Tuổi trẻ Nguyễn Du trưởng thành giữa bao ly loạn, tang thương; xót xa, đau đớn cho những người thân và đồng loại, ông tìm đến văn chương như một phương tiện hữu hiệu nhằm cứu giúp cuộc đời.


CẦM BÚT KHI TÌNH THƯƠNG BỊ ĐÁNH CẮP

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

 

Viết bởi sự phẫn nộ, đau đớn, tủi nhục, tuyệt vọng...

Điều cần nói trước tiên: tôi không phải là nhà văn, tôi chỉ là một người làm phim có may mắn được học văn một cách khá hệ thống thời trẻ, may mắn hơn là không bị mai một lòng yêu thích văn chương giữa chật vật mưu sinh; khi không có điều kiện làm phim hoặc từ chối những dự án phim không phù hợp, tôi viết văn xuôi hay đem những kịch bản (scénario) của mình như một thứ “lương khô” cải biến thành các truyện ngắn, truyện dài, truyện phim (mà tôi nghĩ rồi tới lúc kiểu roman-cinématique - truyện phim như của nữ văn sĩ Marguerite Duras sẽ được coi là một thể loại văn học chính thống ở nước ta).

Và cái lý do - tựa giọt nước làm đầy tràn cốc nước - để tôi mạnh dạn dám tham góp cùng các bậc cây đa cây đề trên một Diễn đàn có tên “Vì sao tôi viết”, chính là sự kiện xã hội nóng bỏng nhất hiện giờ khiến tôi đau lòng tới độ nhức nhối, thậm chí là thấy “trống rỗng” (như nhà văn Nguyễn Đức Tùng mới phát biểu ở Diễn đàn trên): mấy gương mặt dân sự người già, thanh niên thanh nữ hiền lành trang phục nâu sồng bình thản đón nhận những mức án kinh khủng, không thể tưởng tượng nổi so với cái tội danh mà họ bị gán, chỉ vì họ không được Giáo hội chính thống công nhận, và đã dám buông lời bình dân thế tục xúc phạm tới oai linh của một vị sư chức sắc có “Thẻ Ngà”!

Nhiều bài viết, lời bình luận trên mạng xã hội đã mỉa mai, lên án việc ông thầy chùa nọ đã vi phạm cái giới luật Tham - Sân - Si của Tứ Diệu Đế đạo Phật, còn riêng tôi lại cảm thấy xót xa vì cái gốc đạo Phật là Từ bi - điều đã dẫn dắt tâm linh, tâm hồn dân tộc hàng ngàn năm - đã bị chính ông ta chà đạp một cách nhẫn tâm! Lòng Từ bi ấy khi trở thành “Lễ vật” thiêng liêng của của Bụt dân gian đã có nền tảng sâu nặng là Tình Đồng bào, không phải là “tình thương yêu của người nghèo đối với nhà giàu, của thợ đối với chủ” như M. Gorki riễu cợt, mà là tinh thần của văn hào L. Tolstoy: “Nếu bạn thương yêu đồng loại, thì không phải bạn lập công trước Thượng Đế, mà Thượng Đế đã cho bạn cái hạnh phúc lớn nhất trên đời - Tình yêu”.

Chính Tình Đồng bào khô cạn khiến người ta đã cư xử với đồng loại như đòn thù ấy đã khiến tôi nổi “máu điên” phải nhiều lần cầm bút trong sự phẫn nộ, đau đớn, tủi nhục, tuyệt vọng. Như biết được câu chuyện về một vị tu hành có chức sắc tham lam, đố kỵ, biến chất ở một tỉnh miền núi đã tìm mọi cách trấn trị đồng đạo, là nguyên nhân chính dẫn tới sự sứt mẻ một tình cảm xã hội thiêng liêng, tôi đã viết thành truyện “Tình bạn phá sản”; hoặc đã viết truyện “Bản di chúc bi thảm” và “Một kiếp đầu thai” khi chợt nhận ra chân dung biến dạng một vị quan chức cao cấp địa phương và một quan chức cấp Bộ trong đợt biển miền Trung bị hủy diệt mấy năm trước: Tình xót thương vốn có đã chìm không sủi tăm bắt đầu từ ngày các ông cùng thế hệ được giáo dục căm thù vĩ đại, và sau đó lại bị bắn phá tả tơi suốt cuộc hành trình của các ông chinh phục quyền lực - các truyện mà không báo chính thống nào dám in, nhưng may mắn được vanchuongviet.org và vanviet.info đăng tải trọn vẹn.

Và viết bởi hy vọng…

Đại dịch vừa qua cũng có thể coi là một dịp hiếm có để không ít người trên khắp thế giới tỉnh ngộ đôi điều - ít nhất là tỉnh ngộ về Cái ác do mình hay người khác đã gây ra cho đồng bào, đồng loại. Ví thử, những kẻ vu oan giá họa cho gia đình nàng Kiều mà được xem bộ phim Mỹ The Tree of Life (Cây đời), nếu được sững sờ kinh ngạc trước sự sinh thành của một con người, chậm rãi, linh thiêng và vĩ đại, sánh với sự sinh thành của vũ trụ mà đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Terrence Malick kiên nhẫn miêu tả, chắc chúng sẽ rụt bớt sự tham tàn độc ác bởi nghĩ tới cha mẹ đã vất vả để chúng được thành người ra sao…

Trong khi nghiền ngẫm về cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du để có thể làm một phim truyện điện ảnh mang tên ông, càng ngày tôi càng thấm thía cái lý do cần thiết phải làm bộ phim này: Tuổi trẻ Nguyễn Du trưởng thành giữa bao ly loạn, tang thương; xót xa, đau đớn cho những người thân và đồng loại, ông tìm đến văn chương như một phương tiện hữu hiệu nhằm cứu giúp cuộc đời. Và tình thương trĩu nặng đối con người - đặc biệt đối với những người phụ nữ tài hoa bất hạnh, đã chung đúc nên bản lĩnh tâm hồn ông với tư cách là một nghệ sĩ vĩ đại từ tuổi thanh xuân… Có thể gọi ông là thi sĩ của tình thương và lòng trắc ẩn, biết trân trọng, xót xa cho mọi biểu hiện của nỗi khổ đau, kể cả ở số phận một con vật nhỏ bé – bộc lộ Tâm Phật của một trái tim lớn thấm hiểu đạo Phật ở bản chất sâu xa nhất của nó.

 Nguyễn Du trong những ngày bệnh dịch lan tràn khắp Kinh đô Huế, dính bệnh nằm chờ ôn dịch bắt, chắc cũng đã ngẫm nhiều về sự hỗn loạn, bạo liệt của thời thế, về nỗi đau thương đồng bào ông gánh chịu, mà nếu những người cầm quyền chỉ cần tĩnh tâm, hồi tâm đôi lúc thôi chắc sẽ có thêm chút tình thương dân để dân bớt đau khổ; nhưng ông không nói được với ai điều gan ruột này, vì thế đã im lặng ra đi… Tôi thiển nghĩ: trong những mối hận Kim Cổ của ông để lại cho đời, có mối hận đau đáu khôn nguôi là máu và nước mắt của dân lành chưa biết đến khi nào mới ngừng chảy trong những cuộc chém giết huynh đệ tương tàn, tranh cướp quyền lợi và danh vọng của tầng lớp tự xưng là “cha mẹ dân”… GS. Nguyễn Đình Chú, người thầy của nhiều thế hệ sinh viên văn khoa sư phạm đã nói với khán giả, qua ống kính máy quay của tôi: “Thiên tài của Nguyễn Du, trước hết là Tình thương Con người” - theo tôi, đó là một trong những nhận định hay nhất xưa nay về Đại thi hào dân tộc.

Tôi hy vọng cuộc đời Nguyễn Du sẽ được các nhà Nguyễn Du học và các nhà giáo từ cấp Phổ thông cơ sở tới Đại học chú tâm hơn tới không chỉ là nỗi long đong vất vưởng của ông, mà khai thác sâu cái Tình thương đặc biệt của ông như một Di sản cao cả nhất, quý giá nhất, góp vào công cuộc giành giật lại cái Tình thương bị xua đuổi, bị giết chết, bị đánh cắp suốt hơn nửa thế kỷ qua... Trong khi ấp ủ về bộ phim lớn nói trên, tôi đã kịp viết 14 tiểu luận về Truyện Kiều & thơ chữ Hán Nguyễn Du (Đã đăng tải trên vanchuongviet.org, vanviet.info, hopluu.net), cùng mấy truyện lịch sử về Nguyễn Du: “Ước vọng thiêng liêng của người mẹ”, và “Tâm bệnh Nguyễn Du”.

Và tôi cũng hy vọng sẽ tới ngày câu thơ quen thuộc: “Khi Nguyễn Du viết Kiều, Đất Nước hóa thành văn” trở thành tâm nguyện, ý hướng của hàng triệu người Việt: “Khi Nguyễn Du viết Kiều, Đất Nước hóa trái tim Bồ Tát”…