Trong “Đàn bà chợ Sắt” có khá nhiều mối tình dang dở như là bi kịch của tình yêu. Đó là mối quan hệ tay đôi giữa Trí và Hạnh, họa sĩ Tư và Nội, Thọ Sẹo và Lý…Những lứa đôi này không “tới bến” được và bị “đứt gánh” vì nhiều lý do khách quan khác nhau.


CHỢ SẮT VÀ NHỮNG PHẬN NGƯỜI THẤM ĐẪM MƯU SINH

(Đọc tiểu thuyết “Đàn bà chợ Sắt” của Ngô Thế Trường, NXB Hội Nhà văn 2022)

ĐẶNG HUY GIANG

    1.

 Tôi biết Ngô Thế Trường qua văn xuôi và làm quen với ông qua tập bút ký “Xà Xía không xa xôi” được ấn hành qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn từ năm 2011. Trong “Xà Xía không xa xôi”, Ngô Thế Trường có một bút ký cùng tên, cũng là tên của tập sách đầu tay của ông. Bút ký này được viết từ năm 1982, thời ông còn gắn bó với Kiên Giang và đã đoạt giải B trong một cuộc thi bút ký được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1982, cùng với những tên tuổi khác như Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Văn Đệ... Cái tên Xà Xía hấp dẫn và ám ảnh tôi từ ấy. Mãi sau này, tôi mới biết Xà Xía là một địa danh xa xôi ở biên giới Tây Nam Bộ và có nghĩa là đèn cầy (ngọn nến). Tôi nghĩ, nếu không có cuốn sách này, hẳn cái tên Xà Xía sẽ rất ít người biết, hoặc ảnh hưởng của nó sẽ rất hạn chế.

    Văn chương có lắm khi mang lại giá trị rất đáng kể và đôi khi có sự lan tỏa không ngờ, ngoài sức tưởng tượng của người viết, là như vậy!

    Trong kháng chiến chống Pháp, nếu không có bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, hẳn người ta không nhớ đoàn quân Tây Tiến. Chính tứ thơ “Tây Tiến” đã có công gọi tên và vinh danh một đoàn quân vốn dĩ gần như vô danh này. Vì sao vậy? Đơn giản vì đoàn quân này chỉ hành quân giáp nước bạn Lào, làm nhiệm vụ chi viện cho mặt trận phía Tây, tương đối im hơi lặng tiếng, chưa kịp lập nên một chiến tích nào đáng kể, ngoài cái việc phải trải qua gian nan, khổ ải. Đây là ví dụ thứ nhất.

    Trước 1975, tỏi Lý Sơn không có tiếng tăm gì và hầu như không có người miền Nam nào biết đến. Vậy mà sau một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thành Long, sau 1975, tỏi Lý Sơn khác hẳn, trở thành một thứ đặc sản vượt qua giới hạn của một hòn đảo, được người Việt Nam biết đến. Đây là ví dụ thứ hai.

    Vậy là một ngọn đèn cầy của Ngô Thế Trường đã đi vào văn chương. Và theo tôi, cũng là một ngọn-đèn-cầy-văn-chương rất tự nhiên phát sáng, từ ngày ấy đến tận bây giờ.

     11 năm sau, Ngô Thế Trường trở lại với văn xuôi quyết liệt hơn, triệt để hơn, đầy đặn hơn và có ý thức hơn qua tiểu thuyết “Đàn bà chợ Sắt” được ấn hành bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn đầu năm 2022.

    Tất nhiên, giữa hai khoảng lặng văn xuôi ấy, từ năm 2012 đến năm 2016, Ngô Thế Trường đã kịp in đến 6 tập thơ, tính trung bình mỗi năm in một tập thơ (không kể những tập in chung khác). Đó là “Sóng mặn”, “Mùa sương muối biển”, “Mặt trời đáy bể”, “Thơ biển”, “Những lỗ vuông” và ông cũng đã nhận thêm ít nhất là ba giải thưởng nữa trong thơ: Giải Nhì (không có giải nhất) cuộc thi “Nhịp sống mới trong thơ” do Báo Người Hà Nội tổ chức năm 2013, Giải Nhì cuộc thi đề tài Công nhân và Công đoàn giai đoạn 2010 - 2013, Giải thưởng về đề tài biển đảo của Hội Nhà văn năm 2020.

    Riêng về thơ, Ngô Thế Trường là người đầy cá tính và vạm vỡ. Chữ nghĩa của ông luôn trần trụi, sắc nhọn, độc đáo, khác người, đầy cá tính. Tôi đã từng gọi Ngô Thế Trường là “kẻ bạo chữ” trong thơ và đặt tên cho một tập sách ở dạng chân dung văn học của mình xuất bản cách đây vài năm. Ngô Thế Trường có hai câu thơ đã trở thành thương hiệu của ông qua “Quy Nhơn”: Núi như người tình lớn/ Đè nghiêng chiều Quy Nhơn.

    Trong một khoảng thời gian không dài lắm, một người viết văn, làm thơ được như thế, theo tôi, là rất đáng kể và đáng nể, về cả sức viết lẫn sự đột phá theo tạng người và cách viết của ông.

     2.

Theo tôi được biết, trong phạm vi cả nước, có nhiều chợ truyền thống rất có tiếng và trở thành nét riêng rất đáng tự hào của nhiều địa phương. Hà Nội có chợ Đồng Xuân, Nam Định có chợ Rồng, Hải Phòng có chợ Sắt, Huế có chợ Đông Ba, Sài Gòn có chợ Bến Thành…Tôi không biết chợ Đồng Xuân, chợ Rồng, chợ Đông Ba, chợ Bến Thành đã được phản ánh trong văn chương như thế nào, đã đi vào văn chương như thế nào, nhưng với riêng tôi, chợ Sắt đã đi vào tiểu thuyết của Ngô Thế Trường với những trang viết đầy tâm huyết, máu thịt. Và sự ghìm nén tất cả để giải thoát thành tác phẩm trong Ngô Thế Trường không phải trong một vài năm, mà là nhiều năm, có khi được tính bằng nửa đời người hoặc hơn thế nữa.

Ông dường như muốn tạo dựng lại chợ Sắt, khắc họa lại chợ Sắt, đắm mình vào chợ Sắt, hết lòng với chợ Sắt qua thân phận của những người đàn bà mưu sinh ở chợ Sắt, sống chết với chợ Sắt trong nhiều thời kỳ với nhiều lát cắt, nhiều góc độ khác nhau, như để trả ơn chợ Sắt. Đó cũng là sự mưu sinh sát ván, bầm dập, thấm đẫm mồ hôi và máu của nhiều kiếp người. Đó là một “xã-hội-chợ-Sắt” với những nổi nênh, trôi dạt cùng với nhiều thế hệ người từng cộng sinh với nó. Nói một cách khác: Họ là chợ Sắt và chợ Sắt chính là họ. “Đàn bà chợ Sắt” mang tính tư tưởng cao. Các nhân vật luôn vượt qua mọi rào cản của lịch sử để quyết định vận mệnh của chính mình. Họ không hầu như không bị tha hóa và buông trôi trước thời cuộc.

     Trong “Đàn bà chợ Sắt” có khá nhiều mối tình dang dở như là bi kịch của tình yêu. Đó là mối quan hệ tay đôi giữa Trí và Hạnh, họa sĩ Tư và Nội, Thọ Sẹo và Lý…Những lứa đôi này không “tới bến” được và bị “đứt gánh” vì nhiều lý do khách quan khác nhau. Trí chờ Hạnh mấy năm, nhưng vì người yêu của anh phải lấy Cả Nghi làm chồng vì để trả ơn cứu mạng, nên đành bất khả kháng. Lý không lấy được họa sĩ Tư vì anh không may mắc bệnh lao và mất sớm. Còn Thọ Sẹo không nên duyên với Lý được vì mất tiền, rồi trong cơn hoang mang, hốt hoảng đến tột cùng, tự ngã xuống biển mà chết. Về cơ bản, đó là những cuộc tình buồn, không có kết cục như mong muốn. Họ cứ hướng tới nhau mà không hoàn toàn thuộc về nhau. Có nhiều khi chỉ là những hành trình tới đích mà không thể nào tới đích. Họ như những cái bóng vật vờ trong thời cuộc, theo thời cuộc, nhưng lại không thể thiếu của đời sống chợ Sắt và là một phần gần như hữu cơ của chợ Sắt.

    Nhân vật trung tâm của “Đàn bà chợ Sắt” là Hạnh - một người đàn bà đẹp một cách sắc sảo, hấp dẫn đàn ông; một người phụ nữ nhân ái, hết lòng thương yêu con cái; một người can trường, luôn bênh vực kẻ yếu, không sợ kẻ mạnh, có đầy đủ phẩm chất và bản lĩnh của một thủ lĩnh nơi thương trường; không chấp nhận cuộc sống nghèo khó, hoàn cảnh nghèo khó; hiểu đời và trải đời…Có lúc Hạnh quyết liệt đến mức từ bỏ chồng, coi như chồng đã chết, tự mình cùng hai con mình chít khăn tang để khai tử một phần đời khốn khó, cùng cực. Rồi cũng một tay mình mà nuôi hai người con nên người.

Vì yêu thương con người, Hạnh dám bước qua cả ý thức hệ để giúp đỡ, bao bọc Thái - vợ Bình - vợ một Việt Minh vào thời điểm 1945 và trước 1954. Vì bảo vệ mình, có lần dùng dao chém “dóc luôn hai ngón tay” của Tư Ngang - một đầu gấu đất Cảng, vì đã dở trò bậy bạ. Hạnh đã làm đủ nghề, thường xuyên trong vai cầm trịch, đến bọn “chỏm”, bọn “chăn” cũng phải sợ vì “tính sòng phẳng, ngay thẳng, dám chịu thiệt thòi về phần mình”. Hạnh luôn quan niệm sống “ở đời làm sao cho phải kiếp” và sống ở miền biển thì “kiếp đàn bà phải theo sóng theo nước”. Một khi vừa phải chịu trận giữa đời, phải sống sao cho phải với mình, phải sống sao cho phải với những người thân của mình, phải sống sao cho phải với mọi người, thật khó!

   Và người đàn bà ấy đã sống phải với mình qua nhiều phần đời, ở nhiều thời khắc của lịch sử, cốt sao được là mình, cho dù phải chấp nhận nhiều trái ngang, thua thiệt, mà vỡ ra, ngộ ra nhiều cái lẽ ở đời.

    3.

Cách diễn đạt của “Đàn bà chợ Sắt” rất có văn.

    Đây là đoạn mở trong Chương 1, báo hiệu một cái gì đó thật không bình thường hoặc bất thường:

   Mưa tầm tã, như những đợt sóng từ Cát Hải kéo về lê thê. Gió rít từ biển, sóng sông Chanh dập dềnh. Mấy cây lim già xóm Giếng còn sót lại từ thời cụ Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, thân sù to mấy người ôm không xuể cũng lật cành theo gió cuốn gẫy.

    Sớm trời bừng sáng. Ánh sáng kỳ lạ như dát vàng, nó cũng ẽo ọt như tiếng kèn đám ma cụ Cai Máy Đền chờ con cháu bên Phòng, từ quê gốc về chịu tang…

   Đây là trích đoạn trong Chương 7, sau một sự cố do chiến tranh gây ra ở làng Quèn (Nghệ An):

    “Mọi người vội vã sấp đè lên nhau giữa khoang đò. Sóng lật trái, lật phải…nước bắn tung tóe. Bốn, năm tiếng nổ không còn biết trời đất đâu nữa. Cả con đò ngập giữa dòng sông Thơi.

    Những tiếng kêu thất thanh rồi chìm vào đêm lạnh buốt. Xong một chuyến đò. Xong những đời người không rõ mặt nhau. Tiếng ì ầm của tàu chiến mất dần xa ngoài biển…”

     Đây là một trích đoạn nữa trong Chương 12, ghi nhận cái khoảnh khắc đêm qua ngày tới ngỡ như thường nhật mà không thường nhật:

     “Ngoài sông Lấp, nước thủy triều ì oạt. Có lẽ đây cũng là lúc yên tĩnh nhất của thành phố Cảng. những con thuyền gỗ ở khắp các tỉnh về đây, hạ buồm, nằm kề bên nhau. Tiếng xác gỗ chà xát vào nhau. Đôi lúc tiếng ngáp của người không ngủ. Lành lạnh. Rồi tiếng thở hổn hển sau một trận thầm lặng tình dục cuồng nhiệt của đôi vợ chồng yêu nhau. Tiếng con mèo nhảy lên mui thuyền để kiếm ăn, đi tìm bạn…Ngọn đèn chai leo lét, đung đưa. Cả dòng sống đang đợi, đợi những sự thật, đợi sớm mai…”

    Những trích đoạn “có văn” ấy, góp phần làm nên sức hấp dẫn của “Đàn bà chợ Sắt”. Nhưng quan trọng hơn, “Đàn bà chợ Sắt” còn kết nối tác giả và độc giả bởi tác phẩm mang dấu ấn của cá nhân và dấu ấn thời cuộc trải dài từ trước Cách mạng đến tháng tư năm 1975. Và quan trọng hơn nữa, “Đàn bà chợ Sắt” đã viết về số phận con người nói chung và số phận con người Hải Phòng, số phận con người chợ Sắt nói riêng. Chưa kể, nó còn “mong góp phần nhỏ biết ơn những người Mẹ của đất quê hương Cửa Biển đã nuôi dưỡng anh em tôi, bạn bè tôi…”

    Ở một chừng mực nào đó, Ngô Thế Trường đã chỉ tập trung khai thác đến tận cùng những chi tiết, những sự kiện, những đời người có màu sắc chính yếu để dựng lên một “Đàn bà chợ Sắt” thật tối giản, cô đặc mà vẫn hàm chứa, sâu xa qua lăng kính chủ quan và trải nghiệm cá nhân theo lối chính truyện của Lỗ Tấn.

     Theo tôi, đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng qua những trang văn.