương họ biến thành dòng sông xanh gọi là Da Ning (đọc là Đa nhing) nay biến từ thành Đa Nhim.

Lang Biang, 26/6/2022

 

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An